Tố Uyên hạnh phúc ở tuổi về già
Nói đến phim ảnh, người nghệ sĩ này trở nên hào hứng và sôi nổi. Cô bé Nga trong “Con chim vành khuyên” ngày nào giờ hai khoé mắt đã hằn sâu. Dấu vết của nước mắt cho số phận đa đoan, hay cho niềm tin từng sụp đổ trong bà?
Thi sĩ Lưu Quang Vũ và diễn viên Tố Uyên đã là câu chuyện tình lãng mạn một thời. Nó làm tốn không ít giấy mực của báo giới và của chính những người trong cuộc về những sắc thái, cung bậc tình yêu.
Chàng và nàng biết nhau từ thuở lên 10, cùng nhau lồng tiếng trong những vở kịch trên đài phát thanh và phim hoạt hoạ. Bộ phim hoạt hoạ đầu tiên của Việt Nam – Ngô, khoai, sắn Tố Uyên đã lồng tiếng vai Lúa, còn Quang Vũ vai Khoai. Tình cảm trẻ thơ dần nhen nhóm.
Lưu Quang Vũ có một chiếc mũ cát két, Uyên có chiếc mũ nồi, cậu bé Vũ hay chạy từ phố Huế sang Bùi Thị Xuân để đổi mũ cho Uyên. Mỗi đứa đội mũ này 10 ngày, rồi lại đổi sang mũ kia.
Rồi tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng, từ lòng cảm mến trẻ thơ chuyển sang ngưỡng mộ nhau về chí hướng.
Tố Uyên thương!
Hôm nay nhận được thư em viết ngày 2/7 anh mừng biết mấy. Ước gì anh đổi tất cả của cải và niềm vui ở trên đời để có em bên anh một lát lúc này… Anh vẫn luôn khuyên mình phải biết tin mọi người và anh vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở mọi người. Còn có bao người tốt, cuộc đời vẫn đáng cho mình sống và làm việc.
Gorki nói: “Người nghệ sĩ là tai, là mắt, là tim của đất nước mình, là tiếng nói của thời đại mình, là con mắt vạn năng có thể nhìn tới tận những chỗ sâu xa thầm kín nhất trong tinh thần con người… Uyên của anh, bé Nga của anh! Anh yên tâm vì tình cảm và tâm hồn tốt đẹp của em… Dù là một diễn viên hay một người sáng tác, người ta đều phải có một tấm lòng rộng lớn và vốn hiểu biết sâu sắc, về cuộc đời. … Thế là từ đầu thư tới giờ anh toàn nói chuyện “công việc”, em nghe có chán tai không? Nói chuyện khác nhé! Chuyện của chúng mình… Tuỳ ở em đấy thôi, còn anh thì nhất định giống như anh con giai trong truyện thơ “Sóng chụ xôn xao”:
Không lấy được nàng ta làm loạn giữa phủ
Không lấy được nàng ta làm loạn giữa mường
Vung lưỡi kiếm chém ông trời rửa hận
Chết ban ngày ta coi như nằm sưởi nắng
Chết ban đêm coi như nằm đếm sao…
Anh Vũ cũng thế đấy….
(17/12/68 – Lưu Quang Vũ)
Cuộc hôn nhân đổ vỡ khi Tố Uyên chưa đầy 30 tuổi. Cuộc sống đất nước lại đang trong thời kỳ khó khăn. Minh Vũ là niềm hạnh phúc và hy vọng, là tất cả Tố Uyên gửi gắm cho cuộc đời. Những gì người mẹ trẻ một mình nuôi con đã trải qua thật khó khăn. Nhiều lúc nghĩ lại Tố Uyên cũng không hiểu nổi tại sao mình đã vượt qua được.
Lưu Quang Vũ và Tố Uyên đặt tên con là Minh Vũ, mong con sẽ là ánh sáng của buổi bình minh. Bé hiền, dễ nuôi và bụ bẫm đến mức ông nội phải lo lắng, mới mười mấy tháng tuổi mà nặng hơn hai chục kg. Thời buổi thiếu thốn nhưng dòng sữa căng tràn sức sống của mẹ khiến bé không bao giờ bị đói.
Sáu tháng tuổi, bé đã theo mẹ lên rừng xuống biển trên chiếc xe tải hai tầng, trên để đồ, dưới người ngồi. Bé đi Phú Thọ, Móng Cái cùng mẹ làm các phim Ngày lễ thánh, Hai bà mẹ, Vợ chồng anh Lực…
Nghệ sĩ Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ. Ảnh: Thế Giới Văn Hóa.
Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ
Tuổi đi học, Minh Vũ ngày ngày được mẹ dắt tay đến trường gần nhà. Đến khi đã quen đường, Minh Vũ muốn tự đi.
Tố Uyên để con đi một mình nhưng lặng lẽ theo sau. Kèm con viết từng nét chữ đầu tiên, cũng may bé Vũ rất chăm học, và học khá, Tố Uyên đỡ lo lắng phần nào.
Thấy mẹ vất vả, Vũ từ bé biết thương mẹ nên từ sớm đã rất đảm đang. Những khi mẹ đi biểu diễn thường mang con theo. Diễn đêm nên sáng còn mệt, để mẹ ngủ thêm, bé Vũ dậy sớm trước mẹ lĩnh đồ ăn sáng của đoàn. Khi tỉnh dậy, Tố Uyên đã thấy dáng bé Vũ lũn cũn từ xa chạy về. Các cô trong đoàn thì tấm tắc: “Kìa, cái Uyên sáng mở mắt ra đã có con mang đồ ăn về cho rồi!”. Lúc đó bé Vũ mới chừng lên 4.
Đến năm 6-7 tuổi, Minh Vũ thường giúp mẹ xếp hàng mua lương thực hoặc xách gạo đi đổi bún ở chợ Hôm. Đến Tết lại đi mua hàng Tết, tất tưởi xách về cho mẹ. Căn nhà của hai mẹ con hồi đó là ngôi nhà cấp bốn trên phố Tô Hiến Thành, cũng gần với ngôi nhà của gia đình Lưu Quang Vũ ở phố Huế. Tố Uyên muốn để cho con có không khí gia đình nên thường xuyên để con qua lại nhà bố. Những lúc mẹ chưa đi làm về, Minh Vũ vẫn chạy sang chơi với bố ở ngôi nhà cũ. Mỗi lần con đi, Tố Uyên chỉ dặn: “Sang bên ấy con phải ngoan nhé!”.
Cuộc chia tay của bố mẹ có nhiều điều đặc biệt, Tố Uyên không biết làm thế nào giải thích với con. Lúc đó Minh Vũ ngây thơ vẫn thường nói với mẹ: “Mẹ phải sang ở với bố, mẹ không được ở bên này”. Người mẹ trẻ chỉ biết nói vui với con: “Thôi con ạ, mẹ ở bên này rồi, sang bên đó mẹ ở chỗ nào”. Cũng rất thông cảm với Xuân Quỳnh, Tố Uyên không bao giờ nói gì làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bố trước con trai.
Minh Vũ cũng có máu văn nghệ như cha mẹ. Những lúc chơi đùa ở nhà, hai mẹ con vẫn cùng nhau đóng kịch câm, Tố Uyên dạy con múa hát, đóng ông giám đốc, người bơm xe, cảnh đi học muộn… Bé Vũ thích chí làm theo mẹ, rồi cả hai mẹ con cười vang xua đi những khó nhọc của cuộc đời thường nhật. Vũ cũng đi sinh hoạt trong câu lạc bộ kịch, và lúc nhỏ từng đi biểu diễn ở Sài Gòn.
Khi Minh Vũ lên cấp 3, Tố Uyên cho con sang ở với bố cho gần gũi bên nhà nội và cũng tốt hơn cho việc học hành của con. Minh Vũ thi vào chuyên văn trường Hà Nội Amsterdam, rồi thi vào trường điện ảnh học quay phim theo tâm nguyện của bố. Đang học năm thứ hai đại học thì Vũ được cử đi học ở Đức.
Năm 1991, đúng lúc con đi học xa thì Tố Uyên lại xây nhà. Ngôi nhà 3 tầng một mình bà xin giấy tờ, thuê thợ, đẩy từng xe cát sỏi. Vũ thương mẹ một mình vất vả, muốn bỏ học để về, nhưng Tố Uyên khuyên con ở lại học cho xong, rồi trở về làm việc tại quê hương. Thời đó, muốn con sung sướng, cũng có cách để Minh Vũ được ở lại Đức nhưng Tố Uyên muốn con về nhà, đất nước khó khăn gì thì mẹ con vẫn được bên nhau.
Tố Uyên luôn dạy con: hạnh phúc là ở tự mỗi cá nhân, con người phải vượt qua được sự ích kỷ để cuộc đời bớt đau khổ. Mất mẹ từ năm lên 9, thiếu thốn tình cảm nên bà luôn đề cao lòng nhân hậu và tình người khi giáo dục con. Cuộc sống dù có đạt đến mọi đỉnh cao, có nhiều tiền bạc rồi cũng có thể mất hết, chỉ có tình người là còn lại mãi mãi. Minh Vũ vì thế sống rất tình cảm và nhường nhịn. Anh luôn muốn mẹ sống vui vẻ, và ủng hộ mẹ có gia đình mới. Nhưng người đàn bà đẹp vẫn không tìm được người đàn ông cùng tham dự số phận với mình.
Nuôi con một mình. Những tháng ngày vất vả đó không bao giờ bà có thể quên. Một mình đèo hàng trăm cuốn băng phim đi giao cho ba mươi cửa hàng, mỗi cuốn thù lao một nghìn đồng. Rồi những ngày bom đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, phải xa con ở nơi sơ tán, bà đi nhặt xác người ở Khâm Thiên cùng với đoàn phim tài liệu.
Hình ảnh một người mẹ chết đứng, tay vẫn ôm chặt đứa con vẫn khắc sâu trong lòng bà. Người mẹ đó hiện nay được dựng thành tượng đặt tại Khâm Thiên. Tất cả giờ đã lùi vào dĩ vãng, Minh Vũ đã trưởng thành, Tố Uyên không còn phải bươn bả kiếm tiền. Ngày cưới đứa con trai bé bỏng, tấm lòng người mẹ ngập tràn hạnh phúc.
Giờ đây, Tố Uyên đã lên chức bà nội. Bận bịu công việc tại Trung tâm phát triển hướng nghiệp cộng đồng, Hội khuyến học Việt Nam, rảnh lúc nào là bà rẽ qua thăm hai đứa cháu trai kháu khỉnh. Cuối tuần mẹ con bà cháu lại tụ tập lại nấu nướng, ăn uống. Hai đứa cháu giờ là niềm hạnh phúc lớn nhất của bà, Anh Vũ và Khánh Vũ. Cả hai cùng tên Vũ, để nối dài niềm yêu thương còn dang dở.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)