Thu Hạnh: ‘Con gái không thích tôi đóng vai phản diện’

Khi bị bạn bè trêu vì mẹ đóng vai Sa trong “Hương vị tình thân”, con gái nghệ sĩ Thu Hạnh phải giải thích mẹ không ghê gớm giống phim.

– Vì sao chị nhận lời đóng vai Sa sau 10 năm vắng bóng trên phim truyền hình?

– Khi đọc kịch bản, tôi cảm nhận mọi tình tiết của phim lôi cuốn, thông điệp nhân văn, có thể chạm đến trái tim khán giả. Nhân vật Sa không phải tuyến chính nhưng gây ra nhiều sóng gió, ảnh hưởng đến số phận các vai diễn khác. Tôi xác định bà ta là người có vẻ ngoài nhã nhặn, lịch sự nhưng bên trong ẩn chứa nhiều toan tính. Mặt ghê gớm, độc ác của Sa chỉ bộc lộ ra với những đứa con của mình.

Trích đoạn bà Sa phim "Hương vị tình thân"

 

 

Trích đoạn bà Sa phim “Hương vị tình thân”

Trích đoạn nghệ sĩ Thu Hạnh diễn xuất trong phim “Hương vị tình thân”. Video: TVAD.

– Chị tương tác thế nào với các bạn diễn trong phim?

– Tôi đánh giá cao dàn diễn viên phim, đặc biệt là các bạn trẻ. Các bạn ấy có ngoại hình, chịu khó học hỏi, kể cả diễn viên “tay ngang” như Ánh Tuyết (đóng Diệp trong phần 1) cũng thể hiện tố chất tốt, chăm chỉ.

Trong phim, tôi diễn cùng Thu Quỳnh (vai Thy – con gái bà Sa) nhiều, có nhiều cảnh đáng nhớ. Cảnh bà Sa tát con, khi tập, tôi chỉ dùng kỹ thuật. Lúc bấm máy, tôi tát rất mạnh, khiến Quỳnh ửng đỏ cả má. Quay xong, tôi ra ôm Quỳnh xin lỗi. Quỳnh nói: “Không sao đâu, em rất thích điều đó, nó khiến em có cảm giác chân thật, như thể bị mẹ tát thật ngoài đời, uất ức mà không thể làm gì”. Quỳnh là diễn viên giỏi, đa màu sắc. Trong phần hai, tôi và Quỳnh có nhiều cảnh tâm lý nặng, dù không bạo lực nhưng tương tác khá tốt. Phim sẽ dần hé lộ lý do bà Sa luôn chèn ép con ruột của mình.

– Người thân nhận xét thế nào về vai mới của chị?

– Tôi có hai con gái, bạn lớn học lớp 10, bé út học lớp 6. Khi biết tôi chuẩn bị đóng phim dài tập, con gái út dặn: “Mẹ không được nhận vai phản diện, vai khiến khán giả ghét đâu”. Tôi dành thời gian giải thích với con rằng đó là công việc của mẹ, nếu đóng vai ác mà bị khán giả ghét là mẹ đã thành công. Khi phim mới chiếu, các con không chịu để ý, cứ đến 21h là tắt tivi hoặc chuyển kênh. Đi học, nhiều bạn xem phim, trêu con gái út. Có hôm bé phải giải thích: “Mẹ tớ không như thế”. Phim phát sóng khoảng 30 tập, bạn bè rủ các con xem để bàn luận, khi ấy con mới chịu ngồi theo dõi với mẹ. Các con nói không ghét nhưng cũng không thích vai của mẹ. Tôi khác hoàn toàn với nhân vật. Hàng xóm gặp tôi đều nói: “Ôi, sao ngoài đời hiền lành mà lên phim ác thế”.

Tạo hình của nghệ sĩ Thu Hạnh trong phim Hương vị tình thân. Ảnh: VFC.

Tạo hình của nghệ sĩ Thu Hạnh trong phim “Hương vị tình thân”. Ảnh: VFC.

– Chị đón nhận phản ứng thế nào từ khán giả?

– Tôi có đọc bình luận của người xem trên Facebook. Nhiều người nói: “Chỉ muốn xông vào màn hình tát cho mụ Sa vài cái”, “Ước gì bà Sa chết ngay lập tức”. Thời đại 4.0, khán giả tương tác với phim rất mạnhh, sống cùng tác phẩm, thể hiện đủ mọi cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố”. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, cảm thấy vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu khán giả “ném đá” nhân vật, đó là thành công, tôi chỉ hy vọng họ không ghét lây mình ngoài đời. Tôi cũng nói với chị Tú Oanh (vai bà Bích): “Chị em mình đóng vai ác, đâm lao thì phải theo lao thôi”. Những tập đầu, chị Tú Oanh nói: “Hạnh ơi Hạnh, chị không dám xem lại đâu”. Tôi thì muốn xem để thấy mình còn thiếu sót gì, chỗ nào làm chưa hay để rút kinh nghiệm.

– Chị nói sao trước nhận xét hình ảnh các bà mẹ trong phim truyền hình Việt, bao gồm cả nhân vật của chị, giờ lệch lạc, xấu xí?

– Khi đưa một hình tượng lên phim, biên kịch, đạo diễn đã tham khảo nhiều nguyên mẫu ngoài đời. Nhân vật vì thế tập hợp những nét tiêu biểu để trở nên đa màu sắc. Chẳng hạn, nhiều người nói bà mẹ chồng trong Sống chung với mẹ chồng quá ác nghiệt, ở ngoài đời không có ai như thế. Nhân vật đó tập hợp nhiều bà mẹ chồng để trở nên điển hình, mọi người sẽ bắt gặp nét này nét kia ở đâu đó trong cuộc sống. Bà Sa trong Hương vị tình thân cũng vậy. Tôi nghĩ mẫu người này không hiếm trong cuộc sốngg. Với bạn bè, bà ta luôn nhẹ nhàng, ân cần, không ai biết được những góc khuất của nhân vật. Bà ta làm những điều tồi tệ, giẫm đạp lên người khác vì muốn cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Khi xem phim, khán giả rõ ngọn ngành câu chuyện nên cảm thấy mọi thứ phi lý, ngoài đời, chưa chắc họ đã nhận ra bản chất nếu gặp người như vậy. Nếu không có mặt xấu của nhân vật này, người xem làm sao thấy được cái tốt của nhân vật khác.

Nghệ sĩ Thu Hạnh sinh năm 1976, là Trưởng đoàn 1 tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Trên sân khấu, chị từng ghi dấu với các vở diễn Đứa con tội phạm, Mắt phố, Em đẹp dần trong mắt anh, Đứa con bị đánh cắp, Vòng đời, Những người con Hà Nội... Với phim truyền hình, chị được khán giả ghi nhớ với vai Nguyệt trong Lập nghiệp, Yến Chi trong Khi đàn chim trở về... Ảnh: NHKHN.

Nghệ sĩ Thu Hạnh sinh năm 1976, là Trưởng đoàn 1 tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Trên sân khấu, chị từng ghi dấu với các vở diễn “Đứa con tội phạm”, “Mắt phố”, “Em đẹp dần trong mắt anh”, “Đứa con bị đánh cắp”, “Vòng đời”, “Những người con Hà Nội”… Với phim truyền hình, chị được khán giả ghi nhớ qua vai Nguyệt trong “Lập nghiệp”, Yến Chi trong “Khi đàn chim trở về”… Ảnh: NHKHN.

– Trên sân khấu, chị thường gắn với những vai diễn thế nào?

– Tôi không bó buộc mình với một dạng vai nào. Khi còn học diễn xuất ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tôi thường đảm nhiệm các vai hài, thầy giáo khuyên tôi có thể thử sức với hài khi ra trường. Sau đó, tôi lại về Nhà hát Kịch Hà Nộii, đóng cả phản diện lẫn chính diện. Tôi tâm đắc vai một cô diễn viên trong vở Mắt phố, từng giúp tôi đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc. Với phim truyền hình, tôi cũng thay đổi nhiều hình tượng. Tôi từng đóng vai hài hước, hóm hỉnh trong Chàng rể họ Lê, cô thư ký Yến Chi – vai phản diện trong Khi đàn chim trở về.

– Chị có dự định gì trong thời gian tới?

– Tôi mới hoàn thành xong bậc học thạc sĩ về đạo diễn, dự định dồn tâm sức cho công việc ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Với tôi, sân khấu vừa là nghiệp, vừa là đam mê. Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ kịch luôn trăn trở làm sao để kéo khán giả đến rạp. Nhiều lúc, chúng tôi cho người thân vé, họ không phải bỏ tiền mua nhưng cũng lười đi xem, dù nếu xem ai cũng phải thừa nhận kịch rất hay. Đó là một vấn đề nan giải.

Hà Thu

Rate this post