Tôn Hiếu Anh: “Ngu cũng đến lúc khôn”

Tôn Hiếu Anh: “Ngu cũng đến lúc khôn”

Ngày 30/03/2013 09:24 AM (GMT+7)

“Tôi nhận ra lá thư đã làm nhiều bạn sống chậm lại và nhìn về gia đình nhiều hơn”.

Thật khó để tin Tôn Hiếu Anh đã 36 tuổi, bởi trông anh quá trẻ so với tuổi thật của mình. Có lẽ một phần vì đời sống tinh thần phong phú và phong cách thời trang của Hiếu Anh vô cùng cá tính. Hoạt động lâu năm trong giới thời trang, chàng biên tập viên của kênh truyền hình VTV6 trở nên nổi tiếng hơn sau những chia sẻ của mình về người cha quá cố – PGS Tôn Thất Bách.

Cuộc trò chuyện tranh thủ với Tôn Hiếu Anh giữa thời điểm bộn bề trong công việc cũng cho thấy một phần con người anh ở thời điểm hiện tài. Đúng như lời một độc giả từng chia sẻ: “Có những người trưởng thành khá muộn và phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống. PGS Bách đã không may mắn được nhìn thấy sự trưởng thành và chín chắn của con trai mình. Nhưng sớm muộn gì những người sinh trưởng trong môi trường tốt cũng sẽ ngộ ra thôi”.


Bức ảnh kỷ niệm của cha con PGS Tôn Thất Bách.

– Lá thư gửi bố của Tôn Hiếu Anh thực sự gây xúc động, không chỉ đối với các bạn trẻ mà cả với các bậc phụ huynh. Cảm xúc của anh thế nào khi ngồi viết những dòng tâm sự này, anh có đoán trước nó sẽ được lan truyền trên mạng?

Thực ra đây không phải lần đầu tôi viết nhưng đây là lần đầu mọi người quan tâm nhiều hơn. Nếu đoán trước nó lan truyền thì tôi đã viết nhiều hơn.

– Ngày còn nhỏ, dễ đoán anh được gia đình hướng theo ngành của bố – PGS Tôn Thất Bách. Lúc đó anh đã đấu tranh thế nào để được sống và làm việc theo sở thích, ước mơ của riêng mình?

Tôi không đấu tranh mà đó là giải pháp cho sự nghiệp của tôi, một con đường khác. Tôi không đủ tâm và tài để thi Y, đó là sự thật thì đương nhiên tôi không được dừng lại và phải chọn giải pháp phù hợp hơn với mình.

Khi biết tôi không theo đuổi ngành nghề của cha và ông nội, bố tôi có buồn và ông mất một khoảng thời gian để có thể vượt qua nỗi buồn này.

– Anh có bằng lòng với sự lựa chọn và công việc hiện tại của mình?

Tôi rất hài lòng với lựa chọn của mình vì tôi thích 2 chữ “bất hối”, đã làm sẽ không hối tiếc. Nếu hối tiếc thì đã không làm

– Không nói về nghề y, anh cho rằng mình thừa hưởng những tính cách gì từ bố?

Bố tôi hay nói đùa là tôi thừa hưởng mọi tính xấu của bố, có lẽ cũng đúng.

– Kỷ niệm nào về bố khiến anh nhớ và khâm phục ông nhất?

Một kỷ niệm thì có lẽ không thể nghĩ ngay được vì tôi có quá nhiều ký ức trong đầu, ngổn ngang và không biết lấy từ góc nào nữa

Tôi khâm phục bố ở mọi thứ ông làm. Có lẽ tôi học ở ông sự cao thượng, đến giờ tôi vẫn chưa có được điều đó.

– Có quá nhiều người tưởng nhớ đến bố anh và mang ơn ông. Ngày ông còn sống, anh có để ý đến những chuyện đó?

Hành trình sự nghiệp của ông tôi không bao giờ nhìn được từ góc nhìn thấp, tôi quá nhỏ tuổi để nhìn vào con đường ông đi. Tuy nhiên, tôi sát bên ông khi ông mệt mỏi và ưu phiền.

Gia đình là chỗ dựa của ông. Tôi chỉ còn nhớ ông quá vất vả, tôi từng rất lo sợ khi bố mình dồn hết sức cho công việc, và điều đó đã xảy ra

– Anh có thông điệp nào dựa trên chính những trải nghiệm của bản thân muốn gửi gắm đến các bạn trẻ?

Khi tôi viết ra, tôi chỉ nghĩ là viết cho vơi nỗi nhớ, cho cảm xúc giải toả. Sau khi mọi người quan tâm, đồng cảm và chia sẻ với mình, tôi nhận ra bài viết của mình cũng làm nhiều bạn sống chậm lại và nhìn về gia đình nhiều hơn. Mừng lắm. Có lẽ đây là điều tôi mong đợi: Qua sự tiếc nuối của mình, nhiều bạn sẽ yêu qúy bố mẹ mình và trân trọng những gì mình đang có.

Xin cám ơn Tôn Hiếu Anh!


Tôn Hiếu Anh và bố – cố PGS Tôn Thất Bách.

Dưới đây là nội dung trích lược 3 lá thư của Tôn Hiếu Anh viết cùng vào ngày 26/3 nhưng ở ba thời điểm khác nhau trong cuộc đời.

Lá thư thứ nhất (Viết năm Hiếu Anh 25 tuổi)

London, ngày 26-3-2004.

Q và B ời ời gọi mình dậy, ngơ ngác không hiểu chuyện gì mà chúng nó nhìn hốt hoảng. “Anh phải thật bình tĩnh nhé” – Q nói, mình nhìn vào mắt ầng ậng của B và hơi đoán ra có điều gì kinh khủng lắm, hay là bà nội mình mất nhỉ?

“Bố anh mất rồi…”. Vỡ oà hai lỗ tai lùng bùng, ngơ ngẩn và không biểu hiện một chút gì… Hôm qua 8h sáng ở Việt Nam bố còn email cho mình cơ mà, cái email đầu tiên của bố mà sao lại nghe thấy chuyện này? Tin đồn nhảm nhí phải không? Bối rối và không thể tỉnh ra được. Xuống dưới nhà lao vào mạng đọc báo thì dòng tin đập vào mắt. Bố ơi, bố gặp tai nạn sao? Không khóc, không một biểu hiện buồn và tự hỏi sao không ai ở nhà gọi sang cho mình nhỉ?…

[…] Tại sao hôm qua còn nhận được email của bố mà hôm nay cơ sự lại thế này? Không hề bối rối mà bình tĩnh đến lạ thường. Đến tận bây giờ mình mới hiểu đó là cảm xúc chết, chết lặng trong lòng. Không một giọt nước mắt!

Máy bay hạ cánh, gặp 3 người đi đón và cảm nhận cái vòng tay ấm áp và chia sẻ. Vỡ tan, vẫn không hề tin và cứ ước ao về đến nhà sẽ thấy mọi chuyện vẫn bình thường. Nhà đông người quá, đông như năm 1982 vào ngày ông nội mất. Bố ơi, hình như con không còn hy vọng về sự sống của bố nữa hay sao? Vào phòng khách thấy bàn thờ, thấy ảnh bố, vỡ oà những giọt nước mắt muộn màng lăn xuống. Bố ơi sao bố lừa con mà không chờ con về? Cái email con reply cho bố giờ đang nằm trên bàn thờ, bố chưa kịp đọc.  Câu mở đầu của bức thư ngắn ngủi của Bố: “Bố chuẩn bị đi công tác Lào Cai” – phải chăng dòng chữ đó là cả định mệnh của bố, là những lời cuối cùng bố viết cho con hả bố?

Mất bố thật rồi. Con không tin! Bố chỉ đi công tác đâu đó thôi…

Lá thư thứ 2 (Viết năm Hiếu Anh 28 tuổi)

Hà Nội, ngày 26-3-2007.
 
3 năm trôi qua mà xúc cảm trong con không hề thay đổi, không có biểu hiện của sự đau đớn và nước mắt không hề rơi. Nhiều lúc con ước ao được khóc để trôi đi hết nỗi buồn, trôi hết nỗi nhớ thương bố. Hình ảnh bố luôn ở trong đầu con, nhìn ảnh của bố nhiều lúc cảm thấy cực ấm áp và ước ao cái ngày con và bố vẫn tâm sự với nhau. Hai cốc trà đá cùng hút thuốc, cùng ngồi ngoài sân hóng gió.

Lại nhớ cái ngày Xmas năm đầu con ở Anh, con bí mật về Việt Nam thì thấy bố đang nằm trên phòng con hút thuốc. Hì hì, bố yêu của con ơi, giường con là nơi duy nhất nằm hút thuốc và bật máy lạnh hưởng thụ bố nhỉ. Con nhớ mùi thuốc lá của bố, giọng nói ấm áp của bố. Nhiều lúc đi về chỉ thèm gọi hai tiếng “Bố ơi”… Con vẫn nhớ 2 câu thơ mà bố tâm đắc: “Thà huy hoàng một phút rồi vụt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

Con không xuống được mộ bố đợt này vì con ốm, thêm nữa mới vào Đài truyền hình, bận rộn quá bố ạ. Con biết bố là người luôn hiểu chuyện, con bất hiếu lắm hả bố? Lần sinh nhật nào của bố hay giao thừa, bố đều ôm con rất chặt, con thèm vòng tay của bố lắm. Hồi bé con toàn tránh bố và đến lúc lớn thành một thói quen. Con biết bố buồn vì bố hiểu chính bố đã làm con tránh bố.

Công việc và áp lực đã giết bố, trách nhiệm và tấm lòng là động cơ định mệnh của bố. Sinh nghề tử nghiệp, hình như trái tim của nhà mình đều như nhau, từ ông nội, bố và chắc cả con nữa đều không tránh được cái di truyền quỷ quái này nhỉ. Con cũng bắt đầu có áp lực công việc và mọi sự nghiệm trải nghiêm túc. Một công việc đã làm con hăng say bố ạ. Vẫn cái nghiệp thời trang con theo đuổi và giờ đây còn rẽ thêm một nhánh khác: Phóng viên. Nó hợp con một cách kinh khủng mà trước giờ con chưa biết đến. Nhiều lúc thèm chia sẻ với bố lắm nhưng nói trước tấm ảnh thì không làm con vợi chút nào.

Ngày hôm nay con vẫn trạng thái vô cảm đó, hình như tình cảm của con cũng biến đi từ ngày bố mất. Không rung động không mảy may. Bù lại sự nhạy cảm của con lên đến đỉnh điểm vì phải gánh chịu một cuộc sống không có bố. Mọi sự sa ngã của con, mọi thứ giờ con được trả giá và vẫn thế, hai chữ bất hối – không hối tiếc. Ngu cũng sẽ đến lúc khôn ra, bố nhỉ?

Ngày trôi qua, mọi chuyện sẽ lại chôn vùi và khoả lấp những cảm xúc những suy tư này. Tại sao ta không lưu giữ nó và bắt gặp được dòng cảm xúc của mình bất chợt. Kỷ niệm là gì khi lòng người vội xoá, nhưng sẽ là tất cả nếu lòng người vội ghi.


Tôn Hiếu Anh đang hoạt động trong ngành thời trang.

Lá thư thứ 3 (Viết năm Hiếu Anh 36 tuổi)

Gia tài của Bố

Con không theo học được ngành Y nên gia tài kiến thức của gia đình con đã không được thừa hưởng. Bố đừng buồn, những thế hệ học trò của bố đã kế thừa và phát huy điều đó rất tốt. Nếu con làm bác sỹ thì sẽ có lợi thế là sự khéo léo, nhạy cảm hay những đoạn gen tốt từ ông bố. Không có tính kiên nhẫn là nhược điểm khiến con không bao giờ đến được với ngành Y. Dù con không thừa hưởng tiền hay kiến thức y khoa nhưng Bố đã để lại cho con một gia tài vô giá: Những người bạn của Bố.

Bố biết không, 9 năm đã qua mỗi dịp 20/11, Tết âm lịch, giỗ Bố ngày 26/3, ngày giỗ ông 7/5 thì nhà mình vẫn chật kín người. Các lớp học trò của bố nay các chú ấy đã trưởng thành. Họ dẫn học trò tới thắp hương và giảng giải về thành tựu khoa học của ông và bố, Tự hào lắm! Các chú không dừng lại ở Việt Đức làm việc mà chia ra các nơi để thành lập các trung tâm Tim mạch khác nhau. Ngày hôm nay các chú đã có thành quả của riêng mình và kiến thức bố dạy các chú ấy luôn tồn tại ở các thế hệ tương lai. Bố hãy mỉm cười và đừng tiếc khi con không theo được nghề, bố nhé!

Những người em của bố cũng chưa bao giờ vắng mặt trong những ngày nói trên. Chú Thạch, chú Hán, chú Tiến… họ vẫn tập trung nhau, vẫn hát bài hát của ngày xưa: “Ta đi trên lối nhỏ là lối an toàn”. Bố vẫn dặn con là khi cần thiết thì cứ gọi chú Thạch, con luôn sợ như vậy sẽ phiền chú lắm. Nhưng thực sự con chẳng cần gọi thì chú đã có mặt bên gia đình mình mỗi khi có việc bố ạ!

Con nhận ra trong cuộc đời này có tình anh em bền vững khi người anh trọng nghĩa còn người em trọng tình. Đặt ở giữa là cán cân của sự sòng phẳng.

Những người bạn của bố đa phần là công an. Họ là hung thần của những kẻ phạm pháp nhưng lại là bạn cực tốt với chân chính. Các chú nay cũng già và về hưu, các chú đang tận hưởng cuộc sống lên ông nội hay ông ngoại an nhàn vô tư. Chú Toàn, chú Triều, chú Hưởng… đều vẫn khoẻ để thụ hưởng hạnh phúc. Các chú cũng vẫn luôn thăm hỏi bà và mẹ mỗi khi Tết đến hay giỗ bố. Chú Toàn bây giờ giống như người anh cả của nhóm, chú Thạch, chú Hán sẽ cùng nhau tập trung mọi người mỗi khi có dịp để ăn uống, hát hò hay ôn lại những câu chuyện về bố ngày xưa. Bố biết không, chú Thạch mỗi khi uống luôn để riêng 1 chén rượu phần bố đấy ạ!

Mảnh đất Lương Sơn bây giờ đã mang một màu sắc mới, nó không còn u ám như nhiều năm trước. Có lẽ nó đã được thổi một sức sống mới và chứa những kỷ niệm vĩnh cửu từ tình cảm gia đình. Con nhận thấy tình anh em, bạn bè của bố xứng đáng xếp vào chữ gia đình qua sự chân tình và bền chặt nhưng có lẽ đại gia đình là cách gọi đúng hơn.

Nhìn lại mình con nhận ra mình quá ư hời hợt. Con đã không biết cách chơi với bạn như bố đã làm. Con học được từ câu chuyện của bố – Bằng sự gương mẫu của một người anh chứ không phải là chức quyền là thứ được bạn hay em tôn trọng. Sự đức độ, nét tài hoa hay cách ứng xử với bạn chân tình mới là thứ mọi người luôn nhớ. Con từng lầm tưởng bênh bạn hết mình mới là biết chơi nhưng bây giờ mới hiểu biết chơi phải là cách của bố mới đúng.

[…] Mọi người tả lại cho con là bố mất trong tư thế ôm ngực, còn tay kia như muốn với điện thoại. Con mong đó cũng chỉ một cơn nhồi máu cơ tim giống ông thôi bố nhỉ! Để bố không kịp cảm nhận được sự đau đớn về thể xác và chỉ một tích tắc là bố có thể về trời. Bố ra đi trong sự yên tâm vì đã dặn hết những gì cần thiết. Lần cuối chị và mẹ đi Thái về bố cũng dặn chị phải chăm lo cho mẹ, hay bố cũng kịp chia sẻ ý đồ xây dựng bệnh viện Việt Đức với chú Thạch cụ thể.

Điều khó nhất Bố dặn là con phải tránh xa cám dỗ. Khó quá bố ạ, đôi lúc con dẫm vào cám dỗ rồi mắc kẹt rất lâu và rất nhiều thơi gian mới thoát ra được. Có những cám dỗ đến nay con vẫn chưa từ bỏ nổi.

Con hiểu khi con đã có bản lĩnh để tránh xa cám dỗ thì tương đương với việc con sẽ gương mẫu. Để rồi cũng sẽ có những người em, người bạn như bố đã có.

Con cũng hiểu áp lực của ông với bố và điều đó lại nhân lên gấp bội khi đè nặng lên con. Tuy biết rằng con không thể nào so được với ông và bố nhưng con cũng cố gắng không trở thành kẻ vô dụng ăn bám xã hội. Con đang tập đứng vững trên đôi chân của mình, bằng năng lực thực sự của mình. Ác một nỗi người đời ít thông cảm nên khoác lên con một định kiến về kẻ nghịch tử phá hoại thanh danh gia đình.

Tuy con không thể làm giáo sư hay tiến sỹ nhưng con vẫn ngẩng cao đầu tự hào vì con là con của bố. Con chẳng nề hà khi con đã không được bằng ông hay bố nhưng con vẫn là một công dân tốt là được, bố nhỉ. Con chỉ cần bố và gia đình hiểu cho con là đủ. Mỗi khi con vấp ngã hay va chạm thì luôn có những cánh tay dang ra đỡ dậy. Họ là những người bạn của bố hay đơn giản cũng chỉ là người hâm mộ nhân cách của bố. Họ xuất hiện bên cạnh con hằng ngày, hằng giờ.

Nhiều năm trước con vẫn nghĩ là nhà mình không giàu hay chẳng có tài sản đáng giá. Nhưng ngày hôm nay con nhận ra con giàu có vô vàn. Tuy không phải chính tay con làm ra nhưng con hiểu là mình sẽ phải học cách làm giàu như bố. Để tiếp tục có những người bạn của chính con, đồng hành với con suốt cuộc đời kể cả khi con nhắm mắt. Con cảm ơn bố, cảm ơn các chú đã chứng minh cho con hiểu được sự tồn tại của tình bạn chân chính trong cuộc sống ngày nay. Thật tự hào khi bố biết chọn bạn hay ngược lại thì những người bạn của bố còn là gia tài vô giá mà bố đã để lại cho con.

Con yêu bố!

(Khampha.vn)

Rate this post