Trần Bạch Đằng – một kẻ sĩ Nam bộ tài ba
Sáng 19-7, kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng và 10 năm ngày ông mất, tại Đường sách TP Hồ Chí Minh (quận 1), nhóm tác giả chủ biên đã tổ chức buổi giao lưu và giới thiệu cuốn sách mới “Trần Bạch Đằng – Chân dung kẻ sĩ Nam bộ” (NXB Khoa học xã hội).
Thay mặt nhóm tác giả chủ biên (gồm TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Tổng giám đốc Nhà xuất bản Trẻ; TS Phan Văn Hoàng, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Tổng thư ký công trình “Lịch sử Nam bộ kháng chiến”), ông Nguyễn Trọng Xuất chia sẻ, nhóm tác giả thực hiện đã cố gắng trình bày, phân tích một số tác phẩm tiêu biểu nhất về ông Trần Bạch Đằng để làm nên cuốn sách, như một nén hương tưởng nhớ người đồng chí đã đi xa, một lời tri ân đối với một tài năng đặc biệt mà cuộc đời cũng không ít gian truân, nhưng đã dốc tâm huyết lưu lại vốn quý cho đời.
Hai tác giả Quách Thu Nguyệt và Nguyễn Trọng Xuất nói về cuốn sách.
Cuốn sách này quy tụ nhiều bài viết về ông Trần Bạch Đằng của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực. Tất cả làm nổi bật lên chân dung của một kẻ sĩ Nam bộ – Trần Bạch Đằng – một nhà lãnh đạo bản lĩnh, sắc sảo. Đồng thời, cũng khắc họa một Trần Bạch Đằng trí thức, một nghệ sĩ rất đa dạng, đã có những sáng tác độc đáo ở hầu hết các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật…
Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, sinh năm 1926, thuộc dòng dõi “danh gia vọng tộc”, hậu duệ của các vị đại thần thế kỷ 19 là Trương Gia Huy, Trịnh Hoài Đức. Nhưng do nhà nghèo, cha lại bị địch đầy ải, ông không được theo học trường lớp chính quy như các bạn trẻ cùng lứa khác. Dù vậy, khi trưởng thành ông lại có vốn tri thức sâu sắc thâm thúy trên các lĩnh vực, từ lãnh đạo cách mạng đến sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, báo chí… Tất cả đều do ông tự học trong quá trình hoạt động cách mạng, làm việc.
Với vai trò là nhà chính trị, ông Trần Bạch Đằng có tư duy chính trị đặc sắc – ông đã cùng Khu ủy Khu Sài Gòn – Gia Định, Trung ương Cục miền Nam, chỉ ra đường lối đấu tranh hiệu quả ngay trong lòng địch với những đòn tấn công sắc bén, đánh vào chỗ yếu nhất của địch là về chính trị. Trong phong trào đô thị, ông là nhân tố tương tác chủ yếu, huy động được phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên đấu tranh rất mạnh mẽ ngay trong những năm khó khăn nhất của cách mạng.
Trong công tác nghiên cứu, viết các bộ sách về lịch sử, bộ sách quan trọng nhất ông chủ biên vào những năm cuối đời là công trình “Lịch sử Nam bộ khách chiến”. Bộ sách đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá là “tác phẩm xuất sắc”. Tuy ông ra đi hai năm trước ngày bộ sách sử hoàn thành, nhưng những tư tưởng chỉ đạo của ông, trên cương vị chủ biên – cùng với cố Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Võ Văn Kiệt – đã là linh hồn của bộ sách quý này.
Cuốn sách “Trần Bạch Đằng – Chân dung kẻ sĩ Nam bộ”.
Là nhà chính trị bản lĩnh, nhưng cũng không ngăn trở ông luôn có một tâm hồn nghệ sĩ đậm nét Nam bộ. Ông vừa làm thơ, vừa viết tiểu thuyết lịch sử với tính chất là những bộ “sử thi”, dựa trên cơ sở nguyên mẫu có thật ngoài đời. Những đồng đội, đồng chí của ông như liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo – nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa”; như Anh Hai Cũ trong “Chân dung một quản đốc”…
Tuy vậy, sự nghiệp quan trọng nhất của Trần Bạch Đằng, được mọi người tôn vinh, chính là sự nghiệp làm báo. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì ít nhất ông đã viết một vạn bài báo trên tất cả các loại báo, từ báo chí xuất bản trong vùng địch chiếm đến báo chí cách mạng, suốt trong hai cuộc kháng chiến 30 năm và sau ngày giải phóng, cho đến khi ông mất năm 2007.
Tác giả Nguyễn Thọ Chân trong cuốn sách đã đúc kết rằng “Trần Bạch Đằng là một trong những tấm gương chiến đấu và lao động xuất sắc. Người đời rồi ai cũng ra đi, chỉ khác nhau là để lại cái gì cho xã hội… Anh đã để lại một di sản đồ sộ về chính trị, văn học, nghệ thuật…”.