Quốc Bảo: chân dung qua 10 album
“Bình Yên”, “V” và “Q+B” nằm trong danh sách những album hay nhất nhạc sĩ Quốc Bảo từng phát hành suốt 30 năm làm nghề.
Bài viết nằm trong chuyên mục Nhạc Việt Catalogue được lập ra với mục đích tổng hợp lại một số album nhạc Việt đáng chú ý qua mỗi năm. Bài và mục sẽ được cập nhật nếu cần thiết (tác giả ghi nhận mọi ý kiến đóng góp).
Sinh năm 1967, Quốc Bảo (tên thật Bùi Quốc Bảo) được biết đến như là nhạc sĩ, nhà sản xuất, phê bình âm nhạc tài năng của làng nhạc Việt. Anh là tác giả của hàng loạt bài hit gắn với ký ức nhiều thế hệ như Em Về Tinh Khôi, Tóc Nâu Môi Trầm, Em Về Tóc Xanh,….
Hầu hết các sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo đều có đời sống riêng, tách biệt ra khỏi người hát. Mỗi ca sĩ khi trình bày lại các ca khúc của Quốc Bảo lại thổi một hơi thở mới, khiến nhạc tình Quốc Bảo không hề lỗi thời trong suốt ba thập kỷ.
Năm 2021 là kỷ niệm 30 năm nhạc sĩ Quốc Bảo dấn thân vào hành trình sáng tác. Bài viết có nhiệm vụ như một chỉ dẫn, giúp các bạn trẻ chưa có cơ hội được tiếp cận gần hơn với nhạc tình Quốc Bảo. Đó là thứ âm nhạc đẹp cả ca từ lẫn giai điệu, có khi như một trong vắt như một dòng suối, có khi lại buồn u ám như sóng vỗ ngoài biển khơi.
Dưới dây là 10 album tiêu biểu trong sự nghiệp của nhạc sĩ Quốc Bảo.
Ngồi hát ca bềnh bồng (1999)
“Bời vai ơi đừng quá nghiêng nghiêng / đánh rơi buổi chiều thơm ngát…”
“Ngồi hát ca bềnh bồng” là album đầu tay của nhạc sĩ Quốc Bảo.
Nếu là phim, album đầu tay của Quốc Bảo phải là “bom tấn”. Danh sách ca sĩ đều là những cái tên lừng lẫy của làng nhạc Việt thập niên 1990-2000 như Thanh Lam, Bằng Kiều, Mỹ Linh,… 11 ca khúc cũng là những sáng tác hay nhất nhạc sĩ từng viết khi đó (riêng Em Về Tinh Khôi có hai bản phối).
Đến với thế giới âm nhạc Quốc Bảo là đến với ca từ mượt như nhung, êm như lụa: “em mỹ miều”, “em yêu kiều”, “đời quỳnh hoa” (Bài Tình Cho Giai Nhân). Nghe lại album sau hai thập niên, không khó để thính giả nhận ra những thiếu sót trong kỹ thuật thu thanh ngày xưa. Tiếng saxophone thiếu độ sắc sảo, tiếng keyboard đục ngầu, tiếng guitar giảm đi độ vang.
Những đặc tính này không làm tình ca Quốc Bảo vơi bớt cảm xúc. Trái lại, album tạo cảm giác cũ kỹ như đang nghe những cuốn băng cassette cất lâu trong tủ.
Năm 1999 khi album ra đời cũng là thời điểm Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần chưa hề chịu sức ép của danh hiệu diva. Khi hát, họ dùng tất cả bản năng để phô bày cảm xúc.
Mỹ Linh chân phương trong Cảm Ơn Một Đóa Xuân Ngời, Hà Trần mềm mại với A cappella ở nửa đầu Em Về Tinh Khôi (hát chung với Thế Hệ Mới). Thanh Lam dịu dàng đến lạ trong bài chủ đề.
Một số ca khúc sau đó được trình bày lại, còn được yêu thích hơn bản thu âm trong đĩa. Chẳng hạn, Còn Ta Với Nồng Nàn sau đó nổi lên qua giọng hát Quang Dũng, Cảm Ơn Một Đóa Xuân Ngời như được khoác áo mới nhờ bộ đôi Tuấn Hưng – Mỹ Tâm.
Song, cũng có những bài trở thành dấu ấn khó quên, không thể thay thế. Chẳng hạn như khoảnh khắc Thanh Lam cất giọng hát Em Về Tinh Khôi ở những phút cuối hay giọng hát của Tam ca 3A (Nắng hát) và Tik Tik Tak (Tình ca hai mươi).
Nên nghe thử: Ngồi hát ca bềnh bồng, Em về tinh khôi (Thanh Lam), Cảm ơn một đóa xuân ngời (Mỹ Linh).
Vàng Son (2000)
“Thôi nghe em tóc kia còn xanh / Thì xin cứ an lành …”
“Vàng Son” do ba giọng ca hàng đầu Hồng Nhung, Hà Trần, Thu Phương thể hiện
10 ca khúc trong Vàng Son được trao cho ba giọng ca hàng đầu khi ấy là Hồng Nhung, Hà Trần và Thu Phương.
Bên cạnh những tình ca trẻ trung quen thuộc, Quốc Bảo thử nghiệm những bài mang hơi hướng dân gian đương đại như Ca dao hồng, Vàng son, Còn hồng trên môi,… Các ca khúc nối dài thành chuỗi cảm xúc luyến tiếc về những ngày đã xa, thời “vàng son” như tên gọi.
Trong nửa đầu album, hai màu sắc được trộn vào nhau tạo cảm giác không thống nhất. Nửa sau dễ nghe hơn vì thiên về nhạc trẻ.
Hà Trần trở thành “nàng thơ” chính khi trình bày 5/10 ca khúc, bao gồm bài chủ đề (cuối album tặng kèm bản độc diễn saxophone của Trần Mạnh Tuấn). Nữ ca sĩ thể hiện khả năng biến hóa đa dạng, hát được cả những bài đòi hỏi phải luyến láy theo kiểu dân ca, cần những câu “í a” hay “ới a”. Các bài nhạc trẻ như Vắng em, Em về tóc xanh sau này gần như cũng “đóng đinh” với tên tuổi Hà Trần.
Bất ngờ nhất là Thu Phương. Cô trải nghiệm, sâu lắng khi hát tình khúc Việt Anh bao nhiêu thì lại trẻ trung, tươi mới khi hát nhạc Quốc Bảo bấy nhiêu, thổi sức sống qua loạt bài Thiên sứ, Tóc nâu Môi Trầm, Tình Khúc Thơ Ngây.
Hồng Nhung vẫn có khoảnh khắc tỏa sáng nhưng hơi lép vế hơn đồng nghiệp khi chỉ hát hai bài: Ca dao hồng và Tình ca nhung.
Về tổng thể, Vàng son vẫn là tuyển tập các ca khúc nhẹ nhàng, dịu dàng đúng chất Quốc Bảo, nhưng các bản phối còn khá “hiền”, không có nhiều đột phá. Điều đó khiến album chưa thực sự vượt qua được “cái bóng” của Ngồi hát ca bềnh bồng, nhưng là bước đệm để nhạc sĩ tiếp tục thử nghiệm và cho ra đời Bình yên ba năm sau.
Nên nghe thử: Vắng Em, Em Về Tóc Xanh (Hà Trần), Tình Khúc Thơ Ngây (Thu Phương).
Bình Yên (2003)
“Bình yên một thoáng cho tim mềm / Bình yên ta vào đêm…”
“Bình Yên” là album thành công nhất về mặt thương mại của nhạc sĩ Quốc Bảo.
Bình Yên là album thành công nhất về mặt thương mại của Quốc Bảo, từng được tái bản nhiều lần dưới định dạng CD, phát hành phiên bản đĩa than sau gần hai thập niên.
Thời điểm đó, nhạc sĩ bắt đầu khai thác các nhạc cụ điện tử, chơi đùa với auto-tune (phần mềm điều chỉnh tự động) giúp màu sắc âm nhạc trở nên tươi mới, hiện đại và hợp thời hơn.
Với 5/11 ca khúc, Hà Trần tiếp tục là “ngôi sao” của đĩa nhạc, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc tình yêu. Nữ ca sĩ bắt đầu Là yêu chưa từng yêu bằng sự sảng khoái, thổi dịu dàng vào Tình ơi rồi lại dữ dội với Gió. Đặc biệt, giọng Hà Trần tung tẩy nhất trong bản electro-pop Tình ca, liên tục cuốn người nghe vào phần điệp khúc, trở thành dấu ấn khó quên của album.
Album còn thành công khi khai thác hai giọng ca mới toanh: Hồ Ngọc Hà và Lê Hiếu.
Dù giọng hát thuở mới vào nghề còn thô ráp, Hồ Ngọc Hà vẫn tạo sức hút riêng với Lan xưa và Một ngày, để lại dấu ấn mà nhiều nghệ sĩ sau này hát lại khó thể thay thế.
Trong khi đó, giọng Lê Hiếu nhẹ tênh khi hát những bản tình ca như Tàn phai, Mây mùa đông. Anh cũng thoải mái trong hai ca khúc có tiết tấu nhanh là Tim anh trôi về em, Em hay là trái tim tôi.
Cuối album, hai cha con Trần Hiếu – Trần Thu Hà cùng khép lại album bằng ca khúc chủ đề, như xua tan mọi muộn phiền u ám.
Nên nghe thử: Tình ca, Bình yên (Hà Trần), Một ngày (Hồ Ngọc Hà)
Những Chuyện Kể (2004)
“Ta đã yêu nhau chưa vậy? Chiều qua rất êm như môi em…”
“Những chuyện kể” được sắp xếp như cuốn tiểu thuyết gồm ba hồi.
Bình Yên (2003) khép lại khoảng trời hoàng hôn với những tia nắng an lành, Những Chuyện Kể mở ra bóng tối của màn đêm u uất.
11 ca khúc được Quốc Bảo sáng tác sau khi đi qua nhiều thăng trầm trên đường đời. Tình ca anh viết vì vậy cũng mang màu sắc hoàn toàn mới, đâu đó ẩn sau vị ngọt của ca từ là dư vị đắng chát.
Âm nhạc mang màu sắc rock/ alternative với guitar điện và keyboard xuyên suốt. Ca từ nối dài thành câu chuyện của người vực dậy từ vực thẳm, bước ra đón chào tình yêu, nhớ về quá khứ rồi giật mình tỉnh giấc, tự hỏi mình có đang yêu?
Lần đầu tiên nhạc Quốc Bảo không có những ngôi sao như Thanh Lam, Hà Trần, Hồng Nhung,… Ngoài Lê Hiếu quen thuộc thì Mai Khôi và Thủy Tiên là hai gương mặt mới toanh.
Album được chia thành ba phần ứng với ba giọng hát chính, theo thứ tự lần lượt là Mai Khôi, Lê Hiếu và Thủy Tiên. Mỗi bài hát như một chuyện kể, ghép lại thành một chương trong tiểu thuyết, như lời nhạc sĩ đang tự vấn bản thân.
Mai Khôi tỏa sáng ngay lần đầu hát nhạc Quốc Bảo. Cô hát có phần điệu đà nhưng luôn tỉnh táo khi xử lý các ca khúc. Lê Hiếu thì như “công tử”, đôi khi đẩy từng nốt nhạc dửng dưng chứ không nâng niu, làm màu như nhiều nam ca sĩ khác.
Ấn tượng nhất là Thủy Tiên, hát phần lớn theo bản năng mà vẫn tràn trề cảm xúc. Cô cũng là người được nhạc sĩ ưu ái nhất khi được hát ở vị trí cuối cùng, khép lại album đầy ám ảnh với Ta Đã Yêu Trong Mùa Gió – cũng là một trong những ca khúc hay nhất cô từng hát.
Nên nghe thử: Mùa Quả Đắng, Về, Ta Đã Yêu Trong Mùa Gió (Quốc Bảo)
V (2006)
“Một khi đã yêu thì đã biết / sẽ rơi không ngừng / vào vực sâu mê đắm…”
“V” là album có màu sắc khá “lạ” trong danh sách.
Câu chuyện của V nhiều điểm tương đồng hoặc tiếp nối Những chuyện kể – xoay quanh những trăn trở về tình yêu – nhưng các giọng ca mới khiến âm nhạc Quốc Bảo thực sự trẻ hóa.
Tương ứng nhan đề, các ca khúc trongalbum được trao cho năm ca sĩ gồm: Tóc Tiên, Thanh Huyền, Từ Hiền Trang, Lê Hiếu và Thủy Tiên. Mỗi bài như được nhạc sĩ “đo ni đóng giày” cho từng người, giúp ai cũng có không gian riêng để tỏa sáng.
Nửa đầu album mang màu sắc tươi vui, sáng sủa. Ngay từ bài mở màn, Tóc Tiên cất tiếng khẳng định: “rằng em đã thành xương thịt của riêng ta”, “đã yêu thì tan tác đời” (Chung thân).
Chuỗi ca khúc tiếp theo cuốn người nghe vào giai điệu rộn ràng của tình yêu. Trong Ru, Thanh Huyền hát mà như đang độc diễn trên sân khấu, tự hỏi có phải mình đang yêu. Đến Yêu Em Hết Thân Anh, Từ Hiền Trang thay đổi không khí với alternative rock, dữ dội tuyên bố: “Đời mòn nhưng yêu còn xanh”
Càng về cuối lại càng chậm rãi, u ám. Ca từ không yên bình, âm nhạc buồn bã hơn. Giữa album, mọi thứ khựng lại. Lê Hiếu phân vân không biết nên “khóc nữa hay cười vui”. Sau đó, Thủy Tiên kéo người nghe vào không gian thất tình với Hẹn, Bài hát vui.
Ám ảnh nhất là giọng hát Tóc Tiên khi khép lại cả album với Yêu. Cô hát như người điên đang tự sự với trái tim mình.
Nét ma mị của Tóc Tiên, sự cuồng nhiệt của Từ Hiền Trang và vẻ ủ rũ của Thủy Tiên biến V trở thành một màu sắc khá lạ trong “quang phổ” nhạc Quốc Bảo.
Nên nghe thử: Hẹn, Bài hát vui (Thủy Tiên), Khi sang mùa (Từ Hiền Trang).
Một số hình ảnh về nhạc sĩ Quốc Bảo. Nguồn: tổng hợp.
My Guitar, My Friends (2008)
“Phố ai quen ai xa lạ, đẹp hơn mỗi ngày qua”
Quốc Bảo mở ra trào lưu nhạc acoustic với “My guitar. My friends”.
Cuối thập niên 2000, khi nhiều nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc điện tử hiện đại, Quốc Bảo chứng minh cảm xúc bắt nguồn từ những âm thanh mộc mạc nhất. My Guitar, My Friends là một trong những album đi theo phong cách unplugged (không điện tử), mở đường cho trào lưu nhạc acoustic Việt kéo dài nhiều năm sau đó.
Tám ca khúc đều do nhạc sĩ sáng tác, tự đệm đàn guitar, thu trực tiếp, không chỉnh sửa. Trừ Hòa Trần là gương mặt mới, cả Mai Khôi lẫn Tóc Tiên đều đã có nhiều thời gian làm quen với âm nhạc Quốc Bảo nên hát thoải mái, tự nhiên.
Thời điểm này, độ chín trong giọng hát Mai Khôi đủ để lột tả trọn vẹn cảm xúc từ âm nhạc Quốc Bảo. Cô nâng niu từng nốt nhạc như đang kể chuyện mình thay vì chuyện người*.
Dù chỉ thể hiện hai ca khúc, Tóc Tiên vẫn tỏa sáng, vẽ nên hình ảnh ngây thơ, hồn nhiên khác hẳn Mai Khôi. Cô hát mềm mại, bớt ám ảnh hơn thời V để phù hợp tinh thần hai ca khúcđược giao: Em về tóc xanh và Ngồi hát ca bềnh bồng. Hòa Trần cũng không hề lép vế khi đóng vai trò giọng nam duy nhất, biết nắn nót đúng chỗ để tạo ra âm sắc riêng.
Ngoài ra, điều giúp album thành công chính là tiếng guitar của Quốc Bảo. Phần lớn anh đánh nhẹ nhàng như người đang ung dung đi trên phố, đồng hành cùng ca sĩ.
Cách biên tập cũng giúp ba giọng hát đều có đất để phô diễn cá tính, không hát chung nhưng khi đứng cạnh nhau hài hòa, tạo nên đĩa nhạc giàu cảm xúc.
Nên nghe thử: Tình ca phố, Vừa biết dấu yêu (Mai Khôi), Em về tóc xanh (Tóc Tiên).
Q+B (2009)
“Kể từ ngày em đến, em vào từng đêm vui…”
“Q+B” là đỉnh cao mới của nhạc sĩ cuối thập niên 2000.
Có thể hình dung Q+B là những hình ảnh hoàn toàn trái ngược với My Guitar, My Friends khi dùng nhạc cụ điện tử chủ đạo.
Các bài hát được phối theo phong cách pop rock/alternative với nhịp nhanh, dồn dập khiến âm nhạc rạo rực như trái tim người đàn ông vừa biết yêu trở lại. Trống đập rộn ràng, bass thình thịch. Tiếng guitar điện của Dũng Dalat trở thành âm thanh ám ảnh qua từng ca khúc, là một dấu ấn khó quên.
Album gồm 9 sáng tác, trong đó Tình Như Trái Chín Muộn được phối thành hai bản: một đơn ca và một song ca giữa Mai Khôi và nhạc sĩ Bảo Chấn được đặt ở cuối như quà tặng kèm (bonus track).
Ca khúc phần nào thể hiện tinh thần album khi Quốc Bảo được “tái sinh” với tình yêu mới. Anh viết nên nhiều ca từ đẹp để tôn vinh mối tình bền chặt: “Tim cháy cạnh tim, nào ai nỡ tắt” (Quỳnh), “Vì yêu em chẳng tiếc, vì yêu em mà đốt tôi lên cháy rực” (Tình Như Trái Chín Muộn).
Các giọng ca đều sở hữu kỹ thuật tuyệt vời, giúp album đa dạng về màu sắc và giàu cảm xúc, có chất lượng tương đồng Bình yên. Quang Lý ám ảnh trong Tình Khúc. Tùng Dương tha thiết trong Quỳnh. Viết Thanh thô ráp, nam tính trong Anh Yêu Em.
Song, Hồ Quỳnh Hương mới thực sự là ngôi sao với nhiều đất diễn (3/9 ca khúc). Sau này, cô có hát lại Quỳnh với một cách hát mềm mại, nữ tính hơn so với bản của Tùng Dương.
Không khó để khẳng định Q+B chính là đỉnh cao của Quốc Bảo trong những năm 2010. Bước sang thập niên mới, anh đóng vai trò sản xuất nhiều hơn là thực hiện album tác giả.
Nên nghe thử: Xa, Tình Như Trái Chín Muộn (Hồ Quỳnh Hương), Tình Khúc (Quang Lý).
4 (2015)
“Có lúc buồn rầu đến suốt đời, có lúc cười rất tươi…”
“4” đánh dấu sự trở lại của nhạc sĩ Quốc Bảo sau nhiều năm đầu tư cho học trò.
Giai đoạn 2010-2015, Quốc Bảo dành nhiều thời gian để sản xuất album cho các học trò như Hoàng Anh, Nguyên Hà, Danh Việt. Sau nhiều năm vắng bóng, 4 đánh dấu sự trở lại của nhạc sĩ Quốc Bảo với các ca khúc mới.
Album được thực hiện ngẫu hứng, gồm 10 sáng tác được thu âm bởi bốn giọng ca có mới (Ái Phương, June Nguyễn) có cũ (Mai Khôi, Nguyên Hà). Sự kết hợp cho ra kết quả khá tiêu cực. Các bài hát thiếu đi sức sống của V và tinh thần sảng khoái của Q+B.
Âm nhạc có hơi hướng tinh giản giống bộ ba album Địa Đàng nhạc sĩ từng thực hiện cho Nguyên Hà. Từng giai điệu nhuốm màu sắc buồn bã như một tiếng thở dài. Tiếng dàn dây kéo dài thảm thiết, tiếng guitar đục ngầu, trống nếu có cũng chỉ vỗ nhè nhẹ làm nền cho các giọng hát.
Bốn ca sĩ không làm album trở nên sống động hơn. Mai Khôi mất đi sự khao khát. Nguyên Hà mất đi sự thanh thản. Còn June Nguyễn thiếu cả kỹ thuật lẫn cảm xúc. Hai bài cô trình bày – Lời Lời Là Nỗi Nhớ và Một cơn mơ có thật – đều có bản phối pop rock đặc trưng trong nhạc Quốc Bảo, nhưng giọng hát là điểm trừ.
Trước tình thế đó, bỗng nhiên Ái Phương trở nên nổi bật. Dù chỉ thể hiện hai ca khúc, cô thổi hồn vào từng lời ca, hát như thể chờ đợi giây phút này từ rất lâu.
Cuối album, cả bốn giọng hát hòa vào nhau trong Có Gì Đâu. Sau đó, Đan Hy xuất hiện với Bi khúc – bản lời đầu của Tàn Phai – như một món quà bất ngờ dành tặng những ai kiên nhẫn nhất. Nhưng giọng cô lại không nổi bật so với các “nàng thơ” nói trên.
Nên nghe thử: Lời Ca Xanh, Có Lúc (Ái Phương), Đền Nhau (Mai Khôi).
9 Bài Ru (2019)
“Bão làm quà đắng cay buồn phiền, lúc tàn mộng vẫn nghe trời khóc…”
“9 bài ru” chứng minh Nguyên Hà hát nhạc Quốc Bảo rất hay.
Album gồm chín bài hát đều có tên Ru, được phân biệt bởi số đếm như cách Beethoven phân biệt các bản giao hưởng. Trong đó, một số bài từng xuất hiện rải rác trong bộ ba Địa Đàng của Nguyên Hà.
Dù có vẻ ngẫu hứng, các ca khúc như được nhạc sĩ sáng tác vào những đêm mưa ngồi nhớ người yêu.
Ru 3 là cảm giác cô đơn của người đi một mình dưới mưa tìm kiếm tình yêu. Ru 5 là giây phút hồi tưởng về “cơn bão” ngày nào còn đang yêu nhau, giờ bão tan thì tình cũng tàn. Ru 7 lại là ảo giác của người chuếnh choáng men say, nhìn ra màn mưa mà tưởng người yêu quay về.
Ca từ nối dài chuỗi tự sự về tình yêu không trọn vẹn. Không gian âm nhạc chủ yếu dùng piano và guitar nhẹ nhàng. Tất cả giúp chín ca khúc nối liền mạch như một concept album (album chủ đề).
Bên cạnh Nguyên Hà, trong album còn có sự góp giọng của Phạm Hoài Nam và June Nguyễn. Ba ca sĩ là ba phong cách khác nhau nhưng tinh thần chung là nhẹ nhàng, dễ chịu, hát như ru.
Thể hiện 4/9 ca khúc, Nguyên Hà tiếp tục chứng tỏ mình không chỉ hát tốt mà hát nhạc Quốc Bảo rất hay, xứng đáng để thay thế Mai Khôi ở thập niên trước. Âm sắc trong giọng hát Nguyên Hà thực sự giúp các sáng tác Quốc Bảo được nâng lên tầm cao mới. Đã da diết thì da diết hơn. Đã u uất thì u uất hơn.
Phạm Hoài Nam, June Nguyễn tiếp nối cách hát tự nhiên, không đặt nặng kỹ thuật của Danh Việt, Hoàng Anh. Sai lầm của hai ca sĩ là dũng cảm đứng cạnh Nguyên Hà.
Nên nghe thử: Ru 3 (Phạm Hoài Nam), Ru 5, Ru 7 (Nguyên Hà)
My Guitar, My Friends 2 (2020)
“Ngày nhớ đêm thương một khối tình hoang”
“My Guitar, My Friends 2” tối giản hơn album đầu.
Đến thời điểm này, Quốc Bảo như một đạo diễn, không cần những diễn viên giỏi để kể một câu chuyện hay. Tám ca khúc trong My Guitar, My Friends 2 không mới. Hai giọng nữ không tạo sắc thái đa dạng như bộ ba Mai Khôi – Tóc Tiên – Hòa Trần.
Album đơn giản, mộc mạc đúng với tinh thần đặt ra. Một sequel (hậu truyện) hoàn toàn tách biệt phần đầu.
Võ Lê Vy hát như người đàn bà “biết xót thương tình yêu” thì Tiêu Châu Như Quỳnh là cô gái “giữ tình yêu thật xanh / giữ tình em thật hiền”. Giọng Vy có phần lấn át với 5/8 ca khúc, nhưng giọng Quỳnh dung hòa, giảm bớt sự nặng nề của album. Nghe Quỳnh nếu cần sự trong trẻo, còn muốn nếm mùi từng trải tìm đến Vy.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, Võ Lê Vy đã hát như đang nấc: “Ngày hạnh phúc anh kêu tên em muôn lần mới yên dạ” (Tình hiền). Cô ngân từng nốt trong Bình yên mà lòng không yên bình, nhìn về phía biển mà thấy “đàn chim bay như bão, trời đỏ tươi như máu” (Hàng ngàn cánh chim) rồi dẫn dắt người nghe chìm vào màn đêm với Dạ khúc.
Trái ngược với sự nặng nề của Võ Lê Vy, Tiêu Châu Như Quỳnh trình bày các ca khúc nhẹ nhàng, mềm mại. Cô không điệu đà hay chịu áp lực bởi các phiên bản trước khi hát Em về tinh khôi, Tình ca phố.
Kỹ thuật phòng thu tối tân giúp tiếng guitar Quốc Bảo sắc, sáng và vang hơn album đầu. Anh không có nhiều đoạn solo mà nương theo ca sĩ, giúp các giọng hát có đất để tỏa sáng hơn.
Nên nghe thử: Hàng ngàn cánh chim (Võ Lê Vy), Em về tinh khôi (Tiêu Châu Như Quỳnh)
10 trong số nhiều album nhạc sĩ từng thực hiện suốt 30 năm.
* Mai Khôi Sings Quốc Bảo cũng là một album xứng đáng có trong bộ sưu tập của những ai yêu nhạc Quốc Bảo.
Ngoài các album nói trên, nhạc sĩ Quốc Bảo còn có album tổng hợp Những Khoảnh Khắc Tôi Chọn phát hành năm 2008, 30 năm tình ca Quốc Bảo, Những bài hát dành tặng (cùng Nguyên Hà) phát hành năm 2021,…
Dưới góc độ sản xuất, Quốc Bảo đóng vai trò lớn trong việc xây dựng tên tuổi cho các học trò như Nguyên Hà, Hoàng Anh, Danh Việt. Anh cũng là người nâng đỡ nhiều ca sĩ thời mới đi hát như Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân, Thủy Tiên, Tóc Tiên,…
Ngoài sáng tác nhạc, Quốc Bảo còn chăm viết sách. Các tác phẩm của anh bao gồm: Mặt (2005), Những Ghi Chép Vụn (2008), Thị Dân (2010), Những Cái Tên, Những Mặt Người (2012), Cuốn Sổ Trắng (2015), 50 (2017), Sài Gòn Của Tôi (2018), Những Lời Bình Yên (2019), Tâm – Chân Dung (2019).