Tiểu sử về Nikola Tesla
Nikola Tesla (1856 – 1943) sinh ra tại Smiljan, Đế quốc Áo (nay thuộc Croatia), là một nhà phát minh và kỹ sư, nổi tiếng với việc thiết kế ra hệ thống điện xoay chiều (AC). Đây là hệ thống điện phổ biến được sử dụng trên toàn thế giới ngày nay. Ông cũng góp công chế tạo ra “cuộn dây Tesla” (gồm 1 cuộn sơ cấp và 1 cuộn thứ cấp) – linh kiện mà cho tới nay vẫn được sử dụng trong công nghệ vô tuyến. Nikola là một trong 5 người con của một gia đình thuộc tầng lớp khá giả tại Đế quốc Áo. Từ thuở còn thơ, sự quan tâm của cậu bé Nikola đối với các phát minh sáng tạo đã được đánh thức bởi mẹ của ông, Djuka Mandic, người thường xuyên chế tạo ra các thiết bị gia dụng nhỏ trong nhà mỗi khi rảnh rỗi.
Thế nhưng, cha của Tesla, Milutin Tesla – vốn dĩ là một linh mục người Serbia kiêm nhà văn lại luôn thúc đẩy con trai mình gia nhập một tổ chức giáo hội. Bất chấp mong muốn của cha, cậu bé Nikola quyết tâm chỉ yêu thích và tập trung vào các môn khoa học. Sau khi tốt nghiệp trung học, Tesla theo học ngành kỹ thuật và vật lý vào những năm 1870 ở thành phố Budapest (Hungary), đồng thời ông tích lũy kinh nghiệm thực tế khi làm việc tại Continental Edison – một công ty trong lĩnh vực năng lượng điện vào đầu những năm 1880. Trong thời gian sống và làm việc tại đây, Tesla lần đầu tiên nảy ra ý tưởng về động cơ cảm ứng nhưng thất bại trong nỗ lực thu hút sự quan tâm của truyền thông và giới khoa học đến phát minh của mình.
Ở tuổi 28, Tesla quyết định rời trời Âu để đến với Hoa Kỳ. Đó là vào năm 1884, khi Tesla đặt chân đến nơi đất khách quê người, với vỏn vẹn một bộ quần áo trên lưng và một lá thư giới thiệu tới nhà phát minh, kiêm ông trùm kinh doanh nổi tiếng Thomas Edison. Bị ấn tượng với tài năng và những ý tưởng đột phá của Tesla trong lĩnh vực năng lượng điện, Thomas Edison đã ngay lập tức thuê Tesla, và hai người đã sớm trở thành “cặp bài trùng”, làm việc cùng nhau không biết mệt mỏi để cải tiến các phát minh của Edison. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, họ “đường ai nấy đi” do 2 cá tính rất mạnh và vô cùng khác biệt.
Trong khi Edison là một nhân vật quyền lực tập trung vào tiếp thị và thành công tài chính, thì Tesla lại khá lạc lõng về mặt thương mại và có phần dễ bị tổn thương. Năm 1885, Tesla nhận được một khoản tài trợ cho Công ty Đèn điện mang tên mình, và được các nhà đầu tư của ông giao cho nhiệm vụ phát triển hệ thống chiếu sáng hồ quang cải tiến. Tuy nhiên sau khi thành công, Tesla lại bị buộc phải rời khỏi liên doanh và đã có một thời gian khó khăn khi phải làm việc như một người lao động chân tay để tồn tại. Sau 2 năm, vận may của Tesla cuối cùng cũng mỉm cười với ông, khi nhà phát minh người Mỹ gốc Serbia nhận được một khoản tài trợ khác cho Công ty điện Tesla mới thành lập, và cột mốc này đã thay đổi cuộc đời ông.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Tesla đã khám phá, thiết kế và phát triển ý tưởng cho một số phát minh quan trọng. Hầu hết trong số đó đã được cấp bằng sáng chế ngay lập tức bởi các nhà phát minh khác, bao gồm máy phát điện (tương tự như pin) và động cơ cảm ứng. Ông cũng là người tiên phong trong việc khám phá ra công nghệ radar, công nghệ tia X, sóng điều khiển từ xa và từ trường quay – cơ sở của hầu hết các hệ thống dùng điện xoay chiều. Trong đó, hệ thống điện xoay chiều (AC) được thiết kế bởi Tesla có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của ông. Theo định nghĩa, dòng điện xoay chiều là dòng điện có chiều biến thiên tuần hoàn và cường độ biến thiên điều hòa theo thời gian.
Trong đó, những thay đổi này thường diễn ra tuần hoàn theo một chu kỳ nhất định. Dòng điện xoay chiều thường được tạo ra từ các máy phát điện xoay chiều hoặc được biến đổi từ nguồn điện một chiều bởi một mạch điện chết, thường gọi là bộ nghịch lưu. Trong kỹ thuật điện, nguồn xoay chiều được viết tắt tiếng Anh là AC (Alternating Current) và được ký hiệu bởi hình ~ (dấu ngã – tượng trưng cho dạng sóng hình sin). Năm 1887, ý tưởng về hệ thống điện xoay chiều của Tesla lần đầu tiên thu hút sự chú ý của kỹ sư kiêm doanh nhân người Mỹ George Westinghouse, người đang tìm kiếm một giải pháp cung cấp điện đường dài cho quốc gia.
Tin chắc rằng những phát minh của Tesla sẽ giúp ông thực hiện được điều này, Westinghouse đã mua bằng sáng chế của Tesla với giá 60.000 USD dưới dạng tiền mặt và cổ phiếu tại Westinghouse Corporation. Lúc bấy giờ, hệ thống AC của Tesla đã phải cạnh tranh trực tiếp với Thomas Edison, người cũng đang có ý định bán hệ thống dòng điện một chiều (DC) cho quốc gia. Thật không may cho Edison, Tập đoàn Westinghouse rốt cuộc đã được chọn để cung cấp ánh sáng sau buổi trình diễn của Tesla tại Triển lãm Columbian Thế giới năm 1893 ở Chicago. Với cương vị cá nhân, Tesla cũng đã chính thức đánh bại người cộng sự Edison trong cuộc đua của riêng họ.
Năm 1895, Tesla tiếp tục đạt thành tựu khi giải pháp của ông được chọn để lắp đặt tại một trong những nhà máy thủy điện xoay chiều đầu tiên ở Mỹ, cụ thể là tại thác Niagara. Vào năm tiếp theo, điện xoay chiều chính thức được sử dụng để cung cấp điện cho thành phố Buffalo, New York, sau một chiến lược marketing thành công, và từ đó đã gián tiếp giúp phát minh này của Tesla tiến xa hơn trên con đường trở thành hệ thống điện thế giới. Nhìn lại, hệ thống điện của Tesla đã tạo ra cuộc cách mạng khi nhanh chóng trở thành một phát minh ưu việt, được ứng dụng rộng rãi vào đời sống của người dân.
Cho đến nay, điện xoay chiều vẫn là tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới. Vào cuối thế kỷ 19, Tesla tiếp tục được cấp bằng sáng chế cho phát minh với cuộn dây Tesla – đóng vai trò là “trái tim” của mạch điện, từ đó đặt ra nền tảng cho các công nghệ không dây và trong công nghệ vô tuyến sau này. Bản thân Tesla cũng đã sử dụng phát minh của mình để nghiên cứu ra nhiều khái niệm mới như huỳnh quang, tia X, tia vô tuyến, điện không dây và điện từ trong Trái Đất… Mặc dù trong suốt nhiều thập kỷ, Tesla với tư cách là một nhà phát minh đại tài – đã là một phần của xã hội thượng lưu ở New York, nhưng tuổi tác và nghèo đói đã khiến ông ngày càng bị cô lập.
Bị ám ảnh bởi việc truyền dẫn năng lượng không dây, khoảng giữa năm 1900, Tesla bắt đầu thực hiện dự án táo bạo nhất của mình, đó là xây dựng một hệ thống liên lạc không dây, có quy mô toàn cầu, được truyền qua một tòa tháp điện lớn, với khả năng chia sẻ thông tin và cung cấp năng lượng miễn phí trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi Tesla chưa kịp thực hiện ý tưởng của mình, thì các nhà đầu tư của dự án đã bắt đầu nảy sinh nghi ngờ về tính hợp lý của nó, và lặng lẽ rút vốn, khiến Tesla “nổi điên”. Cùng thời điểm, Guglielmo Marconi – đối thủ của Tesla, với sự hỗ trợ tài chính của Andrew Carnegie và Thomas Edison, đã tiếp tục đạt được những bước tiến vượt bậc với các công nghệ vô tuyến của riêng mình, khiến Tesla không còn cách nào khác ngoài việc từ bỏ dự án.
Hai năm sau, Tesla tuyên bố phá sản, còn tòa tháp và toàn bộ công trình đã bị tháo dỡ, rồi bán lấy phế liệu, và dùng để trả các món nợ mà Tesla phải chịu trong suốt nhiều năm. Những ý tưởng của ông cũng được xem là ngày càng trở nên kỳ quặc và thiếu thực tế. Ông được người ta nhắc đến nhiều với biệt danh “nhà phát minh lập dị”, và dành nhiều thời gian của mình để sống ẩn dật, vô gia cư trong các công viên của Thành phố New York. Khi còn sống, Tesla luôn coi các con số được lặp lại theo một quy tắc là “linh thiêng”. Ông đi bộ xung quanh một tòa nhà 3 lần trước khi bước vào, rửa tay 3 lần liên tiếp vì sợ vi khuẩn.
Trước khi ăn, ông dùng tới 18 chiếc khăn sạch để lau bóng dụng cụ ăn, không bao giờ sử dụng một chiếc khăn 2 lần và luôn đeo găng tay khi dùng bữa. Ngoài ra, Tesla còn bị mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ông không chạm vào bất cứ thứ gì hơi bẩn, tóc, bông tai, thậm chí là các loại quả tròn. Tesla qua đời vì chứng huyết khối mạch vành vào ngày 7/1/1943, ở tuổi 86 tại thành phố New York, nơi ông đã sinh sống và làm việc gần 60 năm. Thế nhưng, di sản của Tesla để lại cho nhân loại vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Năm 1994, một biển báo có tên “Ngã tư Nikola Tesla” đã được lắp đặt gần khu vực phòng thí nghiệm cũ của ông tại giao lộ của Đường 40 và Đại lộ 6, thành phố New York.
Nguồn: Dân Trí