Trần Văn Giàu(1911 – ) – Nhân Vật Lịch Sử.

Thân thế và sự nghiệp của Trần Văn Giàu

Trần Văn Giàu (bí danh: Hồ Nam; bút danh: Tầm Vu, Gió Nồm, M. N.; sinh 1911), nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà giáo Việt Nam. Đồng chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (cùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Quê: xã An Lạc Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống đấu tranh yêu nước. Năm 15 tuổi, lên Sài Gòn học. Năm 1926, tham gia biểu tình đưa tang Phan Châu Trinh. Năm 1928, sang Pháp học. Tháng 5. 1930, tham gia biểu tình trước dinh tổng thống Pháp đòi huỷ án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, do đó bị trục xuất về Việt Nam. Năm 1931, học tại Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Đầu 1933, bí mật trở về nước. Tháng 6.1935, bị toà án Sài Gòn kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4.1940, được tha, nhưng bị bắt lại sau mấy ngày và bị đưa đi an trí ở trại Tà Lài. Năm 1941, trở về hoạt động cách mạng. Tháng 10.1943, được bầu làm bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ. Tháng 8.1945, tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh ở Nam Bộ. Tháng 9. 1945, được cử làm chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ. Những năm 1946 – 1948, được Trung ương giao làm nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia xây dựng lực lượng kháng chiến. Năm 1949, về nước, làm tổng giám đốc Nha Thông tin. Năm 1951, về Bộ Giáo dục, tham gia xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp. Năm 1954, chủ nhiệm Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm 1962 – 1975, công tác tại Viện Sử học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Từ sau 1975 đến nay, tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Những công trình nghiên cứu của ông thể hiện kiến thức uyên thâm trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hoá: “Biện chứng pháp”, “Vũ trụ quan”, “Duy vật lịch sử”, “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỉ 19 đến Cách mạng tháng Tám”, “Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam”, “Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858”, “Lịch sử chống xâm lăng”, “Giai cấp công nhân Việt Nam”, “Lịch sử cận đại Việt Nam”, “Miền Nam giữ vững thành đồng”, “Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh”…

Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Nhà giáo Nhân dân (1992). Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2003).

Rate this post