Thầy lang Võ Hoàng Yên trở thành ‘thần y’ ra sao?
Sáng 15 tháng Ba năm 2021, ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xác nhận với truyền thông trong nước rằng Công an tỉnh đang điều tra, xác minh hiệu quả chữa bệnh của Lương y Võ Hoàng Yên cho người dân địa phương hồi tháng Bảy năm 2020. Lúc đó, huyện Bình Sơn đã mời ông Yên về để chữa bệnh miễn phí cho khoảng 1.000 người nghèo bị khuyết tật vận động, câm, điếc bẩm sinh… không có điều kiện để chạy chữa.
Mười năm trước, báo Công an Nhân dân cho biết, vào chiều ngày 26 tháng Tám năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Trương Tấn Thiệu đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để bàn giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho ông Võ Hoàng Yên điều trị bệnh cho nhân dân.
Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Bình Phước hoan nghênh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh có trách nhiệm và có tâm với người bệnh và cộng đồng. Ông Thiệu đề nghị các ngành chức năng tham mưu đề xuất với UBND tỉnh, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật và Hội Đông y tỉnh cần nghiên cứu chủ trương, tìm ra những giải pháp cụ thể để ông Yên sớm có giấy phép hành nghề.
Tháng Năm năm 2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Huy Phong trao tặng bằng khen cho lương y Võ Hoàng Yên nhờ những đóng góp của ông trong việc chữa bệnh cứu người cho nhân dân trong tỉnh. Đến tháng 12 cùng năm, ông Võ Hoàng Yên chính thức được công nhận là lương y và có giấy phép hành nghề.
Trong khi đó, mới hôm 10 tháng Ba năm 2021, báo Lao Động dẫn lời khẳng định của PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế rằng, “Chưa có bất kỳ một cơ sở khoa học nào về phương pháp của ông Võ Hoàng Yên có thể chữa được bệnh và bản thân ông Võ Hoàng Yên cũng chưa đăng ký ở bất kỳ đâu, chưa ai công nhận phương pháp của ông này có thể chữa được bệnh…”
Ông Thịnh cũng cho biết đang cho điều tra, đồng thời có công văn yêu cầu Sở Y tế Bình Thuận và một số Sở Y tế các tỉnh khác yêu cầu báo cáo Bộ Y tế về trường hợp này.
Tất cả những gì về ông Võ Hoàng Yên được người dân biết đến chủ yếu qua các kênh truyền thông Nhà nước. Vậy ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc liên quan ông Võ Hoàng Yên?
Nhà báo Minh Hải nêu ý kiến của ông:
“Vấn đề ở đây là PR không rõ ràng. Lẫn lộn giữa PR và quảng cáo. Nó nhập nhằng như thế cho nên bây giờ đổ bể ra thì chỉ vì tiền hết thôi. Tất cả là tiền hết chứ không phải lương tâm nhà báo đâu. Có tiền là mua được hết mà, có gì đâu.”
Ông Đỗ Cao Cường, từng là phóng viên báo Pháp Luật, nêu quan điểm của ông về trách nhiệm của truyền thông trong những vụ việc như ông Võ Hoàng Yên:
“Trách nhiệm của truyền thông trong vấn đề này là khi họ yêu ghét theo kiểu cảm tính, họ đưa tin mà không gặp trực tiếp những bệnh nhân cụ thể. Họ tạo ra lòng tin và người dân vô tình tin theo. Bây giờ khi ông Yên bị vợ chồng ông Dũng lò vôi tố cáo thì truyền thông lại tin vào bà ấy. Vấn đề ở đây chủ yếu là do truyền thông định hướng. Nó có chỉ đạo lèo lái dư luận để người dân quên đi những vụ khác, những sự kiện quan trọng khác như vụ Đồng Tâm chẳng hạn. Muốn lên làm trưởng đại diện tòa báo thì bắt buộc phải kiếm cái hợp đồng truyền thông về cho tòa soạn.”
Tháng Chín năm 2020, một số tờ báo chính thống tại Việt Nam đã bị xử phạt hành chính với cáo buộc đưa tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động.
Hình minh hoạ. Một người dân đọc báo Nhân Dân trên đường phố Hà Nội. AFP
Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra những sai phạm như báo điện tử Dân Việt đã đưa thông tin bị cho sai sự thật trong bài viết “Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư TP.HCM”. Vi phạm này được xác định “do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý tin bài đã xuất bản tin chờ”.
Báo điện tử Tổ Quốc bị nói vi phạm đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Báo VnExpress bị cho đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng và báo Thanh Niên bị xử phạt do đưa “thông tin sai sự thật trong loạt bài viết đăng tháng 5/2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại Hải Phòng”.
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, báo chí đưa thông tin sai có nhiều nguyên nhân. Ông nói:
“Nó có rất nhiều nguyên nhân. Truyền thông mà sai lầm có khi là do cẩu thả, có khi là những sai sót, sơ hở, thậm chí có những tai nạn nghề nghiệp khó tránh.
Bà Kim Ngân hồi còn làm Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã từng gởi giấy khen cho những người tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, tâm linh… Sau này một phóng viên của VTV làm một chương trình bóc trần sự thật trong việc tìm mộ ra. Lúc ấy cả nước mới vỡ lẽ.”
Với trường hợp ông Võ Hoàng Yên, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, phóng viên không phải là những người thông thạo trong mọi lĩnh vực nên với những hiện tượng có tính chất kỳ bí thì không nên đưa tin một cách liều mạng mà phải để cho hội đồng khoa học đánh giá rõ ràng trước khi đưa tin.
Theo con số từ Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra vào cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 840 cơ quan báo chí, gần 70 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát của nhà nước theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước.
Biện pháp kiểm soát gắt gao nhằm mục tiêu nhằm khống chế, triệt tiêu những tiếng nói phản biện, đối lập; còn đối với những thông tin ‘vô thưởng, vô phạt’, cả những chuyện mê tín- dị đoan, ‘tình-tiền-tù- tội’ … lại thấy nhan nhản trên các báo chính thức được phát hành trong nước.