Thanh Hương – từ Á hậu đến diễn viên chuyên nghiệp

TP – Khoảng chục ngày nữa, khán giả thủ đô sẽ có dịp thưởng thức vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Một trong những vai diễn khiến khán giả tò mò và háo hức đón đợi là vai Hoạn Thư.

Người được đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” để hóa thân thành nhân vật ghen tuông nhất lịch sử văn học Việt Nam chính là Thanh Hương, gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch và phim truyền hình. Cô từng “rinh” Cánh Diều Vàng 2017 dành cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, với vai Phan Hương, phim “Người phán xử”.

Đồng nghiệp và nhiều khán giả gọi cô là “Hương voi”. Cô kể: “NSND Công Lý đặt cho tôi biệt danh này từ khi tôi chân ướt chân ráo về Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh bảo: Sao con bé này cứ to to mà lại thật thà như chú voi dễ thương. Hay anh đặt tên em là “voi”?”. Nữ diễn viên sinh năm 1988 vui vẻ đồng ý. Biệt danh theo cô từ đó.

Thanh Hương - từ Á hậu đến diễn viên chuyên nghiệp ảnh 1

So với diễn viên nữ ở Việt Nam, Hương voi sở hữu chiều cao đáng mơ ước: 1,7m. Ở tuổi 17, Thanh Hương từng thử sức trên đấu trường sắc đẹp: “Năm 2006, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nghe tin ở quê nhà có cuộc thi Hoa khôi Hải Dương, liền ghi tên tham dự, mong có dấu ấn trong thời thanh xuân”. Không ngờ, Thanh Hương được xướng tên ở ngôi vị Á hậu 1 của cuộc thi. Người đăng quang năm đó chính là Hương Giang, từng được bầu chọn là “Hoa hậu đẹp nhất châu Á 2009”. Không giống nhiều người đẹp có danh hiệu, sau cuộc thi Thanh Hương chẳng màng Nam tiến để tìm kiếm cơ hội trong làng giải trí, cô tiếp tục việc học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội: “Tôi chỉ nghĩ danh hiệu trong cuộc thi nhan sắc là một kỷ niệm. Đích đến cuối cùng của tôi vẫn là làm nghệ thuật. Ngay từ năm thứ nhất, tôi đã nhận được lời mời đóng phim”.

Thanh Hương - từ Á hậu đến diễn viên chuyên nghiệp ảnh 2

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Thanh Hương đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội, cô tiếp tục học lên đại học. Danh hiệu từ cuộc thi nhan sắc bị Hương giấu nhẹm, cô giới thiệu bản thân bằng một câu ngắn gọn: “Tôi là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội”. Sau này khi tên tuổi Thanh Hương tỏa sáng, nhiều người cất công tìm hiểu về cô. Họ phát hiện danh hiệu Á hậu 1, cuộc thi Hoa khôi Hải Dương 2006 của cô và đặt cho cô câu hỏi: Hương voi là diễn viên tay ngang xuất phát từ “sân chơi” của người đẹp, người mẫu? Đương nhiên, những câu hỏi kiểu này khiến cô không vui. Hương voi tự hào là diễn viên chuyên nghiệp.

Thanh Hương - từ Á hậu đến diễn viên chuyên nghiệp ảnh 3

Ô sin cũng trải, ca ve cũng từng

Hơn 10 năm tuổi nghề, Thanh Hương đã trải qua không ít cuộc đời trên sân khấu kịch: “Vai đầu tiên của tôi trên sân khấu kịch chính là vai ô sin trong vở “Nghề nuôi vẹt”, gần như vai nữ chính. Khi đó tôi mới về nhà hát được vài tháng, vì vai diễn rất phù hợp với ngoại hình của tôi nên đạo diễn cùng ban lãnh đạo đã cân nhắc cho tôi thử sức mình”. Nhưng Hương voi nhắc lại câu muôn năm cũ: Không có con đường nào trải hoa hồng. Cô không ngại thú nhận, bản thân từng vào vai quần chúng, đi ra đi vào cầm cờ với cầm biển mà không được thoại câu nào.

Nhắc đến những vai diễn nơi “thánh đường” của Hương voi không thể không kể vai Đát Kỷ, được xây dựng từ huyền sử Trung Hoa, từng giúp cô giành Huy chương Vàng Tài Năng Trẻ Sân Khấu Kịch Nói Toàn Quốc. Cô nói: “Vai Đát Kỷ thử thách diễn viên ở đoạn hóa cáo. Tôi có lợi thế về hình thể, lại từng là vận động viên nên việc hóa thân thành con thú không quá khó”. Người ta biết Thanh Hương từng kinh qua một vài cuộc thi nhan sắc và giành vị trí cao (cô từng thi Sinh viên thanh lịch toàn thành phố Hà Nội, lọt top 5, khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Nhưng ít người biết Hương voi từng là vận động viên chuyên nghiệp: “Trước khi thi hoa khôi tôi học ở Trường Nghiệp vụ Thể dục Thể thao tỉnh Hải Dương. Tôi theo Pencak Silat và Taekwondo, từng đi thi toàn quốc, từng có “lương” từ hồi học lớp 6, lớp 7”. Lý do cô không theo thể thao cũng thường tình: “Theo nghiệp thể thao vất vả. Ngày xưa tôi thấy khắc nghiệt, gian nan lắm, mà tôi lại là phụ nữ. Sau đó tôi khám phá bản thân có năng khiếu về nghệ thuật nên thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, từ đó chia tay thể thao”. Nhưng khi đã thành diễn viên chuyên nghiệp cô mới thấu: Làm nghệ thuật cũng gian nan, khắc nghiệt chẳng kém gì nghiệp thể thao!

Về vai diễn Hoạn Thư trong vở “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường”, Hương voi cho rằng, đó cũng là một thách thức với cô. Bởi, vai ô sin cô cũng từng nhận, vai gái điếm cô cũng đã trải qua nhưng vào vai một người đàn bà dòng dõi quý tộc, khôn ngoan, sắc sảo, ghen tuông khủng khiếp như Hoạn Thư thì lần đầu cô thử sức. Thanh Hương không dám cho điểm vai diễn của mình, cô chờ những phản hồi từ khán giả. Nhưng nữ diễn viên tự tin: Cô đã tạo ra một Hoạn Thư rất riêng, Hoạn Thư của riêng cô. “Nhiều nghệ sỹ đã nhập vai Hoạn Thư. Tôi đã nghe các anh chị, thầy cô kể chuyện. Nhưng tôi quyết định không xem, sợ bị tác động, ảnh hưởng. Tôi muốn nhập vai bằng cảm nhận của chính mình, để làm ra một phiên bản của riêng mình. Vì vai Hoạn Thư của tôi chỉ có 2 lớp diễn, nên tôi nghiên cứu kỹ, đầu tư vào chi tiết diễn”. Hoạn Thư của Hương voi không làm khán giả ghét mà còn khiến “thượng đế” thương cảm. Nữ diễn viên bình luận về vai diễn của mình: “Hoạn Thư không sai khi đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc. Chỉ phương pháp đấu tranh mới đưa nhân vật này thành điển hình của phụ nữ ghen tuông trong văn chương Việt”.

Đi quay thế này thì… chết!

Ở mảng phim truyền hình, vai diễn đưa Thanh Hương trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả chính là vai Phan Hương trong phim “Người phán xử”. Đồng thời đây cũng là vai diễn giúp cô “rinh” Cánh diều Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất: “Nhưng vai diễn khiến tôi cực nhất lại là vai Lan, trong phim “Quỳnh Búp bê”. Hương tiết lộ, đạo diễn của “Quỳnh Búp bê”, NSƯT Mai Hồng Phong rất “kỹ và khó tính” khi làm phim: “Anh ấy không cho đóng thế, trừ vai quá nguy hiểm. Còn chỉ cỡ đánh đập, túm tóc thì diễn viên phải đảm đương”. Vào vai Lan cave, Thanh Hương phải diễn cảnh bị tra tấn: “Khi điều tra Lan cave, người ta dùng bạo lực tra tấn. Bạn diễn ngày đó mới đóng phim, diễn rất thật, không có sự kiềm chế, bàn tay to của anh tát liền 5 cái trời giáng vào mặt tôi làm tôi chảy cả máu mồm, đỏ cả mặt, môi sưng tều. Khi diễn cảnh bị đánh xong tôi phải vào chườm đá từ sáng đến chiều mới quay tiếp được. Bố mẹ tôi xót xa khi nhìn thấy tôi. Ông bà than: Đi quay thế này thì chết. Đóng hai phim thế này thì thân tàn ma dại. Xong vai Lan cave trong “Quỳnh Búp bê” tôi giảm 8 kg”. Chưa kể, với vai Lan cave, Thanh Hương còn phải diễn trong “nhà thương điên”: “Tôi quay ngay cạnh những người mắc bệnh tâm thần. Chưa bao giờ vào bệnh viện tâm thần nên tôi sợ. Diễn bên cạnh 3-4 bệnh nhân cứ nhảy múa tưng bừng cũng khá khó tập trung”. Bù lại, Thanh Hương có thêm một vai diễn được lòng khán giả. Không ít “thượng đế” còn nhớ đến Thanh Hương trong vai Lan cave, phim “Quỳnh Búp bê” hơn vai Phan Hương trong phim “Người phán xử”.

Nhìn lại hành trình đã qua, Hương voi nhận mình may mắn: “Tôi chưa phải người xuất sắc nhất mà vẫn được trao rất nhiều cơ hội”. Vì thế cô sẽ dành cả cuộc đời cho đam mê diễn xuất: “Tôi đã nói không bao giờ kinh doanh cái gì, để toàn tâm toàn ý với nghệ thuật”. Đừng khen Hương voi yêu nghề, cô ấy sẽ nói: Ở nhà hát của cô không ai không yêu nghề. Người thầy đã khuất của cô, NSND Hoàng Dũng, hay Giám đốc Nhà hát, NSND Trung Hiếu hoặc NSND Thu Hà… đều là những tấm gương trong lao động nghệ thuật. Thế hệ trẻ sống trong nhà hát cũng được “lây” tình yêu và đam mê từ thế hệ đi trước.

Không cà phê, không lê la ngoài đường

Hương voi đã là mẹ của hai cô “công chúa”. Về người chồng không cùng nghề, Thanh Hương tâm sự: “Lấy vợ là nghệ sỹ thì chồng chịu thiệt thòi. Trời đã cho tôi quá nhiều thứ, lại còn cho tôi một “bờ vai nương tựa” tin yêu. Vì yêu nên anh ấy để tôi được sống với đam mê của mình. Bù lại, tôi cũng vì chồng con. Sau sân khấu, máy quay, thì tôi dành tất cả cho gia đình. Hiếm khi thấy Thanh Hương cà phê hay lê la ngoài đường. Tôi chỉ loanh quanh ở nhà, có đi chơi cũng đi cùng với chồng con. Cuộc sống của vợ chồng tôi cũng không tránh được lúc “cơm không lành canh không ngọt” nhưng sau sóng gió chúng tôi hiểu ra, vợ chồng ngoài tình yêu còn có tình thương nữa”.

Hỏi Hương voi có sống được với nghề hay không? Cô đáp: “Sống được với nghề ở nhà hát là chuyện khó, nhất là khi không có nhiều buổi diễn, sân khấu không sáng đèn…”. Chỉ có lửa nghề mới giúp nghệ sỹ vượt qua khó khăn thường nhật: “Chúng tôi chạy ngược chạy xuôi, vừa diễn ở sân khấu, vừa tham gia vào những buổi biểu diễn ở ngoài, nhận event, quảng cáo… Tôi may mắn nếu tính tất cả thu nhập thì cũng sống ổn. Nhưng ở nhà hát vẫn có những diễn viên sáng đi diễn, tối về chạy Grab”, giọng Hương nghẹn ngào.

Nông Hồng Diệu

Rate this post