Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên: Tạo thế bất ngờ, mưu kế cao tay

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên: Tạo thế bất ngờ, mưu kế cao tay

Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 là một trang vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch đã làm rung chuyển và dẫn tới sụp đổ dây chuyền của đối phương, đem lại hòa bình và thống nhất đất nước.

Thắng lợi của chiến dịch là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Bộ Thống soái tối cao, của tình thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào, chiến sĩ toàn mặt trận. Trong đó không thể không kể đến đóng góp của cố Thượng tướng – Giáo sư – NGND Hoàng Minh Thảo – nguyên Tư lệnh chiến dịch.

Hoàng Minh Thảo – sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn quân sự

Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên, tham gia cách mạng từ năm 1937.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên: Tạo thế bất ngờ, mưu kế cao tay - Ảnh 1.

Cố Thượng tướng – Giáo sư – NGND Hoàng Minh Thảo – nguyên Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.

Năm 1941 ông tham gia Việt Minh rồi được cử đi học quân sự ở Liễu Châu. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã trải qua nhiều cương vị như Khu trưởng Chiến khu III, Phó tư lệnh Liên khu III, Tư lệnh Liên khu IV, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954).

Sau năm 1954, ông được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt) liên tục từ 1954 đến 1966. Trong thời gian này ông đã có dịp đi nghiên cứu về khoa học quân sự ở Liên Xô, Trung Quốc.

Là một vị chiến tướng đã từng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo tác chiến tại nhiều chiến trường, đơn vị lại được điều về làm công tác tại Học viện quân sự trong thời gian dài, ông đã có điều kiện tổng kết thực tiễn, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và nâng lên tầm lý luận khoa học quân sự.

Từ tháng 11 năm 1966, ông được điều vào Nam giữ chức Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và Khu V. Đây là một chiến trường hết sức gian khổ, ác liệt bởi thường phải đối đầu với những đơn vị sừng sỏ nhất của quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu.

Trong điều kiện đó, những lý luận quân sự mà ông đúc kết được đem ra vận dụng vào thực tiễn và đã góp phần giúp cho Quân giải phóng giành thắng lợi trong nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch.

Lý luận được kiểm nghiệm trong thực tiễn và một lần nữa được nâng lên tầm cao mới. Kính trọng và ngưỡng mộ ông, cán bộ chiến sĩ khu V và B3 thường gọi ông là “Thủ trưởng Hoàng”.

Đầu năm 1975, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, Hoàng Minh Thảo được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Tại đây, trên cương vị người đứng đầu Bộ chỉ huy chiến dịch, ông đã để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên: Tạo thế bất ngờ, mưu kế cao tay - Ảnh 2.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời. Ảnh tư liệu.

Tây Nguyên – Nơi lý luận được thực tiễn kiểm nghiệm

Sau khi nhận chức Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, tướng Hoàng Minh Thảo đã cùng các cộng sự trong Bộ Tư lệnh nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo xúc tiến mọi mặt công tác chuẩn bị cho chiến dịch. Và ở công đoạn nào cũng thấy rất rõ dấu ấn của ông.

Chọn mục tiêu hiểm yếu, quyết định

Thời điểm Hoàng Minh Thảo nhận chức Tư lệnh chiến dịch, Bộ Thống soái tối cao đã quyết định chọn mục tiêu chủ yếu trong Chiến dịch Tây Nguyên là Buôn Mê Thuột (BMT) song thực ra để đi đến quyết định này, Tổng hành dinh đã tham khảo ý kiến nhiều tướng lĩnh, trong đó có ông.

Trong Hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên” ông kể: “Về vấn đề này, năm 1973 trong một dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi đã có đề xuất, vì đánh Kon Tum thì không phát triển được, đánh Pleycu thì địch còn mạnh, chỉ Buôn Mê Thuột là địch yếu và sơ hở phòng bị” (tr 161).

Nằm ở trung tâm Nam Tây Nguyên, BMT có khoảng cách khá đều tới Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ, là nơi giao nhau của mấy con đường. Bởi vậy, cơn địa chấn ở đây sẽ tạo ra những dư chấn lớn lan rộng khắp Tây Nguyên và miền Nam.

Thực tế chiến trường sau này đã chứng tỏ nhận định này hoàn toàn chính xác.

Điều binh tạo thế, cài thế

Là thủ phủ của Nam Tây Nguyên, là nơi đóng đại bản doanh của Sư đoàn BB 23 quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Buôn Mê Thuột được bảo vệ bởi 1 Trung đoàn BB, Trung đoàn 232 pháo binh và 2 Tiểu đoàn pháo binh, Trung đoàn 8 thiết giáp, cùng với lực lượng bảo an, cảnh sát, mật vụ… với tổng quân số hơn 8.000.

Để tiến công thắng lợi thị xã này cần phải có một thế trận vượt trội về mọi mặt mà trước hết, đó là phải tạo được sự vượt trội về mặt binh hỏa lực.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên: Tạo thế bất ngờ, mưu kế cao tay - Ảnh 4.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã làm rung chuyển và dẫn tới sụp đổ cả miền Nam, đem lại hòa bình và thống nhất đất nước.

Trước hết, để có đủ lực lượng tập trung đánh trận then chốt quyết định này, phía Quân giải phóng (QGP) đã phải điều động 2 sư đoàn BB (Sư 10 và Sư đoàn 316 mới tăng cường từ miền Bắc vào), một số trung đoàn BB độc lập cùng các trung đoàn xe tăng, pháo binh, cao xạ… từ Bắc Tây Nguyên xuống Nam Tây Nguyên.

Các hoạt động điều binh này được thực hiện hết sức bí mật nhằm tạo thế bất ngờ khiến đối phương trở tay không kịp.

Chính vì vậy, trong khi so sánh lực lượng trên địa bàn toàn quân khu phía quân đội Sài Gòn nhỉnh hơn song tại “quyết chiến điểm” Buôn Mê Thuột thì ưu thế về binh hỏa lực lại nghiêng hẳn về phía QGP. Cụ thể: bộ binh 5/1, tăng thiết giáp 2/1, pháo lớn 2/1.

Song song với điều binh, Bộ tư lệnh chiến dịch còn “tạo dựng được trong không gian chiến dịch một thế trận chia cắt, vây hãm, trói địch lại mà diệt” (Sách đã dẫn, tr. 174). Cụ thể, đã điều động một số đơn vị đánh cắt đường 19, 21 nối giữa cao nguyên với đồng bằng ven biển, chặn cắt đường 14 nối liền Nam – Bắc Tây Nguyên.

Ngoài ra còn dùng hỏa lực tập kích vào các sân bay… Những hoạt động này nhằm cô lập hoàn toàn thị xã BMT. Nếu thị xã này bị tiến công, phía quân đội Sài Gòn khó bề cứu viện.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên: Tạo thế bất ngờ, mưu kế cao tay - Ảnh 6.

Quân Giải phóng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 VNCH. Ảnh tư liệu.

Nghi binh lừa địch đỉnh cao

Cái đặc sắc của quá trình điều binh, tạo thế như nói trên là phía VNCH, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Quân đoàn 2 vẫn không hề hay biết. Sở dĩ có tình trạng trên là nhờ mưu kế nghi binh, lừa địch rất cao tay của Quân Giải phóng.

Ngoài hoạt động nghi binh chiến lược thì Bộ Tư lệnh chiến dịch cũng chỉ đạo rất nhiều hoạt động nghi binh đánh lừa đối phương.

Để giữ bí mật cho quá trình điều binh về phía nam Tây Nguyên, các đài trạm vô tuyến điện của các Sư đoàn bộ binh 10, 320 vẫn được giữ nguyên vị trí và lên sóng thường xuyên như bình thường, thậm chí đôi khi còn “nhỏ giọt” lộ ra một chút tin tức liên quan đến Bắc Tây Nguyên.

Không chỉ chơi “trò chơi điện tử”, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên còn sử dụng cả các hành động quân sự thực tế để tăng sức nặng cho quá trình nghi binh đánh lửa của mình như mở đường, tập kích hỏa lực, thậm chí tổ chức tiến công… dường như đang “bóc vỏ” để nhắm tới Kon Tum, Plây-cu.

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã dành hẳn Sư đoàn bộ binh 968 chuyên thực hiện nhiệm vụ này. Vốn hoạt động bên Lào, cuối năm 1974, Sư đoàn 968 được Bộ điều về tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Bước vào chiến dịch, Sư đoàn 968 nhận nhiệm vụ “vừa đánh, vừa la” làm cho đối phương rối như mớ bòng bong, không biết đâu mà lần.

Tất cả các hoạt động trên đã làm cho quân VNCH bị lạc hướng hoàn toàn. Họ đinh ninh rằng các hoạt động quân sự của QGP trong chiến cuộc Xuân Hè 1975 sẽ chỉ diễn ra ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là Kon Tum, Plây-cu.

Chính từ nhận định đó, lực lượng quân đội VNCH đã tập trung phòng ngự ở Bắc Tây Nguyên và gần như thả nổi Nam Tây Nguyên, trong đó có Buôn Mê Thuột.

Không được tăng cường lực lượng phòng thủ, bị chia cắt cô lập cả về đường bộ, đường không, lại bị bao vây áp sát bởi một lực lượng vượt trội… ngày 10.3.1975, BMT đã thất thủ. Với thế trận chia cắt, quân đội VNCH không còn cách nào cứu viện, ngoài đổ bộ đường không.

Tuy nhiên, tất cả đã nằm trong dự liệu của Bộ Tư lệnh chiến dịch và Tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Các đơn vị đến cứu viện lần lượt rơi vào các bẫy giăng sẵn của QGP. Vô vọng, Nguyễn Văn Thiệu đã bất đắc dĩ ra lệnh “tùy nghi di tản”, rút bỏ Cao Nguyên.

Không dừng lại ở Tây Nguyên, khi nhận thấy tình hình phát triển thuận lợi, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đã chủ động đề nghị lên trên cho binh đoàn phát triển xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển, cắt đứt hoàn toàn liên hệ giữa chính quyền trung ương VNCH với địa đầu Quân khu I.

Được Bộ Thống soái tối cao đồng ý, ông và các cộng sự đã chỉ huy bộ đội tiến xuống đồng bằng theo 3 con đường: 7, 19, 21, giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, căn cứ Cam Ranh. Sau đó tiếp tục cơ động vào Nam Bộ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Qua thực tiễn chỉ huy chiến đấu và từ công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ quân sự, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã rút ra những bài học sâu sắc nhất về nghệ thuật quân sự, đóng góp to lớn vào nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Vừa là một vị tướng tài năng vừa là một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu thông tuệ, Thượng tướng – Giáo sư – NGND Hoàng Minh Thảo xứng đáng được tôn vinh làm một tấm gương cho các thế hệ sau noi theo học tập.

Với mục đích đó, nhiều địa phương đã lấy tên của ông để đặt tên đường. Tại Hà Nội, ngày 10.3.2022, nhân kỷ niệm 47 năm ngày chiến thắng Buôn Mê Thuột, lễ gắn biển tên con đường mang tên ông đã được tổ chức trang trọng tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

https://soha.vn/thuong-tuong-hoang-minh-thao-trong-chien-dich-tay-nguyen-tao-the-bat-ngo-muu-ke-cao-tay-20220804220407334.htm

Rate this post