Tiểu sử danh nhân Nguyễn Hiền
Tiểu sử danh nhân Nguyễn Hiền
TIỂU SỬ DANH NHÂN
NGUYỄN HIỀN
Nguyễn Hiền (1235-1256) là nhà hoạt động chính trị kiêm ngoại giao. Ông quê ở làng Dương A, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường (nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Lúc nhỏ thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ. Đi học ở chùa, sư viết bài đến đâu, ông thuộc lòng đến đó, 11 tuổi đã nổi tiếng thần đồng. Năm Bính Ngọ (1246), ông thi Hương, đỗ đầu (giải Nguyên). Tiếp đến khoa thi năm Đinh Mùi (1247) liền đỗ Trạng Nguyên. Bài thi do nhà vua ra đề là: “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (Bài phú về vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ nước). Nội dung đề ra khá rộng và trừu tượng. Ông đã hiểu đề sâu sắc, viết một bài phú thật hay, thể hiện khả năng uyên bác, văn chương mạnh mẽ của một cậu bé chỉ ở tuổi 12. Vua đọc xong phê luôn hai chữ “Thưởng tứ” và lấy đỗ Trạng Nguyên. Khi Nguyễn Hiền vào cung yết kiến, nhà vua thấy Trạng Nguyên quá nhỏ mà thông thái hơn người nên hỏi:
– Trạng Nguyên học ở đâu?
Nguyễn Hiền cứ thật tình tâu:
– Thần tự học lấy, nhưng có một đôi chữ không hiểu cần phải hỏi sư ông ở chùa làng.
Nhà vua thấy Trạng nói năng tự nhiên chưa hiểu phép tắc, lễ nghĩa, lại có ý tỏ ra kiêu căng nên cho là chưa thể bổ nhậm chức quan trong triều được, bèn cho Trạng về nhà học hành chờ thêm 3 năm sau khôn lớn mới bổ dụng.
Trạng về nhà, ngoài việc đọc sách, giúp đỡ công việc gia đình, còn thời gian thì kết bạn với trẻ con trong làng đánh khăn, thả diều, vui chơi thỏa thích.
Ít lâu sau, khi Trạng về nhà thì sứ nhà Nguyên sang nước ta, muốn thử sức nước Nam có người tài hay không đã đưa ra bài thơ:
“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian”
Vua giao cho các triều thần nghiên cứu trả lời, nhưng không một ai giải đáp được cả. Trong khi cả triều đình đang bí, bỗng có người nhớ đến Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, bèn tâu vua cho mời Trạng Nguyên đến hỏi. Nhà vua đưa bài thơ của sứ Nguyên cho Trạng xem và hỏi người Nguyên Mông định nói gì? Trạng chỉ đọc lướt qua, đã phát hiện toàn bộ nội dung của bài thơ chỉ mô tả có một chữ “Điền”. Sứ Nguyên nghe lời giải đáp cũng cả kinh, phục tài và không dám khinh thường người nước Nam.
Sau lần đó, vua Trần phong tước cho ông là Kim Tử Vinh Lộc đại phu. Ông làm quan tới chức Thượng Thư Bộ Công không được bao lâu thì mất. Vua thấy người đại tài như thế mà không được thọ, thương tiếc vô cùng. Huyện nơi ông ở tên là huyện Thượng Hiền, vua kiêng tên ông mới đổi ra gọi là huyện Thượng Nguyên. Vua ra chỉ dụ cấp cho dân xã 5 mẫu ruộng để lo việc thờ cúng và lập miếu thờ.