Trung Bảo: “Tôi không cố tình, nhưng cứ nghe nhạc là tôi phân tích”
Quán quân solo World Beatbox Camp 2017 và hàng loạt giải đấu khác để đưa Việt Nam lên bản đồ beatbox toàn cầu, một chàng trai người Hà Nội, một graphic designer, nhà sáng lập cộng đồng beatbox Việt Vbeatbox… tất cả những danh tính này đều dành cho beatboxer Trung Bảo.
Trung Bảo (Nguyễn Bảo Trung) trò chuyện với tôi đúng hai tuần trước trận chung kết giải vô địch beatbox thế giới được tổ chức ở Warsaw (Ba Lan), cũng là quốc gia Trung Bảo đang sinh sống và làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Bảo mỗi ngày dành ra không biết bao giờ đồng hồ cho việc luyện tập, dù đây chắc chắn không phải giải đấu quy mô lớn đầu tiên Trung Bảo tham gia. Nhiều năm đại diện Việt Nam thi đấu ở đủ loại đấu trường mang đến cho Trung Bảo một quan sát thú vị: người đấu giỏi là người có thể cân bằng hai yếu tố sáng tác và tương tác, mình biết yếu tố nào, kĩ năng mới và đặc trưng nào có thể thể hiện. Và vì thế, “tôi phải suy nghĩ nhiều, đầu tiên là tìm hiểu kĩ thuật của đối thủ trước, xem những ai mình có thể đáp trả được và đáp trả được trong bài nào của mình. Tôi gọi việc tìm chiến thuật cũng như nghệ thuật đấu beatbox vậy!”
Ai nói beatbox đơn giản, tôi nghĩ Trung Bảo có thừa kiến thức để phản biện. Cậu ngồi phân tích cho tôi nghe về những yếu tố một beatboxer cần thể hiện ở mỗi bài thi nếu nhìn nhận từ góc độ âm nhạc, âm thanh và nhịp điệu. Lại còn phải tương tác với khán giả và đối thủ. Lại còn phải chú ý đến ngôn ngữ cơ thể. Lại còn phải đảm bảo thể lực để có thể làm ra những âm thanh mạnh trong thời gian ngắn. Thôi thì quá nhiều tiêu chuẩn, thế mới thấy những gì Trung Bảo đạt được có ý nghĩa thế nào. Trung Bảo để lại ấn tượng cậu là một người tò mò, hay tìm tòi, hay ngồi “beatbox freestyle” mỗi khi luyện tập. Hai âm đặc trưng khẳng định dấu ấn của Trung Bảo trên bản đồ beatbox toàn cầu đều đến từ những lần “mày mò” với thời lượng có thể từ vài ngày đến cả năm trời, và đẩy tiếp sự thử nghiệm lên đến giới hạn mới như vậy.
Trung Bảo miêu tả phong cách của mình xuất phát từ ảnh hưởng ngôn ngữ Việt, và chắc chắn từ thứ âm nhạc cậu nghe hàng ngày. “Tôi nghe nhiều thể loại nhạc và phân tích rất nhiều và chọn ra những yếu tố của mỗi dòng nhạc khác nhau mà tôi có thể sử dụng cho âm nhạc của mình. Sự giao thoa giữa các dòng nhạc và sự giao thoa giữa các kĩ thuật chính là cái tạo ra sự nguyên bản.” Tinh thần tự do vùng vẫy với những gì mình có ấy đến từ chính xuất phát điểm của beatbox trên thế giới. Cũng là Trung Bảo kể cho tôi nghe về giai đoạn đó, khi cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở thành phố New York không có đủ tiền mua hộp làm beat. “Đó là tinh thần sáng tạo mọi nơi, mọi lúc, bất kể hoàn cảnh thế nào, với những thứ mình có. Có rất nhiều yếu tố con người và cảm xúc chia sẻ trong beatbox.”
Trung Bảo có thể chia sẻ thêm về cộng đồng beatbox đầu tiên mà bạn từng tham gia không?
Tôi chơi beatbox từ năm 2010. Hồi ấy cũng có mạng, và có cả nhiều CLB beatbox tại Hà Nội, cũng có giải đấu anh em tổ chức chơi với nhau. Một vài người bạn tôi quen từ hồi ấy vẫn cùng tôi tham gia hoạt động cộng đồng cho tới thời điểm bây giờ. Hồi ấy tập nhưng cũng chẳng nghĩ gì, chủ yếu tập được gặp anh em cho vui, như hoạt động ngoại khóa vừa khỏe vừa hay.
Hình như muốn beatbox thì cũng cần có năng khiếu nhất định thì phải?
Mỗi người đều có một cái miệng. Nhưng họ có những cái riêng cái khác nhau, nếu chịu bỏ thời gian thì cuối bạn có thể phát triển theo cách riêng của mình. Còn nói về năng khiếu thì tôi nghĩ, ai lúc bé được nghe nhạc nhiều hơn thì sẽ cảm nhạc tốt hơn, cảm giai điệu tốt hơn, sớm hơn, và điều đó phần nào giúp bạn sau này chơi beatbox dễ hơn thôi. Nó không phải là chuyện ai có năng khiếu thì beatbox tốt hơn người kia, môn này rất là free, thậm chí chẳng cần mua đồ nghề, cứ lên mạng xem các video hướng dẫn thoải mái, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người.
Nhưng bộ môn nào muốn giỏi cũng phải tập luyện hết. Tôi còn nhớ hồi trước cũng tập luyện nhiều, tập suốt ngày: lúc đứng chờ bố mẹ tới đón ở trường cấp hai, lúc bố đèo thì ngồi đằng sau cũng tập beatbox, lúc ăn cơm xong tập beatbox, đi tắm cũng tập beatbox. Hồi ấy vì thích bộ môn này nên tôi tập luyện không giờ giấc. Còn bây giờ nếu huẩn bị đi đấu giải, thì tôi sẽ tập luyện theo một góc nhìn khác, một phương thức khác, sẽ tập có kế hoạch hơn.
Tôi tò mò không biết người ta dựa vào những tiêu chí nào để đánh giá trình độ của một beatboxer?
Thứ nhất, mình phải nhìn beatbox dưới góc nhìn âm nhạc, âm thanh, nhịp điệu. Từ đó người ta có thể đánh giá được một beatboxer tốt hay không dựa vào những âm thanh mà người đó tạo ra. Ví dụ, phách người đó có tốt không, âm thanh có chắc không, nếu làm trống thì nó có giống trống không, tần số của âm thanh họ làm có đủ không,… Đấy là về chất lượng âm thanh. Thứ hai là technicality, hiểu nôm na là độ mượt chuyển âm thanh, độ dẻo miệng. Thứ ba là musicality, là tính nhạc, tính giai điệu, sự hòa âm. Thứ tư là originality – rất quan trọng trong cộng đồng beatbox, gọi là tính độc bản, mỗi người có tiếng nói riêng, âm thanh riêng, chất riêng trong từng tổ hợp mà họ nghĩ ra.
Ở khía cạnh khác là trên sân khấu có hai thể loại biểu diễn: một là diễn cho khán giả, hai là đấu với nhau. Diễn bình thường thì mình chỉ tương tác với khán giả và cách mình trình diễn. Còn thi đấu thì mình vừa trình diễn vừa tương tác với khán giả vừa tương tác với đối phương. Những tương tác ấy có nhiều cái chiến thuật. Ví dụ, người kia họ làm gương mặt hay những động tác nhảy để làm mình phân tâm thì mình cũng phải có chiến thuật để đối phó lại. Hoặc người kia làm âm này thì mình phải nghĩ ra âm gì để đối lại âm đó.
Nói tóm lại, một phần trình diễn tốt sẽ gồm nhiều yếu tố như âm thanh, cách trình diễn, cách mình tương tác. Tất cả những yếu tố này là để mình thể hiện beatbox theo kiểu giúp người nghe trải nghiệm được tốt nhất.
Là một beatboxer danh tiếng, đạt nhiều thành tích quốc tế, không biết giờ bạn có gặp phải áp lực sân khấu không?
Tôi nghĩ ai cũng có áp lực cả. Với cá nhân tôi khi thi đấu sẽ gặp nhiều áp lực hơn do đòi hỏi nhiều sức lực hơn, tạo nhiều âm thanh mạnh hơn, phải có nhịp điệu và sự chắc chắn hơn, thời lượng cũng ngắn hơn. Thời lượng ngắn hơn đòi hỏi mình cần sáng tác một bài có chứa nhiều kĩ thuật, đồng nghĩa nhiều điểm hơn.
Trung Bảo sẽ miêu tả phong cách beatbox của mình thế nào?
Phong cách của tôi đa dạng. Tôi có những âm đặc trưng của mình, tự nghĩ ra và mọi người trong cộng đồng beatbox biết đến tôi vì những âm đó. Âm đầu tiên chắc là chữ “đ” trong tiếng Việt. Người bên Tây mà nghe chữ “đ” rất là khác, nghe rất là tuyệt vời. Cái này là ảnh hưởng bởi ngôn ngữ, nên tôi rất tự hào về âm này. Một âm nữa là chữ “r”, tôi bắt đầu có hứng thú với âm này và bắt đầu thử tạo ra âm thanh mạnh hơn với nó bằng cách đặt răng cạnh lưỡi, rồi thử nghiệm nhiều hơn để có được âm thanh độc bản của riêng mình. Đây cũng là âm đã đưa tôi lên bản đồ beatbox thế giới.
Mất bao lâu để bạn có thể tạo ra một âm như thế?
Cũng tùy. Có cái đến rất tự nhiên , có cái thuộc về tiếng nói của mình có từ bé nên chỉ cần ép lên một tí thôi. Nhưng có những cái mình phải tự hoàn thiện, có khi mất một năm. Khi tôi ghép các âm đấy vào các bài khác nhau, nó cũng sẽ xảy ra trường hợp là tôi chưa thể thành thục cái âm đấy trong bài đấy, sau đó thì lại phải tập luyện tiếp thôi.
Có vẻ không ai làm beatboxer toàn thời gian thì phải?
Tôi nghĩ chúng ta cũng phải định nghĩa công việc chuyên nghiệp là gì. Nếu công việc mang lại cơ hội kiếm tiền, thì làm beatboxer có thừa khả năng để kiếm được rất nhiều tiền. Nếu công việc là cái gì đó được đào tạo trong nhà trường thì beabox chưa. Với tôi thì beatboxer chính là một nghề rồi, vì tôi sống được với nó, dù đúng là beatbox battle thì mang tinh thần thể thao nhiều hơn. Còn với beatboxer nói chung thì mình có thể nhìn họ như nhạc sĩ. Rất nhiều beatboxer thế giới có thể sáng tác các bài nhạc trên nền tảng streaming, không khác nào việc trình diễn như một người nghệ sĩ cả. Beatbox có nhiều yếu tố liên quan đến sáng tác và lựa chọn âm thanh, nên cũng có thể làm về mảng sản xuất nhạc, như một phần công việc của tôi bây giờ.
Theo bạn, tại sao beatbox lại gắn bó với nghệ thuật đường phố như vậy?
Nó gắn với nghệ thuật đường phố vì nó xuất phát từ đường phố. Lí do cộng đồng người Mỹ gốc Phi bắt đầu beatbox là vì họ không thể mua các dụng cụ, máy móc làm beat. Nó là tinh thần sáng tạo mọi nơi, mọi lúc, với mọi thứ mà mình có. Đó là lí do nghệ thuật đường phố, beatbox, rap có thể lan tỏa tới khắp mọi nơi trên thế giới như thế. Tinh thần của nghệ thuật đường phố nằm ở chỗ bạn có thể sáng tạo với những gì bạn có. Nó có nhiều yếu tố con người trong đó, hơn cả tiền tài, danh vọng.
Từ quan sát của bạn, cộng đồng beatbox ở Việt Nam đang phát triển như thế nào?
Cách nhìn của mọi người với beatbox đã thay đổi rất nhiều, họ coi đó là một bộ môn nghệ thuật, nó không còn cái kiểu nghịch mồm hay “nhổ nước bọt”. Dần dần mọi ngừoi nghe beatbox và thấy hay hơn, điều đó cũng ảnh hưởng tới cộng đồng beatbox. Các bạn trẻ có thể tập luyện dễ dàng hơn, nhẹ hơn về mặt áp lực. Giờ Internet mang đến cơ hội để mọi người có thể cập nhật kĩ năng liên tục, xem các giải đầu hay nhất. Bộ giáo trình trên mạng cũng đầy rẫy. Ai cũng tập được, ai cũng xem được. Vì nó dễ hơn rất nhiều nên các bạn cũng phát triển rất nhanh.
Tôi tưởng tượng beatboxer là những ngừoi có sự thẩm âm rất tốt. Vậy với bạn, nghe nhạc thường đi cùng chủ đích hay để thưởng thức nhiều hơn?
Tôi không cố tình, nhưng cứ nghe nhạc là tôi tự nhiên phân tích. Tôi thích nghe nhạc là vì những yếu tố đó. Không phải để cảm thụ hay không, mà là với từng bối cảnh tôi nghe nhạc theo từng cách thức khác nhau.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ rất thú vị!
Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!
Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC