Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Sinh ra để thuộc về bầu trời

Trung tướngPhi công Nguyễn Đức Soát năm 1972.
Trung tướngPhi công Nguyễn Đức Soát năm 1972.

Phi công anh hùng bắn rơi 6 máy bay Mỹ

Nhiều người nhớ tới Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát là nghĩ về một trong những “phi công huyền thoại” của Không quân Việt Nam. Ông sinh ngày 24/6/1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), nhập ngũ ngày 4/7/1965, là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27. Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới 27 tuổi. Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng giữ chức vụ: Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Những phi công như Vũ Đình Rạng, Vũ Xuân Thiều, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Phạm Tuân… đã trở thành thần tượng của nhiều người, khiến người ta muốn một lần được trực tiếp trò chuyện. Thế rồi, một ngày trung tuần tháng 12 năm nay, tôi được gặp Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Trước đó mấy ngày, khi cầm trên tay cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của ông, tôi vẫn nguyên vẹn một cảm giác trước hết là tò mò. Một vị tướng không quân, ở tuổi 74, quyết định trực tiếp công bố những trang nhật ký của mình. Liệu những trang viết ấy có được ông “nhuận sắc” cho tươi hơn, khác đi so với những gì ông đã viết khi còn trai trẻ? Nhật ký của một phi công tiêm kích hẳn sẽ có những dòng, những đoạn rất riêng tư, nhiều khi chứa đựng những điều bí mật, liệu có bị lược đi, cất lại?…

Còn nhiều câu hỏi khác cứ vang lên trong đầu. Nhưng khi đã cầm trên tay, hơn 400 trang nhật ký của Trung tướng Nguyễn Đức Soát khiến tôi đã trở về thời thanh xuân của ông, như đang bước vào “đại dương thứ năm”, để hiểu hơn về ông, đồng đội ông, hiểu hơn về một thời, một thế hệ vàng của phi công anh hùng đã sống, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Và đúng như nhà thơ Hữu Việt – con trai của nhà văn Hữu Mai- tác giả tiểu thuyết “Vùng trời”, đã nhận xét, Trung tướng Nguyễn Đức Soát là người “sinh ra để bay lên, sinh ra để thuộc về bầu trời…”.

Nhật ký của ông ghi từ ngày 20/3/1966 (sau khi sang Liên Xô 8 tháng), viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu, và dừng lại ở ngày 31/12/1972 – một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nhật ký được viết trong 5 cuốn sổ nhỏ, nhưng đến nay 2 cuốn đã bị thất lạc. Những trang nhật ký công bố lần này trải dài suốt 7 năm của Nguyễn Đức Soát đã mô tả trung thực suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc. Qua những trang nhật ký, người ta còn thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường. Họ đã anh dũng đối đầu với những cỗ máy chiến tranh hiện đại của đối phương, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại Mỹ. Những chiến công của họ là một mốc son chói lọi của không quân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.

Máy bay tiêm kích ném bom Su-22 phi công Nguyễn Đức Soát lái năm 1988.
Máy bay tiêm kích ném bom Su-22 phi công Nguyễn Đức Soát lái năm 1988.

Ngày 13/3/1969, phi công Nguyễn Đức Soát đã bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Nhật ký ngày hôm đó, ông viết: “Lòng mình đang xốn xang một niềm vui khó tả. Niềm vui thật trẻ con, làm mình cứ rạo rực, lâng lâng. Sáng nay mình đã bắn rụng một máy bay không người lái. Nó rơi ở Bắc Phủ Lý”. Theo Trung tướng Nguyết Đức Soát, cái khó của đánh máy bay trinh sát không người lái là do chúng bay thấp, máy bay nhỏ nên radar rất khó bắt được mục tiêu.

Đặc biệt, năm 1972 như một dấu ấn, một mốc thời gian không thể quên đối với Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Ngày 23/5, ông lập chiến công lần đầu tiên khi bắn hạ chiếc A-7B của Hải quân Hoa Kỳ. Trong nhật ký, ông ghi: “Tâm trạng mình đang là trước một ngày hội. Còn gì sung sướng bằng được thấy máy bay kẻ thủ bùng cháy trước mũi súng của mình!”. Ngày 24/6, đúng sinh nhật, phi công Nguyễn Đức Soát đã bắn tên lửa hạ chiếc F-4E do Đại úy David B. Grant và Đại úy William David Beekman điều khiển. 3 ngày sau, phi công Nguyễn Đức Soát lại hạ một chiếc F-4E của Mỹ bằng tên lửa R-3. 2 phi công Mỹ kịp nhảy dù và bị bắt sống. Một cột mốc quan trọng khác: ngày 26/8/1972, Nguyễn Đức Soát tiếp tục lập chiến công khi bắn hạ chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Ông ghi chiến công cuối cùng của mình vào ngày 12/10/1972, khi bắn hạ chiếc F-4E của Mỹ.

Trong những thành tích của mình, ngoài sự nhạy bén còn luôn thường trực tinh thần quả cảm, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Ngay từ ngày 22/11/1969, ở tuổi hai mươi phơi phới, Nguyễn Đức Soát đã viết: “…Nghe nói chuyện mình tin ngày cách mạng thành công không còn xa nữa. Phải chết vào lúc cách mạng sắp thành công là điều thiệt thòi nhất. Nhưng mình đã sẵn sàng rồi. Được đi đánh, mình sẽ đánh hết sức. Nếu cần chết, mình sẽ không ngần ngại…”.

Bây giờ nhìn lại, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho rằng, đối với bộ đội không quân, sức mạnh không chỉ là những máy bay được trang bị mà còn là đội ngũ phi công tài ba, quả cảm không ngại hy sinh, đặc biệt là đội ngũ chỉ huy có trách nhiệm, kiên định biết vượt qua khó khăn. Sau này, ông cũng đứng ra đề xuất và tổ chức 3 cuộc gặp giữa cựu phi công Mỹ và Việt Nam từng tham chiến để tìm hiểu thêm chuyện phía sau các trận đánh, cũng như cơ hội để khép lại quá khứ.

 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát ký tặng độc giả.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát ký tặng độc giả.

 

Trải lòng trước diễn biến thời cuộc

Vóc dáng to cao của phi công tiêm kích khiến cho người lần đầu gặp Trung tướng Nguyễn Đức Soát có phần e ngại. Nhưng khi đã gặp gỡ, đã trò chuyện, ông tạo cảm giác thân thiện với người đối diện. Ông tâm sự: “Năm 1965 có thật nhiều dấu mốc quan trọng: là năm đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, bắt đầu bằng việc đưa quân đổ bộ vào Đà Nẵng, sử dụng không quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam; là năm mà đất nước được tổng động viên cục bộ với phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” để lớp lớp thanh niên náo nức tòng quân giết giặc. Năm ấy có 250 chàng trai gồm bộ đội, học sinh, sinh viên được tuyển chọn đưa đi đào tạo để trở thành phi công chiến đấu”. Ông cho biết thêm: “Trong đó có 130 học viên được gửi sang Liên Xô, 80 học viên sang Trung Quốc và 40 học viên vào học tại trường Không quân Việt Nam (sơ tán tại Tường Vân, Trung Quốc).

Hơn 100 phi công tốt nghiệp sau đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đối đầu lịch sử năm 1972 giữa Không quân nhân dân Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ. Tôi thật may mắn được là một trong số 250 học viên phi công năm ấy, không chỉ được chứng kiến mà còn được trực tiếp đồng hành cùng họ trong suốt từ những năm học bay, những năm tham gia chiến đấu đến khi Mỹ phải chịu thua và tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc cuối năm 1972. Tôi nhập ngũ vào không quân ngày 4/7/1965. Chỉ sau 23 ngày, vào ngày 27/7 năm đó, tôi cùng 58 học viên khác sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Do nhu cầu cần sớm có lực lượng không quân bổ sung cho các lớp phi công đàn anh đang chiến đấu, lớp chúng tôi được phía Việt Nam đề nghị Liên Xô đào tạo nhanh nhất có thể. Vậy là chỉ sau 2 năm 9 tháng, chúng tôi đã bay xong chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thuở ấy, trong khi chương trình đào tạo của bạn phải mất 5 năm”.

Kể về lý do công bố nhật ký sau hơn 54 năm giấu kín, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, cách đây ít lâu, Ban liên lạc Cựu chiến binh Không quân đề nghị ông viết một bài nhân 65 năm Ngày truyền thống Không quân. Để lấy tư liệu, ông quyết định lật mở những cuốn sổ tay cũ kỹ, đọc lại nhật ký của mình. “Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy đã ố vàng vì thời gian, tôi thấy mình như gặp lại những người bạn thời xưa, gặp lại giai đoạn hào hùng của đất nước, thấy được lòng yêu nước, khát khao chiến đấu của cả thế hệ thanh niên thời bấy giờ đồng thời như được sống lại cùng đồng đội với tràn trề khát vọng trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc” – Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, đồng thời cho biết: “Có nhiều tấm gương sáng, những tấm gương hi sinh dũng cảm của bạn bè, tình cảm yêu quý nhau trong chiến tranh…, tôi muốn mọi người biết đến vì nhiều người trong số họ ít xuất hiện trên truyền thông. Có những đồng chí đã hi sinh trong chiến tranh, có người chỉ sau chiến tranh thời gian ngắn nên chưa có sách nào viết kịp về họ cả”.

Ông cũng thừa nhận, nhật ký là những suy nghĩ riêng tư. Nhật ký chính là sự trải lòng trước diễn biến của thời cuộc của một cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay lên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ. Chính vì thế, ông luôn muốn giữ riêng cho mình và không muốn bất kỳ ai đọc được những dòng ghi chép ấy. Trung tướng Nguyễn Đức Soát cũng tiết lộ rằng, vì muốn cuốn nhật ký sẽ mãi mãi đi theo mình, nên trong những năm chiến tranh ông luôn mang theo bên mình, đút vào túi áo ngực bên trái, bên cạnh khẩu súng ngắn trong cả những chuyến bay huấn luyện lẫn xuất kích chiến đấu. “Một mặt để tiện ghi chép, song chủ yếu là để nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi đi theo tôi” – ông tâm sự.

Đọc lại những nét chữ của thời trai trẻ, nhiều trang nét mực đã phai màu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhận ra một điều: những trang nhật ký ấy không chỉ viết cho riêng mình mà viết về cả một tập thể những phi công thời bấy giờ. Những trang viết đầy cảm xúc về tình yêu đất nước của họ, những suy nghĩ về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn, những chiến công, thành tích mà họ đã đạt được và cả những mất mát trong chiến tranh… Vì vậy ông quyết định công bố nhật ký với mong muốn là nhiều người biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Nhưng từ quyết định công bố tới khi cuốn sách ra đời cũng là một hành trình. Hành trình ấy không phải là sự đắn đo công bố cái gì, giữ lại cái gì. Bởi như ông chia sẻ, đã công bố gần như tất cả những nhật ký đã viết. Ông chỉ bớt đi một số trang vì thấy sự lặp lại, còn tất cả nhật ký những ngày đánh nhau không bỏ ngày nào. Định lượng cụ thể hơn, ông bảo, đã công bố 85% nhật ký cá nhân.

Tôi cũng đã được xem một số trang nhật ký viết tay của ông trong những cuốn sổ đượm màu thời gian. Những dòng chữ đều đặn, nét chữ rất dễ đọc. Tỉ mẩn đối chiếu lại những gì đã viết và những gì đã in trong sách, thì đúng như điều Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã nói: “Tôi viết thế nào thì cho in như thế, không điều chỉnh gì cả. Mình tôn trọng sự thật, đừng biến nhật ký thành hồi ký mà nó hỏng đi mất. Cách viết của anh học sinh 21, 22 tuổi khác lắm, chẳng hạn năm 1969 lần đầu tiên bắn rơi máy bay không người lái, tôi lâng lâng với niềm vui rất trẻ con nên nghĩ sao viết vậy”.

Tất nhiên, đọc cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của ông, bạn đọc thấy thuận tiện hơn bởi bên cạnh cách làm sách chuyên nghiệp, người ta thấy Trung tướng Nguyễn Đức Soát có viết thêm lời dẫn trước các sự kiện, trước mỗi giai đoạn. Ông bảo, mục đích chính là để thuận tiện cho bạn đọc ngày nay, và những điều viết thêm ấy nhằm làm rõ hơn các sự kiện mà trong nhật ký, do là người trong cuộc, người viết chỉ ghi tóm tắt. Bên cạnh đó, ông cũng viết bổ sung một số thông tin vào sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về sự kiện, số hiệu máy bay, hay tên tuổi, chức vụ những viên phi công đối phương bị bắt…

Khi đọc cuốn sách của ông, nhiều người nghĩ Trung tướng Nguyễn Đức Soát hẳn phải là một người giỏi văn. Hay chí ít cũng phải là người yêu văn chương và đọc rất nhiều sách văn học. Còn tôi, khi đọc, xuất hiện một câu hỏi, rằng bản thảo này chắc cũng phải tham vấn nhiều cơ quan trước khi công bố? Trung tướng Nguyễn Đức Soát bảo, để cuốn sách tới tay bạn đọc, ông đã gửi bản thảo tới Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Tư lệnh để xem xét. Rất may là những phản hồi rất tốt.

Nhật ký là riêng tư, nhưng từ lâu cũng đã được coi là một thể loại văn học. Vì thế, “Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát xứng đáng là cuốn văn học phi hư cấu đặc biệt nhất của năm 2020. Cuốn sách cũng mở ra những chiều kích mới, cung cấp tư liệu quan trọng, mang tính nền cốt cho các nhà văn, các nhà nghiên cứu sau này muốn tìm hiểu, muốn viết về lịch sử Quân chủng Phòng không – Không quân, với những trận không chiến lịch sử cùng một “thế hệ vàng” phi công Việt Nam.

Nhật ký ngày 21, 23, 24/6/1972 của phi công Nguyễn Đức Soát.
Nhật ký ngày 21, 23, 24/6/1972 của phi công Nguyễn Đức Soát.

Ngày 29/12/1972

Mình đã giao ban buổi tối ở đại đội xong, Đoàn trưởng lại gọi sang gặp máy. Sau khi hỏi về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội ngày mai xong, Đoàn trưởng thông báo: “Trên chính thức công nhận đêm qua Vũ Xuân Thiều hạ được 1 B-52. Ra-đa C-26 ở Cẩm Thủy dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy – mật danh XB-90 lên đánh vào 1 tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội”. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi. Ở độ cao 10km, mà góc vào 900, cự ly chỉ 4km (nó nhìn bằng đèn vì không dám bật ra-đa). Thiều vào công kích. Một phút sau chỉ huy sở mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù được hay đã hi sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Sợ nó thoát ly sau khi bắn bị cắm xuống núi. Hiện nay, bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái ở Sơn La. Đồng thời anh Nhị còn báo: “Hùng, hôm qua hạ 2 máy bay. Người ta bắt thêm 2 thiếu tá Mỹ. Chúng khai bị MiG bắn rơi. Hùng đã hy sinh”.

Thiều là bạn thân của mình. Nó thông minh, sống chân tình và rất mực đức độ. Trong chuyện riêng, nhiều lần mình đã tìm đến Thiều. Mới đây, trung đoàn giao cả trung đội bay đêm về đại đội mình. Thiều là trung đội trưởng.

Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi.

Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách.

Ngày 31/12/1972

Chiến tranh đã làm sáng thêm những gì tốt đẹp mà trước đây mình không thể thấy, đốt cháy những cái xấu mà mình khư khư ôm ấp như mang một bệnh tật để mình thích ứng nhanh với khó khăn. Chiến tranh đã thử thách mình, đã tôi luyện mình. Sẽ không một trường đại học nào, một học viện quân sự nào giúp mình tiến bộ nhanh được bằng cuộc chiến đấu vừa qua trên đất nước thân yêu này!

Chiến tranh cũng giúp mình nhìn đồng chí, bè bạn bằng con mắt sáng suốt hơn…

Đêm nay, nằm đây, mình nghĩ đến những người bạn đã mãi mãi sống trong “đại dương thứ năm”. Đó là Khảo, là Giáp, là Đức, Thiên, Thiều, Tuế, Hùng… Mình biết, trong cuộc chiến đấu này, nhân dân mình đã mất đi bao nhiêu người con thông minh, ưu tú trong đó có cả những người bạn của mình, những người từng chia bùi, sẻ ngọt với mình bây giờ không còn nữa. Thật là xót xa!

(Trích “Nhật ký phi công tiêm kích”, NXB Trẻ, quý IV/2020)

Rate this post