Tĩnh tâm, hít thở đúng cách: Chìa khóa dành cho người hay quên
Thực tế cho thấy có nhiều than phiền về tình trạng hay quên, ví dụ như: Đi làm quên điện thoại ở nhà, dự tính lên tầng trên lấy đồ dùng nhưng lại đi xuống tầng trệt, chuẩn bị làm một việc gì đã định lại quên phắt một cách dễ dàng, chủ ý cho xe rẽ vào một lối định sẵn trong đầu nhưng lại đi quá lối rẽ một cách ngớ ngẩn…
Nguyên nhân hay quên thì có nhiều, có thể do hậu COVID, do tuổi tác, do giảm khả năng miễn dịch, do tình trạng viêm toàn thân hoặc do một số nguyên nhân chưa được làm rõ. Vậy, cách nào để phục hồi chứng hay quên một cách nhanh và hiệu quả?
Tập tĩnh tâm và hít thở mọi lúc có thể là một giải pháp hiệu quả để giảm chứng hay quên và phục hồi nhanh trí nhớ.
Tập tĩnh tâm, hít thở mọi lúc là một giải pháp hiệu quả giảm chứng hay quên và phục hồi nhanh trí nhớ. Ảnh minh hoạ.
Tập tĩnh tâm và hít thở – Mối liên quan đến phục hồi trí nhớ?
Tập tĩnh tâm và hít thở là một tập hợp các cách kiểm soát tinh thần và hơi thở, giúp điều hòa hoạt động hô hấp, tim mạch và thần kinh của chúng ta. Tập tĩnh tâm và hít thở thường liên quan đến việc tập trung vào hơi thở, tập trung nghĩ về một đối tượng hoặc ý tưởng cụ thể, để tạo ra một trạng thái tinh thần nhẹ nhàng, tập trung và thăng bằng.
Một số lợi ích về tinh thần, cảm xúc của tập tĩnh tâm và hít thở thường xuyên có thể bao gồm:
- Tăng sự kiên nhẫn và tính linh hoạt trong tiết chế cảm xúc;
- Tăng sự tập trung và sáng tạo;
- Cải thiện bộ nhớ;
- Giảm mức độ có hại của hormone căng thẳng và các hóa chất gây viêm, liên quan đến phản ứng căng thẳng;
- Giúp giảm bớt trầm cảm và ngăn ngừa trầm cảm tái phát;
- Giảm lo lắng.
Lợi ích của tập tĩnh tâm và hít thở không chỉ về mặt tinh thần, mà còn về thể chất. Tâm trí, tinh thần căng thẳng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và hạnh phúc của chính chúng ta.
Vì vậy, không thực sự ngạc nhiên khi các nghiên cứu cho thấy, một thực hành tập tĩnh tâm và hít thở thường xuyên có thể:
- Giảm nhẹ và ổn định huyết áp;
- Giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích;
- Giúp giảm đau mãn tính;
- Giảm sự kích hoạt ở các vùng não liên quan đến nỗi sợ hãi và các cảm xúc tiêu cực;
- Cải thiện giấc ngủ và chống mất ngủ.
Ngày nay, nhiều người sử dụng tập tĩnh tâm và hít thở cho các mục đích khác nhau, gồm giúp kiểm soát căng thẳng, tăng cường sự tập trung và nhận thức, cải thiện tâm trạng và giúp tinh thần minh mẫn, cải thiện chứng giảm trí nhớ.
Tập tĩnh tâm và hít thở thế nào cho hiệu quả?
Tập tĩnh tâm và hít thở là một phương pháp miễn phí, không cần thiết bị hoặc vị trí đặc biệt để thực hành tập tĩnh tâm và hít thở. Không quá khắt khe về chọn điều kiện để tập tĩnh tâm và hít thở, miễn điều kiện và thời gian phù hợp với bạn.
Chọn một nơi yên tĩnh không bị xao nhãng tâm trí: Cần tắt hoặc để chế độ im lặng cho điện thoại, tắt ti vi và các thiết bị điện tử khác. Nếu bạn muốn có nhạc hoặc âm thanh làm nền khi tập tĩnh tâm và hít thở, hãy chọn nhạc không lời êm dịu và lặp đi lặp lại, chẳng hạn như tiếng mưa tí tách hoặc tiếng sóng biển vỗ đều đều.
Chọn một tư thế thoải mái: Hầu hết các bài tập tĩnh tâm và hít thở đều diễn ra ở tư thế ngồi. Chìa khóa là tìm một vị trí bạn có thể thoải mái giữ trong vài phút. Điều này có thể là ngồi bắt chéo chân trên sàn, ngồi trên ghế hoặc ngồi trên sàn với nệm, thậm chí có thể áp dụng khi đi bộ thể dục.
Tạo một thói quen: Để đạt được những lợi ích của tập tĩnh tâm và hít thở, bạn cần thiết lập một thói quen. Hãy biến tập tĩnh tâm và hít thở thành một thói quen. Cố gắng tập tĩnh tâm và hít thở nhiều lần trong ngày, trước khi đi ngủ hoặc ngay khi thức dậy. Và nếu được, bạn nên tập tĩnh tâm và hít thở mọi lúc có thể, miễn đạt được sự tập trung tốt nhất tâm trí và lắng nghe nhịp thở của bạn.
Trong quá trình tập tĩnh tâm và hít thở, bạn tập trung tâm trí vào quá trình hít vào và thở ra, để ý khi nào tâm trí hoặc suy nghĩ của bạn bắt đầu đi lang thang không tập trung. Việc đầu óc bạn đi lang thang hay phân tâm là điều tất yếu và tự nhiên của mỗi người, chỉ cần ghi nhận đi chệch hướng, cần nhẹ nhàng tập trung sự chú ý của bạn trở lại cùng với nhịp thở.
Lợi ích của tập tĩnh tâm và hít thở không chỉ về mặt tinh thần, mà còn về thể chất.
5 tình huống thực tế áp dụng tập tĩnh tâm và hít thở mọi lúc trong ngày
1. Bạn đang làm việc ngồi bàn giấy
Khoảng 1 – 2 tiếng, bạn nên dành ra 5 – 10 phút và có thể nhắc giờ trên thiết bị di động cài đặt sẵn, cứ ngồi tư thế thẳng lưng và đặt tay nhẹ trên bàn hay để tay lên vùng bụng dưới, mắt nhắm nhẹ, nhìn về một phía xa có khoảng trống hơn 5 mét để tránh mắt phải điều tiết.
Tập trung suy nghĩ và lắng nghe đếm hơi thở của bạn, bạn hít vào từ từ bằng mũi, phình bụng ra và thở ra từ từ bằng miệng óp bụng lại, xong một lần hít thở sẽ đếm thêm một lượt, cho đến khi đồng hồ báo giờ vang lên.
Uống một ít nước và bạn tiếp tục trở lại công việc.
2. Bạn đang làm việc phải di chuyển hay đang làm việc vặt trong nhà
Sau khi hoạt động vài tiếng, bạn cần chọn một vị trí để ngồi yên trong 5 – 10 phút để nghỉ ngơi và bắt đầu tập tĩnh tâm và hít thở.
Thực tế, khi tư vấn hậu COVID, bác sĩ phát hiện ra nhiều bệnh nhân chỉ đơn giản là quên tập thở vì họ đang quá tập trung vào các công việc khác trong ngày. Sau khi được tư vấn, nhiều bệnh nhân kiên trì tập thở và kết quả chứng quên và giảm trí nhớ phục hồi một cách ngoạn mục.
Đơn giản, bạn cần thực hành sớm tập thở hàng ngày:
- Ngồi thẳng lưng, một tay đặt lên bụng và tay kia đặt trên ngực;
- Hít vào từ từ và sâu qua mũi và cảm nhận bụng bạn phình ra;
- Rồi từ từ thở ra bằng miệng;
- Lặp lại 5 – 6 lần trong ngày, mỗi lần làm trong 5 – 10 phút.
3. Bạn đang đi bộ thể dục, tập tĩnh tâm và hít thở trong từng bước đi của mình
Bạn cũng có thể tập tĩnh tâm và hít thở được ngay khi đi bộ thể dục, tốt nhất vẫn nên chọn buổi tối trước khi đi ngủ.
Bạn cần chọn một nơi ít người đi lại, mặt đường đi bằng phẳng, ít xe cộ, tĩnh lặng và nhiều cây xanh. Bạn nên đi với bước chân đều đều, mắt nhìn về xa xăm, tay thả lỏng đung đưa theo bước đi, tập trung suy nghĩ về một hình ảnh hay nghe nhạc nền nhẹ nhàng với tai phone không dây, bạn cứ hít vào từ từ bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng.
Có thể đan xen mỗi đợt kéo dài 5 – 10 phút, không hẳn phải tập hết cả thời gian đi bộ thể dục.
4. Bạn đi thư giãn uống cà phê cuối tuần
Cuối tuần thư giãn cà phê với bạn bè, bạn cũng có thể thực hành tập tĩnh tâm và hít thở.
Việc đầu tiên, bạn cần chọn người đi cùng thường là vợ chồng, hoặc 1 – 2 người bạn hiểu rõ không phải đối phó, không phải nói năng quá nhiều và không quá giữ ý trong khi gặp gỡ.
Nơi ngồi thư giãn cần thoáng đãng, có khung cảnh đẹp trống trải để thả rộng tầm mắt, có cây xanh mát mẻ hoặc có điều hòa khi trời nắng nóng, không quá đông đúc.
Bạn có thể vừa nhâm nhi cà phê, thả lỏng suy nghĩ, nhìn xa xăm không phải điều tiết mắt, có thể nghe nhạc nền nhẹ nhàng, bạn cứ hít vào từ từ bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng. Có thể đan xen mỗi đợt tĩnh tâm và hít thở kéo dài 5 – 10 phút, rồi chuyển sang nói dăm ba câu chuyện ngắn với người thân vui vẻ. Làm như vậy, bạn có được hai mối lợi, vừa thư giãn cuối tuần, vừa tập tĩnh tâm và hít thở.
5. Bạn lên giường đi ngủ
Đây là tình huống quá dễ áp dụng khi tập tĩnh tâm và hít thở. Bạn cứ áp dụng như đã hướng dẫn trong các tình huống trên. Hãy nằm yên trên giường với tư thế bạn thích, bắt đầu thực hành tập tĩnh tâm và hít thở khi bạn muốn tắt đèn để ngủ, thực hành cho đến khi bạn liu riu đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng và kết thúc một ngày làm việc bận rộn.
Cuối cùng, hơn nhau ở chỗ là ai kiên trì với tập tĩnh tâm và hít thở hơn, biến thực hành tập tĩnh tâm và hít thở thành thói quen và áp dụng đa tình huống. Nhắc lại, đây là việc làm miễn phí dễ áp dụng, nhưng lợi ích vô cùng to lớn về lâu dài, trước mắt để giải quyết chứng hay quên và tăng đề kháng cơ thể của chính bạn.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân.