Putin: Từ cậu bé nghèo đến người quyền lực nhất nhì thế giới
Putin: Từ cậu bé nghèo đến người quyền lực nhất nhì thế giới
Thứ Hai, ngày 19/03/2018 20:30 PM (GMT+7)
Tổng thống Nga Vladimir Putin sinh ra trong gia đình nghèo khó, ông xuất thân từ KGB để rồi từng bước trở thành nhà lãnh đạo Nga trong suốt 4 nhiệm kỳ và là một trong những người quyền lực nhất thế giới.
Ảnh chụp ông Putin năm 1960.
Theo Mirror, ông Putin sinh ra trong gia đình nghèo ở ngoại ô Leningrad. Mẹ làm việc tại nhà máy còn người cha là lính hải quân Liên Xô cho đến khi bị thương trong Thế chiến 2.
Suốt thời niên thiếu, ông Putin cùng gia đình sống ở tầng trên cùng của toà nhà năm tầng cùng với hai gia đình khác. Họ cùng chia sẻ chiếc bếp gas và bồn rửa ở ngoài hành lang, nhưng gia đình Putin vẫn khá may mắn khi sở hữu phòng rộng nhất.
Ông Putin theo học tại St. Petersburg và không hẳn là một học sinh đặc biệt xuất sắc. Nhưng ông nổi tiếng nổi tiếng bởi thành tích đáng kể với môn Judo và các môn võ khác.
Sau khi kết thúc quãng thời gian học Đại học, ông Putin trở thành điệp viên thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB). Được làm việc cho KGB là niềm mơ ước của ông Putin kể từ khi học lớp 9.
Ông Putin năm 1963.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, số lượng điệp viên KGB cũng giảm rõ rệt. Ông Putin chuyển sang làm việc trong chính quyền thành phố Saint Petersburg, nơi trước đây gọi là Leningrad.
Sergey Pugachyov, nhà đầu tư Nga và từng là bạn cũ của ông Putin nói trong bộ phim tài liệu của BBC rằng, sự thăng tiến vượt bậc của ông Putin là điều không ai ngờ.
“Putin khi đó chỉ là cựu sỹ quan KGB. Có hàng ngàn người như vậy bị loại ra khỏi hệ thống khi Liên Xô sụp đổ. Ông ấy không hề có tham vọng chính trị”, Pugachyov nói.
“Việc ông Putin được chuyển sang làm việc tại chính quyền thành phố Saint Petersburg là điều hoàn toàn ngẫu nhiên”.
Trong bối cảnh hỗn loạn vì Liên Xô sụp đổ, thị trưởng Saint Petersburg cần thêm các cố vấn và ông Putin tham gia vào vai trò này rất hoàn hảo.
Ông Putin cưới bà Lyudmila năm 1983.
Kể từ đó, ông Putin nổi lên là cánh tay phải của thị trưởng Saint Petersburg khi đó.
Khi thị trưởng để thua trong cuộc bầu cử năm 1996, ông Putin cùng gia đình chuyển đến Moscow. Ông Putin nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin.
Valentin Yumashev, con nuôi của Boris Yeltsin và từng là chủ tịch văn phòng tổng thống Nga nói: “Yeltsin muốn tìm một ai đó có đủ năng lực, sự tín nhiệm trong đội ngũ để trở thành nhà lãnh đạo tương lai”.
“Yeltsin chọn Putin vì ông ấy là người khiêm tốn, không bao giờ lên tiếng trừ khi được yêu cầu. Và khi cờ đến tay thì ông Putin đã làm rất tốt”. Ông Putin khi đó được phác họa là nhân tố trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết sẽ thay thế Yeltsin khi cố lãnh đạo Nga về hưu.
Pugachyov nhớ lại: “Tôi từng cố gắng khuyên Putin trở thành Tổng thống. Khi chúng tôi ở Điện Kremlin, trong văn phòng của Putin, ông ấy đã nói ‘không’. Ông ấy không tin rằng điều đó có thể xảy ra”.
Ông Putin trong hàng ngũ KGB.
“Cuộc bầu cử diễn ra trong 6 tháng tới. Ông Putin khi đó phải trở thành ứng viên với nhiều áp lực”.
“Ý tưởng của tôi là Yeltsin sẽ bất ngờ nghỉ hưu và Putin trở thành quyền tổng thống theo hiến pháp Nga. Từ đó, ông Putin sẽ có lợi thế trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra”, Pugachoyov nói trên BBC.
Đến tháng 3.2000, ông Putin chính thức đắc cử với 53% số phiếu bầu và tuyên thệ nhậm chức 2 tháng sau đó.
Nắm quyền lãnh đạo nước Nga, ông Putin đề ra nhiều cải cách mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí.
Ông Putin cũng chọn Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair, làm nhà lãnh đạo đầu tiên mình gặp kể từ khi lên nắm quyền.
Jack Straw, cựu Ngoại trưởng Anh nhớ lại cuộc gặp với ông Putin: “Ấn tượng của tôi là ông Putin rất tự tin, có điểm gì đó giống với Tony Blair. Hai người rất tương đồng với nhau”.
Ông Putin trong bức ảnh chụp cùng cha mẹ.
Ông Putin sau đó gặp Tổng thống Mỹ George W Bush để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Sự ủng hộ của ông Putin ở Nga cũng tăng vọt vì người Nga nghĩ rằng vị thế của đất nước đã được khôi phục.
Nhưng dù là nhà lãnh đạo Nga, ông Putin khi đó không khá giả gì. Có tin nói bạn bè giàu có mua máy tính cho con ông Putin vì người cha không có đủ tiền.
Vladimir Yakunin, thứ trưởng giao thông Nga, người từng là thành viên KGB và là hàng xóm của ông Putin nói ở thời điểm đó rằng, 46% GDP Nga chảy và túi 8 công ty, do 8 gia đình tài phiệt Nga sở hữu.
Đến năm 2003, Putin bắt đầu nhắm đến các tài phiệt này. Trong số đó có Mikhail Khodorkovsky, người từng giàu thứ 4 trên thế giới và được cho là muốn mở rộng quyền lực chính trị. Khodorkovsky bị bắt giữ, tịch thu tài sản và ngồi tù 10 năm. Cựu tài phiệt này hiện sống ở Thụy Sĩ và không bao giờ muốn quay lại Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công khai khen ngợi ông Putin.
Tầm ảnh hưởng của ông Putin lan rộng, tác động đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và cuộc can thiệp quân sự chống khủng bố của Nga ở Syria năm 2015.
Mặc dù từng bị phương Tây chỉ trích, nhưng những ảnh hưởng và đóng góp to lớn của Putin đối với nước Nga là không thể phủ nhận. Bởi vậy, ông nhận được sự yêu mến và ủng hộ của rất nhiều người dân Nga. Kết quả bầu cử chính là thước đo rõ ràng nhất cho nhận định đó. Năm 2000, ông giành 53% số phiếu, đến năm 2004 là 73%, năm 2012 là 63% và tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ ông Putin năm 2018 lên tới 76%.
Ngoài cương vị là một chính khách nổi tiếng, ông Putin còn gây ấn tượng mạnh khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với hình ảnh cởi trần khoe cơ bắp trong những lần đi câu cá, bơi lội, chèo thuyền….
Trong bài phát biểu mới nhất sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố, ông Putin khẳng định đây là chiến thắng của đội ngũ tranh cử và những người ủng hộ ông trên khắp cả nước.
Tổng thống Nga đề cập đến những sự thay đổi lớn trong chính phủ nhiệm kỳ mới, cũng như việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây và coi Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất.