Tăng Bạt Hổ
Tăng Bạt Hổ
1. Vị trí con đường
Đường Tăng Bạt Hổ nằm trên địa bàn hai phường Phú Bình và Phú Thuận, về phía Đông Bắc sang Tây Bắc ngoài Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Đào Duy Anh (tiếp giáp cầu Bãi Dâu), chạy qua ngã tư đường Tản Đà, Nguyễn Trãi đến đường Lê Duẩn (cạnh bến xe An Hòa), dài 2585m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế, năm 1908 sát nhập vào thành phố. Từ năm 1955 trở về trước là đường Cửa Hậu (lấy tên của Cửa Hậu mở ra lối này). Sau năm 1956 là đường Lê Văn Duyệt. Đến năm 1965 đổi, đặt lại tên đường là Tăng Bạt Hổ cho đến ngày nay, dân gian vẫn gọi là đường Cửa Hậu.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Tăng Bạt Hổ (Mậu Ngọ 1858 – Bính Ngọ 1906) Nhà yêu nước, tự là Sư Triệu, hiệu Điền Bát, quê ở làng An Thường, huyện Hoài Ân, nay là Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ nhỏ, ông đã nung nấu lòng căm thù đánh đuổi ngoại xâm. Năm 1872, ông chiến đấu chống Pháp dưới cờ của Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1885 đến 1887 ông hưởng ứng phong trào Cần Vương cùng với Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa chống Pháp ở Bình Định. Sau phong trào tan rã, ông ra nước ngoài theo nghề hàng hải đi lại được nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nga, Nhật Bản, do đó ông có điều kiện quan sát văn minh của ngoại quốc. Năm 1903, ông về nước, năm sau tình nguyện đưa đường cho cụ Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính sang Nhật, tổ chức phong trào Đông Du. Năm 1905, ông đem bài văn “Khuyên thanh niên du học” của Phan Bội Châu về truyền bá, cổ động trong nước, cải trang làm nghề thầy thuốc đi liên lạc khắp nơi tìm đồng chí. Năm 1906, ông từ miền Nam ra Huế, chẳng may lâm bệnh hiểm nghèo, dù được các đồng chí hết lòng chạy chữa nhưng không qua khỏi, ông mất trên một chiếc thuyền con đậu ở sông Hương, hưởng dương 49 tuổi ta. Những đồng chí của ông như Dương Bá Trạc, Võ Bá Hạp đã an táng ông ở dốc Nam Giao (sau năm 1928, mộ của Tăng Bạt Hổ được cụ Phan Bội Châu cho đưa về yên nghỉ trong khu vườn nhà cụ). Đặng Thái Thân thương tiếc làm bài văn khóc điếu ông. Trường Tiểu học Phú Bình, Trường mẫu giáo Phú Thuận, Bến xe An Hòa nằm trên đường này.