Thầy giáo “gây bão” với bài tập về nhà

Sau khi khiến mạng xã hội và nhiều vị phụ huynh, học sinh xôn xao vì 6 “Bài tập về nhà” đặc biệt của mình, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên bộ môn Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã trở nên “nổi tiếng một cách bất đắc dĩ”.

Khi được gặp và trò chuyện trực tiếp với người thầy giáo còn khá trẻ tuổi đời và cả tuổi nghề này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và cảm nhận ở người thầy này còn nhiều điều thú vị xung quanh chuyện nghề, chuyện học…

Học Văn từ cuộc sống…

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và bước vào nghề dạy học 9 năm nay, thầy giáo Đỗ Đức Anh (SN 1988, quê gốc Hải Phòng, hiện đang sinh sống ở Biên Hòa, Đồng Nai) có phong cách trẻ trung, hoạt bát.

Bản thân vốn yêu thích viết văn, viết báo từ nhỏ, ngay từ khi mới học lớp 7, Đức Anh đã viết bài cộng tác với các báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Hoa Học Trò, Áo Trắng. Sau này thì cộng tác với tạp chí Tiếp thị gia đình, Thế giới văn hóa… Chính vì vậy, mơ ước hồi nhỏ của Đức Anh là sẽ học ngành báo chí. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Đức Anh quyết định thi vào trường sư phạm, vì đơn giản là học sư phạm được miễn học phí, còn nếu học báo chí sẽ gian nan hơn.

Ngay cả sau khi đi thực tập xong vào năm thứ ba đại học, Đức Anh vẫn chưa có ý định sẽ đi dạy học và gắn bó với nghề giáo. Thậm chí thời gian đầu sau khi đi dạy, Đức Anh vẫn còn ý nghĩ sẽ không gắn bó lâu dài với nghề này vì thấy cá tính của mình khó mà phù hợp với môi trường sư phạm vốn đầy tính mô phạm. 

Nhưng rồi khi, càng gắn bó với nghề, với học sinh thì người thầy giáo này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Anh được học trò thương mến, nhiều phụ huynh động viên, khích lệ. Đặc biệt, Đức Anh có một người mà anh coi như “người mẹ thứ hai” luôn đồng hành với anh trong suốt nhiều năm qua. Cô chính là người hướng dẫn thực tập Đức Anh năm thứ tư đại học và cũng là người giới thiệu Đức Anh về Trường THPT Bùi Thị Xuân.

“Thời gian đầu khi mới đi dạy, tôi cũng chọn cho mình phương án giảng dạy an toàn. Sau đó, khi đã vững nghề hơn và cả vững tâm hơn, tôi mới chọn cho mình cách dạy có phần “phá cách”, dấn thân và làm những dự án lớn. Tất cả chỉ vì tôi muốn làm những điều tốt đẹp, hữu ích cho học trò và phụ huynh đồng cảm với những gì tôi làm, hơn nữa tôi thấy việc đó là cần thiết thì tôi sẽ làm”, thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ.

Và cách giảng dạy môn Văn học của thầy là chọn cách dạy văn qua hình thức họp báo, chiếu phim, thuyết trình, dã ngoại… Đa số các tiết dạy Văn của thầy, thay vì giáo viên đứng giảng bài, học sinh ghi chép theo khuôn mẫu thì thầy Đức Anh gần như giao toàn quyền cho học sinh. Các em làm chủ bục giảng và thuyết trình về tác phẩm, đề tài, còn thầy chỉ là một giám khảo, ngồi lắng nghe học trò trình bày đề tài và đưa ra nhận xét…

Cứ gần đến mùa thi, thầy Đức Anh lại dành buổi tối livestream các bài học để hướng dẫn học trò mọi miền ôn thi.

Theo lời thầy Đức Anh thì đây là những cách “mới lạ” để xóa tan sự nhàm chán trong tiết học và đánh thức tình yêu văn chương hồn nhiên của học trò. “Trong quá trình giảng dạy, tôi suy nghĩ phải sáng tạo trong cách thể hiện, trau chuốt trong nội dung, tiến hành nhiều dự án thực tế để kích thích học trò khiến học trò thấy Văn chính là cuộc sống”.

Tuy vậy, theo thầy Đức Anh, dù cách dạy như thế nào thì cuối cùng kết quả đánh giá cũng phải qua bài thi và kiến thức. Do đó, giáo viên vẫn phải đảm bảo truyền tải đầy đủ kiến thức cho học sinh. Trường hợp muốn làm thêm chuyện gì đó cho lớp, cho học sinh thì bản thân người thầy phải tự cân đối thời gian hoặc cùng thực hiện với học trò.

Và cũng chính vì muốn “làm thêm” nhiều việc cùng học trò mà người thầy này còn thực hiện những dự án bổ trợ cho việc dạy và học Văn. Điển hình là dự án Học văn từ cuộc sống với chủ đề “Có thư trên bậu cửa” do thầy Đức Anh và học sinh cùng thực hiện.

“Có thư trên bậu cửa” là hình thức “thư không dán tem”. Chính các em học sinh sẽ tìm hiểu và viết nên những lá thư tay gửi đến người mà chúng cảm thấy ấn tượng và ngưỡng mộ. Một bức thư nhưng gói gọn trong đó là tình yêu, sự cảm mến đối với những người thân yêu, người truyền cảm hứng và cả những người chỉ biết mà không quen.

Nhân vật trong những bức thư là những người phi thường nhưng luôn nghĩ mình là bình thường. Đó là những chú Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh thầm lặng, là ông ngoại bán kẹo bông gòn lưu giữ ký ức tuổi thơ, là bác bảo vệ mỗi sáng đưa học trò qua đường, hay với cô tổng giám thị kính yêu…

Được thực hiện từ tháng 9-2017, đến nay, dự án đã nhận được hàng trăm thư viết tay của học sinh bày tỏ tình cảm, sự yêu thương đối với những người không hề quen biết. Sau khi tập hợp và lựa chọn, Ban chủ nhiệm dự án đã chọn ra 50 bức thư tay với những cung bậc tình cảm khác nhau để in thành quyển sách với nhan đề “Có thư trên bậu cửa”.

“Có thể việc thầy và trò chúng tôi làm không mang lại điều kiện kinh tế nào cho những nhân vật được đề cập tới, nhưng ít nhất qua đó họ cũng cảm thấy ấm lòng vì có người dõi theo và ghi nhận, trân trọng những việc làm tốt đẹp của họ, để động viên, khích lệ họ. Với các em học sinh viết những lá thư, tôi cho rằng các em ấy phải có một cái nhìn rất sâu sắc về cuộc sống mới có thể cảm nhận và lưu lại những điều đọng lại như vậy”, thầy Đức Anh tâm sự.

“Bài tập về nhà” của thầy Đức Anh gây “bão” dư luận.

Giáo dục để hạnh phúc

Theo thầy Đức Anh thì việc thầy thực hiện những dự án như vậy không dừng lại ở môn Văn mà còn có tác dụng hướng nghiệp, tác động về mặt tâm lý, về sự trưởng thành, cách nhìn nhận cuộc sống cho học sinh. “Tôi nghĩ những điều đó rất quan trọng với cuộc sống của các em… Hơn nữa, các em đi ra ngoài thực tế được trải nghiệm, còn tích lũy được nhiều thứ khác ngoài những câu chữ trong sách vở”.

Nói về nguyên cớ có “Bài tập về nhà” đang gây “bão” những ngày qua, thầy Đức Anh cho biết đúng ra trước đó mình có viết thư với tên là “Mong thế giới sẽ dịu dàng với em” chứ không phải kiểu giao “Bài tập về nhà” như vậy. Trong đó, thầy cũng đưa ra những lời khuyên, tâm sự mong các em học sinh bản lĩnh, cố gắng vươn lên, đừng như cái cây chỉ đứng yên một chỗ… 

Trên hết là hãy sống tử tế và làm người hạnh phúc chứ đừng cố gắng làm người thành công mà bỏ quên sự tử tế và hạnh phúc. Nhưng do thấy lá thư đó quá dài, không cô đọng lắm và muốn thu hút sự chú ý của học sinh nên thầy đã chuyển sang hình thức thú vị hơn, dễ thương hơn đó là “Bài tập về nhà” như nhiều người đã đọc.

Và sau khi “Bài tập về nhà” được lan truyền rộng rãi, thầy giáo này trở nên nổi tiếng ngoài sự mong đợi. “Chuyện tôi nổi tiếng thật sự là bất đắc dĩ, và chỉ sau một đêm ngủ dậy mở trang Facebook ra, tôi cứ tưởng mình vừa dính ”phốt” gì đó vì nhiều phụ huynh xa xôi, thậm chí ở nước ngoài, rồi nhiều học sinh, đồng nghiệp nhắn tin hỏi thăm, chia sẻ, khen ngợi rất nhiều”.

Thầy Đức Anh nhận được nhiều sự quý mến của học trò.

Nhưng sự nổi tiếng bao giờ cũng đi kèm với sự thi phi, cũng có người cho rằng đó là sự “sến súa, làm màu, giáo viên thì cần gì mà phải làm thế…”. Nhưng thực sự người thầy này cho rằng không quan tâm lắm vì thầy làm điều đó trước hết là cho các học trò của thầy và cũng không làm cho các học trò khác, càng không phải làm cho tất cả mọi người.

“Quan điểm của tôi, là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn muốn dõi theo và đồng hành cùng các em. Bên cạnh những bài học về kiến thức thì những bài học về cách sống, tình cảm cũng rất quan trọng. Hơn nữa, tác động về mặt tình cảm đối với học trò bao giờ cũng để lại một dấu ấn sâu sắc và những việc tuy nhỏ nhưng cần thiết nên làm, đáng làm. Qua đó, tôi muốn các em thấy rằng, bên cạnh các em luôn có tôi cùng chia sẻ, lắng nghe”, thầy Đỗ Đức Anh giãi bày.

Cũng theo thầy Đức Anh, dù có một số từ ngữ trong “Bài tập về nhà” nghe thì có vẻ “đao to búa lớn” như nói về sự tử tế và hạnh phúc. Nhưng nếu là những học trò đã học với thầy sẽ không cho là như vậy mà thực tế chỉ là những bài tập rất nhỏ thôi.

“Đừng nghĩ hạnh phúc là những cái gì đó thật lớn lao và cũng đừng nghĩ sự tử tế là phải làm những gì quá tốt quá đẹp. Mà với tôi và học trò thì sự tử tế chỉ đơn giản kiểu như nay ba mẹ em bệnh hay vừa đi đâu về, em rót cho ba mẹ em một ly nước và mang tới mời đàng hoàng… 

Và quan niệm về hạnh phúc của tôi thường nói với học trò cũng đơn giản lắm, đôi khi chỉ là hôm nay thầy giảng bài đó em hiểu được, đó là hạnh phúc rồi. Hay hôm nay em chưa thuộc bài nhưng thầy cô cho em cơ hội để trả bài lần sau, đó cũng là hạnh phúc rồi. Với tôi, sự tử tế và hạnh phúc được kiến tạo từ những điều rất bé nhỏ như thế thôi”.

Và thực ra dù ghi là “Bài tập về nhà” nhưng thầy Đức Anh bộc bạch rằng bản thân không mong học sinh sẽ nộp lại cho mình các câu trả lời bằng những hình ảnh hay câu chuyện nào đó mà chỉ mong trong tâm khảm các em có những bài tập đó để chúng lúc nào cần chia sẻ thì cũng có người bên cạnh và bản thân chúng sẽ biết cách bày tỏ tình cảm hay sự yêu thương với cha mẹ, người thân và cả những người xung quanh.

“Tôi dạy Văn nhưng không yêu cầu học sinh phải phân tích tác phẩm này tác phẩm kia thật sâu sắc, thật hay. Tôi cần các em qua những câu chuyện thực tế để nhìn đời, hiểu đời và quan trọng hơn là biết nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về cuộc sống… 

Lâu nay giáo dục Việt Nam đi vào lối mòn với triết lý giáo dục để thành công, tức là các em học sinh được dạy, được hướng tới cái đích học để sau này phải đạt được vị trí này, có chỗ ngồi kia… 

Từ đó, chúng ta bỏ qua hoặc chỉ hời hợt chuyện giáo dục học sinh bằng tình thương, giáo dục để hạnh phúc. Nhận thức được điều này, bản thân tôi chú ý nhiều hơn đến chuyện giáo dục học sinh bằng tình thương và giáo dục để hạnh phúc là vì vậy”, thầy Đức Anh chia sẻ. 

Rate this post