Rực rỡ những mùa lan
Khi còn bé, được ngắm những đóa lan rừng là một điều xa xỉ đối với lũ trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố. Tuy nhiên, tôi may mắn hơn lũ bạn bởi có quê hương ở nơi rẻo núi cao bốn mùa mây phủ. Mỗi khi hè đến, được bố mẹ cho về quê thăm ông, bà nội, tôi thích lắm. Ở đó không chỉ có dòng suối nước trong vắt chảy róc rách ngay lối đi vào bản mà còn được đi bắt ốc ở suối; lấy quả, hái măng và ngắm hoa lan trên rừng…
Vì yêu hoa lan
Lớn lên một chút, những chuyến về quê thưa dần để nhường chỗ cho việc học. Vì thế, tôi không còn được ngắm những nhánh hoa lan rừng nở bung rực rỡ trên cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong những khu rừng nguyên sinh của quê hương mình nữa. Chỉ khoảng chục năm trở lại đây, tôi mới lại được thỏa thích ngắm hoa lan khi nhiều người dân Thái Nguyên đã kỳ công đưa lan rừng về chăm bẵm ngay trong vườn nhà. Có người chỉ vì đam mê mà trồng hoa lan, có những người xuất phát từ đam mê đã trồng hoa lan và mang về “bộn” tiền.
Lang thang ở các làng nghề chè của thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chúng tôi không thể rời mắt khỏi những giò hoa lan đang thời kỳ rực rỡ nhất. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nhâm, tổ 4, có 20 năm gắn bó với hoa lan thì loại hoa được các hộ dân trồng nhiều nhất ở đây chủ yếu là phi điệp, vẩy rồng, đuôi chồn, quế trắng, hồng nhạn, thủy tiên, quế lan hương, long tu xuân, đùi gà, sóc, ngọc điệp, long lan tu…
Mỗi loài đều mang một đặc trưng riêng. Hoa lan thủy tiên thân mềm, khi trưởng thành có thể đạt chiều cao khoảng 1m; có bông hoa lớn khoảng từ 5-7cm với nhiều màu sắc đa dạng như trắng, trắng vàng, tím, tím vàng, vàng… thường nở vào mùa xuân và mùa thu.
Lan long tu có thân màu tím đậm dài từ 30-50cm mọc buông thòng xuống rất dễ dàng để nhận biết, lá dài (có khi lên đến 10cm), nở hoàn toàn có thể rộng tới 8cm. Loài hoa này có màu sắc đa dạng, trong đó 2 màu thường gặp nhất là màu vàng và trắng môi vàng, thường nở vào mùa xuân hoặc mùa hè….
Chỉ vì yêu lan nên dù là mỗi sớm tinh sương hay đêm khuya thanh vắng, những người chơi lan vẫn cặm cụi tạo giá thể trồng hoa; bắt từng con sâu, côn trùng… làm hại cho cây.
Anh Nông Văn Hải, chủ môt vườn lan đang có hơn 150 giò hoa cho hay: Tôi bắt đầu trồng hoa phong lan từ 5 năm trước. Làm bạn với lan rừng đã mang đến cho con người sự kiên trì đến lạ lùng. Từ ngày tỉ mẩn trồng, chăm sóc những giò hoa phong lan rừng, tôi thấy mình không còn nóng nảy như trước. Dường như được hòa mình vào thiên nhiên đã khiến cho con người thêm lạc quan, tin yêu vào cuộc sống sau mỗi giờ lao động mệt nhọc trên đồi chè.
Không chỉ vùng chè Sông Cầu, giờ đây, ở Thái Nguyên, rất dễ để bắt gặp những giò hoa lan rừng ở trong những ngôi biệt thự sang trọng, trong các khu nhà vườn và cả trong những ngôi nhà đơn sở ở cả nông thôn và thành thị.
Lan rừng không cầu kỳ trong việc chăm sóc, ít sâu bệnh hại nhưng lại phải cẩn thận trong việc chọn giá cho lan. Đơn cử như giống phi điệp, tùy vào sở thích, điều kiện, có những người sẽ ghép hoa lên gỗ; lên cây xanh hoặc các loại rêu. Hay như giống hoa lan đuôi chồn (được coi là loài lan rừng khó tính nhất), được trồng bằng cách ghép gốc…
Mở ra triển vọng mới
Chỉ vì yêu nên trồng nhưng rất nhiều chủ vườn đã thu khá “bộn” tiền từ hoa lan. Đơn cử như anh Nguyễn Đức Trọng, Trưởng làng nghề chè xóm 9, thị trấn Sông Cầu. Trồng hoa lan được khoảng chục năm nay, không chỉ tích lũy cho mình được rất nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc hoa lan, anh còn thu được vài trăm triệu đồng từ việc bán loại hoa rừng này.
Ban đầu, vì muốn tạo không gian đẹp cho khách thưởng trà nên anh Trọng trồng hoa lan. Sau đó, anh tiếp tục nhân giống và lai tạo ra các giống hoa lan mới. Ví như giống lan phi điệp, màu sắc và mùi hương giữa các vùng, miền (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An…) cũng rất khác nhau. Lai tạo các giống này với nhau sẽ tạo ra loại phi điệp có màu sắc và hương thơm rất riêng, được nhiều du khách đến với làng nghề thích thú. Bởi vậy, nhiều người đã nài nỉ anh để lại cho họ những giò hoa lan đẹp, độc, lạ. Nhiều du khách còn không quan tâm đến giá cả mà chỉ quan tâm đến màu sắc, hương thơm…
Anh Trọng bảo: Ngoài sản xuất chè, trồng lan rừng cũng mang lại cho gia đình tôi nguồn thu khá. Do đó, tôi đã đầu tư khoảng 200 triệu làm giàn, cây giống, giá thể… để trồng lan. Đến nay, ngoài số đã bán, gia đình đang có khoảng 200 giò lan. Loại hoa này càng được chăm sóc tốt thì càng đẹp. Giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa. Ví dụ như phong lan kiều tím rất hiếm nên giá bán đắt, có thể lên đến vài triệu hoặc cả chục triệu đồng mỗi giò.
Người yêu hoa tận hưởng vẻ đẹp của những vườn hoa lan rừng ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Cũng từ trồng hoa lan, nhiều gia đình ở Thái Nguyên đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như ông Hoàng Văn Ninh, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Hay như hơn 80 hộ dân ở xóm Trung Thần, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) đang có nguồn thu nhập ổn định từ 100 đến 500 triệu đồng/năm/hộ từ trồng lan rừng. Điển hình như gia đình ông Diệp Minh Tuấn, mỗi năm thu 300 triệu đồng từ trồng hoa lan…
Lý giải vì sao nhiều người yêu hoa lan rừng, chị Ngô Hồng Ánh ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), một người yêu và trồng hoa lan cho rằng: Các loại hoa lan rừng sở hữu vẻ đẹp độc đáo cùng hương thơm dễ chịu. Cũng chính vì thế mà các giống hoa lan rừng rất được ưa chuộng và có giá đắt hơn gấp nhiều lần nếu so với các loại hoa lan thông thường. Trong đó có những giống hoa được nhiều người săn đón như phi điệp 5 cánh trắng, giả hạc, trầm vàng, long tu hào…
Không chỉ mang lại nguồn thu khá cho người dân, trồng hoa lan đang mở ra một triển vọng mới khi có thể kết hợp với các làng nghề sản xuất chè làm du lịch sinh thái. Hiện, tại các làng nghề chè của thị trấn Sông Cầu, hơn 20 hộ dân đã mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng để phát triển thành vườn lan. Đó là chưa kể những hộ trồng lan rừng nhỏ lẻ.
Chị Vũ Thị Thanh Hảo, HTX Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu cho rằng: “Sở hữu” nhiều đồi chè đẹp, người dân làm chè đôn hậu, mến khách nên các làng nghề chè ở Sông Cầu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Do đó, khi kết hợp phát triển các vườn hoa lan rừng trong các làng nghề chè không chỉ tạo nên không gian thưởng trà độc đáo mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách yêu thiên nhiên.
Dù vậy, mô hình trồng lan kết hợp du lịch sinh thái mới chỉ mang tính tự phát. Vì lẽ đó, để phát triển các vườn hoa lan rừng kết hợp với du lịch sinh thái tại những vùng chè trọng điểm của tỉnh rất cần sự định hướng của các cấp, ngành chức năng.
Hiện nay, phong lan rừng tại Việt Nam có khoảng hơn 750 chủng loài với nhiều nét đặc trưng khác nhau. Tuy nhiên nhiều năm trước, do tình trạng khai thác bừa bãi nên nhiều loại lan rừng quý có nguy cơ bị tiệt chủng. Bởi vậy, từ việc phát triển các vườn lan, trao đổi giống lam giữa các vùng, miền, các tỉnh và các hộ dân trong tỉnh, nhiều loại lan rừng nguy cơ bị “biến mất” đã dần hồi sinh. Tại Thái Nguyên, nhiều hộ dân đã lai tạo và phát triển được nhiều giống lan rừng quý hiếm đang có xu hướng tiệt chủng như phi điệp năm cánh trắng, long tu hài, kiều tím…