Tại đơn vị Tập đoàn FLC: “Cái sảy nảy cái ung”
Xây mương không bàn bạc, dân mất mùa liên tục?
Theo phản ánh của người dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, năm 2007, Công ty cổ phần FLC đứng ra thành lập trang trại chăn nuôi gia cầm có diện tích tổng 2,1ha theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ trang trại này là ông Trịnh Hồng Quý và bà Đỗ Thị Giáp – bố mẹ của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC Group (tầng 5, tòa nhà FLC Landmart Tower, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội). Ông Quý là người trực tiếp đi mua đất 2 vụ lúa của các hộ dân với diện tích lên đến khoảng 4ha. Đây là đất nông nghiệp vẫn chưa được nhà nước cấp sổ đỏ. Năm 2009, trang trại đổi tên thành Công ty TNHH nông thổ sản Quý Giáp. Năm 2011, Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần FLC Travel (gọi tắt Công ty FLC).
Dự án của Công ty FLC Travel làm ảnh hưởng tới 4 con mương cấp và tiêu nước cho cánh đồng người dân
Người dân nơi đây bức xúc bởi việc Công ty này đã lợi dụng lòng tin, tự ý san lấp và lấn chiếm 4 con kênh mương tưới tiêu sau đó tự ý lắp đặt hệ thống cống và mương tiêu để chắn đường nước gây úng hạn mất mùa cho nhiều ha ruộng của dân. Họ nói rằng, 3-4 vụ mùa vừa qua luôn mất mùa.
Chưa đừng lại ở đó, đơn thư phản ánh của người dân còn cho rằng, sự ngang nhiên bất chấp luật pháp của Công ty này có mục đích để ép những hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng phải bán tiếp ruộng cho Công ty này. Họ cũng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng trên địa bàn kiến nghị việc Công ty không trả ruộng khi hết thời gian thuê đất của dân.
Ông Hồ Văn Dần, người dân thôn An Lão Xuôi bức xúc: Con mương tưới qua dự án của Công ty là con mương huyết mạch để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Khi Công ty lắp đặt mương cống bê tông không bàn bạc với nhân dân 4 thôn An Lão. Kể từ khi có dự án nhân dân luôn bị mất mùa.
Cùng chung bức xúc, ông Nguyễn Văn Vinh, thôn An Lão Xuôi cho rằng, Công ty FLC tự ý thay đổi lắp đặt mương cũ bằng cống ngầm có đường kinh 75cm là không đảm bảo và yêu cầu Công ty phải tự tháo dỡ trả lại mặt bằng con mương cũ để đảm bảo thoát lũ khi mùa mưa đến.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Đàm Hữu Yến, trưởng thôn An Lão Xuôi đã đề nghị lấy biểu quyết đại diện nhân dân là phải dỡ bỏ hệ thống cống trả lại mương cũ và yêu cầu Công ty trả lại mương cũ cho nhân dân.
Chây ì?
Theo tài liệu PV Chất lượng Việt Nam có được đến thời điểm này, tại biên bản làm việc thống nhất giải quyết đơn kiến nghị của công dân xã Vĩnh Thịnh ngày 15/4/2013, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, hiện nay đa số các hộ dân đều có yêu cầu Công ty phải tháo dỡ hệ thống cống mình xây dựng. Bản thân ông Hào cũng đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo giải quyết dứt điểm khẩn trương vì mùa mưa sắp tới.
“Hiện trong dự án còn 1 số hộ sản xuất nông nghiệp chưa chuyển nhượng cho Công ty”, ông Hào cho hay.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC
Trong khi đó, ông Phạm Văn Long, Phó chi cục Thủy Lợi, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết, theo quy định, dự án liên quan ảnh hưởng đến thủy lợi phải có ý kiến của Sở NN&PTNT. Hiện việc quản lý mương khu dự án thuộc quản lý của xí nghiệp thủy lợi Liền Sơn. Về việc xử phạt gây tắc dòng chảy, UBND xã Vĩnh Thịnh xử phạt theo đúng thẩm quyền.
Về việc này, theo ông Đinh Văn Thiện (xí nghiệp thủy lợi Liền Sơn), việc Công ty lắp đặt cống có đường kính 75cm, chiều dài khoảng 300m chưa đảm bảo cho việc thoát nước. Công ty FLC cũng chưa được cấp phép. Yêu cầu Công ty phải tháo dỡ trả lại mương như cũ để đảm bảo thoát lũ.
Trong khi hàng trăm hộ dân đang lo lắng cho vụ mùa của mình khi mùa lũ về thì ông Hoàng Quốc Trị, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Tường lại “chậm rãi” cho rằng, việc giải quyết yêu cầu Công ty FLC tháo dỡ hệ thống cống phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đến thời điểm hiện tại, mùa mưa đang đến gần, việc ì ạch, chậm chạp của doanh nghiệp đang góp phần đẩy người dân Vĩnh Tường vào mối đe dọa lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Nguyên nhân không gì khác ngoài sự chây ì của chính doanh nghiệp và sự thiếu kiên quyết của cơ quan chính quyền địa phương. (Còn nữa)
Kỳ tới: Đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc rút giấy phép đầu tư, chấm dứt thực hiện dự án.
Phan Mạnh