Tiểu sử Lê Anh Xuân

Tiểu sử Lê Anh Xuân

 

Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến, sinh ngày 05 tháng 06 năm 1940 tại xã An Hội, thị xã Bến Tre. Anh chào đời đúng vào những ngày Nam Kì khởi nghĩa trên mảnh đất nóng bỏng truyền thống cách mạng.

Lê Anh Xuân lớn lên trong một gia đình trí thức yêu nước. Anh là con trai thứ của nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học – GS. Ca Văn Thỉnh. Lúc nhỏ Lê Anh Xuân sống với cha mẹ ở vùng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Cuối năm 1952, anh vào làm việc ở nhà in Trịnh Bình Trọng của Sở Giáo dục Nam Bộ. Lúc này Lê Anh Xuân mới 12,13 tuổi nhưng đã bắt đầu làm thơ đăng báo tường của nhà in.

Năm 1954, Lê Anh Xuân theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở trường học sinh miền Nam (Hải Phòng), Trường cấp 3 phổ thông Nguyễn Trãi (Hà Nội) rồi thành sinh viên khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được giữ lại làm phụ giảng một thời gian ngắn rồi được cử đi học tập, nghiên cứu thêm ở Liên Xô, nhưng anh tình nguyện trở về quê hương miềnNam(cuối 1964). Ban đầu, anh công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban tuyên huấn Trung ương cục, sau đó, tháng 07 năm 1965, anh chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng.

Lê Anh Xuân hi sinh ngày 24 tháng 05 năm 1968 trong đợt II chiến dịch Mậu Thân tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (phụ cận Sài Gòn).

Những tác phẩm đã xuất bản của Lê Anh Xuân gồm có: Tiếng gà gáy (thơ, 1965), Có đâu như ở miền Nam(thơ, in chung, Nxb Thanh niên,1968), Hoa dừa (thơ, Nxb Giải phóng, 1969), Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1969), Chào anh giải phóng quân (tập thơ, in chung, Nxb Quân đội nhân dân, 1972), Thơ Lê Anh Xuân(tuyển thơ, 1981). Ngoài ra anh còn có tập văn xuôi Giữ đất (1966). Lê Anh Xuân đã được nhận giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ năm 1960 với bài Nhớ mưa quê hương. Với những đóng góp to lớn, anh đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. 

Rate this post