Trò chuyện với KTS Lê Văn Lân: Ngôi nhà lớn và thành phố nhỏ – Tạp chí Kiến Trúc

Các bậc thầy KTS thế giới từ xa xưa đã luôn coi trọng mối liên hệ hữu cơ và sự thông suốt giữa tổng thể đô thị với mỗi công trình kiến trúc trong nó. Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, các công trình kiến trúc có quy mô lớn được xây dựng liên tục, nhưng rất ít trong số đó thành công về mặt thiết kế đô thị. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số đồ án thiết kế đô thị, quy hoạch cải tạo gây tranh cãi bởi không thể đưa ra những giải pháp tốt cho các công trình điểm nhấn, thiếu gắn kết không gian và lịch sử. Trong số này, TCKT xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện của KTS trẻ Vũ Hiệp với KTS Lê Văn Lân, người đã được đào tạo bài bản và thực hiện nhiều tác phẩm xuất sắc cả về kiến trúc lẫn quy hoạch đô thị.

KTS Lê Văn Lân

Sinh năm 1938 tại Đà Nẵng, quê ở Hà Tĩnh;
Tốt nghiệp lớp Kiến trúc- Xây dựng khóa 1 Đại học Bách Khoa Hà Nội;

Tu nghiệp về quy hoạch đô thị ở Liên Xô (1961-1962);

Tu nghiệp về thiết kế công trình văn hóa ở CHDC Đức (1968-1972);

Thiết kế, quy hoạch: Công viên Thủ Lệ, các khu tập thể Văn Chương, Quỳnh Lôi, Nghĩa Đô…;

Thiết kế công trình: Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Cổng Công viên Thống Nhất, Chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm- Đức Viên, Khách sạn Somerset ven hồ Tây, Khách sạn Phương Đông, Khách sạn Hà Nội…

KTS Vũ Hiệp (VH): Thưa bác Lê Văn Lân, cháu được biết bác từng được đào tạo về quy hoạch đô thị bởi các chuyên gia Nga ở Việt Nam, sau đó sang Liên Xô tu nghiệp ở Viện thiết kế Moskva và Viện quy hoạch quốc gia Nga. Về nước một số năm bác lại đi làm thực tập sinh ở Đông Đức về thiết kế công trình văn hóa. Học cả hai chuyên ngành quy hoạch đô thị và thiết kế công trình như vậy, bác có “mệt” không ạ?

KTS Lê Văn Lân: Đó là năm 1960, đang công tác ở Cục thiết kế dân dụng, thì Bộ điều tôi sang Cục Quy hoạch đô thị và nông thôn để làm việc với đoàn chuyên gia đô thị Liên Xô. Theo nghề đô thị 6 năm, Thành phố Hà Nội lại điều tôi trở về với thiết kế công trình. Thực sự là có đôi chút rắc rối, nhưng tôi cám ơn số phận đã cho tôi cơ hội để nắm bắt, trải nghiệm và phối hợp trong những sáng tác của mình, hình thành nếp tư duy luôn từ cả hai phía chuyên ngành. Các bậc đàn anh như KTS Ngô Huy Quỳnh, KTS Nguyễn Ngọc Chân, KTS Tạ Mỹ Duật, đã tạo điều kiện để tôi có thể làm luôn cả hai việc. Chẳng hạn, ngày làm quy hoạch đô thị, tối đến lại bận rộn với những đồ án công trình, với các cuộc thi kiến trúc… Khi ra nước ngoài, được gặp những người thầy tài ba, uyên bác và tận tình của nước bạn, tôi lao vào học tập, nghiên cứu những kinh nghiệm thiết kế đô thị của họ; ngày nghỉ thì tranh thủ đi vẽ phong cảnh và các công trình kiến trúc đẹp. Sức lực tuổi trẻ là thế mà.

KTS VH: Sau khi bác về nước bác đã thực hiện những đồ án quy hoạch nào ạ?

KTS Lê Văn Lân: Sau lần học quy hoạch về nước, trên giao cho tôi phụ trách một đơn vị thiết kế quy hoạch chi tiết. Chúng tôi đã lập quy hoạch một số khu nhà ở như Quỳnh Lôi, Nghĩa Đô, Văn Chương…, thiết kế quy hoạch Công viên Thủ Lệ, thiết kế cảnh quan và trồng cây cho Công viên Thống Nhất, thiết kế đề xuất chỉnh trang đô thị phố Đinh Tiên Hoàng… Như các bạn đã biết, chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã cản trở nặng nề những cố gắng của tất cả chúng ta thời đó.

KTS VH: Sau nửa thế kỷ, các khu nhà mà bác đã quy hoạch, giờ quen được gọi là khu tập thể cũ, đã xuống cấp, có nơi khá nghiêm trọng. Hiện nay người ta thường quy hoạch các khu ở theo kiểu “Đô thị mới”, được học hỏi thêm từ các nước tư bản. Vậy, bác có đánh giá gì về mô hình tiểu khu của Liên Xô đã áp dụng cho các khu tập thể cũ ở Hà Nội và một số thành phố khác ở miền Bắc nước ta?

KTS Lê Văn Lân: Những khu tập thể cũ xây dựng từ 1960 chủ yếu dựa vào cách tổ chức mikroraion, ta gọi là tiểu khu, được sử dụng phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Dưới tiểu khu là các nhóm nhà ở, mỗi cấp có các công trình phục vụ kèm theo. Vài ba tiểu khu lại làm thành một khu nhà ở với đầy đủ trung tâm mua sắm, giải trí, sinh hoạt công cộng, trường học, bệnh xá, công viên, sân vận động, trạm cứu hỏa, trạm xử lý nước, hành chính, quản lý… lớn và đầy đủ hơn. Trẻ đi học chủ yếu là đi bộ, ít phải băng qua xa lộ. Ý tưởng tiểu khu được xuất phát ở Anh, cố gắng áp dụng ở Mỹ nhưng thất bại. Chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa, nơi có chế độ xã hội và cách quản lý kinh tế hoàn toàn khác, mô hình này mới thực sự được vận dụng và phát triển. Đó là một “cách ở” từng là mơ ước của những người lao động Mỹ những năm 1960, 1970. Nhiều quốc gia cố gắng nghiên cứu và hoàn thiện, nổi bật là Singapore. Khu Thanh Đa ở Sài Gòn trước 1975 cũng trong cố gắng hưởng ứng ấy. Điều hấp dẫn của mô hình trước hết là từ các nhóm nhà, trong lòng vườn tiểu khu với tíu tít trẻ em nô đùa, không gian giao lưu và tập luyện của người lớn, chỗ người già nghỉ ngơi yên tĩnh…, khác hẳn với phương thức xây dựng đề cao sự chen chúc hào nhoáng nơi mặt phố, cố gắng để mình luôn là “cao cấp”, “sành điệu”.

KTS VH: Cháu cũng đã được tận mắt xem các mikroraion ở Nga, cảm giác thấy không giống ở Việt Nam lắm. Phải chăng mô hình này có sự điều chỉnh nhất định trong điều kiện hạn chế của nước ta thời đó?

KTS Lê Văn Lân: Thật tiếc, những năm 1960 đến 1980 là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước. Cả Hà Nội chưa đâu có được một khu ở hoàn chỉnh với đầy đủ công trình tiện nghi phục vụ, sân vườn. Thậm chí, có những ô đất trống dành lại để xây những công trình điểm nhấn vì lúc đó chưa có điều kiện, mà mãi vẫn để trống. Theo thời gian, các công trình xuống cấp, tiêu chuẩn cho căn hộ trở nên quá eo hẹp. Thiếu quản lý, người ta vừa ở vừa phá, rồi phe xã hội chủ nghĩa không còn, đất nước đổi mới, mọi người quay lưng với khu tập thể một cách chưa thật công bằng. Khu đô thị mới giờ đây đang nối tiếp, nhưng đã được tổ chức theo một cơ chế mới có chi trả, tiền nào của ấy.

KTS VH: Vâng, nhưng cũng có đôi chút tiếc nuối bác nhỉ?! Ngày nay ở Việt Nam, nhiều gia đình trẻ lựa chọn sống trong các khu đô thị mới, nhưng về ở nhiều năm mới có trường học cho trẻ. Đã thế, cái trường học đó lại là trường “quốc tế” do tư nhân đầu tư, học phí quá cao so với thu nhập của họ. Cháu tự hỏi không biết cái mô hình đó có thực sự tốt hay không?

KTS Lê Văn Lân: Đó là câu chuyện quản lý, sự uốn cong từ phía những lợi ích. Không ít người đã nhân danh “đổi mới”, “hội nhập”, rồi cả “vì một tầm nhìn rộng” để vi phạm những điều sơ đẳng của trật tự đô thị, những điều hầu như khó có thể xảy ra ở những quốc gia phát triển.

KTS VH: Những năm gần đây, một số tòa nhà xuống cấp ở các khu tập thể Kim Liên, Giảng Võ… được xây dựng cải tạo lại với kết cấu chắc chắn hơn, cao tầng hơn, có trung tâm thương mại ở các tầng đế nhộn nhịp hơn. Bác đánh giá thế nào về hiện tượng này?

KTS Lê Văn Lân: Cải tạo những khu ở cũ là một vấn đề rất đáng được bàn thảo vì tính cấp bách, yêu cầu của kỹ thuật và mong muốn tổ chức cuộc sống, nhưng lại phải làm sao để thu hút được vốn đầu tư, không quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị… cho đến cả sự hưởng ứng của cư dân cũ.

KTS VH: Cháu được biết bác giữ một số “kỷ lục” trong giới KTS Hà Nội như: Sử dụng thang máy đầu tiên (Nhà văn hóa Thiếu nhi, 1976), thang cuốn đầu tiên (Chợ Đồng Xuân, 1994), được cấp chứng chỉ KTS chủ nhiệm đồ án hạng 1 sớm nhất (1984)… Đặc biệt, Nhà văn hóa Thiếu nhi Hà Nội còn là một cú sốc đối với giới kiến trúc thời bấy giờ bởi có ngôn ngữ tạo hình hoàn toàn mới ở miền Bắc. Đó có phải là tác phẩm “đinh” trong sự nghiệp kiến trúc của bác không?

KTS Lê Văn Lân: Từ khi kiến trúc Hiện đại chưa thực sự định hình, người ta luôn nghĩ một công trình kiến trúc nghiêm chỉnh phải có tường bao quanh từ mặt đất, có các ô cửa phù hợp, có mặt bằng tầng đồng nhất, nóc mái kín đáo chỉn chu, có trang trí gờ chỉ ấn tượng. Sau Đại học Bách Khoa, đến lượt Cung Thiếu nhi, thì tất cả như đã hoàn toàn khác hẳn. Ấn tượng ngỡ ngàng của giới chuyên môn hay người qua đường chính vì ở lẽ ấy. Tổ chức Nghiên cứu và Bảo vệ Kiến trúc Hiện đại Quốc tế cũng như phân nhánh Châu Á họp năm 2017 đánh giá cao công trình này, cũng là một sự nhìn nhận khách quan từ ngoài.

KTS VH: Mới đây, cháu được đọc cuốn sách “Hà Nội 2050” xuất bản ở Italia. Các tác giả có đánh giá Cung Thiếu nhi như là một tác phẩm tiêu biểu ở Hà Nội nửa sau thế kỷ 20. Họ ghi tên bác là KTS tác giả và cùng với sự giúp sức của các kỹ sư người Séc. Có đúng vậy không ạ?

KTS Lê Văn Lân: Cũng chỉ là do thông tin không đầy đủ thôi. Ở Hà Nội, tới bây giờ vẫn có người nghĩ công trình do người nước ngoài giúp đỡ. Ngộ nghĩnh hơn, một vị trong ban giám đốc của Cung cũng từng giải thích tương tự! Chính xác là các kiến trúc sư và kỹ sư của Viện Thiết kế công trình Hà Nội đã thiết kế toàn bộ. Đoàn Thanh niên cộng sản Tiệp Khắc đã tặng một số trang bị như máy chiếu phim, dàn kèn trống, máy tiện nhỏ… đặc biệt có thêm một bộ thang máy, một số tấm trần bằng nhôm, và một lượng nhỏ viên gốm ốp tường màu đỏ tươi (thứ khó đặt hàng ở Việt Nam thời bấy giờ).

Vài năm trước, một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ đã mong muốn được hỗ trợ chi phí cho việc tôn tạo công trình, gìn giữ đường nét và vật liệu nguyên bản (như từng được thực hiện ở nhiều nước). Ngày lên đường tới Việt Nam, cũng là lúc họ được tin từ Hà Nội rằng: “Cung Thiếu nhi được quây bạt kín và đang đập phá”.

KTS VH: Hình như người ta định đập cái nhà cũ từ thời Pháp chứ có phải cái nhà mới mà bác thiết kế đâu?

KTS Lê Văn Lân: Trong khu Cung Thiếu nhi có ba tòa nhà. Tòa nhà do tôi thiết kế được tổ chức không gian gắn kết với hai tòa nhà kia để trở thành một tổng thể thống nhất và phát triển. Nếu loại bỏ một trong ba tòa nhà thì đều dẫn đến sự hủy hoại chung. Ngôi nhà 36 Lý Thái Tổ chính là nơi Bác Hồ ký tạm ước mồng 6 tháng Ba, sau này là Nhà truyền thống Bác Hồ với Thiếu nhi Thủ đô. Nếu ở đây không có ngôi nhà 36 Lý Thái Tổ, chắc hẳn sẽ không có một bố cục cho Cung Thiếu nhi như ngày nay. Tất cả chúng đã tạo nên một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh và đầy đủ ý nghĩa.

Chỉ cần nhớ lại hình ảnh những em nhỏ phải chịu cảnh thiếu thốn thiệt thòi, xa bố mẹ, theo cô giáo đến nơi sơ tán, thảng thốt tìm hầm ẩn nấp trong gầm rú của máy bay giặc những ngày chiến tranh; chỉ cần nhớ lại hình ảnh vị chủ tịch thành phố, thay mặt cho nhân dân Hà Nội, ngày nào cũng đến công trường theo dõi những đổi thay của tiến độ xây dựng, động viên góp ý với công nhân, hay cảm nghĩ của những con người đã thành danh trước đây từng sinh hoạt ở Cung, tôi nhận ra rằng ngôi nhà đã thuộc về trí tuệ, tâm huyết và gửi gắm của người Hà Nội. Việc tôn tạo Cung Thiếu nhi cần lưu ý không chỉ hình thức kiến trúc mà còn cả ý nghĩa lịch sử và con người.

KTS VH: Liên quan đến tôn tạo và bảo tồn, gần đây có một vấn đề đang gây tranh cãi trong giới KTS là cách ứng xử đối với các công trình kiến trúc cũ khi cải tạo lại. Không ít các đồ án người ta đập sạch cái cũ và xây một cái hoàn toàn mới lên. Bác từng có một công trình cải tạo thành công là Chợ Đồng Xuân, vừa giữ được cái cũ từ thời Pháp, vừa chèn cái mới vào một cách tương thích. Bác có thể nói thêm về công trình này?

KTS Lê Văn Lân: Đồng Xuân là ngôi chợ từ lâu gắn bó với người Hà Nội. Năm ấy chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, lộn xộn, phía Bắc Qua càng tạm bợ. Thành phố muốn xây lại to hơn, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của thời kỳ mới. Chợ có 5 nhà lồng sắt với 5 tường hồi khá ấn tượng. Tôi đã bỏ bớt hai dãy ở sườn để thêm không gian thoáng bao quanh, tổ chức lại giao thông, các khu buôn bán và dịch vụ, với tầng cao chung là 2 tầng. Thích nhất là tôi đã thuyết phục dành một tuyến không gian ở tầng 1 phía trước trở thành một loại “vỉa hè có mái che” để khắc phục kích thước quá hẹp của dải vỉa hè vốn có ở mặt chợ trước đây. Việc tranh chấp của một khối tích lớn và sự nhỏ vụn của nhà phố cổ cũng đã có cách giải quyết. Còn lại là ở mặt trước, phải chồng thêm tầng sao cho hòa quyện với 3 đầu hồi cũ, rất cao và đầy góc nhọn, phác thảo nhiều vẫn chẳng thể ưng ý. Rồi cái giây phút vụt lóe bất chợt râm ran khó tả, cái thăng hoa của sáng tác kiến trúc sao mà sảng khoái đến vậy!

KTS VH: Cái râm ran và thăng hoa của việc chồng lên nhau!?

KTS Lê Văn Lân: (cười) Chồng cái mới lên, nhưng không đè bẹp mà làm nổi cái cũ ở phía dưới. Mảng tường dài vắt ngang trước chợ được hình dung như một bức tranh đô thị lớn, có nét của những mái chợ thân quen, có những ô cửa nhỏ, mơ hồ như từ những ngôi nhà phố cổ. Mặt hai bên sườn được cắt khúc theo nhịp điệu phù hợp, dùng kính tạo nên hình ảnh chợ cũ và hòa vào khung cảnh bao quanh. Chợ xây xong, được bà con trong nước và khách nước ngoài tiếp nhận với nhiều thiện cảm.

KTS VH: Các công trình của bác là những ví dụ tiêu biểu của trào lưu kiến trúc Hiện đại ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Giờ đây cách tạo hình Hiện đại như kiểu Cung Thiếu nhi Hà Nội hình như cũng có vẻ hơi “cũ” rồi, và người ta đang thực hiện kiến trúc Xanh- bền vững. Bác nghĩ gì về xu thế đang “nóng sốt” này?

KTS Lê Văn Lân: Cái đỉnh cao theo thời gian cũng trở thành cái cũ, và nên là như vậy. Về kiến trúc Xanh- bền vững, nội hàm của nó đã có từ thời thượng cổ. Tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nó là một xu thế phù hợp, cần phát huy trong điều kiện nước ta. Tính bền vững và xanh của kiến trúc không chỉ ở hình thức trồng nhiều cây xanh, tiết kiệm năng lượng vận hành, mà quan trọng hơn chính là mối liên hệ hữu cơ giữa công trình kiến trúc với không gian xung quanh và tổng thể đô thị.

KTS VH: Điều gì khiến bác vui nhất trong khi hành nghề kiến trúc?

KTS Lê Văn Lân: Cũng như cái vui của mọi ngành sáng tạo khác, bao trùm lên tất cả là sự hài lòng của người hưởng thụ, ở đó những ý tưởng của mình được công nhận, rồi là sự yêu mến của bạn bè đồng nghiệp. Nhưng không chỉ có vui thôi đâu, phải mất nhiều sức lực nhọc nhằn để thai nghén, để bảo vệ, để thuyết phục, và cả một số “nguy cơ” nữa, ví dụ như bị nhắc nhở có thể sẽ bị tước bằng khi thực hiện Cung Thiếu nhi, hú vía hơn còn là tiếp cận với khả năng quy kết hình sự sau vụ cháy chợ Đồng Xuân. Bức xúc hơn cả là khi những tác phẩm của mình bị cơi nới sửa chữa vô tội vạ, chưa kể với những ý định đập bỏ đi.

Một buổi chiều, tan sở đã lâu, về qua phố Huế, nơi chợ Hôm đang xây dựng, một tốp công nhân túm tụm uống bia ở vỉa hè đối diện, gọi lớn tên tôi. Cậu công nhân vui vẻ: “Cả buổi chiều chúng em cặm cụi trên ấy, xuống đây mới thấy hay quá, công trình xong chắc sẽ đẹp đấy anh à”. Trò chuyện một lúc, tôi rủ mọi người cùng về, cậu đội trưởng bảo: “Anh về đi kẻo muộn, chúng em còn muốn ngắm thêm tí đã”. Tôi xúc động lên xe tạm biệt, lòng cứ nghĩ mấy “ông tướng” này còn “máu” hơn mình nhiều, thật đáng yêu quá.

Vũ Hiệp (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)

 

 

 

Rate this post