Phương Nam và Uy Lê: “Sảng khoái nhất là nói được điều mình sợ”
Tôi biết đến Sài Gòn Tếu, hay là hài độc thoại tại Việt Nam, lần đầu qua video “Gia đình Con Rồng Cháu Tiên”. Thời ấy, Sài Gòn Tếu chỉ diễn ở Monkey In Black với sức chứa vài chục người, fanpage của nhóm cũng có phần hẻo lánh. Một cách nào đó, tôi thấy họ khá cô đơn.
Giờ đây, cái tên Sài Gòn Tếu lan khắp ngõ ngách. Những show diễn của nhóm thường ở trạng thái cháy vé. Không còn chỉ là một quán cà phê, mà đội ngũ này đã mang hài độc thoại đến những sân khấu lớn hơn.
Mỗi lần nhìn Sài Gòn Tếu, tôi đều nghĩ lại về việc chúng ta có thể đi xa thế nào, dù cô độc, miễn là có niềm tin.
Vietcetera đã gặp Sài Gòn Tếu nhiều lần và nghe kể về nhiều câu chuyện thú vị. Lần này, tại Have A Sip After Hours, với Uy Lê và Phương Nam, chúng tôi ngồi lại với nhau để lại nghe về những điều chưa biết.
Trước khi thành lập Sài Gòn Tếu, các bạn có nỗi sợ nào không?
Uy Lê: Có lẽ sợ nhất là việc chuyển diễn hài từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì… bố mẹ sẽ nghe hiểu được.
Bố mẹ các bạn đã cảm thấy thế nào về công việc của con mình?
Phương Nam: Lúc đầu, ba mình chỉ kêu là “làm cho vui thôi nha con, sau này tìm thứ gì ổn định mà làm”. Nhưng thời gian trôi qua, khi ba nhận ra việc mình làm có giá trị thì đã bắt đầu thôi nhắn nhủ mà đem mình đi khoe khắp xóm rồi.
Uy Lê: Mình luôn nghĩ bố mẹ sẽ khó mà hiểu việc mình đang làm nên thời gian đầu không dám nói. Đợt ấy, mình có ghi lên Facebook là sẽ tới diễn ở một sân khấu mở. Hôm đó vì có việc nên mình không đến. Nhưng thứ mình không ngờ nhất là bố mẹ… lén đi xem. Sân khấu ở tận Bùi Viện, lại còn toàn người nước ngoài. Bố mẹ đã đến một nơi hoàn toàn xa lạ, chỉ để ủng hộ mình.
“Bố mẹ đã đến tận nơi hoàn toàn xa lạ, chỉ để ủng hộ mình” – Uy Lê | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Lúc ấy mình mới biết là bản thân hơi coi thường sự hiểu và quan tâm bố mẹ. Sau này, rất nhiều kịch bản của Uy Lê đã được hoàn thành và chỉnh sửa cùng với mẹ.
Khoảnh khắc nào khiến các bạn tự hào về công việc mình làm?
Uy Lê: Trước khi thành lập Sài Gòn Tếu khi mình Google search về hài độc thoại Việt Nam thì kết quả hoặc là không có gì, hoặc chỉ ra những từ khóa như “tục tĩu”. Nhưng giờ đây, kết quả hiển thị lại là “tiếng nói của người trẻ” hay “sức khỏe tinh thần”.
Gần đây mình có nhận tin nhắn cảm ơn từ một cô hơn 40 tuổi. Cô ở Paris, nhưng vẫn xem Sài Gòn Tếu. Cô bảo xem để nhớ lại tiếng Việt. Mình có thể có nhiều sản phẩm viral với nhiều trăm ngàn like share, nhưng đôi khi cũng không bằng một tin nhắn cảm ơn. Đó là khoảnh khắc giúp mình biết mình đang làm gì đó đúng.
“Mình tự hào vì… không nghĩ sẽ đi xa được đến thế!” – Phương Nam | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Phương Nam: Mình tự hào vì không nghĩ được bản thân sẽ đi xa như vậy. Lúc mới tham gia hài độc thoại, mình chỉ nghĩ là đang làm thứ mình thích, giống như mê đá banh thì sẽ đi đá banh vậy đó. Nhưng giờ đây, mình biết mình đang mang lại nhiều giá trị, hơn cả tiếng cười.
Ngoài ra, mình cũng tự hào về cách ba mẹ nói về nghề nghiệp. Hồi xưa, khi người ta hỏi Phương Nam làm gì, ba mẹ đều phải ngồi giải thích hài độc thoại là gì. Bây giờ, ba mẹ chỉ đơn giản nói “Lên YouTube gõ Phương Nam hài độc thoại là ra ấy mà”.
Đâu là khoảnh khắc tự hào của bố mẹ mà các bạn nhớ?
Uy Lê: Mẹ mình hay có trò “humblebrag”. Lúc nào cũng nói “Con tui đâu làm gì đâu, nó chỉ đi diễn hài, có nhiều clip mấy trăm ngàn views trên YouTube thôi ấy mà”.
Phương Nam: Mẹ mình lúc nào cũng thể hiện rõ sự tự hào. Có khách tới nhà là sẽ kêu mình “ra đây gặp chú, chú muốn gặp con lắm nè”.
Ba ở trước mặt thì lúc nào cũng kêu mình phải nhớ chăm chỉ học hành. Nhưng gọi với người khác sẽ nói “Cháu nó làm công ty giải trí, toàn đi diễn ở nhà văn hóa thanh niên, sân khấu lớn ấy mà”, rồi ba sẽ… gửi link YouTube cho người ta xem luôn.
Có tai nạn nào trong diễn xuất khiến các bạn ấn tượng đến giờ không?
Uy Lê: Mình từng diễn ở một chỗ có nhiều túi bean bag, diễn xong nhìn quanh thấy mọi người ngủ hết. Có lần, mình còn diễn trên sân khấu chỉ có 4 người xem nữa.
Có lần mình đi thi ở Thái và vào chung kết nhờ “đậu vớt”. Đang kể một câu chuyện cảm động, mình đứng thừ ra trên sân khấu 10 giây vì… quên bài, mọi người còn tưởng là vì mình đang xúc động lắm.
Lúc bước xuống, mình mới biết là nếu đứng thêm chút nữa thôi là sẽ bị trừ điểm rồi. Sợ đến mức sau này không bao giờ dám quên bài nữa.
Nhiều khi tai nạn lại là việc đang diễn thì nghe người ta cụng ly. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Phương Nam: Anh Trọng team mình còn từng diễn trên thuyền, khi hai bên là các dãy bàn có khách đang… nhậu. Tưởng tượng đang “quăng miếng hài” thì một bàn hô lên “Dô” mà xem…
Có bao giờ các bạn bị áp lực “phải buồn cười” không?
Phương Nam: Đến giờ, mình vẫn bị áp lực phải nói chuyện một cách vui vẻ. Thậm chí những lúc mình đang buồn và chỉ muốn kể một câu chuyện bình thường, ánh mắt người nghe vẫn như đang nói với mình rằng “Hài đâu? Joke đâu?”.
Không chỉ ở ngoài đời đâu, áp lực ấy còn ở trong từng giây phút mình đứng trên sân khấu, dù đã diễn cũng kha khá rồi. Mình có nhiều set viral, vậy nên mình luôn thường trực nỗi sợ rằng các set sau ít nhất phải ngang bằng, hoặc hơn.
Uy Lê: Mình cũng gặp áp lực khi đùa với bạn. Thậm chí gần đây nhất, khi mình trả lời phỏng vấn, họ cũng bảo “nói gì vui vui đi”.
Uy đã học cách vẽ cho mình một lằn ranh. Diễn viên hài là một công việc, mình sẽ hài khi mình làm việc. Nhưng khi làm những điều khác, mình chỉ cần nghiêm túc và thoải mái thôi.
Riêng Uy Lê, bạn có một loại áp lực nào khác không khi là “đầu tàu” của nhóm?
Uy Lê: Khi mình đi thi, nếu thắng thì “vì là nhóm trưởng”, còn nếu thua thì “tại sao nhóm trưởng mà thua”. Dù muốn dù không, về lâu dài, mình sẽ vẫn ghi nhớ những nhận xét như thế.
“Mình thu thập comment như thu thập dữ liệu vậy”. – Uy Lê | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Nhưng mình luôn quan niệm “nếu bạn là một nghệ sĩ, hãy phản hồi bằng sản phẩm”. Mình tập trung vào hài độc thoại. Và mình làm một việc mà có lẽ sẽ nhiều người khuyên không nên làm: đọc hết comment, thậm chí còn bỏ vào sheet như thu thập dữ liệu vậy. Thông qua những nhận xét mang tính xây dựng là cách để mình biết có thể tiến bộ thêm như thế nào.
Sau những áp lực và mệt mỏi, đâu là phút giây giúp các bạn tìm về sự sảng khoái?
Phương Nam: Nơi thứ nhất mình sẽ tìm về là gia đình. Gia đình luôn giúp mình sạc lại năng lượng. Nơi thứ hai là Sài Gòn Tếu. Có một điều chúng mình luôn nói rằng “may mắn của Sài Gòn Tếu là có nhau”. Đôi khi stress quá, tụi mình sẽ gọi điện, chỉ để khóc với nhau rồi lại chiến đấu tiếp.
Uy Lê: “Cái đối lập với chiến tranh không phải hòa bình mà là sáng tạo”.
Mình nghĩ mình sẽ không đi tìm sự bình yên như định nghĩa vốn dĩ của nó. Việc nói chuyện với bạn bè, tham gia các hoạt động để tạo ra một điều gì đó có ý nghĩa, với mình, chính là bình yên.
Nếu được giao một show hài độc thoại với chủ đề “sảng khoái”, các bạn sẽ làm gì?
Uy Lê: Một show diễn sảng khoái, với mình, là vào cuối show, có cảm giác mọi người trong sân khấu hôm ấy đều đã thành người một nhà. Mình sẽ chọn đề tài là những chuyện khó nói, và về tâm lý. Vì mình muốn gỡ hết mọi sự bất an trong lòng mọi người.
Sảng khoái thật sự là can đảm nói lên nỗi sợ và bất an trong lòng. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera
Phương Nam: Đó sẽ là một show diễn mà mình nói về nỗi sợ. Mình có rất nhiều nỗi sợ và nó đã từng ngăn cản mình làm bao nhiêu là thứ, đến bây giờ cũng vậy. Mình muốn làm sao để hết sợ để lên diễn, hay dù sợ nhưng vẫn diễn.
Mình nghĩ sảng khoái thực sự là khi đứng lên để kể về một thứ mà thậm chí mình còn không dám nói về nó.
Đón xem Have a Sip After Hours mỗi thứ Năm hằng tuần vào lúc 20h.
Cảm ơn nhãn hàng bia Tiger Crystal đã đồng hành cùng Have a Sip After Hours. Tiger Crystal tin rằng trong mỗi chúng ta luôn có một đam mê cháy bỏng. Chỉ cần bạn bật “sảng khoái”, đam mê sẽ bùng cháy cùng bạn vượt qua mọi thử thách.
Tiger Crystal sảng khoái luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình chinh phục đam mê!