Thừa Thiên Huế đấu tranh chống thực dân Pháp (1885 – 1916)

Thừa Thiên Huế đấu tranh chống thực dân Pháp (1885 – 1916)

Sau sự kiện Kinh đô thất thủ ngày 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885), Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi tới Sơn phòng Tân Sở Quảng Trị. Tại đây ngày 2/6 năm Ất Dậu (13/7/1885) vua Hàm Nghi đã hạ dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân kháng Pháp. Và sau đó ngày 11/8 năm Hàm Nghi thứ nhất (19/9/1885), tại núi Ấu Sơn, huyện Hương Sơn thuộc Sơn Phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi hạ dụ Cần Vương lần thứ hai.

Sau khi hai bản dụ Cần Vương được phát đi, một phong trào vũ trang khởi nghĩa chống Pháp đã bùng nổ mạnh mẽ khắp Trung Kỳ và Bắc Kỳ (Phong trào Cần vương), kéo dài từ 1885 đến 1898.

Không thể đưa vua Hàm Nghi trở lại Huế, hoảng sợ trước phong trào Cần vương kháng Pháp đang lên cao, thực dân Pháp quyết định lập vua mới thay vua Hàm Nghi. Ngày 19/9/1885, Hoàng tử Chánh Mông – Ưng Đường chính thức ngồi lên ngai vàng ở điện Thái Hòa với niên hiệu Đồng Khánh.

Đồng Khánh lên ngôi là một ông vua bù nhìn chịu sự điều khiển của thực dân Pháp, ngay lập tức đã ra tay tiêu diệt phái chủ chiến mà đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn và Nguyễn Văn Tường bằng cách tước hết quan tước, tịch thu gia sản, ra sức truy lùng, nếu bắt được thì cho xử chém ngay.

Hưởng ứng dụ Cần Vương, tại Thừa Thiên đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của Đặng Huy Cát (8/1885) tập hợp nghĩa sỹ của hai huyện Hương Trà, Quảng Điền ngăn chặn việc bắt lính của triều đình, bắt giam phái viên của huyện Quảng Điền, tập kích vào huyện nha Quảng Điền. Do lực lượng khởi nghĩa không nhiều lại thiếu kế hoạch cụ thể nên nhanh chóng thất bại.

Ngày 01/11/1888, vua Hàm Nghi bị bắt, ngày 22/11/1888 nhà vua bị đưa về đến cửa Thuận An. Ngày 25/11/1888, nhà vua bị đưa xuống tàu đi Lăng Cô để từ đó chuyển vào Sài Gòn. Ngày 13/12/1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu mang tên Biên Hòa vượt đại dương đến châu Phi. Ngày 13/1/1889, nhà vua đặt chân đến Algérie, bắt đầu cuộc sống lưu đày của mình. Nhà vua yêu nước qua đời ở đây vào năm 1943.

Phong trào Cần Vương tan rã trong thập niên 90 trên khắp đất nước đã gieo vào lòng tầng lớp sĩ phu tư tưởng u hoài, thất vọng, nhưng các cuộc đấu tranh cứu nước theo tư tưởng dân chủ lại mở ra do những trí thức nho học tiến bộ lãnh đạo.

Với vị trí là kinh đô của cả nước, Thừa Thiên Huế những năm đầu thế kỷ XX là nơi hội tụ của nhiều luồng tư tưởng yêu nước tiến bộ, các phong trào yêu nước cũng diễn ra không ngớt và nhiều nhà yêu nước nổi tiếng đã có mặt ở đây như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… Các hoạt động của các nhà yêu nước đã góp phần làm cho nhân dân ý thức được thân phận bị áp bức mà đứng dậy tham gia các đấu tranh hưởng ứng các phong trào Duy Tân, Đông Du và tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh chống thuế diễn ra rầm rộ trên 9 tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế vào tháng 4/1908.

Đặc biệt, giai đoạn này Thừa Thiên Huế còn là nơi gắn bó với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sống, học tập và tham gia các hoạt động tại đây qua hai giai đoạn 1895 – 1901; 1906 – 1909.

Tiếp nối truyền thống đấu tranh liên tục của nhân dân ta, tổ chức cách mạng duy nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ này là Quang Phục hội đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa quy mô ở miền Nam Trung Kỳ và ở Huế năm 1916.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội – năm 2005)

Rate this post