Trồng lan rừng thành vườn tiền tỷ ở tỉnh Đắk Lắk, có hoa lan đột biến, nhiều người kéo đến xem
Vườn lan rừng nơi phố núi Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với đủ các loại hoa lan rừng quý hiếm được tưu tầm khắp mọi miền. Và không ngờ rằng chính thú chơi lan rừng tao nhã của mình, ông Phan Xuân Thủy đã mang lại nguồn thu nhập “khủng”.
Phải lòng với hoa lan rừng, tập tành trồng lan rừng từ nhỏ
Ghé thăm vườn lan rừng của ông Phan Xuân Thủy (phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào buổi sáng của những ngày đầu đông. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi giữa lòng phố núi có một vườn lan rừng quy mô được đầu tư xây dựng một cách đầy khoa học với hệ thống đo nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tự động thông minh..
Clip: Ông Phan Xuân Thủy (phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã gây dựng vườn lan vườn lan rừng, trong đó có các loại lan rừng quý hiếm của mình suốt 20 năm (Video: Ngọc Giàu).
Khu vườn lan rừng được thiết kế xây dựng trên tầng 2 của ngôi nhà, được gia cố, tường rào cẩn thận. Đi trong vườn lan chúng tôi như lạc vào resort hoa lan, với hàng ngàn giò lan rừng các loại được ông đem về từ mọi miền đất nước.
Ông Thủy cho biết, để sở hữu được vườn lan rừng quý hiếm này ông phải mất gần 20 năm để nghiên cứu, sưu tầm và chăm sóc và nhân giốg lan rừng.
Nói về cơ duyên đến với loài hoa của núi rừng, ông Thủy không ngần ngại chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày còn học cấp 3 ông đã say đắm hương thơm, sắc đẹp của những nhánh lan rừng.
“Từ ngày còn đi học phổ thông, dù chưa biết hết tên 100 loại lan rừng, chưa biết cách treo lan rừng và cách chăm sóc nhưng tôi rất mê mùi hương và sự đa dạng đến kỳ diệu của những cánh hoa lan rừng…”, ông Thủy nhớ lại.
Theo ông Thủy, ngày đó, rừng ở Hà Tĩnh còn rất nhiều loài hoa lan đẹp và quý hiếm. Có những hôm ông trốn gia đình, theo bạn bè đạp xe đạp hàng chục cây số vào rừng để tìm lan, mang về trồng, nghĩ ra cách treo lan rừng.
Nhiều lần ông Thủy bị bố mẹ cho ăn đòn roi, cấm cản vì sợ con vào rừng nguy hiểm nhưng ông vẫn lén đi. Khi trồng lan rừng, mỗi lần giò lan rừng trong nhà mà ra hoa là ông mê say đắm, mãi mê ngắm đến quên cả học bài…
Sau đó, ông Thủy phải dừng thú đam mê chơi phong lan rừng của mình lại lo cho cuộc sống của bản thân. Sau khi học xong Đại học ông Thủy ra trường rồi vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp và làm việc cho một cơ quan Nhà nước ở tỉnh này.
Ông Phan Xuân Thủy đã dành 20 năm để học hỏi kinh nghiệm trồng lan rừng và đầu tư cho vườn lan rừng của mình (Ảnh: Ngọc Giàu)
“Ăn trộm” tiền của chính mình để…mua lan rừng
Ở vùng sơn cước, tình yêu hoa lan rừng của ông Thủy lại trổi dậy. Không thể cưỡng lại đam mê khi sống ở phố núi, nơi có hàng ngàn loại lan rừng đủ hương thơm sắc đẹp.
Thế là, dù vất vả bận bịu với công việc như thế nào ông Thủy cũng quyết tâm xây dựng một khu vườn phong lan để thỏa mãn với thú đam mê.
Bắt đầu từ một khu vườn hoa lan nhỏ vài chục m2 được ông Thủy dựng ở sau nhà để thỏa chí đam mê lan, sau đó vườn cứ được mở rộng ra mãi…hết sân thì cho giàn lan lên mái nhà… đến nay ông Thuỷ đã có giàn lan gần 1.000 mét vuông.
Cứ mỗi lần công tác xuống các huyện, xã gần rừng ông Thủy lại lân la tìm hỏi mua lan rừng. Tiền ăn sáng, cà phê, tiền làm thêm, thậm chí các khoản “quỹ đen” giấu vợ…đều được ông đầu tư vào lan rừng.
Thậm chí ông Thủy còn tự “ăn trộm tiền của chính mình” để đem đi mua hoa lan rừng . Dần dà khu vườn lan rừng của ông đã hội tụ hàng trăm loại lan rừng ở Tây Nguyên.
“Cứ sau giờ làm việc căng thẳng tôi lại ra vườn ngắm lan. Mỗi giò lan nở hoa là lòng tôi vui sướng và háo hức đến tột độ. Có những hôm vì mải ngắm hoa mà quên cả giờ cơm. Có những đêm mưa gió, tôi phải lén vợ, không ngủ, ra vườn để che chắn cho lan”, ông Thủy kể.
Ông Thủy say mê khi chia sẻ với PV về kinh nghiệm chăm sóc hoa lan (Ảnh: N.G)
Kinh nghiệm “thuần hóa” lan rừng
Nói về kinh nghiệm chăm trồng lan rừng, ông Thủy không ngần ngại chia sẻ, bản thân lan rừng rất dễ chăm nhưng lại rất khó thuần hóa.
Để đưa một cây lan rừng về vườn nhà để chăm thì đơn giản nhưng thuần hóa nó phát triển tốt hay ra hoa theo ý muốn đòi hỏi người chăm phải có kinh nghiệm, kỹ thuật.
Lan rừng có hàng ngàn loại, quá trình sinh trưởng của mỗi loại lan đều khác nhau, có dòng ưa ẩm, có dòng ưa nóng do đó nếu không nắm được kỹ thuật chăm sóc từng loại lan thì sẽ không thuần hóa được.
Theo ông Thủy, bản thân hoa lan là cây rừng, sống khí sinh và ăn các chất dinh dưỡng từ nắng gió tự nhiên, từ phân chim, lá cây, vỏ thân cây hoai mục.
Khi trồng lan rừng vào chậu với tiểu khí hậu gia đình sẽ thay đổi môi trường sống khiến cây lan sẽ chậm phát triển. Nếu người trồng không có kỹ thuật chăm không tránh khỏi việc lan rừng chết, bị nhiễm nấm bệnh, hoặc phát triển thân lá rất tốt nhưng không ra hoa…
Khi đưa lan về trồng, dù là cách trồng lan rừng trong chậu, trồng lan rừng bằng than, hay cách ghéo lan rừng vào gỗ, cách treo lan rừng phải hiểu được loại lan mà mình trồng sống ở vùng khí hậu như thế nào. Đối với giá thể trồng lan có thể dùng các loại vỏ thông, lũa gỗ thậm chí có thể là than hoặc sơ dừa.
Tùy theo mỗi loại lan ta có thể lựa chọn những giá thể phù hợp để cây dễ phát triển “Như phi điệp là dòng đa thân, ưa nóng nên giá thể cần phải thoáng, rễ mới dễ phát triển.
“Nếu không có kỹ thuật người trồng lan dùng giá thể quá nhỏ, chậu trồng lan rừng phải thoáng nếu không mùa mưa cây dễ bị úng nước, chết”, ông Thủy chia sẻ.
Trong vườn lan của ông Thủy có hàng ngàn giò lan quý hiếm (Ảnh: Ngọc Giàu)
Trồng lan từng là thú chơi nhưng… thu tiền thật
Đi dạo quanh vườn lan của ông Thủy chúng tôi không khỏi trầm trồ khi ngắm nhìn những chậu lan khoe sắc. Những thân phi điệp to bằng ngón tay cái, dài hàng mét. Những chậu lan kiếm chen chúc mọc trên vỏ thông lá to đến gần nửa bàn tay người lớn.
Ông Thủy cho biết, hiện nay ông đang tập trung vào dòng hoa lan phi điệp và lan kiếm. Đối với lan phi điệp ông Thủy sưu tầm hơn 1.000 giò trong đó có các loại lan rừng quý hiếm, hoa lan đột biến với các mặt hoa quý như hoa lan phi điệp đột biến Hồng Mỹ Nhân, hoa lan phi điệp đột biến Hồng Yên Thủy, hoa lan phi điệp Hồng Gia Lai…
Hay đối với dòng hoa lan đột biến 5 cánh trắng thì có các loại 5 cánh trắng Nha Trang, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, 5 cánh trắng HO…
Ông Thủy cũng sở hữu hàng trăm chậu lan kiếm khủng với những dòng hoa lan nổi tiếng như: Phan Trí, Vị Hoàng, Xanh Huế…
Ông Thủy đầu tư nhiều thời gian và công sức cho thú vui chơi lan rừng của mình (Ảnh: Ngọc Giàu)
Nói về thu nhập từ vườn lan rừng, ông Thủy ngại ngùng không trả lời thế nhưng người đồng hành chăm sóc lan cùng ông tiết lộ: “Trung bình mỗi năm ông Thủy thu hàng tỷ đồng từ việc nhân giống lan rừng, chia sẻ các loại lan rừng quý trong vườn”
Nhờ có thâm niên, nhiều năm nghiên cứu chăm sóc, thuần chủng lan rừng, ông Thủy còn cấy ghép, nhân giống nhiều mặt hoa lan rừng đẹp để chia sẻ cho người cùng đam mê. Tiếng lành đồn xa, cái tên Phan Xuân Thủy được giới mê lan, chơi lan rừng cả nước biết đến.
Cùng Hội Bảo tồn lan rừng mang áo ấm cho học sinh nghèo
Khi giao lưu tiếp xúc với ông nhiều người nể phục bởi bề dày kinh nghiệm cũng như cái tâm trong lĩnh vực yêu lan. Năm 2015, Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam được thành lập từ một nhóm anh chị em yêu hoa lan ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đến nay đã có hơn 91.700 thành viên trên cả nước tham gia. Ông Phan Xuân Thủy được anh em trong hội tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội.
Từ năm 2016, ông Thủy đã cùng Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam tặng hàng ngàn xe đạp, cặp sách, áo ấm… cho học sinh nghèo trên mọi miền đất nước (Ảnh: Ngọc Giàu)
Hiện nay, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc lan rừng, Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam còn thường xuyên phát động các chương trình “Cùng em đến trường”, “Áo ấm cho em” mang hàng ngàn xe đạp, áo ấm cho học sinh vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Kinh phí cho các hoạt động này đều từ quỹ ủng hộ từ anh chị em yêu hoa lan trên Hội, góp tặng những mầm lan do chính mình chăm sóc để đấu giá trên trang Hội.
“Ban đầu Hội bảo tồn lan rừng Việt Nam được thành lập để anh em trong giới mê lan có sân chơi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thuần chủng lan rừng. Sau đó, hội ngày càng lớn mạnh được anh em giới mê lan hưởng ứng và phát động các phong trào thiện nguyện có ý nghĩa.
Hiện nay chúng tôi đang cố gắng xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh, để anh em giới mê lan có một sân chơi lành mạnh, ý nghĩa và có những hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn cho xã hội”, ông Phan Xuân Thủy cho biết thêm.
Ông Đỗ Xuân Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có nhiều giao dịch mua bán hoa lan với số tiền lớn, diễn ra công khai trên mạng xã hội…
Theo ông Dũng, ngoài những người chơi lan chân chính thì cũng có không ít các đối tượng lợi dụng việc mua bán lan để lừa đảo nên khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua bán phong lan đột biến để tránh được những rủi ro không đáng có.