TẦN THỦY HOÀNG ĐẾ

Sau khi đã thôn tính các nước chư hầu, Tần Vương Chính đề nghị các bầy tôi bàn về danh hiệu cho mình. Khi đó, Thừa tướng Vương Quán, Ngự sử Đại phu Phùng Kiếp và Đình úy Lý Tư cho rằng cơ nghiệp của Tần Vương Chính lớn hơn cả Ngũ Đế thời cổ. Vì trong các vua cổ đại thì thái hoàng là cao quý nhất nên khuyên ông xưng là thái hoàng. Thế nhưng Tần Vương Chính quyết định bỏ chữ thái, lấy chữ hoàng, thêm chữ đế, của những vị đế thời thượng cổ và lấy hiệu là Hoàng Đế.

Tần Thủy Hoàng còn phê chuẩn các kiến nghị khác của bầy tôi, từ đó mệnh vua ban ra gọi là chế, lệnh ban ra gọi là chiếu, thiên tử tự xưng gọi là trẫm. Ông truy tôn vua cha Tần Trang Tương Vương là Thái thượng hoàng. Và vì là hoàng đế Trung Hoa đầu tiên nên ông xưng hiệu Thủy Hoàng Đế. Thủy Hoàng có nghĩa là “hoàng đế đầu tiên” và ông muốn con cháu đời sau lấy danh hiệu: Nhị thế, Tam thế… cho đến vạn thế.

Tần Thủy Hoàng bắt vương tộc sáu nước mà ông đã chiếm, kể cả gia đình các đại thần của họ phải dời đến Hàm Dương (kinh đô của nước Tần) để ông dễ bề kiểm soát họ. Đồng thời, triều đình nhà Tần đem phát mãi hết đất đai của họ. Chưa hết, sau khi thống nhất Trung Quốc, để tránh cục diện chư hầu cát cứ như đời Chu, Tần Thủy Hoàng cho thực hiện một loạt cải cách quan trọng, hủy bỏ chế độ cũ. Ông chia cả nước thành 36 quận huyện, quận thú, huyện lệnh do triều đình bổ nhiệm và có thể điều động bất cứ lúc nào.

Vì muốn thống nhất quốc gia, Tần Thủy Hoàng chia mỗi quận thành nhiều huyện, có một quận thú coi về dân sự và một quận úy coi về quân sự. Ở trên cùng, có một viên giám ngự sử chỉ chịu trách nhiệm với nhà vua. Như vậy, không một viên quan nào chuyên quyền được, không thể thành một ông chúa như thời trước khi thành lập nhà nước. Quan lại lớn nhỏ đều không truyền lại cho đời sau, mà là do hoàng đế đích thân bổ nhiệm. Ông còn đưa các quý tộc cũ chuyển về thủ phủ Hàm Dương để tiện giám sát quản lý.

Tần Thủy Hoàng theo pháp gia nên khuyến khích binh, nông mà ghét công, thương. Muốn nắm hết mối lợi thương nghiệp, triều đình đày hết phú thương có những xưởng sản xuất sắt lại miền Thiểm Tây và miền Tứ Xuyên. Vì vậy đã có hai trăm ngàn gia đình phú thương, tiểu thương bị đày tại xứ Thục và miền An Dương để làm ruộng.

Ngược lại với tầng lớp phú thương, nông dân được ưu đãi và đất không còn là sở hữu của nhà vua, mà là của người làm ruộng. Người chủ ruộng có quyền bán ruộng và ai cũng có quyền mua. Chế độ đó gọi là danh điền, tạo nên một giới địa chủ có những cơ sở rất lớn, dần dần thành một giai cấp có quyền hành tương tự như các chư hầu nhỏ thời trước.

Dưới thời Tần Thủy Hoàng, năm hay mười hộ nông dân họp nhau thành một liên gia, chịu chung trách nhiệm với nhau. Chế độ này được áp dụng ở Trung Hoa cho tới đầu đời nhà Hán. Tráng đinh nào cũng phải đi lính tới già. Gia đình nào có ba người đàn ông thì phải chia làm hai hộ.

Lời bàn:

Ngày nay, có không ít sử gia phương Tây nói riêng và trên thế giới nói chung đưa ra nhận định rằng Tần Thủy Hoàng là một trong những nhân vật ngoại hạng trong mọi thời đại. Theo các sử gia này thì mặc dù vua Tần chỉ cầm quyền chưa đầy mười lăm năm mà làm cho nước Trung Hoa thời đó thay đổi hẳn, thống nhất về mọi mặt, mở mang thêm bờ cõi, thành một đế quốc lớn thời thượng cổ. Đó là một thành tựu được kể là vượt bậc. Và họ cho rằng, cái tên “China” hay “Sino” mà người phương Tây dùng để gọi Trung Quốc là xuất phát từ phiên âm chữ “Tần” (Sin) mà ra. Thậm chí có những nhà sử học đặt Tần Thủy Hoàng ngang hàng với Napoleon. Tuy nhiên, đó là nhận định của các sử gia, còn việc những nhận định ấy có được người đương thời với các sử gia và hậu thế công nhận hay không mới là điều quan trọng.

Nhân dân lao động ở bất kỳ quốc gia nào và ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn có cái nhìn công bằng đối với công lao cũng như tội lỗi của những anh hùng và cả triều đại sản sinh ra anh hùng đó. Chính vì thế, các sử gia đương thời với Tần Thủy Hoàng và nhiều sử gia của chế độ phong kiến ở Trung Quốc luôn miêu tả Tần Thủy Hoàng là một vị vua tàn bạo. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các nhà sử học Khổng giáo đã soạn ra danh sách mười tội ác của Tần Thủy Hoàng để làm nổi bật hành động bạo ngược của ông. Suy cho cùng, nếu Tần Thủy Hoàng không vì quyền lợi cá nhân, gia đình, dòng họ thì có lẽ ông ta không mắc phải tội lỗi tày trời đến như vậy. Chính điều này là bài học cho hậu thế hôm nay.

Kim Ngọc

Rate this post