Thập Nhị Binh Thư – Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 1
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 2
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 3
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 4

Tôn Vũ (545 – 470 TCN) – danh tướng nước Ngô cuối thời Xuân Thu (Trung Hoa) – là người gia tộc Tư Mã Nhương Tư, nhưng thuộc chi khác. Khi Nhương Tư lâm bệnh qua đời trong sự thờ ơ của Tề Cảnh Công, Tôn Vũ chỉ là chàng trai trẻ tuổi. Bị chấn động lớn về tinh thần sau sự kiện này, buồn chán và thất vọng trước sự hủ bại chính trị cuối thời Tề Cảnh Công, không muốn bị liên lụy vì cuộc đấu đá gay gắt giữa các dòng tộc, Tôn Vũ rời bỏ nước Tề, sang với nước Ngô.

Tại đây, Tôn Vũ gặp Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) – nhân tài từ nước Sở cũng lánh nạn sang Ngô – đang tìm cách mượn quân nước Ngô về đánh Sở, trả thù cho cái chết của cha mình. Hai nhân tài một từ Tề xuống, một từ Sở sang, đều có chí hướng lớn nên nhanh chóng kết thành đôi tri kỷ, sau này cùng trở thành yếu nhân giúp nước Ngô xưng Bá xưng Vương cuối thời Xuân Thu.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 5

Ngũ Viên được quốc vương nước Ngô là Hạp Lư trọng dụng. Ngũ ngay tức khắc tiến cử Tôn Vũ lên Ngô Vương vì thấu rõ bạn mình dù thân phận là dân chạy nạn nhưng sở đắc kiến thức uyên bác. Khi đó là năm 512 TCN, và Tôn Vũ dâng lên Ngô Vương Mười Ba Thiên Binh Pháp.

Hạp Lư xem qua rất vừa ý. Ông nôn nóng muốn tung quân tiến đánh nước Sở sau khi giành được một chiến thắng nhỏ lúc Ngô – Sở giao tranh ở biên giới. Tôn Vũ can ngăn Ngô Vương, bằng chính tư tưởng mà ông đã trình bày kỹ trong 13 thiên Binh Pháp: muốn tiến hành chiến tranh, trước hết phải tích lũy đủ lực lượng, nuôi dưỡng sức dân, chỉ đánh khi đã cầm chắc chiến thắng.

Rồi Tôn Vũ cũng đồng tình với sách lược tiếp theo của Ngũ Tử Tư: chia quân Ngô làm 3 đạo, luân phiên quấy nhiễu biên giới nước Sở, nhưng tránh giao chiến, chỉ hư trương thanh thế làm cho toàn địch quân luôn ở tình trạng nơm nớp lo đối phó, phải căng thẳng mỏi mệt.

Sáu năm sau (506 TCN) Hạp Lư lại hỏi: “Đã đánh Sở được chưa?” Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư cùng tâu rằng: “Phải dùng ngoại giao lôi kéo hai nước Đường, Sái là những nước nhỏ thường bị Sở ức hiếp, đưa họ vào liên minh rồi mới cùng đánh Ngô”. Ấy là nhờ Quyền lực Mềm mà Tôn Vũ hình thành một liên quân Ngô – Đường – Sái với hơn 5 vạn quân. Tuy vậy, nước Sở đất rộng người đông, binh lực lên đến 20 vạn. Thắng bại trong trận quyết chiến này chủ yếu tùy thuộc vào tài dụng binh của Tôn Vũ.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 6

Chiến tranh Ngô – Sở minh chứng thực tiễn tài năng Quyền lực Cứng của Tôn Vũ đúng như những gì ông đã luận giải trong 13 thiên Binh Pháp. Quân Ngô liên tục thắng trận với các cách đánh: Nghi binh lừa địch, tránh thực đánh hư; Dẫn dụ địch vào bãi chiến trường mà không để địch chủ động; Xuất phát nơi địch không tới, tiến đánh chỗ địch không thể ngờ; Buộc địch phải phòng thủ khắp nơi nên binh lực phân tán; Hình thành ưu thế “ta nhiều địch ít” ở những điểm quyết chiến.

Chỉ sau ba tháng giao tranh, liên quân do Ngô là trọng tâm vẫn giành đại thắng dù binh lực ít hơn. Chỉ nhờ sự yểm trợ của nước Tần mà Sở mới thoát khỏi sự chiếm đóng của Ngô. Năm 504 TCN, Tôn Vũ lại cùng với Ngũ Tử Tư đem quân đánh Sở một lần nữa, bắt sống nhiều đại tướng và các quan đại phu khiến cả nước Sở kinh hoàng, phải dời đô sang nơi khác.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 7

Sau đại thắng vang dội và quyển Binh Pháp tinh hoa, phần đời sau của Tôn Vũ trầm lặng hoàn toàn không có sử liệu nào ghi chép. Tôn Vũ vụt chói sáng trong sách sử rồi lại âm thầm thoát khỏi công danh như một vệt sao băng ngang qua trời Xuân Thu đầy tiếng ngựa hý gươm khua. Rất có thể ông đã tiên liệu cái tiền đồ của nước Ngô sau khi Hạp Lư tử thương do chinh chiến, còn Ngô Phù Sai lên nối ngôi cha chẳng còn chí khí đế vương, chỉ biết hưởng lạc.

Thật vậy, chỉ sau vài thập niên thì Ngô Phù Sai đã thảm bại vì nước Việt. Có lẽ là Tôn Vũ cũng hành xử giống như Phạm Lãi của nước Việt sau này, kịp thời rời bỏ tước lộc sau khi phò tá Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô. Như nhiều bậc anh hùng xưa, cái kết cuối đời của Tôn Vũ đã mãi chìm sâu vào làn sương huyền thoại mịt mờ, chẳng ai thấu tỏ.

Tôn Vũ tan biến nhưng trước tác của ông (Tôn Tử Binh Pháp) trải qua 2500 năm nay vẫn vẹn nguyên với nhiều giá trị thực tiễn. Cuốn binh thư 13 thiên này là sách gối đầu giường của vô số doanh nhân, chiến lược gia, tướng lính quân đội và lãnh đạo chính trị từ Đông sang Tây. Một cách ngắn gọn, Tôn Vũ lập thuyết cho rằng để thắng một cuộc chiến thì phải tuân thủ 7 nguyên tắc cơ bản như sau:

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 8

Cái hiểu biết của người cầm quân: thông tin luôn đi trước đối thủ, nghĩa là biết mình, biết người. Tin tức cần được thu thập, sàng lọc, tính toán một cách mạch lạc, thông suốt thì mới có quyết sách đúng. Người làm tướng cần cầu thị, biết học hỏi từ người khác, thậm chí học từ kẻ thù thì mới mong làm cho mình “biết” được vậy. Song hành với cái biết này là sự bảo mật: che dấu thông tin của ta, gây nhiễu thông tin sao cho địch không thể đoán ra ý đồ thực sự của ta.

Dùng mưu lược để thắng địch: có hiểu biết rồi thì sắp đặt mưu kế, tức là kế hoạch hành động. Có một ban tham mưu để bàn thảo kế hoạch, làm việc có phương pháp sẽ hiệu quả hơn tự thân một mình chủ tướng dự liệu mọi bề. Tôn Tử trong thiên Thủy Kế chép rằng “Lúc chưa chiến mà mưu tính thấy có cơ hội thắng lợi, thì thường là sẽ thắng. Lúc chưa chiến mà mưu tính thấy khó thắng, thì ít khi được thắng. Mưu tính nhiều, dễ thắng; mưu tính ít, khó thắng”.

Ba mươi sáu kế sách (tam thập lục kế) của Tôn Tử đề ra khung mẫu mưu chước ứng xử ngoài mặt trận lẫn cả chốn quan trường thời xưa. Xa hơn nữa, người làm Tướng nhất thiết phải biết biến hóa uyển chuyển tùy theo tình hình – tức là sẵn có kế hoạch dự phòng.

Trong thiên “Binh biến” chép rằng: “Nước do đất mà chảy, binh do địch mà thắng. Cho nên binh không phải lúc nào cũng giữ nguyên một thế, nước không phải lúc nào cũng giữ nguyên một đường. Từ sự biến hóa của địch mà thủ thắng, gọi là thần. Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) không có cái nào thắng cái nào mãi, bốn mùa cũng đổi thay, ngày có lúc dài lúc ngắn, trăng có khi khuyết khi đầy”. Ngoài mặt trận hay trong chính trường, người Tướng phải linh hoạt ứng phó theo tình thế, nhất định không thể tư duy một chiều, hành động cứng nhắc.

Tận dụng cái Thế: là những điều kiện khách quan bên ngoài, thường là phi quân sự nhưng lại giúp gia tăng sức mạnh quân sự. Dùng thế phải cân nhắc đến thiên nhiên (như địa hình, địa vật, khí hậu, môi trường…), xu thế của lòng người (thế tâm công); vị thế tài chính, phương tiện chiến tranh của ta và xét đoán cái thế của địch…

Trong thiên “Binh Thế” có ví dụ điển hình: “cái thế của kẻ thiện chiến có khác nào như chuyển một hòn đá to từ trên cao ngàn trượng cho lăn xuống dốc”. Tương tự như vậy trong thiên “Hư Thực” có nói: “một cuộc hành binh cần tránh chỗ thực (điểm mạnh) mà công kích vào chỗ hư (mặt yếu)”. Người Tướng biết dựa thế sẽ khuếch đại tối đa hiệu suất tác chiến, chuyển hóa sức người thành sức mình, tận dụng mọi lợi điểm cho mình, gia tăng bất lợi cho địch.

Tâm lý sẵn sàng: không bị bất ngờ trước mọi động thái của địch. Kế sách phòng thủ đòi hỏi người làm Tướng không khinh địch, không say men chiến thắng mà chủ quan lơ là phòng bị. Bất chấp kẻ địch có thế nào thì vẫn phải đề cao cảnh giác.

Bảo toàn năng lực tác chiến của quân lực, giảm thiểu hy sinh mất mát, không hoang phí sức lực và tài sản một cách vô ích. Trong thiên “Mưu Công”, Tôn Tử ghi: “Phép dụng binh, phải bảo toàn lực lượng quốc gia, giữ nguyên binh lực mới là nhất. Đánh trăm trận trăm thắng chưa phải là giỏi; không đánh mà khuất phục được binh lực của đối phương mới là đệ nhất. Bởi thế, thượng sách là dùng mưu kế, trung sách là dùng ngoại giao, hạ sách mới giao chiến. Mà một khi đã đối đầu giao chiến thì người dùng quân phải tránh thất thoát, hao quân”.

Bảo toàn quân lực không có nghĩa là thiếu dũng khí tấn công, khi có thời cơ thì phải khởi sự và chấp nhận có thương vong.

Chỉ hành động khi có lợi ích: “Lợi động” nghĩa là lấy lợi ích làm mục tiêu mà hành động, không để cho cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định chiến trường.

Trong thiên “Hỏa Công” ghi rằng: “không lợi thì không động, không được việc thì dừng lại không dùng; kẻ làm Tướng không được vì tức giận mà khởi binh, không vì phẫn uất mà gây hấn”. Cái lợi có 2 dạng là lợi vật chất và lợi tinh thần. Người giỏi dụng binh không những biết cân nhắc lợi ích khi tiến thoái, biết lấy lợi ích để khích lệ tướng sĩ, mà còn biết dùng lợi để nhử địch, lôi kéo địch.

Đã hành động thì cần phải tốc chiến: đánh nhanh, kết thúc càng nhanh càng tốt để tránh hao tổn xương máu của binh sĩ, bất an cho tâm lý hậu phương. Người xưa nói: “Binh quý ở thắng mà không quý ở lâu” là vậy.

“Tôn tử binh pháp” thuộc binh pháp số 4 trong 12 binh pháp của cuốn sách “Thập Nhị Binh Thư” được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời”.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 9
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử binh pháp - ảnh 10

 

Đón đọc kỳ sau: Thập Nhị Binh Thư – Binh thư số 5: Ngô Tử binh pháp

Rate this post