Top 5 soái ca Thủy hử: Yến Thanh không phải số 1

Top 5 soái ca Thủy hử: Yến Thanh không phải số 1

Top 5 soái ca đệ nhất Thủy Hử, Yến Thanh chỉ xếp hạng nhì.

Hạng năm: Bạch diện lang quân Trịnh Thiên Thọ

Trịnh Thiên Thọ, ham mê võ nghệ từ nhỏ, trưởng thành theo nghề thợ bạc, thích kết giao với đám hảo hán. Một hôm Trịnh Thiên Thọ qua núi Thanh Phong, bị toán cướp do Vương Anh chỉ huy chặn lại đòi tiền mãi lộ. Trịnh Thiên Thọ đấu với Vương Anh hơn năm mươi hiệp không phân thắng bại. Trại chủ Thanh Phong là Yến Thuận thấy Thọ là tay có võ nghệ, bèn mời lên núi, ngồi ghế đầu lĩnh thứ ba.

Bạch diện Lang quân Trịnh Thiên Thọ.

Trịnh Thiên Thọ, được Thi Nại Am miêu tả ở hồi 31 Thủy Hử như thế này: “Còn anh chàng ngồi bên hữu, người trông mảnh dẻ thanh tú, mặt trắng râu ba chòm, đầu đội khăn hồng, nguyên quán ở Tô Châu Triết Giang, họ Trịnh tên Thiên Thọ, người ta thường gọi là Bạch Diện Lang Quân (Chàng mặt trắng). Sau Trịnh Thiên Thọ cùng nhóm Yến Thuận, Vương Anh, Tần Minh, Hoa Vinh, Hoàng Tín nhập bọn Lương Sơn, ngồi ghế đầu lĩnh thứ 74.

Tạo hình của Trịnh Thiên Thọ, trong các bộ phim truyền hình Thủy Hử, đều được phỏng theo nguyên tác Thi Nại Am. Một thanh niên trẻ trung, đẹp trai, trắng trẻo, có phần thư sinh, dù chàng là tay lăn lộn tứ xứ ác liệt. Nhưng họ Trịnh xuất thân tầm thường, tính cách lại không có gì nổi bật, nên có thể nói chàng ta ngoài cái đẹp mã thì không có gì để so bì với những nam nhân còn lại trong Top 5 soái ca Lương Sơn Bạc.

Hạng tư: Kim Sang thủ Từ Ninh

Từ Ninh, giáo đầu dậy kim thương ở Đông Kinh, xuất hiện ở hồi 55 Thủy Hử, nhân chuyện nghĩa quân Lương Sơn gặp khốn với trận liên hoàn giáp mã của Hô Diên Chước. Từ Ninh, bị Thời Thiên trộm mất áo giáp quý “Kim đường Nghê” rồi bị người em họ Thang Long lừa lên Lương Sơn. Sau vợ con Từ Ninh cũng bị Ngô Dụng lập mưu đưa về bến nước còn uy danh của “Kim sang thủ” bị Thang Long đóng giả thân phận đánh người cướp của mà phá hủy hết cả, cùng đường phải đành định cư ở Lương Sơn, dạy món câu liêm thương cho nghĩa quân.

Kim sang thủ Từ Ninh.

Cuộc sống vinh hoa phú quý, con người quan cách trong từng cử chỉ nhỏ đến tài nghệ dụng câu liêm thương của Từ Ninh được Thi Nại Am miêu tả rất kĩ, còn ngoại hình của chàng thì được nhắc đến ở một đoạn ngắn thế này ở đầu hồi 56: “Bấy giờ Tiều Cái, Tống Giang, Ngô Dụng, cùng các vị Đầu Lĩnh trông thấy Từ Ninh mình sáu thước năm tấc, mặt trắng phau phau, ba chòm râu đen rưng rức, lưng rộng vai to, rõ ra đường đường tu my nam tử, thì ai nấy đều vui mừng hớn hở trong lòng”.

Có điều Từ Ninh là kẻ bụng dạ hơi hẹp hòi, lại quan tâm quá mức đến chuyện ăn mặc “Đoạn rồi thấy một đứa nữ tỳ ở dưới bếp đi lên, gập một cái áo màu tía cổ tròn, một cái áo ngắn màu quan lục, một cái áo xiêm hoa rực rỡ, một cái khăn gấm, và mấy cái khăn tay bằng lụa, bọc vào một gói, lại gấp một cái thắt lưng đuôi giải bọc vào khăn vàng nhỏ rồi bỏ vào hòm mà để lại một chỗ”, nên cái chất soái ca của chàng ta ít nhiều cũng bị điểm trừ vậy!

Hạng ba: Một vũ tiễn Trương Thanh

Trương Thanh là 1 trong những đầu lĩnh gia nhập Lương Sơn muộn nhất. Trương Thanh xuất hiện ở hồi 69 Thủy Hử, nhân chuyện Tống Giang kéo quân sang giúp Lư Tuấn Nghĩa đánh phủ Đông Xương. “Trong thành có một tên mãnh tướng, tên là Trương Thanh, quê ở phủ Chương Đức, vốn tay kị hổ xuất thân, tài nghề ném đá đánh người, trăm viên đều trúng, người ta thường gọi là Một Vũ Tiễn xưa nay”.

Một vũ tiễn Trương Thanh.

Trận giao chiến của Trương Thanh với các đầu lĩnh Lương Sơn được Thi Nại Am miêu tả vô cùng hấp dẫn khi “Một vũ tiến” tay thương tay đá hạ gục tổng cộng 15 chiến tướng của Tống Giang. Sau Trương Thanh mắc mưu của Ngô Dụng và trận pháp của Công Tông Thắng mà bị bắt, rồi chính thức quy hàng, gia nhập nghĩa quân Lương Sơn cùng 2 phó tướng Cung Vượng – Đinh Đắc Tôn. Phân ngôi thứ trên Lương Sơn, Một Vũ Tiễn ngồi ghế đầu lĩnh thứ 16, một trong những Tướng tiên phong đệ nhất.

Tuy nhiên, nếu như tài ném đá siêu hạng của Trương Thanh được Thi Nại Am viết rất sâu, rất sắc thì ngoại hình của “Một vũ tiễn” lại không được nhắc tới ở 70 hồi đầu Thủy Hử. Phải tới phần Hậu Thủy Hử, nhân chuyện Lương Sơn Bạc đi đánh dẹp Điền Hổ, đối đầu với quận chúa Cừu Quỳnh Anh, vẻ ngoài soái ca của Trương Thanh mới được khắc họa rõ ràng.

Hồi 98 có đoạn: “Một đêm cuối năm, Quỳnh Anh vừa gục đầu thiu thiu ngủ, chợt có một luồng gió ùa vào, cuống theo một mùi hương lạ thơm nức. Trong chốc lát, Qùynh Anh thấy một tu sĩ đầu chít khăn mỏ rìu, dẫn một viên tướng trẻ mặt chiến bào xanh, anh tuấn phi phàm, đến dạy cho mình phép ném đá”. Viên tướng trẻ ấy chính là Trương Thanh.

Sau theo mưu kế của Ngô Dụng, Trương Thanh và thần y An Đạo Toàn cải trang để xâm nhập thành của Ô Lê – cha nuôi Quỳnh Anh và cũng chính là cựu thù giết cha mẹ nàng. An Đạo Toàn sắm vai thày thuốc Toàn Linh còn Trương Thanh trong thân phận người em trai – tên Toàn Vũ.Hậu thủy hử hồi 98 viết:

“Toàn Linh lạy tạ nói: Tiểu nhân có em ruột là Toàn Vũ từ nhỏ từng theo đi khắp nơi giang hồ, cũng học hỏi được ít nhiều võ nghệ. Nay em tiểu nhân cũng theo đến đây phụ việc chăm sóc thuốc men cho quốc cữu. Xin tướng công xem xét cất nhắc cho. Ô Lê sai người gọi Toàn Vũ vào hỏi chuyện. Ô Lê thấy Toàn Vũ tướng mạo tuấn tú khác thường bèn cho chàng ở phía ngoài phủ dinh để chờ sai phái”.

Sau Trương Thanh – Quỳnh Anh kết nghĩa phu thê rồi cùng nhau hạ sát Ô Lê, giúp quân Lương Sơn chiếm được Uy Thắng Châu. Tạo hình của Trương Thanh trong Tân thủy hử 2011 do nam diễn viên Trương Hiểu Thần thủ vai, có thể nói là… đẹp không tì vết.

Hạng nhì: Lãng tử Yến Thanh

Ngay cái biệt danh “Lãng tử” – tức tay chơi của Yến Thanh đã cho thấy chàng ta có chỗ hơn người đặc biệt rồi. DanViet từng có 2 bài viết về Yến Thanh, không chỉ bàn về vẻ ngoài tuyệt đẹp của chàng “Lãng Tử” hay tài cầm kỳ thi họa, đàn ca sáo nhị không gì không hay, lại sở hữu bản lĩnh côn quyền bắn nỏ xuất chúng này mà còn đi sâu vào tính cách, nội tâm của nhân vật.

Lãng Tử Yến Thanh.

Thi Nại Am đã dùng nhiều đoạn viết rất sắc để mô tả về vẻ ngoài mỹ nam của Yến Thanh ở hồi 59. Như “Thấy một người mình cao sáu thước, tuổi ngoại đôi mươi, lưng nhỏ vai rộng, ria mọc kín mồm, mình mặc áo sa trắng, lưng thắt lụa màng nhện đỏ, chân đi đôi giầy vàng, đầu đội khăn lòng rua, sau gáy có một đôi kim hoàn, bên tai cài bông hoa tứ quýi” hay “Lư Viên Ngoại thấy chàng ta trắng trẻo đẹp đẽ, da như miếng tuyết, bèn gọi thợ trổ hoa vào khắp cả mình, chả khác nào trên cột ngọc đình, mà treo thêm những vẻ gấm hoa”.

Nhưng tại sao Yến Thanh đẹp đẽ như thế, tài hoa như thế đến mức khiến trang tuyệt sắc giai nhân như ca nữ được vua Tống sủng ái – Lý Sư Sư mê mệt ngay từ lần đầu gặp mặt, lại không phải là soái ca hạng Nhất của Thủy Hử. Lý do là bởi, Yến Thanh có 1 điểm trừ rất lớn, đó là chàng ta không… có thứ tình yêu nam nữ như bao người đàn ông bình thường khác. Yến Thanh, trước sau chỉ biết có Lư Tuấn Nghĩa, một lòng vì họ Lư. Chàng ta cũng được nuôi dạy để trở thành một người bạn tâm tình cho “Ngọc Kỳ Lân”.

Mối quan hệ giữa Lư Tuấn Nghĩa và Yến thanh, ngoài là chủ-tớ, tiếng là cha-con nuôi nhưng có khác gì một chuyện tình đồng tính nam.Một mỹ nam dù hoàn hảo đến mấy mà không có tình yêu với nữ nhân, thì đâu thể coi là soái cao đệ nhất được!

Hạng nhất: Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh

Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, trước khi gặp Tống Giang và sau này gia nhập Lương Sơn, ngồi ghế đầu lĩnh thứ 9, sớm đã lập gia đình. Và Tiểu lý quảng ấy hiện ra, dưới ngòi bút của Thi Nại Am, không chỉ là một võ tướng có tài bắn cung siêu hạng mà còn là một nhân vật thực sự toàn mỹ. Hoa Vinh của Thủy Hử là một mỹ nam “trẻ trung, môi đỏ thắm, răng trắng đẹp, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, ngực nở, vai rộng”.

Tiểu lý quảng Hoa Vinh.

Không chỉ sở hữu vẻ ngoài vạn người mê, Hoa Vinh còn là người cương trực, thẳng thắn, luôn hết lòng vì nghĩa, sẵn sàng bất chấp hiểm nguy mà xả thân vì anh em huynh đệ. Tính cách Hoa Vinh vốn điềm đạm, lại biết chu toàn cho đại cục, không ai là không nể. Đơn cử như việc chàng hứa gả em gái mình cho Tần Mình sau khi vợ con “Tích lịch Hỏa” bị giết (gián tiếp bởi kế của Tống Giang), vừa giữ được tiếng cho Tống Giang, lại vừa thu phục được nhân tâm Tần Minh.

Hoa Vinh thực sự là người tài hoa, lại văn nhã, lời ăn tiếng nói rất khiêm nhường. Trong lần đầu cập bến Lương Sơn, trước khi trở tài bắn nhạn Hoa Vinh có nói thế này: “Vừa rồi các vị Đầu Lĩnh thấy nói Hoa Vinh này bắn đứt dây ngù buộc kích, nghe chừng có ý không tin, vậy nhân có hàng nhạn bay qua, tôi xin bắn một con để các ngài coi thử. Tôi định bắn con nhạn thứ ba, bay ở trên kia, nếu không trúng, thì xin các ngài đừng chê cười…”.

Hoa Vinh biết rõ năng lực của mình nhưng một lời nói ra vẫn khiêm tốn, không 1 chút kiêu ngạo, vừa nho nhã lại vừa đi vào lòng người, thật khiến kẻ khác phải trân quý vậy. Trí dũng song toàn, đẹp người lại tốt nết, Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh đích thị là soái ca đệ nhất Lương Sơn Bạc!

Rate this post