Tiếp viên hàng không kiệt sức khi bay mùa cao điểm

Giai đoạn cao điểm mùa hè, Nguyễn Giang (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) bay xấp xỉ 100 giờ/tháng, gần đạt mức giờ bay tối đa đối với TVHK.

ap luc cua tiep vien hang khong anh 1

Chuyến bay sớm bắt đầu lúc 5h sáng, hành khách chỉ cần làm thủ tục trước 40 phút, nhưng trước đó 2 giờ, tiếp viên hàng không Nguyễn Giang đã phải có mặt tại sân bay để họp, nghe phân công nhiệm vụ từ tiếp viên trưởng.

Giai đoạn cao điểm du lịch hè, hành khách luôn đông đúc, những buổi họp cũng trở nên dài hơn khi từng đầu việc phải được phân chia rõ ràng. Vài tháng qua, cô bay xấp xỉ 100 giờ/tháng.

So với công việc của nhân sự ngành nói chung, đây là con số gần như tối đa. Trung bình, một tiếp viên hàng không chỉ bay trung bình 70-100 giờ/tháng. Nếu hành khách chịu cảnh chờ đợi, đông đúc tại quầy check-in, phòng chờ, thì trên cabin, Giang và phi hành đoàn lại gặp áp lực vận hành.

Áp lực bay mùa cao điểm

Số lượng chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài đang tăng trưởng “nóng”, theo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tính trung bình, sản lượng bay quốc nội tại Nội Bài đang tăng trưởng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch Covid-19.

Điều này đã vượt quá công suất thiết kế của nhà ga hành khách T1. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chứng kiến tình trạng tương tự.

Theo dự báo, với tình hình hiện tại, cảng hàng không này sẽ sớm đạt được mục tiêu đặt ra là hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2022. Số lượng chuyến bay tăng lên là tin vui đối với ngành hàng không, trong đó có những tiếp viên như Nguyễn Giang.

Sau 2 năm “đóng băng” vì đại dịch, cô rất vui mừng vì được trở lại đúng ngành nghề yêu thích. Tuy nhiên, cùng với niềm vui là áp lực công việc chỉ người trong ngành mới hiểu.

“Trong dịch, chúng tôi chỉ bay trung bình 30 giờ, thậm chí chỉ 10 giờ/tháng. Giờ đây, số giờ bay tăng gấp 3, nhiều người trong chúng tôi vẫn chưa kịp thích nghi với lịch trình dày đặc”, cô nói.

Theo Giang, hành khách bay mùa hè chủ yếu là khách du lịch, mang theo số lượng hành lý lớn. Nhiều chuyến, hộp đồ trên khoang hành khách không đủ chứa đồ. Cô và đồng nghiệp phải tự vận chuyển vali của khách xuống hầm hàng, gây ảnh hưởng giờ bay, đồng thời kéo dài giờ làm việc của chính mình.

“Việc offload (vận chuyển xuống – PV) hành lý của khách xuống hầm không chỉ rất nặng mà còn phải đảm bảo đúng quy trình, tránh nhầm lẫn và thất lạc. Chúng tôi thật sự mong muốn hành khách hãy tuân thủ quy định bay, chỉ mang khối lượng đồ xách tay vừa đủ nhằm đảm bảo an toàn và không gian lưu trữ trên khoang”, cô bày tỏ.

Tiếp viên hàng không Nhã Uyên (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết cô đang trong những thời điểm quá tải công việc.

ap luc cua tiep vien hang khong anh 2

Từ tháng 5 đến hiện tại, Thùy Nguyên bay trung bình 40 chuyến/tháng, chấp nhận xa gia đình dài ngày. Ảnh: NVCC.

“Mỗi ngày, chúng tôi gặp hàng trăm hành khách với độ tuổi, yêu cầu, sở thích khác nhau. Việc làm hài lòng tất cả là điều rất khó”, cô nói.

Mùa cao điểm, nhân viên và hãng bay đều gặp khó khăn vì khách du lịch thường đi theo đoàn lớn.

Trong đó, nhiều người không nắm rõ vị trí ngồi, ngồi nhầm chỗ, gây ùn tắc và ảnh hưởng đến trải nghiệm của hành khách xung quanh.

“Những tình huống như vậy đòi hỏi chúng tôi cần có sự linh hoạt để giải quyết, giúp chuyến bay ổn định và cất cánh đúng giờ, đây là yếu tố rất quan trọng”, Uyên nói.

Trong khi đó, đối với tiếp viên hàng không Thùy Nguyên (27 tuổi, quận 4, TP.HCM), làm việc trong mùa cao điểm đồng nghĩa với nhiều tháng xa gia đình.

Giai đoạn này, nhiều chuyến bay bị trì hoãn, chậm trễ do các sự cố phát sinh, thời gian làm việc của cô cũng bị kéo dài hơn dự kiến.

“Từ tháng 5 tới giờ, tôi bay trung bình 40 chuyến/tháng. Nhiều năm làm việc trong ngành, tôi hiếm khi bay nhiều đến vậy. Tôi đã phải chuẩn bị tâm lý cho việc thiếu ngủ và ít có thời gian gặp người thân”, cô bày tỏ.

Kể thêm về những áp lực của mình khi làm việc trên khoang hành khách, Thùy Nguyên cho biết mình thường chủ động xếp hành lý giúp mọi người nhằm đảm bảo nhanh chóng, tránh tắc nghẽn, dù đây không phải nhiệm vụ của tiếp viên. Ở đây, cô thường xuyên gặp các trường hợp mang quá cân, hành lý xách tay cồng kềnh…

“Số lượng khách đông đúc yêu cầu tiếp viên chúng tôi cần phải quan sát để kịp hỗ trợ, đảm bảo máy bay cất cánh đúng giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chuyến bay sau”, Nguyên cho biết.

Dù đối mặt áp lực lớn trong đợt cao điểm, Thùy Nguyên vẫn cảm thấy hào hứng khi được làm việc. Đây chính là quãng thời gian cô mong ước suốt 2 năm Covid-19 vừa qua.

“Từ khi tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế được kiểm soát tích cực, tiếp viên hàng không chúng tôi sẵn sàng tâm thế cho lịch bay dày đặc. Điều này giúp chúng tôi có tinh thần và thu nhập tốt hơn”, cô chia sẻ.

ap luc cua tiep vien hang khong anh 3

Đối với nhiều tiếp viên hàng không, áp lực công việc hiện tại vẫn tốt hơn việc phải “đóng băng” ngành nghề như giai đoạn dịch bệnh. Ảnh: Getty Images.

Tương tự, Nhã Uyên cũng cho biết mình chuẩn bị tâm lý để bay dày hơn. Một năm, ngành hàng không của cô có 2 mùa cao điểm: giai đoạn hè kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 và giai đoạn Tết Nguyên đán kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

Mỗi đợt như vậy, cô và đồng nghiệp tìm cách tự điều chỉnh thời gian cá nhân và sức khỏe, đảm bảo thích ứng với công việc. So với giai đoạn dịch bệnh, đây vẫn là thời kỳ lý tưởng đối với nhân sự ngành hàng không.

“Hiện tại, số lượng chuyến bay chỉ bằng 2/3 so với giai đoạn hè 2019. Tôi có mệt mỏi, áp lực nhưng vẫn cảm thấy đáp ứng được nhịp độ này. Đây là đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi đều nắm rõ và chấp nhận từ khi bước vào ngành”, cô nói.

“Tôi chỉ sợ mình không còn được bay”, cô chia sẻ thêm.

Mùa hè đen tối của nhân sự hàng không thế giới

Tại Mỹ, mùa hè được đánh giá là thời gian đen tối của các tiếp viên hàng không.

Ở sân bay quốc tế Luis Muñoz Marín (San Juan, Puerto Rico), khi nhiều chuyến bay bị hủy, vô số hành khách mắc kẹt đã trở nên giận dữ, đập cửa và quát tháo nhân viên.

Tình hình nghiêm trọng đến mức cảnh sát phải hỗ trợ che giấu phi hành đoàn của hãng hàng không Spirit, theo New York Times.

Nhiều tiếp viên của hãng này cho hay họ bị chèn ép từ cả 2 phía – khách hàng và công ty chủ quản.

Ngoài thường xuyên làm việc ca dài hơn 14 tiếng đồng hồ, phục vụ 4-5 chuyến bay/ngày, họ không có đủ thời gian để ngủ và bị cấm nghỉ phép dù mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe.

ap luc cua tiep vien hang khong anh 4

Nhân viên hàng không đình công tại sân bay El Prat ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào ngày 24/6. Ảnh: AFP.

Không chỉ tiếp viên hàng không, nhân viên an ninh sân bay cũng hứng chịu hậu quả của nhu cầu du lịch bị dồn nén trong đại dịch. Với nhiệm vụ kiểm tra hành lý, họ buộc phải xoay xở với lượng người làm ít ỏi nhưng hành khách lại quá đông.

Việc không đảm bảo môi trường làm việc an toàn và thỏa thuận về lương đã dẫn đến một cuộc đình công phối hợp của các tiếp viên hàng không Ryanair ở nhiều quốc gia châu Âu.

Tại Transavia (Pháp) và Volotea (Tây Ban Nha), khả năng xảy ra các cuộc đình công vào mùa hè ngày càng tăng.

Claudia de Coster, tiếp viên kiêm đại diện công đoàn Setca-FGTB của Bỉ, cho biết ở Brussels Airlines, nhân viên đang tạm ngưng làm việc từ ngày 24/6 khi một thành viên phi hành đoàn phải bay trung bình từ 50-60 giờ trong 5 ngày, theo Global Times.

Tuần trước, một cuộc đình công của nhân viên an ninh tại sân bay Zaventem của Brussels (Bỉ) đã dẫn đến việc nơi này phải hủy tất cả chuyến bay trong ngày.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải về tình hình thị trường hàng không 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy hiện 5 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác gần 60 đường bay nội địa.

Đặc biệt, các hãng đang đẩy mạnh khai thác các đường bay đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang…

Như tần suất khai thác đi/đến Phú Quốc hiện tại đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày, so với năm 2019 chỉ khai thác tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa/ngày.

Theo quy định của ngành hàng không, để đảm bảo sức khỏe, mỗi tiếp viên không được có số giờ bay vượt quá 100h/tháng. Hiện Vietnam Airlines đang khai thác khoảng 80-90h/tháng/tiếp viên trên tất cả các chặng bay nội địa và quốc tế của hãng.

Điều này nhằm đảm bảo sức khỏe tinh thần cho tiếp viên hàng không với lịch trình bận rộn kéo dài 4-5 ngày liên tiếp.

Rate this post