Rapper Táo – Gã tâm thần đến từ ‘cây cổ thụ’ của nỗi buồn

Một quán cà phê vắng người, trong một con hẻm thinh lặng, âm thanh lớn nhất là tiếng sột soạt phát ra từ một chiếc máy hát cũ vừa chạy hết phần lời nhạc. Một bóng người cao lớn, với tay chọn một chiếc đĩa hát từ trên kệ đĩa được xếp ngay ngắn, một điệu Jazz vang lên – không gian chậm rãi khác hẳn với nhịp sống Sài Gòn hối hả.

Người ấy được một cộng đồng yêu nhạc Underground gọi là một “nhà thơ” của những điệu nhạc buồn, là người vỗ về những niềm đau, là người tạo nên không gian cô tịch cho cái tôi cô đơn, chẳng tỏ tường những động lực, những lối thoát cho bản thân mà chỉ là sự thấu cảm với nỗi lòng, những nỗi niềm không tỏ cùng ai, những suy nghĩ ở trong vùng tối nhất của bộ não con người. Anh có biệu danh, đơn giản, là Táo.

Sau thời kỳ “hồng hoang” những năm 2004-2005, Rap Việt đặc biệt phát triển mạnh ở thời kỳ những năm cuối thập niên đầu tiên thế kỷ 21. Trong khi những cuộc battle rap/diss (ra sản phẩm nhục mạ nhau nhằm khẳng định cái tôi của bản thân cao hơn người khác) “tanh máu” đang dần trở nên lối mòn và không còn tính hấp dẫn, nâng cao trình độ như mục đích cao cả ban đầu, một bộ phận Rapper bắt đầu đi sâu chăm chút cho việc cải thiện chất lượng âm nhạc. Táo bắt đầu chơi Rap trong giai đoạn này.

Bị người ta gọi là “thằng tâm thần” có sướng không?

Táo tên thật là Võ Hồ Thanh Vi, sinh năm 1994, sớm biết đến Rap lúc 9 tuổi khi nghe được một ca khúc từ cuốn băng cassette cha tặng. Ít năm sau, đam mê với nhạc Rap của Táo lại trỗi dậy mạnh mẽ khi anh đọc trong báo có thông tin về việc Rapper đầu tiên của Việt Nam được đứng trên một sân khấu – Lil Knight. 16 tuổi là lúc Táo mong muốn làm điều gì đó cho mình với nhạc rap. Với Táo, Rap khi ấy chỉ đơn giản là một cuộc chơi và nghệ danh đầu tiên là Green Apple (Táo xanh – PV) – tên nhân vật mà anh sử dụng trong một trò chơi điện tử. 2 năm đầu là quãng thời gian tự mày mò, làm quen với Rap của Táo.

Ngay từ những sản phẩm đầu tiên, những sản phẩm của Táo đã mang những màu sắc tối nhưng cho tới khi gia nhập G-Fam (một trong những cái nôi của Rap miền Nam), bản thân Táo mới đạt được những bước tiến lớn trong âm nhạc. Theo chia sẻ của Táo, Rapper Blacka (Black Murder) chính là người giúp anh thực sự biết đến sự tồn tại của Dark/Horrorcore Hiphop. Nhưng không giống như nhiều thể loại âm nhạc khác, phần lớn câu chuyện của Rap là những thứ có liên hệ với bản thân Rapper. Dark/Horrorcore Hiphop là những uẩn ức, những tâm trạng khó nói, là nỗi đau từ cuộc sống, thường trực ám ảnh tâm trí mà “nếu không mang những tâm trạng thế, bạn không thể là một Rapper Dark/Horrorcore” – Táo nói – “Chính vì lẽ đó, trong thời gian đầu biết đến thể loại nhạc Rap này, Táo khá thiếu tự tin và đã có lúc dừng dự án của mình lại”.

MV Chết – Táo

Mọi thứ trỗi dậy trong khoảng thời gian Táo stress nặng vì những vấn đề cuộc sống. Trong thời điểm ấy, Rapper sinh năm 1994 đã giam mình nhiều ngày trời trong nhà mà không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. “Đúng lúc đó, tôi nhận được một bản nhạc demo về tình cảm nhưng tôi có cảm giác khác về bản nhạc ấy và tôi quyết định thử viết những gì đang nghĩ trong đầu, đó là những điều tôi chưa từng nói ra, vô tình, nó lại thành công và được người nghe đón nhận. Đó là bài Tâm thần phân liệt.” – Táo chia sẻ – “Bởi với tôi, dù hình tượng hóa câu chuyện trong Rap thế nào đi chăng nữa, nó cũng phải gắn với tâm tư của bản thân. Rap là những tài liệu ghi lại cuộc sống, những thăng trầm của bản thân Rapper”.

Tâm thần phân liệt của Táo khi ấy là một nét chấm phá mới mẻ trên bản đồ Rap Việt. Nó có thể coi là một bộ phim kinh dị với những cung bậc cảm xúc từ yêu thương, oán hận, tự mãn, hả hê, có nút thắt, cao trào rồi vỡ òa với đoạn kết đầy bất ngờ. Sản phẩm hoàn chỉnh là nỗ lực của Táo sau hàng trăm lần sáng tác – xé nháp, chỉ để đón chờ, nắm bắt những cảm xúc tối tăm bên trong con người. 

Từ đây, Táo bắt đầu kết bạn nhiều hơn trong cộng đồng rap Việt, đưa nhạc Rap của mình đến những sân chơi xa hơn, ví dụ có thể kể đến như Tử tế Show được tổ chức tại Hà Nội – show diễn hiện nay đã trở thành một trong những “đại hội nhạc rap” có quy mô tổ chức lớn nhất tại Việt Nam.

Khi những thành công, sự ghi nhận trong cộng đồng nghe Rap xuất hiện, Táo bắt đầu thực sự suy nghĩ nghiêm túc về rap. Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Táo coi Rap là một nghề có thể nuôi sống cho bản thân. Anh cải thiện khả năng viết lời Rap với mong muốn có thể mở cho mình một phòng thu âm riêng để sống với âm nhạc.

“Đó là con đường không hề dễ dàng, bởi không có ai ủng hộ tôi hết và tôi không chia sẻ được với ai trong gia đình. Ba mẹ không biết con trai họ đã làm được cái gì, tôi là ai trong một cộng đồng. Tôi nghĩ ngoài những điều bất lợi thì cũng có những điều tốt từ việc này. Ví dụ như khi đối mặt với áp lực từ rap, từ MXH…, tôi có thể bỏ lại tất cả phía sau, về nhà nghỉ ngơi mà không vướng bận gì hết, không còn là Táo nữa mà chỉ là một người bình thường”.

Rap không phải trang sức

Chọn Rap là nghề nhưng Táo lại không muốn nó bằng phẳng nhất mà chọn cách “gồ ghề” hơn. Khi không ít Rapper cùng thời trở nên nổi tiếng vì những đoạn Rap “thị trường” ngắn ngủi, sáo rỗng xuất hiện trong một bản nhạc Pop, Táo quan niệm rằng âm nhạc của bản thân có ý nghĩa nhiều hơn thế. Rap với anh không cần ngông láo, trôi tuột qua tai mà phải thực sự có khả năng truyền tải nội dung tới người nghe.

“Tôi sẵn sàng hợp tác và cũng đôi lần nhận được lời mời từ những người nổi tiếng. Nhưng tôi có quan điểm nghệ thuật rõ ràng, đó là tôi sẽ không Rap lót cho bất cứ ai bởi nếu sản xuất chung, quan điểm nghệ thuật của tôi và người kia có khác nhau, nhưng chúng tôi là những người nghệ sỹ dành sự tôn trọng cho nhau. Rap không phải là bộ môn nghệ thuật bị coi rẻ, là trang sức cho một bài hát”.

Những đau đáu với Rap giúp Táo ngày càng mở rộng không gian nghệ thuật của bản thân. Từ việc khó lòng hợp tác với nhiều nghệ sỹ, Táo tìm hiểu về việc hát, dành thời gian học thanh nhạc trong các lớp bổ trợ tại Nhạc viện Thành phố HCM để thi vào ngôi trường danh giá nhất nhì Việt Nam về đào tạo âm nhạc này. Nhưng để có thể đứng trên sân khấu nhà hát Nhạc viện trình diễn bài Rap của mình, Táo không còn cách nào khác là sáng tác ca khúc để hát và rap. Dù cho sản phẩm khi đó chỉ được đánh giá là lạ, phá cách vì giám khảo chưa có tìm hiểu nhất định về dòng nhạc anh theo đuổi, tuy nhiên, với Táo, đó cũng là trải nghiệm thú vị, có ảnh hưởng rất lớn tới anh.

Rapper Táo - Gã tâm thần đến từ cây cổ thụ của nỗi buồn - Ảnh 5.

Những sản phẩm âm nhạc được đầu tư về cả chất lượng và hình ảnh của Táo đã nhận được sự đánh giá cao trong cộng đồng yêu nhạc Rap.

“Giống như cơm chan với canh, đôi khi nó sẽ dễ nuốt hơn. Và tôi cho rằng một bản Rap có thêm phần lời hát sẽ càng khiến cho khả năng truyền tải thông điệp của mình trở nên mượt mà, giúp những người chưa biết về Rap dễ tiếp cận với thứ âm nhạc này hơn”.

“2 5” – Táo

Xuất phát từ suy nghĩ ấy, những tác phẩm như Không Vui I, Không Vui II, Bình Yên, 2 5, Bình Minh, Ngày bình thường, Everyday… với chất lượng cải thiện đáng kể đang đánh dấu cái tên Táo trên bản đồ Rap Việt.

Sân khấu bây giờ đôi khi lạnh lẽo quá!

Táo

Âm nhạc của Táo phần nào bị ảnh hưởng bởi yếu tố Jazz, Blues. Bởi vậy, khi nhạc Rap đang thịnh hành gắn liền với âm nhạc điện tử (EDM), Táo vẫn kiên trì theo đuổi hướng đi của mình.

Với Táo, sự nỗi lên của DJ với những âm thanh điện tử đang khiến sân khấu trở nên lạnh lẽo hơn, không ấm cúng như trước nữa. Từ một thiết bị nhỏ, người DJ có thể thực hiện tất cả những âm thanh mà không cần tới quá nhiều nhạc công tham gia vào một bản nhạc. Đó là trăn trở của Táo. Với Táo, điều tuyệt vời nhất chính là thực hiện một bản phối từ chính việc chơi live toàn bộ từ đầu tới cuối, như một phần trình diễn thực thụ.

“Tôi thích Jazz hay Blues bởi mỗi lần đứng trên sân khấu, người nghệ sỹ hoàn toàn chơi ngẫu hứng và hiếm khi nào một bản nhạc trình diễn 2 lần khác nhau lại giống như từ đầu tới cuối. Tính ngẫu hứng của nó rất giống với nhạc Rap và mang lại những cảm xúc tươi mới hơn cho một sản phẩm âm nhạc”.

Khi mình chấp nhận trả tiền cho những nguyên liệu chế biến, sẽ có người trả tiền cho món ăn của mình

Táo

Đánh giá cao công sức của người nghệ sỹ đứng trên sân khấu không chỉ giúp ích cho Táo về mặt nghệ thuật mà còn ảnh hưởng tới ý thức bảo vệ bản quyền. Bắt đầu từ năm 2016, Táo thôi việc sử dụng beat miễn phí trên mạng để tập trung sản xuất cả phần nhạc nền này.

“Có những sản phẩm của tôi bị lấy vào mục đích cá nhân một cách trắng trợn và khiến tôi không vui. Một số Rapper cho rằng nhạc Rap thì không cần đăng ký bản quyền và việc nhạc của họ được lấy lại là điều đáng tự hào nhưng với tôi thì không. Không ít lần nhạc Rap bị sử dụng vào những thứ gây cười như hài kịch, thậm chí là bôi nhọ dòng nhạc này, với tôi, đó là điều không hay một chút nào” – Táo nói – “Nhưng mình đâu có đăng ký bản quyền đâu, làm sao đòi quyền lợi gì được. Từ đó, tôi nhận ra rằng đã tới lúc để xem lại nguyên liệu của mình. Ban đầu tôi trách người lấy tác phẩm của tôi nhưng cũng phải nghĩ lại bởi khi tôi sử dụng miễn phí những sản phẩm từ người khác thì việc sản phẩm của mình bị lợi dụng cũng có thể xảy ra. Từ đó, tôi bắt đầu ý thức hơn về việc bản quyền”.

Theo chia sẻ, trong thời gian tới, Táo sẽ cho ra mắt một số MV mới, xuất bản một album đã ấp ủ 3 năm trong thời gian tới  – tất nhiên có đăng ký bản quyền và hoàn thiện phòng thu của mình để đi vào hoạt động chuyên nghiệp.

Nghe Táo trăn trở về những kế hoạch, dự định ấp ủ, có thể thấy sự nghiêm túc của người nghệ sỹ trẻ trong bộ môn nghệ thuật còn nhiều định kiến ở Việt Nam. Thứ âm nhạc gam màu tối của Táo có thành công hay không? – Đó còn là câu chuyện của tương lai. Nhưng khi những giá trị nghệ thuật cao được đặt cao hơn cả tiền tài danh vọng, dù cho ở bất cứ loại hình nào, cũng là điều đáng trân trọng.  

Táo – có quyền tự hào về điều đó!

Ảnh/Video:

Nhân vật cung cấp

Thực hiện:

Minh Nguyễn

Rate this post