Thiền Sư Ajahn Chah – Điều Phục Tâm

ĐIỀU PHỤC TÂM – THIỀN SƯ AJAHN CHAH

Ăn ít. Ngủ ít. Nói ít.
Không làm theo ý muốn của mình.
Không buông thả trong tư tưởng của mình
Ngừng tất cả sự tuân thủ mù quáng này.
Bạn phải luôn đi ngược dòng vô minh.
Đây gọi là kỷ luật.

Vào thời của Ajahn Mun và Ajahn Sao, đời sống giản dị hơn, ít phức tạp hơn bây giờ rất nhiều. Vào thời đó, chư tăng có ít bổn phận và lễ nghi. Họ sống trong rừng và không có chỗ nghỉ ngơi cố định. Họ có thể dành hết thời gian của mình để hành thiền. Họ ít khi có được những sự tiện nghi sung túc mà nhiều người xuất gia hưởng thụ vào thời này. Họ tự làm ly nước và ống nhổ từ thân tre. Người tại gia ít khi viếng thăm. Các tăng sĩ không muốn hay không đòi hỏi nhiều và phải chấp nhận những gì họ có. Họ sống và thở trong thiền!

Các tăng sĩ sống rất thiếu thốn. Nếu có ai bị sốt rét và hỏi xin thuốc, vị thầy chỉ nói, “Anh không cần thuốc! Cứ tiếp tục tu hành”. Nói cho đúng, thời đó thuốc men không đầy đủ như bây giờ. Tất cả những gì họ có là những cây thuốc mọc trong rừng. Trong một môi trường như thế, chư tăng phải có sức nhẫn nại và chịu đựng rất lớn; họ không để tâm đến những thân bệnh lặt vặt. Bây giờ thì khác, đụng một chút là họ chạy tới bệnh viện!

Đôi lúc, bạn phải đi bộ trung bình từ 10 cho đến 12 cây số. Bạn rời khỏi tu viện từ sáng sớm tinh mơ và có thể đến gần trưa mới về. Bạn cũng chẳng có được bao nhiêu, có lẽ chỉ một ít xôi, muối, hay vài quả ớt. Dầu bạn có được thứ gì để ăn với cơm hay không cũng không thành vấn đề. Không ai dám than đói hay mệt; họ không thích than phiền mà tập chăm sóc cho mình. Họ tu hành trong rừng với sự nhẫn nại và chịu đựng cùng với nhiều hiểm họa luôn đe dọa ở chung quanh. Có nhiều thú dữ và rất nhiều chướng ngại, cả vật chất lẫn tinh thần, đối với một tu sĩ hạnh đầu đà sống trong rừng. Thật vậy, sự nhẫn nại và chịu đựng của chư tăng thời đó rất cao do hoàn cảnh bắt buộc.

Lối sống hiện nay đẩy chúng ta đi ngược lại. Thời xưa, người ta phải đi bộ, sau này họ có xe ngựa, xe bò, và bây giờ thì xe hơi. Khát vọng và lòng tham gia tăng, cho nên bây giờ, nếu một chiếc xe hơi không có máy điều hòa, bạn không thèm ngồi trong đó – không có máy điều hòa thì làm sao mà đi! Hạnh nhẫn nại và chịu đựng ngày càng sa sút dần. Tiêu chuẩn tu hành và thiền định cũng ngày càng lỏng lẻo. Hành giả thời này chỉ thích chạy theo những ước muốn và ý kiến của họ. Khi người già nói về thời xưa, họ nghe như nghe kể chuyện cổ tích hay chuyện thần thoại. Họ nghe một cách thờ ơ, và không hiểu gì hết. Nó chẳng đi vào trong một chút nào cả.

Theo truyền thống xuất gia thuở xưa của chúng ta, là tăng sĩ, bạn cần phải tu học với vị thầy ít nhất năm năm. Có những ngày, bạn phải tránh nói chuyện hoàn toàn. Không cho phép mình nói nhiều. Không đọc sách. Chỉ đọc chính tâm của mình mà thôi. Lấy thí dụ ở Wat Pah Pong. Ngày nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đến đây xin xuất gia. Tôi cố ngăn cản họ nghiên cứu kinh điển, bởi vì những người này luôn luôn đọc sách. Họ có quá nhiều cơ hội để đọc sách, nhưng cơ hội để đọc chính tâm của họ thì rất hiếm hoi. Cho nên khi họ đến xin xuất gia trong ba tháng theo truyền thống Thái Lan, tôi muốn họ đóng lại tất cả kinh sách. Khi họ xuất gia là khi họ có cơ hội tuyệt vời để đọc chính tâm của mình.

Lắng nghe chính tâm của bạn là một điều rất thú vị. Cái tâm chưa được huấn luyện này chạy loanh quanh theo những thói quen của nó. Nó chạy nhảy lung tung bởi vì nó chưa bao giờ được huấn luyện. Hãy huấn luyện tâm của bạn! Hành thiền theo Phật giáo xoay quanh cái tâm, tập trung vào việc phát triển chính cái tâm của bạn. Chỉ vậy thôi. Một người tu hành để phát triển tâm là người tu hành theo Phật giáo.

Cái tâm này của chúng ta sống trong một cái lồng, và hơn thế nữa, trong lồng đó có một con cọp. Nếu cái tâm vô kỷ luật của chúng ta không có được điều nó muốn, nó sinh sự. Bạn phải kỷ luật nó với thiền, với định. Đây gọi là huấn luyện tâm hay “điều phục tâm”. Lúc mới đầu, sự tu hành là trì giới. Sila là điều phục thân và khẩu. Việc trì giới có thể có thể dẫn đến tình trạng xung đột và rối loạn. Khi bạn không cho phép mình làm những gì mình muốn, sự xung đột phát sinh. Sự xung đột này là giữa trí huệ và phiền não – đó là “sự đau khổ dẫn đến sự chấm dứt khổ đau”.

Ăn ít. Ngủ ít. Nói ít. Không làm theo ý muốn của mình; không đắm chìm trong tư tưởng của mình. Ngừng tất cả sự tuân thủ mù quáng này. Bạn phải luôn đi ngược dòng vô minh. Đây gọi là kỷ luật. Khi bạn kỷ luật tâm của mình, nó trở nên bất bình và bắt đầu chống đối. Nó bị giới hạn và đàn áp. Khi tâm không được phép làm những gì nó muốn, nó bắt đầu đi lung tung và vùng vẫy. Chúng ta cảm thấy khổ sở.

Sự đau khổ này là chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế. Đa số con người muốn trốn tránh nó. Họ không muốn bất cứ sự đau khổ nào. Thật ra, sự đau khổ này là cái mang đến cho chúng ta trí huệ; nó khiến chúng ta quán xét sự khổ (dukkha). Hạnh phúc (sukha) thường khiến cho chúng ta đóng chặt mắt và tai của mình lại. Nó không cho phép chúng ta phát triển sự nhẫn nại. Sự thoải mái và hạnh phúc khiến chúng ta mất cảnh giác. Trong hai thứ phiền não này, dukkha là cái dễ nhìn thấy nhất. Vì thế, chúng ta phải mang sự đau khổ ra để có thể chấm dứt nó. Trước hết, chúng ta phải biết dukkha là gì trước khi chúng ta biết hành thiền là như thế nào.

Lúc ban đầu, bạn phải điều phục tâm như thế này. Bạn có thể không hiểu điều gì đang xảy ra hay mục đích của nó, nhưng khi vị thầy bảo bạn làm một điều gì, bạn phải làm điều đó. Bạn sẽ phát triển những phẩm hạnh nhẫn nại và chịu đựng. Bất cứ gì xảy ra, bạn nhẫn chịu, bởi vì nó phải là như vậy. Chẳng hạn, khi bạn bắt đầu tu thiền, bạn muốn được bình an và tĩnh lặng. Nhưng bạn chẳng được chút nào cả. Bạn không được chút nào vì bạn không tự hành đúng cách. Tâm bạn nói, “Tôi sẽ ngồi cho đến khi tôi đạt được sự tĩnh lặng”. Nhưng khi sự tĩnh lặng không đến, bạn thấy khổ sở. Và khi thấy khổ sở, bạn đứng dậy và bỏ chạy mất! Tu hành kiểu này không thể gọi là phát triển tâm, mà là ruồng bỏ tâm.

Thay vì chìm đắm trong những cảm thọ của mình, bạn dùng giáo lý của Đức Phật để huấn luyện mình. Biếng nhác hay tinh cần, bạn vẫn tiếp tục tu hành. Như thế này không phải tốt hơn sao? Còn cách kia, cách chạy theo những cảm thọ của bạn, sẽ không bao giờ dẫn bạn tới Chánh Pháp. Nếu bạn tu hành theo Chánh Pháp, thì dầu tâm trạng của bạn là như thế nào, bạn vẫn tiếp tục tu hành, liên tục tu hành. Con đường phóng dật không phải là con đường của Đức Phật. Khi chúng ta chạy theo những thành kiến của mình, những định kiến của mình về Chánh Pháp trên đường tu hành, chúng ta không sao nhìn thấy rõ ràng đâu là đúng, đâu là sai. Chúng ta không biết chính tâm của mình. Chúng ta không biết chính mình.

Cho nên, tu hành theo sự hiểu biết của riêng bạn là con đường chậm chạp. Tu hành theo Chánh Pháp là con đường trực tiếp. Biếng nhác, bạn cũng tu; tinh cần, bạn cũng tu. Bạn ý thức rõ ràng về thời gian và không gian. Đây gọi là sự phát triển tâm.

Nếu bạn bám chặt vào những quan điểm của mình và tu hành dựa theo đó, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ và nghi ngờ rất nhiều. Bạn sẽ nghĩ, “Mình không có nhiều phước báu. Mình không đạt được gì cả. Mình hành thiền đã nhiều năm rồi mà vẫn chưa khai ngộ, vẫn chưa đắc đạo”. Tu hành với thái độ như thế không thể gọi là phát triển tâm. Đó gọi là phát triển tai họa.

Nếu đó là điều bạn đang làm – nếu bạn là một thiền giả chưa biết, chưa nhìn thấy, chưa đổi mới chính mình – đó là bởi vì bạn tu hành sai cách. Bạn không làm theo lời dạy của Đức Phật. Đức Phật dạy như vầy: “Ananda, hãy tu tập thật nhiều! Không ngừng tiến bộ. Và rồi tất cả những nghi vấn của ngươi sẽ tan biến”. Và những nghi vấn của bạn sẽ không bao giờ tan biến qua sự suy tư, lý luận, phỏng đoán, hay bàn bạc. Nghi vấn của bạn cũng sẽ không biến mất nếu bạn không làm gì cả. Tất cả phiền não chỉ dứt tuyệt xuyên qua sự phát triển tâm, qua sự tu hành đúng cách.

Con đường phát triển tâm như Đức Phật chỉ dạy là con đường đi ngược lại thế gian, bởi vì sự giảng dạy của ngài xuất phát từ cái tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, không còn phiền não, là con đường của Đức Phật và các môn đệ của ngài.

Bổn phận của thiền giả là duy trì Chánh niệm, sự trầm tĩnh, và tri túc. Những thứ này kiềm chúng ta lại. Chúng chặn đứng những thói quen trong tâm của những kẻ chưa được huấn luyện. Và tại sao chúng ta phải làm thế? Nếu bạn không muốn huấn luyện tâm, nó cứ buông lung, phóng túng mãi. Nhưng bạn có thể huấn luyện nó để làm lợi cho bạn. Bạn có thể so sánh điều này với việc sử dụng cây cối. Nếu chúng ta để cây cối phát triển tự nhiên, thì chúng ta sẽ không thể dùng chúng để xây cất một căn nhà. Chúng ta không thể làm ván hay bất cứ thứ gì dùng trong việc xây cất nhà.

Nhưng nếu một người thợ mộc muốn xây một căn nhà, ông phải đi tìm cây. Ông ta dùng nguyên liệu này một cách hữu ích, và không bao lâu thì ông xây xong căn nhà.

Thiền và phát triển tâm cũng tương tự như thế. Bạn phải sử dụng tâm này, như bạn dùng một cái cây trong rừng, và tôi luyện nó để nó trở nên thanh nhẹ hơn, ý thức hơn về chính nó, mẫn cảm hơn. Mọi thứ đều ở trong trạng thái thiên nhiên của nó. Khi chúng ta hiểu biết thiên nhiên, chúng ta có thể thay đổi nó. Chúng ta có thể tách rời khỏi nó và buông bỏ. Rồi chúng ta sẽ không còn đau khổ.

Bản chất của tâm là, nó bám víu và dính mắc vào nơi nào thì nơi đó có sự hiếu động và rối loạn. Mới đầu, nó lang thang qua bên kia, rồi nó lang thang qua bên này. Khi chúng ta bắt đầu quan sát sự hiếu động này, chúng ta có thể cho rằng huấn luyện tâm là điều không thể thực hiện, và vì thế chúng ta đau khổ. Chúng ta không hiểu rằng đây là đường lối của tâm. Tư tưởng và cảm xúc sẽ đi tới đi lui như thế ngay cả khi chúng ta đang ngồi thiền để cố đạt được sự bình an. Nó là như vậy thôi.

Khi chúng ta kiên trì quán chiếu bản chất của tâm, chúng ta sẽ hiểu rằng tâm là như thế và không thể khác hơn. Đó là bản chất của nó. Nếu chúng ta nhận rõ điều này, chúng ta có thể tách rời khỏi mọi tư tưởng và cảm xúc. Khi tâm thật sự hiểu biết, nó buông bỏ tất cả. Sự suy nghĩ và cảm xúc vẫn còn đó, nhưng sự suy nghĩ và cảm xúc đó không còn thực lực.

Điều này tương tự như một đứa trẻ ham chơi và đùa giỡn trong những cách làm cho chúng ta khó chịu, đến độ chúng ta phải la hay đánh nó. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng đó là bản chất của một đứa trẻ, chúng ta có thể xả bỏ và để chúng chơi đùa tự nhiên. Và rồi vấn đề của chúng ta biến mất. Tại sao nó biến mất? Bởi vì chúng ta chấp nhận đường lối của trẻ con. Quan điểm của chúng ta thay đổi và chúng ta chấp nhận bản chất của sự việc. Chúng ta xả bỏ và tâm chúng ta trở nên bình an hơn. Chúng ta có Chánh Kiến.

Nếu chúng ta hiểu biết sự sai lạc, thì dầu có sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, đời sống của chúng ta cũng vẫn rối rắm, phiền não. Tâm chỉ có thể bình an khi có Chánh Kiến. Rồi chúng ta sẽ không còn nghi nan để tháo gỡ, không còn vấn đề để giải quyết.

Nó là như thế. Bạn tách rời. Bạn xả bỏ. Mỗi khi sự dính mắc phát sinh, chúng ta tách rời khỏi nó, bởi vì chúng ta biết rằng cái cảm giác đó chỉ là vậy thôi. Nó không đến với mục đích quấy nhiễu chúng ta. Chúng ta có thể cho rằng nó làm thế, nhưng thật sự thì nó chỉ là vậy thôi. Nếu chúng ta bắt đầu suy nghĩ và xem xét nó thêm nữa, thì hành động đó cũng chỉ là vậy thôi. Nếu chúng ta xả bỏ, thì sắc chỉ là sắc, thanh chỉ là thanh, hương chỉ là hương, vị chỉ là vị, xúc chỉ là xúc, và tâm chỉ là tâm. Nó tương tự như dầu và nước. Nếu bạn đặt hai thứ này lại với nhau trong một ly, chúng không trộn lẫn bởi vì bản chất của chúng khác nhau.

Sự khác biệt giữa dầu và nước cũng giống như sự khác biệt giữa một kẻ trí và một người ngu. Kẻ trí buông bỏ những thứ này dần dần. Kẻ ấy hiểu rõ tâm là tâm và tư tưởng là tư tưởng. Họ không trộn lẫn chúng với nhau.

Tâm là tâm; tư tưởng và cảm xúc là tư tưởng và cảm xúc. Hãy để sự việc tự nhiên như vậy. Hãy để sắc chỉ là sắc, âm thanh chỉ là âm thanh, tư tưởng chỉ là tư tưởng. Tại sao chúng ta phải tách rời khỏi chúng? Nếu chúng ta đã suy nghĩ và cảm thấy như thế rồi, chúng ta đã có sự tách rời và xả bỏ. Tư tưởng và cảm xúc của chúng ta sẽ ở một bên và tâm chúng ta ở bên kia. Giống như dầu và nước, chúng ở trong cùng một ly nước, nhưng chúng tách rời nhau.

Đức Phật và những môn đồ khai ngộ của ngài sống chung với những người chưa khai ngộ. Họ không chỉ sống với những người này, mà họ còn dạy dỗ những người chưa khai ngộ, chưa hiểu biết cách này để trở thành những thánh nhân khai ngộ, khôn ngoan, và cao thượng. Họ có thể làm thế bởi vì họ biết cách tu hành. Họ biết rằng đó chỉ là vấn đề của tâm, như tôi vừa giải thích.

Cho nên, trong sự hành thiền của bạn, đừng nghi ngờ gì cả. Nếu chúng ta bỏ nhà chạy tới đây để thọ Pháp, chúng ta không bỏ chạy để rồi bị sai đường lạc lối. Cũng không phải chúng ta làm vậy vì sợ hãi hay hèn nhát. Chúng ta bỏ chạy để có thể huấn luyện chính mình, để có thể làm chủ chính mình. Nếu chúng ta hiểu điều này, thì chúng ta có thể đi theo Phật Pháp. Phật Pháp sẽ trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày. Những ai hiểu Pháp là hiểu chính mình, và những ai hiểu chính mình là hiểu Pháp. Thời nay, chỉ những phần lý thuyết khô khan là được chấp nhận. Trên thực tế, Pháp ở khắp mọi nơi. Chúng ta không cần phải trốn chạy tới một nơi nào khác. Thay vì thế, hãy trốn chạy xuyên qua trí huệ. Trốn chạy xuyên qua sự khôn ngoan. Đừng trốn chạy xuyên qua sự vô minh. Nếu bạn muốn sự bình an, hãy để nó là sự bình an của trí huệ. Vậy là đủ.

Mỗi khi chúng ta có sự chứng ngộ, chúng ta có Chánh Đạo, chúng ta đi đúng đường. Phiền não là phiền não; tâm là tâm. Mỗi khi chúng ta xả bỏ và tách rời để chỉ còn lại những thứ này, thì lúc đó chúng chỉ là những vật thể khách quan đối với chúng ta. Khi chúng ta đi đúng đường, chúng ta không thể phạm lỗi. Khi chúng ta không thể phạm lỗi, chúng ta luôn cởi mở và tự tại.

Đức Phật nói, “Tăng chúng, hãy lắng nghe. Các người không được dính mắc vào bất cứ Pháp nào”. Những Pháp này là gì vậy? Chúng là tất cả mọi thứ; không có gì không phải là Pháp. Tình thương và thù hận là Pháp, hạnh phúc và đau khổ là Pháp, thích và không thích là Pháp; tất cả những thứ này, bất kể nó vô nghĩa đến chừng nào, cũng đều là Pháp. Khi chúng ta tu hành, khi chúng ta hiểu biết, thì chúng ta có thể xả bỏ. Và vì thế chúng ta có thể tuân theo lời dạy của Phật, đó là không dính mắc vào bất cứ Pháp nào.

Mọi nhân duyên đều khởi sinh trong tâm của chúng ta, mọi nhân duyên của tâm, mọi nhân duyên của thân đều không ngừng thay đổi. Đức Phật bảo chúng ta đừng dính mắc vào những thứ này. Ngài dạy các đệ tử tu hành để có thể dứt trừ những điều kiện, chứ không phải để có thêm những thứ này.

Nếu chúng ta làm theo lời dạy của Đức Phật, thì chúng ta đúng. Chúng ta đúng, nhưng nó cũng phiền phức. Không phải sự giảng dạy của Đức Phật là phiền phức, mà những phiền não của chúng ta mới là phiền phức. Hiểu sai, phiền não che mờ chúng ta và gây phiền phức cho chúng ta. Không có gì thực sự là phiền phức với việc làm theo lời dạy của Đức Phật. Vả lại, chúng ta có thể nói rằng dính mắc vào Đạo không mang đến đau khổ, bởi vì Đạo chỉ là sự xả bỏ tất cả các Pháp.

Xả bỏ là sự tu hành rốt ráo của Phật giáo. Đừng mang theo một thứ gì. Tách rời tất cả. Nếu bạn nhìn thấy điều thiện, xả bỏ nó. Nếu bạn nhìn thấy điều ác, xả bỏ nó. Chữ xả bỏ không có nghĩa là chúng ta không cần tu hành, mà có nghĩa là chúng ta phải tu hành theo phương pháp xả bỏ chính nó. Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu các Pháp, phát huy Đạo xuyên qua sự quán chiếu chính thân và tâm của chúng ta. Đạo không ở đâu khác. Nó ở ngay tại đây. Không ở đâu xa xôi. Nó ở ngay đây trong thân và tâm của chúng ta.

Cho nên, hành giả phải tu hành thành tâm. Hãy làm cho tâm rộng lớn hơn và chiếu sáng hơn. Làm cho nó tự tại và độc lập. Làm điều thiện, nhưng đừng mang nó theo trong tâm bạn; xả bỏ nó. Tránh làm điều ác, và xả bỏ sự kiềm thúc đó luôn. Đức Phật dạy chúng ta sống trong hiện tại, ngay tại đây và bây giờ. Đừng đánh mất mình trong quá khứ hay tương lai.

Giáo lý mà người ta ít hiểu nhất và đi ngược lại phần lớn những quan điểm của họ, chính giáo lý về sự xả bỏ này, về sự làm việc với một cái tâm rỗng không. Lối nói này gọi là “Pháp ngôn”. Khi chúng ta diễn đạt điều này bằng ngôn ngữ thế gian, chúng ta lẫn lộn và nghĩ rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Lối diễn giải này không sai, nhưng ý nghĩa thật thì gần giống như vầy: Như thể chúng ta đang mang một tảng đá lớn – sau một lúc chúng ta cảm thấy sức nặng của nó, nhưng chúng ta không biết làm sao để buông bỏ nó, cho nên chúng ta tiếp tục chịu đựng gánh nặng còng lưng này. Nếu có người bảo chúng ta ném nó đi, chúng ta nói, “Nếu tôi ném nó đi, tôi chẳng còn gì hết”. Khi nghe nói về lợi ích của việc quẳng nó đi, chúng ta không tin và cứ suy nghĩ, “Nếu mình ném nó đi, mình sẽ không còn gì hết.” Thế nên, chúng ta tiếp tục mang tảng đá nặng nề này bên mình cho đến khi chúng ta mệt mỏi rã rời. Rồi không chịu nổi nữa, chúng ta thả nó xuống.

Sau khi thả tảng đá xuống, chúng ta sực hiểu ra lợi ích của việc xả bỏ. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm ngay lập tức, rồi chúng ta tự mình biết được mang một tảng đá như thế là nặng nề đến chừng nào. Trước khi buông bỏ tảng đá, chúng ta không thể biết được lợi ích của sự buông bỏ, chúng ta không nhìn thấy lý do. Một người chưa khai ngộ bám chặt một cách mù quáng vào tảng, không chịu bỏ nó xuống, cho đến khi không chịu nổi nữa, họ mới thả xuống. Chỉ lúc đó, họ mới biết được sự nhẹ nhõm là như thế nào. Chỉ lúc đó, họ mới biết lợi ích của sự buông bỏ. Sau này, chúng ta có thể vác gánh nặng lên lại, nhưng bấy giờ, chúng ta biết hậu quả của nó, cho nên chúng ta có thể buông bỏ dễ dàng hơn. Sự hiểu biết này, rằng mang gánh nặng trên mình là điều không cần thiết và rằng sự xả bỏ dẫn đến cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái, là một thí dụ về sự hiểu biết chính mình.

Sự kiêu hãnh của chúng ta, cái bản ngã mà chúng ta lệ thuộc vào, cũng giống như tảng đá nặng nề đó. Khi nghĩ đến việc xả bỏ tánh tự phụ, chúng ta lo sợ rằng không có nó, chúng ta sẽ chẳng còn gì nữa. Nhưng nếu chúng ta có thể xả bỏ nó, chúng ta sẽ biết được cảm giác thanh thản và thoải mái sau đó.

Trong việc điều phục tâm, bạn không được dính mắc vào lời khen tặng lẫn sự chê trách. Muốn được khen ngợi và không bị chê là đường lối của thế gian. Đường lối của Đức Phật là, chấp nhận sự khen tặng hay sự chê trách khi thích đáng. Ví dụ, khi nuôi dạy con, chúng ta không nên la chúng mãi. Có người la mắng quá nhiều. Người khôn biết lúc nào nên la mắng, lúc nào nên khen thưởng. Tâm của chúng ta cũng vậy. Hãy khéo léo nhận biết tâm, khéo léo chăm sóc cho tâm, và khéo léo trong việc điều phục tâm. Khi tâm đã thông thạo, khôn ngoan, nó có thể giải phóng chúng ta khỏi sự khổ đau. Đau khổ nằm ngay tại đây trong tâm của chúng ta. Nó luôn làm cho sự việc phức tạp, làm cho tâm nặng nề. Nó sinh ra ở đây. Nó cũng chết tại đây.

Tâm là như thế này. Đôi lúc nó có tư tưởng tốt, đôi lúc nó có tư tưởng xấu. Tâm gian trá lắm. Đừng tin nó! Thay vì vậy, hãy nhìn thẳng vào những điều kiện của tâm. Chấp nhận chúng như thế đó. Chúng chỉ là vậy thôi. Dầu xấu hay tốt hay bất cứ gì, nó là thế thôi. Nếu bạn không dính mắc vào những điều kiện này, chúng không trở thành điều gì khác hơn bản chất tự nhiên của chúng. Nếu chúng ta dính mắc vào đó, chúng ta sẽ bị đau khổ.

Với Chánh Kiến, thì chỉ có sự bình an. Định phát sinh và trí huệ làm chủ. Nơi nào bạn ngồi hay nằm, nơi đó có sự bình an. Và bất kể bạn đi tới đâu, ở đó cũng bình an.

Cho nên hôm nay bạn lắng nghe Pháp. Có điều bạn hiểu, có điều có thể bạn không hiểu. Dầu bạn cho rằng một điều nào đó là đúng hay sai, bạn nên tiếp nhận nó và suy ngẫm một chút.

Là một vị thầy, tôi đã trải qua tình trạng tương tự. Tôi cũng từng khao khát nghe Pháp bởi vì, đi đến đâu, tôi cũng thuyết giảng cho người khác nhưng chưa bao giờ có cơ hội để lắng nghe. Cho nên bạn thật sự trân quý cơ hội được nghe Pháp. Thời gian trôi nhanh khi bạn ngồi yên lặng lắng nghe. Bạn khao khát Pháp, cho nên bạn thật sự muốn nghe. Mới đầu, bạn rất thích giảng dạy người khác, nhưng sau một thời gian, cảm giác thích thú đó tan biến. Bạn cảm thấy chán và mệt. Rồi bạn muốn được nghe. Thế nên khi bạn nghe một vị thầy thuyết giảng, bạn cảm thấy rất say mê và bạn hiểu dễ dàng. Nhất là khi bạn đã già và khao khát sự khai ngộ, bạn càng thấy Pháp thấm thía hơn rất nhiều.

Là một vị thầy, bạn làm gương cho người khác. Bạn là mẫu mực cho những tỳ kheo khác. Bạn làm gương cho mọi người, cho nên đừng quên mất chính mình. Nhưng cũng đừng nghĩ về mình. Nếu những tư tưởng như thế phát sinh, dứt bỏ chúng. Nếu bạn làm thế, bạn sẽ là người biết chính mình.

Có hàng triệu cách để tu hành. Nói về sự thiền định thì nói mãi cũng không hết. Có quá nhiều thứ có thể khiến cho chúng ta nghi ngờ. Chỉ việc quét chúng ra ngoài, rồi bạn sẽ không còn nghi ngờ nữa! Khi chúng ta có Chánh Kiến như thế này, bất kể chúng ta ngồi hay đi, chúng ta bình an và thanh thản. Chúng ta hành thiền ở đâu, thì mang sự nhận biết của mình tới đó. Đừng nghĩ rằng bạn chỉ thiền khi ngồi hay đi. Mọi thứ và mọi nơi đều là sự tu hành của chúng ta. Sự nhận biết luôn ở đó. Sự Chánh niệm luôn hiện diện. Chúng ta luôn có thể nhìn thấy sự sinh diệt của thân và tâm. Đừng để nó làm bận tâm bạn. Xả bỏ nó liên tục. Nếu tình thương đến, để nó trở về nhà của nó. Nếu lòng tham đến, để nó về nhà. Nếu sự tức giận đến, để nó về nhà. Chúng sống ở đâu vậy? Hãy tìm ra, và rồi đưa chúng về đó. Đừng giữ lại điều gì cả. Nếu bạn tu hành như vậy, bạn giống như một căn nhà trống. Hay, nói cách khác, đây là một cái tâm trống rỗng, một cái tâm không còn điều ác nào cả. Chúng ta gọi đó là “tâm không”. Nhưng tâm đó không trống rỗng như thế không có gì cả; nó trống rỗng điều ác nhưng chưa đầy trí huệ. Và rồi bất cứ bạn làm gì, bạn làm với trí huệ. Bạn suy nghĩ với trí huệ. Bạn ăn với trí huệ. Chỉ có trí huệ mà thôi.

Đây là bài pháp cho ngày hôm nay và tôi tặng nó cho bạn. Bài pháp này đã được thâu băng. Nếu nghe pháp khiến cho tâm bạn bình an, vậy cũng đủ rồi. bạn không cần phải nhớ điều gì. Có người, không tin điều này. Nếu chúng ta làm cho tâm mình bình an và chỉ lắng nghe, để lời pháp đi qua nhưng vẫn suy ngẫm mãi, thì chúng ta sẽ giống như một cái máy thâu âm. Sau này, khi chúng ta bật nó lên, mọi thứ vẫn còn đó. Đừng sợ là bạn sẽ không có gì cả. Mỗi khi bạn bật máy thâu âm lên, mọi thứ vẫn ở đó.

Tôi muốn tặng bài pháp này tới tất cả tỳ kheo và mọi người. Có người trong số các bạn chỉ biết chút ít tiếng Thái, nhưng điều đó không quan trọng. Mong rằng các bạn hiểu được ngôn ngữ của Đạo. Như vậy là đủ rồi!

 

Trích Suối Nguồn Tâm Linh

Rate this post