Tiểu sử Trần Bình Trọng
BẢO NGHĨA VƯƠNG TRẦN BÌNH TRỌNG
(1259 – 1285)
Trần Bình Trọng sinh năm 1259, vốn dòng dõi vua Lê Đại Hành (Thọ Xuân-Thanh Hóa). Cha tên là Lê Tần, một cận tướng của vua Trần Thánh Tông. Trong cuộc chống quân xâm lược Mông cổ lần thứ nhất (1258), Lê Tần là người có công đầu, được vua ban quốc tính (họ Trần) và thường được gọi là Lê phụ Trần (nghĩa là người họ Lê có công phò giúp họTrần). Ông còn được phong tước Bảo Văn Vương, đến năm 1274 được vua cử làm Giáo thụ cho thái tử Khảm (tức vua Nhân Tông sau này).
Trần Bình Trọng, ngay từ thuở nhỏ, được cha giáo dục, dạy dỗ chu đáo. Lớn lên, ông là người văn võ song toàn và sớm trở thành một danh tướng của nhà Trần. Ngoài việc được mang quốc tính nhà Trần, Trần Bình Trọng còn được vua Trần Thái Tông nhận làm phò mã – là chồng của công chúa Thụy Bảo và được phong tước là Bảo Nghĩa Vương, thuộc vào hàng tước vị cao nhất ở thời nhà Trần.
Vào năm 1271, Hốt Tất Liệt thôn tính hoàn toàn Trung Quốc lập nên triều đại Nguyên . Để báo thù cho việc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258) bị thất bại, Hốt Tất Liệt đã huy động một lực lượng hùng mạnh, gồm hơn 50 vạn quân thủy – bộ với các dũng tướng Mông Cổ như Alý – Hải Nha, Ô Mã Nhi, Toa Đô…và giao cho thái tử -Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Trước sự xâm lăng của quân Nguyên-Mông, vua tôi nhà Trần tích cực chuẩn bị kháng chiến. Với Hội nghị Vương Hầu – Bình Than (1282) và Hội nghị bô lão – Diên Hồng (1285), quân dân nhà Trần đã thể hiện tinh thần “Sát Thát”, “Quyết đánh quyết thắng” của cả dân tộc. Vào ngày 02-02-1285, quân Nguyên – Mông ồ ạt tấn công Đại Việt. Để tránh thế mạnh ban đầu của giặc, chờ thời cơ phản công, nhà Trần vừa thực hiện chính sách “vườn không, nhà trống”, vừa rút lui chiến lược, sơ tán triều đình về Thiên Trường (Nam Định).
Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng được giao chỉ huy, tổ chức chặn đánh quân giặc tại Thiên Mạc một cứ điểm chiến lược nằm án ngữ con đường thủy .Vùng Thiên Mạc (xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, Hà Nam) là một bãi phù sa rộng lớn ở phía nam sông Hồng, khi sông Hồng chảy đến đây tách làm hai nhánh bao quanh cù lao Thiên Mạc.
Sau khi quân Nguyên – Mông tiến vào Thăng Long, bị rơi vào cảnh “vườn không, nhà trống”, Thoát Hoan vội cho Ô Mã Nhi đem thủy quân đuổi theo Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Nhân Tông đang trên đường xuôi về Thiên Trường. Tại Thiên Mạc, cuộc chiến đấu ác liệt của quân dân Đại Việt và quân xâm lược Nguyên-Mông diễn ra suốt bảy ngày đêm. Cuối cùng, với sự tăng cường viện binh của quân Nguyên, cứ điểm phòng thủ Thiên Mạc bị vỡ, Trần Bình Trọng bị sa vào tay giặc. Nhận thấy đây là một dũng tướng lỗi lạc, quân giặc ra sức dụ dỗ, mua chuộc ông ( kể cả hứa ban tước vương của triều Nguyên), ông đã mắng lại: “Ta thà làm qủy nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Biết không lay chuyển được tấm lòng kiên trung sắt đá của Ông, giặc đã giết ông vào ngày 26 tháng 02 năm 1285 trong sự kính phục vô hạn.
Sau khi thắng lợi, nhà Trần truy phong Trần Bình Trọng tước Đại Vương (phẩm tước cao nhất trong hàng Vương hầu) – xứng đáng với chiến công và sự hy sinh oanh liệt của ông.