Thanh Sơn & Những sáng tác để đời – Vàng Son

Thanh Sơn & Những sáng tác để đời – Vàng Son

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 01 tháng 05 năm 1940 tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em.

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Thanh Sơn | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Nhạc sĩ Thanh Sơn | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Nhạc sĩ Thanh Sơn

 

Mê say văn nghệ từ khi còn bé nên việc học vấn không được Thanh Sơn chú trọng, ông chỉ theo học được đến lớp Đệ Tứ (lớp Chín bây giờ). Sau khi nhiều lần thi rớt Trung Học Đệ Nhất Cấp (rớt tốt nghiệp cấp Hai bây giờ), và cũng vì quá ham thích ca hát nên ông đã bỏ nhà lên Sài Gòn vào năm 1957.

Chàng thanh niên người miền Tây ấy nhận thấy nếu muốn có được cơ hội phát triển khả năng văn nghệ của mình, không gì hay bằng đến với nơi được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Thế là Thanh Sơn trốn nhà lên Sài Gòn để bắt đầu cuộc sống “bụi đời” như ông nói. Thật ra ông lên Sài Gòn sống với mẹ để cùng đi làm công, làm mướn rất vất vả.

Trước đó, khi hiệp định Genève chưa được ký kết, gia đình nhạc sĩ Thanh Sơn đã lâm vào tình trạng ly tán trong một hoàn cảnh sa sút do thân phụ ông bị người Pháp theo dõi bởi những hoạt động chống Pháp của mình. Vì vậy thân phụ ông đã phải xuống tận Cà Mau trốn tránh, trong khi thân mẫu ông đã bươn chải lên tận Sài Gòn đi làm mướn. Mãi đến năm 1954, gia đình ông mới lại được đoàn tụ ở Sóc Trăng. Tuy nhiên một gia đình đông người như gia đình của ông vẫn còn ở trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn .. nên thân mẫu ông vẫn ở lại Sài Gòn tiếp tục công việc vất vả của mình.

Sau khi lên Sài Gòn được 2 năm, cậu thanh niên Lê Văn Thiện đánh bạo ghi tên tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ do Nha Vô tuyến Truyền thanh Sài Gòn tổ chức vào năm 1959. Với tên Thanh Sơn, thí sinh Lê Văn Thiện đã đạt giải nhất với nhạc phẩm “Chiều Tàn” của Lam Phương, chàng trai nghèo nhớ mãi giải thưởng là một chiếc radio và cây đàn guitare. Trước đó, trong phần sơ khảo, ông đã trình bày nhạc phẩm “Gió Hoan Ca” của Thẩm Oánh và đã gây ngay được chú ý với ban giám khảo.

 

[Hình ảnh] Thanh Sơn khi còn là ca sĩ | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Thanh Sơn khi còn là ca sĩ | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Thanh Sơn khi còn là ca sĩ

 

Về lý do lấy tên Thanh Sơn làm nghệ danh, ông cho biết: hồi còn nhỏ, ông có một người bạn gái thân tên Thanh. Nhưng chẳng may cô này sau đó bị chết vì lựu đạn trong thời kỳ chống Pháp. Để tưởng nhớ về người bạn thân thời niên thiếu nên ông đã dùng tên Thanh của cô ghép với tên Sơn thành nghệ danh của mình.

Cũng trong năm 1959, Thanh Sơn kết hôn với người con gái tên Lê Thị Hương quê ở Bình Định. Bà là người phụ nữ đôn hậu, bình dân nhưng là tác nhân để lại nhiều dấu ấn thú vị trong các sáng tác của ông.

 

[Hình ảnh] Vợ chồng Thanh Sơn lúc còn trẻ | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Vợ chồng Thanh Sơn lúc còn trẻ | Thanh Sơn & Những sáng tác để đờiVợ chồng Thanh Sơn lúc còn trẻ

 

Nhờ đạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, Thanh Sơn được gửi lời mời tham gia vào các ban nhạc như: ban Tiếng tơ đồng & ban Hồ Gươm của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ban Vì Dân của nhạc sĩ Minh Kỳ hay Đoàn Văn nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ .. theo ông nhớ hết thảy là 8 ban nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn lúc bấy giờ.

 

[Hình ảnh] Ban 'Tiếng tơ đồng' của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Thanh Sơn ở bìa bên trái) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Ban 'Tiếng tơ đồng' của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Thanh Sơn ở bìa bên trái) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Ban ‘Tiếng tơ đồng’ của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Thanh Sơn ở bìa bên trái)

 

[Hình ảnh] Đoàn 'Văn nghệ Việt Nam' của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (Thanh Sơn ngồi thứ 3 từ trái qua) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Đoàn 'Văn nghệ Việt Nam' của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (Thanh Sơn ngồi thứ 3 từ trái qua) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Đoàn ‘Văn nghệ Việt Nam’ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (Thanh Sơn ngồi thứ 3 từ trái qua)

 

[Hình ảnh] Ban 'Hồ Gươm' của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Thanh Sơn đứng thứ 3 từ trái qua) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Ban 'Hồ Gươm' của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Thanh Sơn đứng thứ 3 từ trái qua) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Ban ‘Hồ Gươm’ của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Thanh Sơn đứng thứ 3 từ trái qua)

 

[Hình ảnh] Ban 'Vì Dân' của nhạc sĩ Minh Kỳ (Thanh Sơn đứng thứ 3 từ phải qua) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Ban 'Vì Dân' của nhạc sĩ Minh Kỳ (Thanh Sơn đứng thứ 3 từ phải qua) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đờiBan ‘Vì Dân’ của nhạc sĩ Minh Kỳ (Thanh Sơn đứng thứ 3 từ phải qua)

 

Cũng trong thời gian là thành viên của Đoàn Văn nghệ Việt Nam, Thanh Sơn đã may mắn được gần gũi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nên cũng mon men đến với lãnh vực sáng tác.

 

[Hình ảnh] “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản vào năm 1953 | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản vào năm 1953 | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản vào năm 1953

 

Ngoài phần được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chỉ dẫn, ông còn học thêm cuốn “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” của nhạc sĩ này, sách của nhạc sĩ Hùng Lân và một sách của Pháp được dịch ra tiếng Việt. Thêm vào đó ông còn có may mắn được gần gũi với nhiều nhạc sĩ nổi danh như Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, ..

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929-2001) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929-2001) | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929-2001)

 

Thế là Thanh Sơn bước chân vào con đường sáng tác và ông coi nhạc sĩ Hoàng thi Thơ là người thầy của mình trong lãnh vực này với sự nâng đỡ hết lòng của nhạc sĩ họ Hoàng.

 

Sau khi tung ra nhạc phẩm đầu tay “Tình Học Sinh” vào năm 1962 nhưng không mấy ai để ý, Thanh Sơn cho ra đời ngay sau đó nhạc phẩm “Lưu Bút Ngày Xanh” và trở nên nổi tiếng.

Danh ca Phương Dung chia sẻ (trong Người Kể Chuyện Tình – tháng 01/2018): “Nhạc về mùa hè của Thanh Sơn thường nói về nỗi buồn, điều này chinh phục người hát lẫn người nghe. Tôi khi ấy còn trẻ, đón nhận ca khúc của ông đều cảm thấy lâng lâng niềm cảm xúc. Vì khi ấy mình mới giã từ thời áo trắng, khi mà hè sang, phượng nở, bạn bè rồi chẳng gặp nhau, thì âm nhạc của ông nói hộ niềm tâm tư. Đó là những điều được ông viết trong bài ‘Lưu bút ngày xanh’ mà tôi thể hiện”.

 

 

Từ sự thành công đó, ông lên tinh thần để cho ra đời một nhạc phẩm cũng rất nổi tiếng khác. Trong một lần đi Đà Lạt vào năm 1962, khi ngắm gương mặt nhỏ nhắn có nhiều nét như người Nhật của vợ, ông đã viết bài “Mùa hoa anh đào” .. chứ không có sự liên quan nào với nước Nhật như nhiều người thường nghĩ.

Trong một phỏng vấn vào năm 2010, vợ nhạc sĩ Thanh Sơn được hỏi vui rằng: “Ông là nhạc sĩ nổi tiếng, tài hoa như vậy, chắc là có nhiều bóng hồng vây quanh. Có khi nào bà ghen không?”. Bà hồn hậu trả lời: “Thú thật là không, vì tôi hiểu tính chồng tôi. Có gì cũng chỉ là những tình cảm thoáng qua thôi. Như cô thấy đấy, bao nhiêu bóng hồng rồi cũng “rơi”, chỉ còn có “bóng đào” này thôi (cười) ..”

 

 

Sau đó, Thanh Sơn đã rất hăng say trong lãnh vực sáng tác để liên tiếp cho ra đời nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác. Trong số đó có Nỗi Buồn Hoa Phượng, Nhật Ký Đời Tôi, Thương Về Cố Đô, Trả Lại Thời Gian, ..

Tất cả những nhạc phẩm này đã được in thành nhạc rời bởi các nhà xuất bản như: Minh Phát, Diên Hồng, Tinh Hoa Miền Nam, .. Thanh Sơn cho biết thật sự việc trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng là một sự bất ngờ đối với ông vì chưa bao giờ ông nghĩ tới điều này mà chỉ nhắm tới con đường ca hát. Tuy nhiên về sau này khi được hỏi, ông nói “Tui khoái làm nhạc sĩ hơn. Bởi vì mình là nhạc sĩ mình có tâm sự gì thì viết ra thành lời được. Ca sĩ thì chỉ diễn đạt bài của người ta làm sẵn thôi”.

 

Một thời gian sau, ông gia nhập quân đội vào năm 1965 và phục vụ trong binh chủng Quân Vận thuộc Tổng Cục Tiếp vận. Nhưng sau đó ông được biệt phái về Tổng Tham Mưu và vẫn tiếp tục sáng tác. Trong thời gian quân ngũ, ông đã viết được một số ca khúc nổi tiếng, nhất là “Mười Năm Tái Ngộ” rất được mến chuộng qua tiếng hát của Duy Khánh.

 

 

Nhạc sĩ Thanh Sơn từng tâm sự:

_ Chiến tranh là điều phi lý nhất. Từ năm 1973, tôi chuyển sang dòng nhạc quê hương, ca ngợi đất nước với âm điệu dân ca Nam Bộ. Khởi đầu là bài “Hình bóng quê nhà”, đến nay đã có ngót trăm bài về đề tài này.

 

 

Hình như đến tỉnh thành nào ông cũng sáng tác về vùng đất ấy?

_ Ở miền Bắc thì tôi viết “Non nước hữu tình”, miền Tây tôi viết “Hành trình trên đất phù sa”, “Hương tóc mạ non”, “Chuyện tình Bạc Liêu”, “Chiều mưa xứ dừa”, “Áo trắng Gò Công”, “Tình em Tháp Mười”, “Yêu dấu Hà Tiên”, “Áo mới Cà Mau” .. miền Trung thì có các bài: “Thương về cố đô”, “Đôi lời với Huế”, “Tưởng như Huế trong lòng”, Đà Lạt thì có: “Trở lại thành phố sương mù” .. Trừ Tiền Giang chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi chú trọng về ca từ và cố gắng đưa vào bài những âm sắc, phương ngữ đặc trưng của Nam Bộ.

 

 

Riêng về nhạc phẩm “Hương Tóc Mạ Non”, nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết bắt nguồn từ tên vợ ông là Hương. Thoạt đầu nhạc phẩm này mang tựa “Tóc Em Thơm Mùi Mạ Non”, nhưng sau đó ông đổi thành “Hương Tóc Mạ Non” để tặng cho người vợ thân yêu của mình.

 

 

Ông có thể tiết lộ bí quyết viết nhạc của mình?

_ Rành nhạc lý và tâm thành thực, thế thôi! ..

 

Sau 1975, nhạc sĩ Thanh Sơn lâm vào một tình trạng chán chường, tưởng như không còn có thể tiếp tục đi theo con đường sáng tác như ông tâm sự. Chán chường đến nỗi ông đã tự tử 3 lần vì ông chỉ thấy một tương lai mù mịt trước mặt. Ngay cả con cái ông cũng bị ảnh hưởng nặng nề do vấn đề sưu tra lý lịch. Có thời gian ông đã phải lặn lội đi bán chợ trời và đi bán dầu khuynh diệp cùng với nghệ sĩ Hồng Vân để kiếm miếng ăn.

Nhưng rồi dần dần Thanh Sơn đã tìm lại được nguồn cảm hứng khi ông hướng tâm hồn mình về với những vẻ đẹp của quê hương. Đề tài thuộc về thể loại nhạc quê hương của ông sau đó đã vượt trội hơn những đề tài khác là tình yêu đôi lứa và tình học sinh.

 

Người ta yêu quý Thanh Sơn ở tính cách thẳng thắn, phóng khoáng, hiền lành như bản tính của người miền Tây. Theo lời vợ nhạc sĩ, lúc sinh thời, ông sống tốt bụng và phóng khoáng với mọi người. Những ca khúc của ông, nhiều ca sĩ tự ý thu âm, không xin phép, không trả tiền tác quyền. Ông không giận, so đo, chỉ cười: “Họ quý mình mới hát ca khúc của mình. Thôi kệ!”.  Với những ca sĩ trẻ, chưa làm ra tiền, hầu như ông đều để họ hát miễn phí. Bài hát được các tỉnh đặt hàng, ông cũng chỉ cầm tiền tượng trưng rồi tặng lại cho bà con nghèo. Chính vì lẽ đó, dù để lại nhiều tác phẩm đắt giá nhưng cuộc sống của ông và gia đình không hề khấm khá.

Ca sĩ Đông Đào kể: “Qua tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ thì biết gia đình chú khó khăn, đông con. Ngôi nhà nhỏ khoảng 2m8 – 3m, sâu khoảng 10m nhưng sống cả gia đình, cha, con, dâu rể, cháu chắt. Tôi hỏi thăm chú tại sao không cho con cái ra riêng, chú chia sẻ vì vẫn thích gia đình đông đúc. Chú bảo ăn nhiều chứ ở bao nhiêu chẳng được”.

 

[Hình ảnh] Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn

 

Từ năm 2000, nhạc sĩ Thanh Sơn làm phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Năm 2009, ông có bay sang Hoa Kỳ để thực hiện cuộc phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night. Năm 2011, ông bị tai biến mạch máu não khi đang tham gia cùng trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night 103 – “Tình sử trong âm nhạc Việt Nam”.

Sau một thời gian điều trị, ông qua đời vào ngày 04 tháng 04 năm 2012 tại Sài Gòn, để lại sự tiếc thương cho hàng triệu trái tim người yêu nhạc. Là tác giả của 187 bài hát ở nhiều chủ đề, mỗi bài hát đều mang phong vị riêng, sự ra đi của ông là một mất mát rất lớn cho nền âm nhạc nước nhà.

 

Trước khi biết mình sắp mất, ông có dặn lại là không nên làm đám tang cho ông rườm rà, đừng kèn trống ồn ào làm gì, ảnh hưởng bà con lối xóm. Ý nguyện của ông là hoả táng xác, mang tro cốt đi bỏ ngoài sông lớn, nhưng bị anh Lê Duy Lâm, người con trai thứ 5 của ông phản ứng: “Ba là người của công chúng, phải xây mộ để anh em, bạn bè, người yêu nhạc của ba đến thăm viếng nữa. Chưa nói đến việc con cháu có chỗ đến ngày thanh minh, quây quần bên mộ ba, làm tăng thêm tình gia đình. Chứ thiêu xác ba, mang tro ra sông thả, có khó gì ..” Ông đã ngậm ngùi làm thinh. Vùng vằng mãi, ông mới chịu cho con trai lên Bình Dương tìm mua đất, chuẩn bị phần mộ cho mình.

Vợ ông nói ông ra đi nhẹ nhàng lắm. Ông sinh tuổi rồng (1940 – Canh Thìn), mất cũng tuổi rồng (2012 – Nhâm Thìn). Trong ký ức của bà, ông là một người hiền lành, từ tốn, không rượu, không thuốc lá .. Ngày còn trẻ, thỉnh thoảng ông có đánh bài với bạn bè, nhưng không sa đà. Bà quen ông từ lúc ông còn ôm mộng làm một ca sĩ nổi tiếng, vào khoảng năm 1957. Đến năm 1959 thì cưới. Ông và bà có cả thảy 7 người con, vừa trai, vừa gái, đều được nuôi lớn bằng những đồng tiền thu được từ các ca khúc của ông. Bà chỉ biết làm công việc nội trợ, để ông ôm đàn, tìm từng ca từ, nốt nhạc, và cho ra đời hàng loạt ca khúc nổi tiếng.

Bà Hương nhẹ nhàng bộc bạch: “Khoảng 1 năm cuối đời, ông không sáng tác nữa vì bị tai biến, liệt nửa người phải nằm một chỗ, nhưng đầu óc sáng suốt. Những ngày này, dù là một nhạc sĩ đã sáng tác ra rất nhiều bài nhạc nổi tiếng, nhưng ông lại sợ nghe nhạc, xem tivi. Mỗi lần nghe thấy tiếng nhạc là la hét, sợ hãi.

Những ngày cuối cùng, ông thích yên tĩnh. Tôi nhớ lần thằng Nhật Cường (diễn viên hài Nhật Cường) vào thăm, hỏi thăm nhiều quá, ông bực mình, đuổi nó về. Thằng này biết tính ông nên cười hà hà rồi về, không hờn giận gì hết. Lần Đàm Vĩnh Hưng đến thăm, ông nhắc hoài, khen thằng này sống tình nghĩa ..”

 

[Hình ảnh] Bà Hương nâng niu lẵng hoa phượng đặt bên cạnh quan tài của nhạc sĩ Thanh Sơn | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Bà Hương nâng niu lẵng hoa phượng đặt bên cạnh quan tài của nhạc sĩ Thanh Sơn | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Bà Hương nâng niu lẵng hoa phượng đặt bên cạnh quan tài của nhạc sĩ Thanh Sơn

 

Bất cứ ai đến đám tang của nhạc sĩ Thanh Sơn đều xúc động khi nhìn thấy một lẵng hoa phượng đỏ thắm đặt ở đầu quan tài. Bà Hương cho biết chính con dâu của bà đã đến trường PTTH Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh, TPHCM, cầm theo tờ báo Người Lao Động đăng tải bài viết về sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Sơn, để xin ban giám hiệu cho phép được hái một vài nhánh hoa phượng trong sân trường. Được sự đồng ý của nhà trường, 5 anh bảo vệ đã leo lên cây phượng và hái tặng gia đình.

 

[Hình ảnh] Phần mộ của nhạc sĩ Thanh Sơn tại Hoa viên Nghĩa Trang Bình Dương | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Phần mộ của nhạc sĩ Thanh Sơn tại Hoa viên Nghĩa Trang Bình Dương | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời
Phần mộ của nhạc sĩ Thanh Sơn tại Hoa viên Nghĩa Trang Bình Dương

 

Nhạc của Thanh Sơn hồn hậu và giản dị như sông nước, con người miền Tây mà ông là một phần trong đó. Đã có người ví, nhạc ông như chiếc xuồng quê đưa biết bao tâm hồn trở về với ký ức tuổi học trò, dòng sông, hàng dừa rủ bóng, cánh đồng đầy cò trắng, ngạt ngào hương mạ xanh rờn thắm đượm tình quê .. Phải chăng chính sự giản dị mà nồng đượm ấy đã xoáy vào lòng người nghe và tạo nên sức sống bền bỉ cho âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này ..

 

 

 

Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn & Lê Dinh)

Lý giải vì sao viết nhiều về tuổi học trò, nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ: Ngày mới bắt đầu con đường sáng tác, ông rất hoang mang không biết nên viết về chủ đề gì. Rồi ông chợt nhớ về tuổi học trò, quãng thời gian mộng mơ, đầy kỷ niệm và luôn đau đáu bởi vì “Tôi học hành không tới nơi tới chốn nên không thôi hoài niệm, nuối tiếc về nó” ..

 

 

Về hoàn cảnh ra đời của bài hát “Nỗi buồn hoa phượng”, ông kể: Năm 13 tuổi (1953), học trường Hoàng Diệu – Sóc Trăng, tôi chung lớp và quen với một cô gái khá dễ thương, có cái tên cũng khá lạ: Nguyễn Thị Hoa Phượng, con của một gia đình công chức từ Sài Gòn biệt phái về làm việc tại Sóc Trăng. Ông hồi tưởng: “Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết, bỗng hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp tôi để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em ..”. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau.

Bẵng đi thời gian khá lâu, khi đã nổi tiếng ở Sài Gòn với nghệ danh nhạc sĩ Thanh Sơn, một ngày hè năm 1963, bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm khi ngang qua một sân trường, tôi bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay .. Và, vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, tôi đã viết: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương .. Lúc đầu để tựa là ‘Nỗi Buồn Của Hoa Phượng’ nhưng nhận thấy chữ ‘của’ hơi nặng nên tôi bỏ đi ..”

 

Một đời ông đam mê âm nhạc và sáng tác nhiều bài hát, được đông đảo công chúng mến mộ, song mai này chỉ mong người đời khi nhớ đến Thanh Sơn thì hãy nhớ về “Nỗi buồn hoa phượng”, ông tâm sự như thế.

 

 

 

Nhật ký đời tôi

Hẳn là ông có nhiều mối tình?

– (Cười) Khó tránh ải mỹ nhân lắm. Nhưng tôi không bị đắm. Cũng xin tiết lộ là ca khúc “Nhật ký đời tôi” viết năm 1965 với những ca từ: Ngược thời gian trở về quá khứ, phút giây chạnh lòng/ Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không .. là đánh dấu cuộc tình của tôi với một nữ danh ca. Vợ tôi cũng biết điều này nhưng không lấy đó làm điều ..

 

 

 

Hoa tím người xưa & Trả lại thời gian (2 người lính tâm sự)

Nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự: “Bài hát ‘Hoa tím người xưa’ này là một chuyện tình có thật, một kỷ niệm của đời tôi. Lúc đó, vào năm 1965, tình yêu của tôi rất là tràn trề, tuổi đời của tôi lúc đó khoảng ngoài 20. Tôi có quen với một người con gái, và chúng tôi hẹn hò lên Đà Lạt. Vào một vườn hoa tím rất đẹp, chúng tôi tâm sự .. rồi sau đó .. là chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn, và thốt lên một câu: Người xưa hỡi, thấu cho nỗi lòng hoa tím còn .. người đâu ..”

 

 

“Trả lại thời gian” cũng là một nhạc phẩm đánh dấu chuyện tình này ..

 

 

 

Hận Tha La (ký danh: Sơn Thảo)

Mời bạn xem bài chi tiết: Tha La xóm đạo

 

 

 

Đọc tin trên báo

Trên tờ nhạc gốc có ghi:

Tưởng niệm Thiếu úy “NGUYỄN BÁ CHÍNH” tự DZŨNG CHINH
đã yên giấc trên: “NHỮNG ĐỒI HOA SIM” 1 ngày 01-3-1969

 

[Hình ảnh] Sheet Đọc Tin Trên Báo | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời[Hình ảnh] Sheet Đọc Tin Trên Báo | Thanh Sơn & Những sáng tác để đời

 

 

 

Đoản Xuân ca

“Đoản Xuân ca” được viết với tinh thần ca ngợi quê hương đất nước và mong chờ một cuộc sống mới hạnh phúc ấm no của dân tộc. Điều đặc biệt ở nhạc sĩ Thanh Sơn là các sáng tác của ông đa số đều ra đời vào .. mùa xuân. Với ông, đây là mùa khiến cho ông có nhiều cảm xúc nhất để sáng tác nhạc.

“Tôi luôn mong muốn ngày Tết là ngày cả gia đình đoàn tụ, đó là những khoảng thời gian rất thiêng liêng, quý giá mà những thành viên trong gia đình nên dành trọn vẹn cho nhau” – nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ với báo Công an Nhân dân ..

 

 

 

Hành trình trên đất phù sa

Nhạc sĩ Thanh Sơn sinh ra và lớn lên ở miền Tây, lấy vợ người miền Trung, nên ông thường kể với người bạn đời về sự giàu đẹp, màu mỡ ở quê mình và hứa với bà ngày hòa bình sẽ đưa bà đi khắp vùng châu thổ.

Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ông mới thực hiện được lời hứa với vợ đồng thời khẳng định “mỗi chuyến đi qua mỗi vùng đất sẽ sáng tác một bài hát để kỷ niệm”. Cứ thế, Hành trình trên đất phù sa và nhiều bài hát về miền Tây theo bước chân đôi vợ chồng tiếp nối ra đời như: Áo mới Cà Mau, Công tử Bạc Liêu, Tình em Tháp Mười, Socsơbai Sóc Trăng, Nhớ Cần Thơ, Xứ lụa Tân Châu, Về Châu Đốc, Yêu dấu Hà Tiên, Hát về Vĩnh Long, Áo trắng Gò Công, Chiều mưa xứ dừa ..

 

Có lẽ, ông cũng đang giữ kỷ lục tác giả có nhiều bài hát sáng tác riêng về các địa danh nhất. “Lập kỷ lục” như thế có phải vì được trả tiền sáng tác đặt hàng?

Nhạc sĩ Thanh Sơn lắc đầu: “Mấy khi tôi nhận được tiền từ các tỉnh, mà có thì số tiền cũng chẳng là bao. Mình cầm chỉ là tượng trưng cho vui để thấy cái tình, sau đó tặng số tiền này lại cho người nghèo trong tỉnh. Cái chính là tôi rất tự hào và yêu mến vùng quê hiền hòa, trù phú nơi mình sinh ra, lớn lên. Tôi muốn khoe với mọi người quê hương của tôi đẹp đẽ như thế, con người quê tôi chất phác, đôn hậu như thế; trước nhất là khoe với .. vợ tôi.

Tôi nghiên cứu kho tàng nhạc dân tộc mênh mông của nước mình, đặc biệt say mê vọng cổ, nhạc tài tử cải lương. Khi sáng tác tôi vay mượn, phát triển từ gốc âm nhạc Việt giàu có như bản ‘Mẫu tầm tử’, ‘Trăng thu dạ khúc’, điệu hò – lý dân ca .. chứ không để nhạc mình lai tạp. Những gì tôi viết là đời sống thật bởi tuổi thơ của tôi từng cấy lúa, tắm sông, hái dừa, chèo thuyền. Tôi lại đi nhiều để thấy, để hiểu, để cảm được nhiều chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng ra nên bài hát không giả tạo, từ đó không dễ quên với nhiều người nghe ..”

 

 

 

Sóc sờ bai Sóc Trăng

Một ca khúc ngọt ngào về quê hương Sóc Trăng của ông, sau đây là một vài diễn giải về từ ngữ:

Xốc-xop bai, Cô-rúp xua, Xua x’đây, Chum-riêp xua: tiếng dùng để chào có nhiều như trên, nhưng thông thường lúc gặp nhau thì dùng tiếng Xốc-xop-bai có nghĩa là bình an, vui vẻ .. Khi chào những người già hay ở nơi đông người như hội nghị, mít tinh thì dùng tiếng Cô-rúp xua hay Chum-riêp xua. Lúc chào cũng chấp hai tay đưa lên ngực ..

– Trường Khánh, Đại Tâm là 2 địa danh của Sóc Trăng
– Hát dù kê và múa lâm thôn là lối sinh hoạt văn hóa của người Khme
– Tùa chế tùa hia úa tá lư thìa (tiếng Tiều): anh hai, chị hai tui nói anh chị nghe
– Tâu na: đi đâu?
– Boong: anh, chị (gọi người khác cứ gọi Boong như từ you trong tiếng Anh)
– Boong tâu na boong ơi: đi đâu anh/chị ơi?

 

 

 

Chiều mưa xứ dừa

“Chiều mưa xứ dừa” viết về Bến Tre trong lúc ông đang nằm trên giường bệnh vào năm 2005 ..

 

 

 

Áo mới Cà Mau

NSƯT Vũ Linh có lần hỏi ông: “Sao trong bài ‘Áo mới Cà Mau’ có câu: Mai mốt Cà Mau em tới, tuy út mà sửa soạn đẹp hơn / Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em liền”. Ông cười nhân hậu: “Cà Mau là vùng đất cuối trời, chú ví như một cô con gái út lớn muộn nhưng sẽ được sửa soạn đẹp hơn những anh trai, chị cả đã phát triển thành đô thị. Cái mộc mạc, chân quê của vùng đất ấy, mãi mãi lưu giữ hình ảnh của dòng sông, con đò và con người hiếu khách, nhân nghĩa ..”

 

 

Nguồn tư liệu:
+ https://vi.wikipedia.org/ (Thanh Sơn – Wikipedia)
+ http://vnca.cand.com.vn/ (Nhạc sĩ Thanh Sơn: Không chỉ là “lưu bút ngày xanh”)
+ http://cothommagazine.com/ (Nỗi buồn hoa phượng và nhạc sĩ Thanh Sơn)
+ http://thangsondoan.com/ (Trả lại thời gian – Lời cuối cho cuộc tình dở dang ký thác vào dĩ vãng)
+ https://baomoi.com/ (Chuyện của ‘ông chủ’ ca khúc ‘Nỗi buồn hoa phượng’ …)
+ https://baomoi.com/ (Chuyện ít biết về những ca khúc nghe là thấy hương vị Tết)
+ http://vietbao.vn/ (Nhạc sĩ của miền Tây)
+ https://www.facebook.com/ (Học Tiếng Khmer – Fanpage)
+ https://www.facebook.com/ (An Nguyễn – Facebooker)
+ http://www.dactrung.com/ (THANH SƠN: một lòng gắn bó với quê hương)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Giáo dục Việt Nam Cộng hòa – Wikipedia)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Hoàng Thi Thơ – Wikipedia)
+ http://xahoi.com.vn/ (Cố nhạc sĩ Thanh Sơn: Dấu son bolero trong nền âm nhạc Việt)
+ https://nld.com.vn/ (Đông đảo nghệ sĩ tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Sơn)
+ http://www.jetstudio.com.vn/ (Người Kể Chuyện Tình tri ân những sáng tác của cố nhạc sĩ Thanh Sơn)
+ https://eva.vn/ (Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ “Nỗi buồn hoa phuợng” qua lời kể hậu bối)
+ https://www.sbtn.tv/ (Nhạc sĩ Thanh Sơn)
+ http://giaoduc.net.vn/ (Vợ nhạc sĩ Thanh Sơn: ‘Trước khi mất, ông ấy kêu đau…’)
+ http://hoavienbinhduong.vn/ (Mộ nhạc sỹ Thanh Sơn)
+ https://maivang.nld.com.vn/ (Sao Việt tiếc thương nhạc sĩ Thanh Sơn)

Rate this post