Thảo Tiên kể về những ngày được điều trị khỏi Covid-19
Thảo Tiên: ‘Tôi xốc dậy tinh thần khi nhiễm nCoV’
Sốt 38,5 độ C, Thảo Tiên – “bệnh nhân 32”, từ Anh về nước chữa Covid-19 – ho rũ, không nhấc nổi chân tay, tự hỏi nhập viện có trễ không.
– Ngày 31/3, xuất viện sau hơn ba tuần điều trị nhiễm nCoV, điều chị muốn làm đầu tiên là gì?
– Tôi muốn ôm thật chặt ba mẹ vào lòng. Nhưng tôi không làm được vì còn phải tự cách ly trong 14 ngày. Tôi đang ở tại một villa riêng tại Vũng Tàu, chưa thể về với gia đình ngay. Hiện, tôi hoàn toàn khỏe mạnh, không cần uống thuốc gì thêm, chỉ ăn uống tẩm bổ.
– Khi bệnh, chị chịu những triệu chứng ra sao?
– Ngày 7/3, khi đội y tế sân bay đưa tôi đến khu cách ly ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, tôi bắt đầu sốt cao, ho nhiều và rất mệt mỏi. Dù chuẩn bị tinh thần, cảm giác khi đón nhận kết quả dương tính nCoV thật không dễ chịu chút nào. Thời gian đỉnh điểm của bệnh, tôi ho khan không ngừng, ho đến rũ người và đau buốt ngực. Cơ thể tôi mệt mỏi, bất lực đến mức không nhấc nổi tay chân, không ngủ được. Có lúc, tôi sốt đến 38,5 độ C, không muốn ăn uống gì cả. Nhưng chỉ hai ngày sau, khi đã hạ sốt, mọi thứ trở lại bình thường.
Tôi bối rối và lo lắng, hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu: “Liệu tình trạng của mình có quá nặng không”; “Mình có nhập viện quá trễ không?”; “Ba mẹ chắc đang buồn lắm”… Nhưng khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sự ân cần, hỏi han và chăm sóc của các y bác sĩ làm tôi thấy an tâm. Ba mẹ cũng liên tục gọi điện động viên tinh thần con gái. Ba luôn pha trò để tôi quên bệnh tình.
Thảo Tiên – “Bệnh nhân 32” – nhận giấy xuất viện chiều 31/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
– Chị được điều trị ra sao?
– Từ lúc tôi được chuyên cơ chở từ Anh về Tân Sơn Nhất đến khi nhận kết quả và vào phòng cách ly áp lực âm, tôi được điều trị bằng một quy trình nghiêm ngặt. Thời gian đầu, có ba bác sĩ thăm khám cho tôi ba lần mỗi ngày. Họ truyền dịch, cho tôi uống thuốc đều đặn, lấy máu và mẫu dịch tễ để xét nghiệm. Bác sĩ Phong – người điều trị chính – luôn dặn dò tôi uống thuốc và ăn nhiều. Tôi chỉ việc giữ tinh thần thoải mái, lạc quan nhất. Mọi việc có các bác sĩ lo.
Bệnh viện cung cấp các bữa ăn rất ngon miệng và đủ chất. Tôi không kiêng khem món nào và không hề bị sụt cân. Ngoài ra, tôi súc họng, xịt rửa mũi bằng nước muối ba lần mỗi ngày. Tuân thủ theo liệu trình, tôi ngày càng khỏe hơn so với lúc mới nhập viện. Tôi cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng tại khoa nhiễm D bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, những người đã chữa trị, chăm sóc tôi như người em trong gia đình.
– Chị giao tiếp gì với Nguyễn Hồng Nhung – bệnh nhân 17 – khi ở Anh?
– Tôi và “bệnh nhân 17” – Nguyễn Hồng Nhung – ngồi cạnh nhau khi dự một buổi tiệc chung vào ngày 27/2. Chúng tôi ăn uống, trò chuyện. Mọi việc diễn ra rất bình thường. Đến ngày 3/3, tôi thấy hơi mệt trong người. Thật ra, tôi cũng thường có cảm giác tương tự nên không để ý lắm dấu hiệu cơ thể mệt mỏi. Đến ngày 4/3, tôi bị ho nhẹ.
Khi biết tin Nhung nhập viện ngày 6/3 vì nCoV, cảm giác đầu tiên của tôi là sợ hãi và lo lắng. Tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, gọi điện cho ba mẹ. Cả nhà rất lo, bảo tôi đi khai báo y tế và xin xét nghiệm ngay. Tôi đã nhiều lần điện thoại hẹn khám tại Trung tâm chuyên xử lý Covid-19 ở London. Họ trả lời nếu chỉ ho nhẹ, không sốt thì chỉ là triệu chứng cảm bình thường, chỉ cần cách ly tại nhà. Cuối cùng, quá sốt ruột, tôi phải lên thẳng trung tâm.
Theo tấm bảng chỉ dẫn, tôi vào một phòng kín, nói chuyện qua điện thoại với nhân viên tư vấn. Tôi báo mình không sốt nhưng tiếp xúc với người đã xác nhận dương tính nCoV, có nguy cơ lây nhiễm cao. Tôi thuyết phục họ nhiều lần trong hàng giờ để được kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục yêu cầu tôi tự cách ly và hứa liên lạc lại sau. Quá thất vọng, tôi đành về nhà và mua thuốc cảm, ho để uống tạm. Tối cùng ngày, tôi bị mệt và khó thở. Tôi gọi cấp cứu nhưng lại được chuyển máy qua Trung tâm chuyên xử lý Covid-19. Vẫn là những câu hỏi và câu trả lời cũ, vẫn là những lời hứa hẹn chờ họ gọi lại vào hôm sau. Đêm đó, tôi lo lắng đến không ngủ được.
– Chị đã cân nhắc thế nào về việc ở lại Anh hay về nước điều trị?
– Trong thời gian phát bệnh, tôi liên tục cập nhật tình hình cho ba mẹ. Cả nhà nhất trí là tôi phải về nước bằng mọi giá. Ba mẹ không thể yên tâm khi tôi bị bệnh ở nơi xa mà không được chăm sóc, động viên tinh thần, bệnh viện ở London lại từ chối khám và xét nghiệm. Và điều quan trọng hơn hết, cả nhà đều tin tưởng vào phương pháp điều trị của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam.
Khó khăn tiếp theo là bay về Việt Nam thế nào để không liên lụy đến bất cứ ai. Cả nhà đã tính toán nhiều phương án khác nhau sao cho vẹn toàn. Ba mẹ đã thức trắng đêm làm việc liên tục với các đối tác trong ngày thứ bảy (7/3) để thuê máy bay đưa tôi về. Ba nói dù chi phí đắt đỏ thế nào, ba cũng nhất quyết đưa con về một cách an toàn nhất, cho con và cho mọi người. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 9/3, tôi thấy vui mừng, an toàn và hạnh phúc khó tả. Tôi nghĩ trong đầu: “Cuối cùng đã về đến Việt Nam rồi, sắp được chữa bệnh rồi”.
Thảo Tiên (thứ ba từ trái qua) cùng đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho cô tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
– Vì sao chị vẫn tham gia London Fashion Week và Milan Fashion Week tháng 2 giữa Covid-19?
– Khi tôi đến Milan tham gia hai show thời trang từ ngày 21 đến 23/2, dịch đã xuất hiện tại vùng Lombardy. Tôi tự đánh giá tình hình và báo với mẹ rằng mình phải hủy bỏ các show còn lại ở Milan, các buổi hẹn trao đổi công việc với đối tác tập đoàn để quay về London. Kế hoạch bay sang Pháp dự Paris Fashion Week cũng bị hủy bỏ lúc đó. Không ngờ về đến Anh tôi vẫn bị nhiễm.
Mùa fashion week này, nhiệm vụ của tôi là tham dự các show ở London, Milan và Paris trong tháng 2 và tháng 3. Tôi còn có kế hoạch dẫn đầu nhóm mua hàng của công ty đi làm việc với các thương hiệu, lên kế hoạch ngân sách và chọn mua những bộ sưu tập mới phù hợp với thị trường Việt Nam.
– Nhiều người vẫn xem chị là “Rich Kid”, fashionista với cuộc sống hào nhoáng,”sang chảnh”, chị nghĩ sao về nhận xét này?
– Tôi chưa bao giờ mong muốn thành fashionista. Tập đoàn của gia đình phân phối hàng hiệu cao cấp, vì vậy, ba mẹ tạo điều kiện cho tôi đi khắp nơi trên thế giới, tiếp xúc với môi trường kinh doanh ngành thời trang từ nhỏ. Điều này, cộng với đam mê du lịch, tạo nên một hình ảnh “sang chảnh”của tôi trong mắt nhiều người.
Trước đây, những chuyến công tác dài ngày tại các tuần thời trang quốc tế đều do mẹ tôi – tổng giám đốc Lê Hồng Thủy Tiên – đảm nhiệm. Nhưng gần đây, do khối lượng công việc quá nhiều, mẹ đã giao cho tôi phụ trách mảng này. Vì thế, dù đang bận hoàn thành khóa học Thạc sĩ Quản trị Hàng không (City University of London), tôi phải sắp xếp thời gian để phụ trách việc kinh doanh. Tôi cũng vừa được bổ nhiệm chức vụ phó Tổng giám đốc phát triển thị trường thời trang cao cấp tại tập đoàn vào tháng 12/2019.
Mẹ con Thủy Tiên – Thảo Tiên gặp gỡ nhà thiết kế Domenico Dolce (chủ thương hiệu Dolce & Gabbana) Milan Fashion Week tháng 9/2019. Năm nay, mẹ bận nên chỉ có cô dự các tuần thời trang ở châu Âu. Ảnh: Alec.
– Kế hoạch sắp tới của chị?
– Ngoài công việc chính, tôi còn được gia đình giao điều hành quỹ từ thiện của tập đoàn gia đình tôi. Sắp tới, tôi muốn góp sức trong công tác phòng chống dịch và những hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng. Ngoài ra, tôi trở lại London vào lúc thích hợp để hoàn thành việc học. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ về Việt Nam sống và làm việc.
Sau trải nghiệm nhiễm nCoV để đời, tôi biết ơn và trân trọng nhiều thứ trong cuộc sống. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm ruột thịt, tình nghĩa quê hương… Tôi quá may mắn khi được đưa về Việt Nam, được chữa trị kịp thời. Vì vậy, tôi muốn làm nhiều việc có ý nghĩa hơn cho cộng đồng, những người kém may mắn hơn mình.
Thảo Tiên sống ở London (Anh). Cô cùng mẹ thường xuyên xuất hiện ở các tuần lễ thời trang lớn tại Paris, London và Milan. Cô từ Anh sang Italy dự Milan Fashion Week từ ngày 21 đến 23/2. Mẹ cô – Thủy Tiên – là gương mặt nổi tiếng của làng điện ảnh Việt Nam thập niên 1990. Sau khi kết hôn với doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, chị rút khỏi showbiz. Họ có hai người con chung là Thảo Tiên (23 tuổi) và Hiếu Nguyễn (20 tuổi).