Sách Khai Tâm – Vương Dương Minh – Thân Thế Và Học Thuyết – Phan Văn Hùm
Vương Dương Minh (1472-1529, bính âm: Wang Yangming, Chữ Hán phồn thể: 王陽明, giản thể: 王阳明), tên thật là Thủ Nhân (守仁), tự là Bá An (伯安) là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh ở Trung Quốc. Đồng thời ông còn là người văn võ song toàn, từng là tướng mang quân đi dẹp loạn nhiều lần. Quê ông ở Chiết Giang nhưng phải sống ở nhiều nơi khác nhau. Ông từng có thời gian sống ở động Dương Minh nên ông được người ta gọi là Dương Minh tiên sinh. Ông đã xây dựng Dương Minh phái, có ảnh hưởng sâu rộng ở Nhật Bản, Triều Tiên và cả Việt Nam.
Vương Dương Minh được đánh giá rất cao trong giới Nho học. Ông được đánh giá là 1 trong 4 vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, sánh ngang với Khổng Tử, Mạnh Tử và Chu Hi. Ông thành lập phái Dương Minh tâm học hay còn gọi là Diêu giang phái. Đạo học của ông gọi chung là Dương Minh phái hay Dương Minh học, có ảnh hưởng lớn đến Nho học thời Minh, Thanh, đồng thời có ảnh hưởng đặc biệt lớn với Nhật Bản.
Khởi điểm ở “tâm”, Vương học xây nền trên “lương tri”, dựng nên học thuyết “tri hành hợp nhất”. Tri không được rời hành, hành ko được rời tri. Mà tri thời gốc ở nơi tâm. Tri tới chân thiết đốc thật, tiện thị là hành. Hành, theo Vương Dương Minh, không đợi phát biểu ra mới gọi là hành, mà ngay khi phát động đã là hành rồi. Như ưa sắc đẹp. Vừa thấy sắc đẹp vừa ưa một lượt. Sự ưa đó là hành rồi. Vậy thời hành ngay khi ý còn trong tâm.Rút lại, Vương học quay trở về tâm. Ngoài tâm không có gì cả. Tự làm mà ra tất cả. Xử thân, tiếp vật, Vương Dương Minh chỉ bằng nơi tâm mà thôi. Tiên sinh phản đối gắt Tống nho về chỗ bỏ tâm mà chạy theo vật.