Thái độ ngạo mạn của nhà thơ Đỗ Trung Quân đối với Tác giả “Quê hương là chùm khế ngọt”. – Tượng Vàng * Sài-Gòn HD Radio
QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT.
* Phong Thu.
Năm 2002 tôi đã ra mắt tập truyện ngắn “Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ”**. Trong tập truyện nầy tôi có viết truyện ngắn “Tình Yêu Mong Manh” để nói về người nhạc sĩ bạc mệnh, Giáp Văn Thạch và mối tình kỳ lạ của anh. Anh đã chọn bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân để phổ nhạc thành bài hát “Quê Hương”. Bài hát nầy đã gây một tiếng vang lớn trong nước và hải ngoại.
Đâu là sự thật lịch sử đã tạo nên giá trị của bài hát Quê Hương?
Bài hát Quê Hương ra đời trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Những người cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc áp đặt chủ nghiã xã hội trên mảnh đất Miền Nam Việt Nam. Suốt từ năm 1975 cho đến cuối thập niên 1990, hàng vạn người Miền Nam Việt Nam và ngay cả người Miền Bắc XHNC cũng lần lượt rời bỏ thiên đường cộng sản để ra đi tìm đất sống. Kẻ đi vượt biên, người đi Hợp Tác Lao Động Nước Ngoài và không bao giờ còn muốn trở lại Việt Nam. Tại sao? Câu hỏi nầy hãy để cho những ai còn có lương tri trả lời một cách trung thực và đầy đủ. Để bào chửa cho những hành vi tồi tệ, thất nhân tâm, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã đỗ hết tội lỗi lên đầu những người trốn chạy khỏi tổ quốc. Chính quyền Hà Nội đã lên án gắt gao những người bỏ nước ra đi dù là hợp pháp (có đóng một số vàng lớn cho nhà nước để mua bãi, mua ghe) hay không hợp pháp. Báo chí, truyền thông trong nước cũng cổ võ, khuya chiêng, muá trống kết tội họ là thành phần phản động, phản bội tổ quốc XHCN và tạo cho công chúng có ác cảm với những người Việt rời bỏ quê hương.
Trong trại sáng tác văn học nghệ thuật vào muà hè năm 1986, tại bờ Hồ Sóc Xiêm, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã hát bài Quê Hương và Cánh Hoa Dầu (nói về Lâm Trường Tân Uyên của chiến khu D). Hai bài hát nầy tôi rất thích và vẫn còn thuộc lòng.
Ngày đó, những thơ ca, truyện ngắn, văn học báo chí luôn mang nặng tính tuyên truyền CNXH. Những người tự xưng mình là kẻ mở rộng cửa thiên đường hạnh phúc cho kẻ khác đã cùng nhau ra sức chặt phá rừng và gom góp tài nguyên quốc gia để bán kiếm tiền, cất nhà lầu, ăn ngon mặc đẹp. Những cánh rừng nhiều gỗ qúy đã có một thời được ca ngợi là “Rừng che bộ độị, rừng vây quân thù” nay đã bị con người phản bộI trắng trợn. Những cánh rừng già có từ hàng trăm năm đã cạn kiệt. Rừng đã bị tàn phá gấp ba lần thời kỳ chiến tranh. Những người nghệ sĩ như chúng tôi thấy những ngọn đồi trọc, những cánh rừng hoang phế thì chợt nhớ thương những cánh rừng xưa. Lâm trường Tân Uyên, Biên Hoà cây tràm được trồng để bán gỗ cho nước ngoài làm kinh tế. Tràm vừa mọc cao hơn mái nhà. Có nơi tràm đã ra hoa. Nhìn hoa tràm vành óng bay phảng phất trong gió, phơi mình trong nắng nơi miền hoang dã, khiến lòng ai không xao xuyến, bồi hồi. Chúng tôi chỉ còn nhìn thấy một số cây dầu mọc thưa thớt bao quanh. Gió cuốn quit, thổi vi vút, hoa dầu bay xoay tròn trên không trung và rơi đầy mặt đất. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã sáng tác bài hát ‘Cánh Hoa Dầu”.
Cánh Hoa Dầu
Cánh hoa dầu xoay tít bay bay,
Nhớ ngày xưa quen nhau từng ngày
Có những chiều gọi gió bay lên
Hoa dầu bay cánh nẩy lá đâm chồi
Hỡi người yêu dấu bên tôi
Cho tình yêu cho lòng rạt rào
Bên rừng xa mùa xuân thật gần
Những lâm trường, những dấu chân qua
Ta hát bài tình ca về rừng,
Đẹp những ước mơ
Ơi! Từ mong ước xa xôi
Biết bao kỷ niệm gợi nhớ chút hương rừng
Rừng từ tay người hôm nay chợt đến
Để ngày mai nầy mang bao hạnh phúc
Mang hương rừng từ những cánh hoa bay.
Tác Giả Phong-Thu cùng 3 văn nghệ sĩ tên tuổi trong Chương trình Hội Ngộ các Phụ Nữ Tài Hoa Việt Nam tại Thủ Đô Tị Nạn Little Saigon (Nam California) ngày 7 tháng 10 năm 2006. Hình từ trái qua phải: Thi sĩ Quốc Nam, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, thi nhạc sĩ Miên Du Dalat & văn sĩ Phong Thu. Photo by vietnamlibrary.net
Khi trở về từ trại sáng tác, tôi đã hát bài Quê Hương trong một cuộc tập huấn Anh Ngữ tại trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, Búng, Bình Dương. Người đánh đàn cho tôi là ca sĩ Thăng Long, cha ruột của ca sĩ Đoan Tâm hiện cư ngụ tại Canada. Một hôm, tôi gặp nhạc sĩ Giáp Văn Thạch tại nhà một người bạn, anh hỏi tôi: “Nghe anh Thăng Long nói là PT đã hát bài Quê Hương trong cuộc tập huấn Anh Ngữ. Bộ PT thích bài Quê Hương lắm sao?”. Tôi gật đầu: “Bài hát nầy có cái gì đó làm rung động người nghe. Trong các ca khúc anh viết, có lẽ bài nầy và bài Cánh Hoa Dầu là tôi thích nhất. Anh nên gởi bài nầy để dự thi”. Anh Giáp Văn Thạch đã tâm sự rằng một hôm, anh đã cùng cô bạn của tôi (người yêu anh) leo lên xe đò (mà tôi hay gọi đùa là xe chở bò nhưng tiền xe bus thời đó rất mắc và khó chen chân, nhạc sĩ nghèo cùng cô bạn của tôi phải đứng ròng rã trên một chiếc xe nóng như lò bánh mì và chen chúc như cá mòi) để tìm NHÀ THƠ LỚN-ĐỖ TRUNG QUÂN tại một quán cóc bên ngoài công ty nơi Đỗ Trung Quân làm việc. Giáp Văn Thạch lấy cây đàn anh đeo trên lưng xuống và hát tặng Đỗ Trung Quân bài hát Quê Hương. Nhà thơ LỚN không hề nói một lời nào và lặng lẽ bỏ đi. Thái độ khinh thị và xem thường đã khiến cho nhạc sĩ Giáp Văn Thạch rất buồn. Anh nói với cô bạn tôi có thể là mình đã làm “THỐI THƠ CỦA ÔNG ẤY”. Một nhạc sĩ không tên tuổI mà dám phổ thơ của một nhà thơ nổi tiếng. Thật cả gan. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã không ngờ người và thơ là hai thế giới khác nhau.
Tôi không biết mặt nhà thơ lớn Đỗ Trung Quân, nhưng tôi có đọc một vài bài thơ của ông đăng trên một vài tờ báo ở Sài Gòn. Có chi là ghê gớm nếu đem so sánh thơ ông và thơ của Trần Mạnh Hảo? Báo chí và thế giới văn học XHCN ở Sài Gòn, Hà Nội phần lớn là đăng tải những văn nghệ sĩ miền Bắc XHCN và những người có công với cách mạng. Ông Đỗ Trung Quân là một thanh niên xung phong cũng như nhà văn Nguyễn Đông Thức (Ngọc Trong Đá) và một số người khác đã thấm nhuần CNXH. Nhưng báo chí đâu phải ai muốn đăng gì thì đăng. Dù sao cũng có tiền nhuận bút nên những người có thần thế đã thay phiên nhau chiếm hết chỗ rồi. Tôi là một người thích ngồi nhìn thế sự và hiểu rằng muốn có tiếng tăm như nhà thơ NTNL thì phải trả giá?!?! Có lẽ giới văn nghệ sĩ Việt Nam biết rõ những câu chuyện bên lề nầy hơn tôi?
Không ngờ sau đó, bài hát Quê Hương được chấm giải 3 toàn quốc và được phát sóng trên tất cả các đài truyền thanh thì cũng là lúc người nhạc sĩ bạc mệnh đã ra đi vĩnh viễn. Chỉ cần trúng một giải thưởng thì tên tuổi sẽ được nổi lên như diều gặp gió. Người ta bắt đầu chắc lưỡi tiếc thương người nhạc sĩ tài ba bạc số. Tên tuổi Đỗ Trung Quân nương theo bài hát bay lên, bay cao… Lúc đó, nhà thơ LỚN mới chịu khó viết một bài Điếu Văn tạ lỗi với nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Nhà thơ LỚN hối hận vì đã không nhận ra tài năng của nhạc sĩ ngay từ ngày đầu tiên hội ngộ hay hối hận vì hành vi của mình tôi cũng không được rõ. Nhưng nếu không có cái giải 3 toàn quốc thì bài Điếu Văn khóc nhạc sĩ Giáp Văn Thạch có được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ không? Ai mà biết được? Câu chuyện nầy vẫn còn một nhân chứng, người đó là chị H, người yêu của anh Giáp Văn Thạch hiện đang cư ngụ tại Phú Văn, Búng, Bình Dương. Và nếu ông Đỗ Trung Quân muốn tìm người nầy thì nên hỏi nhà thơ Từ Nguyên Thạch hiện đang công tác tại báo Người Lao Động.
Cái cốt lõi của bài hát Quê Hương giúp nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nhận được giải 3 là bài hát đã đánh trúng vào tâm trạng của chính quyền CS Hà Nội. Và cái câu cuối cùng “Quê Hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” của bài hát như một lời nhắn nhủ, răn đe những kẻ phản quốc rời bỏ quê hương. Bài hát vô hình dung đã trở thành công cụ tuyên truyền cho chế độ trong giai đoạn lòng dân than oán, cái ác, và sự dối trá hiện hữu khắp nơi. Nó giống như một cô gái xinh đẹp đã bị một tên tướng cướp cưỡng dâm.
Bài hát ra đời đã gần một phần tư thế kỷ nhưng vẫn còn nhiều người nhắc đến. Nó đã được hát nhiều nhất trong đầu thập niên 1990, và mãi đến nay vẫn còn là đề tài sôi nổi mà nhiều người muốn tìm hiểu. Có kẻ khen, ngườI chê. Nhiều người bực bội muốn tẩy chay nó, nhưng cũng có người yêu thích. Nhưng nó vẫn hiện hữu với thời gian và tồn tại vĩnh viễn đúng với giá trị và tâm tình người chết đã gởi gấm cả nỗi lòng mình vào từng nốt nhạc.
Quê Hương có còn là chùm khế ngọt để ru ta vào cõi mộng?
Cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm, phóng viên Đài Á Châu Tự Do và nhà thơ Đỗ Trung Quân về bài hát Quê Hương ngày 5 tháng 10 năm 2008, đã khơi dậy trong lòng tôi bao kỷ niệm vui buồn của những năm tháng xa xưa. Hình ảnh bạn bè thân thuộc như còn quanh quẩn đâu đây. Có người sống trong hạnh phúc, nhưng có người âm thầm đau khổ. Có người đã rời bỏ cuộc vui nhân thế “ Bể dâu đâu có chừa ai. Nếu ta vô phúc làm người Việt Nam”. Kẻ ở lại loanh quanh với mảnh đời chật hẹp. Hô hào dối trá để tồn tại. Người sống tha hương ngút ngàn niềm thương nhớ quê hương. Có người đi hơn nữa thế kỷ chưa một lần dám đặt chân trên mảnh đất thân yêu. Đau xót triền miên và nước mắt cứ rơi bên nầy hay bên kia bờ đạI dương.
Đúng như lời ông Đỗ Trung Quân đã nói thì phần sau bài thơ không có câu cuối cùng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết nhà thơ Việt Nga, Tổng Biên Tập báo Khăn Quàng Đỏ là con gái của nhà thơ Lê Giang đã thêm vào. Việt Nga và tôi không phải là một người xa lạ. Khi còn sống, chị đã nói với tôi bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của Đỗ Trung Quân thiếu một câu sau. Tác giả bỏ lững lơ để người đọc tự hiểu lấy. Nhưng hiểu như thế nào đây khi đất nước hoà bình mà dân vẫn còn nghèo đói, lòng người ly tán. Chị về quê hương Cà Mau thăm họ hàng, bà con, vẫn còn nhìn thấy trẻ con mặc mũi lem nhem và bốc cứt gà ăn?! Tôi viết lời nầy trước vong linh người khuất mặt để thấu hiểu tấm chân tình của nhà thơ Việt Nga đối vớI hoàn cảnh của quê hương Việt Nam. Những tâm tư nầy chị đã giấu mãi trong tim cho đến khi chị qua đời trong một cơn trọng bịnh. Chị ra đi khi tuổi còn xuân, hạnh phúc vừa hé mở. Chị đã bỏ lại thằng bé Khương tội nghiệp vừa lên 1 tuổi và bé không bao giờ còn biết nở nụ cười. Tôi thương chị đến não lòng.
Riêng nhạc sĩ Giáp Văn Thạch thì tâm sự rằng anh chọn bài thơ nầy vì lời thơ mộc mạc, gần gủi với cái nghèo của quê hương. Anh sinh năm 1951 tại An Sơn, Thuận An, tỉnh Bình Dương là nơi nỗi tiếng có nhiều cây nhiều vườn cây ăn trái nhất Miền Nam Việt Nam. Xung quanh thị xã Thủ Dầu Một rất nhiều sông lạch. Tại chợ cá là con sông Bạch Đằng hiền hoà hai buổi nước lớn, nước ròng. Mỗi ngày ra sông có thể thấy những chuyến đò nặng nề, lừ đừ rời bến đưa khách sang sông. Những chiềc thuyền con xuôi dòng nước và những đám lục bình có hoa tím nở trôi lênh đênh trên mặt nước. Đi về hướng bà Luạ, xuôi theo dòng sông là những vườn trái cây xanh mát. Những con rạch, con mương đầy cá và rong xanh, có những cây cầu lắc lẽo…Bao bọc chợ Bình Dương chỉ thấy mây nước, vườn tuợc xanh um, đầy cây trái. Có lẽ nơi đây đã chất chứa bao nhiêu thơ mộng, lãng mạng để tạo ra một nhà văn tên tuổi đã đi vào văn học sử, Bình Nguyên Lộc. Thế hệ hôm nay có nhà thơ Từ Nguyên Thạch, Trần Bình Dương, nhạc sĩ Võ Đông Điền đã viết lên bài hát (Xin Đừng Trách Đa Đa) những bài thơ, truyện ngắn giàu cảm xúc. Nhưng những văn nghệ sĩ tài danh nầy không bao giờ có bài được đăng trên báo Tuổi Trẻ hay báo Thanh Niên, Lao Động…vì rừng nào cọp nấy. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch tâm sự rằng đọc bài thơ của Đỗ Trung Quân, anh như tìm lại tuổi thơ trên những cánh đồng, có chiếc cầu tre, đàn bướm,cánh diều, ao cá, vườn rau, có cây khế chua, có bà mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn…Câu sau cùng của bài hát Quê Hương không phải nhắn gởi người đi hay trách cứ một cá nhân nào. Vì chưa hẳn người ra đi là không yêu tổ quốc. Những người ở lại có chắc rằng mình đã yêu tổ quốc? Khái niệm về tình yêu tổ quốc rất trừu tượng. Chỉ có hành động cụ thể mới khẳng định được lòng yêu tổ quốc. Nếu ở lại Việt Nam để cho rằng mình là ngườI có công xây dựng tổ quốc mà tham nhũng, lộng quyền, ăn cắp, chặt phá cây rừng, buôn lậu, tàn phá tài nguyên quốc gia… những hành vi đó là biểu hiện của lòng yêu tổ quốc chăng?
Như lời nhà thơ Đỗ Trung Quân nói với Mặc Lâm “…Sau này thì bài thơ trở thành ngoại giao, trở thành mang một sứ mệnh chính trị, thì xin thưa với quý vị là điều đó nằm ngoài ý muốn của tác giả, bởi vì một bài thơ được viết ra và khi đẻ nó ra, nó sống hay chết, cái đó không nằm trong tầm tay của người sáng tác..” (ngưng trích). Thực tình mà nói, nếu bài thơ đó chỉ nằm trong báo Khăn Quàng Đỏ thì chắc gì người Việt hải ngoạI biết đến bài thơ nầy là của ông. Bài thơ cũng chưa hẳn đã mang một sứ mệnh lịch sử nếu câu cuối của bài hát không có và nó cũng không làm cho kẻ yêu người ghét. Bài hát đã có một tác động rất mạnh là đánh trúng nội tâm nhức buốt đau đớn, của người Việt ly hương. Chúng ta chỉ có một quê hương duy nhất. Quê hương đó dù nghèo nàn, cơ cực vẫn là nơi chúng ta đã sinh ra. Khi bài hát ra đời, nhiều báo chí, truyền thông hải ngoại lên tiếng rất mạnh mẽ. Họ chửi mắng nhạc sĩ họ Giáp hơn là chửi mắng ông Đỗ Trung Quân. Họ cho rằng câu cuối cùng là ám chỉ, răn đe, giáo dục họ.
Mọi người yêu thích bài hát, muốn quên nó đi nhưng lại không thể chối bỏ nó. Như lời ông Quân đã nói, những hình ảnh trong bài thơ là tất cả những gì mộc mạc, đáng yêu nhất của quê hương. Cho nên, đã hơn 32 năm qua, những người xa tổ quốc luôn luôn ấp ủ, mong nhớ, ước ao một ngày về, chế độ cộng sản toàn trị sẽ cáo chung. Mọi người dân Việt sẽ chung tay gánh vác giang sơn và xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, giàu mạnh, tự do, dân chủ. Chính vì tình yêu sâu nặng nầy, hàng năm, những kẻ phản quốc đã gởi về Việt Nam hàng tỉ đô la để vực dậy một chế độ đã mục nát, nghèo đói cơ cực đến tận cùng. Đó mới chính là câu trả lời trung thực nhất về lòng yêu quê hương, tổ quốc.
Quê Hương là chùm khế ngọt, nhưng chùm khế đó đã mang vị chua và chát đắng khi chúng ta còn nhìn thấy những người trung thực bị bức hại, những nhà tranh đấu dân chủ bị giam cầm tù tội. Những ngôi nhà thờ bị phá huỷ tan hoang đến nỗi Chuá, Phật không còn nơi thờ phượng. Và đáng buồn hơn là những người cầm bút được Đảng bật đèn xanh lao thẳng vào thành trì của bọn ruồi bọ, tham ô, hối bại, lộng quyền thì bị chính những kẻ đứng ra hô hào, lộng ngôn đó đem họ khảo tra trước vành móng ngựa và giam trong những trại tù. Đất nước nghịch lý như vậy mà mọi người phải ngậm miệng, cúi đầu để sống. Chưa bao giờ người dân thấp kém nhất cho đến kẻ sĩ lại hèn mạt đến như vậy.
Lời hát sau cùng “Quê Hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” thật sự không phải dành cho chúng ta, những kẻ tha hương. LờI cuối cùng nầy đã ném thẳng vào mặt bọn tham tàn đã huỷ diệt cả nền văn hoá, nhân bản, lương tâm của nhiều thế hệ. Không biết nhà thơ Đỗ Trung Quân có cùng quan điểm với tôi không? Hay ông vẫn sợ như bao nhiêu năm qua ông đã sống, đã chịu đựng và an phận?
Maryland 15/10/2008
PHONG THU
Chú thích: * “Trích từ bài hát Quê Hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, thơ của Đỗ Trung Quân”.
** Tập truyện ngắn “Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ” sẽ tái bản lần hai. Nếu quý vị muốn tìm đọc quyển sách nầy nên liên lạc vớI tác giả qua địa chỉ email: [email protected]