Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng: Một tấm gương, một tiếng thơm

Ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, đã viết về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng: “Bình sinh chính trực, khiêm tốn, giấu mình, vùi đầu vào công việc, coi trọng của công, không mảy may vụ lợi, mưu danh; sau khi qua đời, ông chỉ để lại một tấm gương, một tiếng thơm”.




Lợi ích dân tộc trên lợi ích cá nhân

Đại hội Quốc dân Tân Trào họp ngày 16/8/1945, sau đó đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu với 15 thành viên. Ủy ban làm việc như Chính phủ Lâm thời. Ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 5 thành viên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu và Dương Đức Hiền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Họp xong Đại hội Quốc dân Tân Trào, tin tức dồn dập đưa về: Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945), vua Bảo Đại đánh điện mời đại biểu Chính phủ Lâm thời vào Huế để nhận thoái vị. Trung ương Đảng liền cử ngay một phái đoàn 3 người vào Huế do ông Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ Lâm thời làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Lương Bằng thay mặt Tổng bộ Việt Minh và ông Cù Huy Cận làm thành viên.

Trong hồi ký “Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại” (1960) ông Trần Huy Liệu đã kể lại: “Anh Nguyễn Lương Bằng cùng đi với tôi trong chuyến này, vừa làm công tác phái đoàn, vừa làm công tác của Đảng trong những ngày chính quyền mới về tay nhân dân”.

Khi trở về Hà Nội, trước khi Chính phủ Lâm thời ra mắt đồng bào Thủ đô, ông Nguyễn Lương Bằng xin rút khỏi Ban thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia Chính phủ Lâm thời.

Nhớ lại sự kiện này, ông kể: “Chính Bác nhắc chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là chỉ biết đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không phải khi cách mạng thành công mà ta lại chiếm hết các cương vị trong Chính phủ, nên để cho người khác”.

Đánh giá về hành động tự rút lui, nhường ghế Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời cho các nhân sĩ, trí thức tham gia Chính phủ, trong đó có ông Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.

Coi trọng của công

Năm 1993, trong khi Hà Nội đang lên cơn “sốt đất, sốt nhà”, không ít cơ quan và gia đình, tranh thủ lấn chiếm, cơi nới thêm diện tích thì bà Hà Thục Trinh, phu nhân Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng lại tình nguyện trả biệt thự to đẹp ở số 5 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho Nhà nước.

Sự việc này khiến dư luận vô cùng sửng sốt. Khi tôi hỏi lại chuyện này, người con gái của ông bà xác nhận. Cô còn kể thêm, có người nói, vì sao lại đi trả nhà, ngôi biệt thự ấy là đống của. Những người con của ông bà Nguyễn Lương Bằng đều cười xòa.

Cha mẹ là hai cán bộ tài chính của Đảng, ông bà biết rất rõ giá trị vật chất của ngôi biệt thự này, nhưng còn những giá trị khác lớn hơn, không mua được bằng tiền, vàng hay đô la.

Biệt thự số 5 Thiền Quang này vốn là một trong 8 ngôi nhà ông Nguyễn Lương Bằng mua để làm cơ sở của Đảng. Biệt thự phải nhờ vợ chồng chủ hiệu thuốc lào Giang Ký đứng tên trước bạ để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp.

Suốt 9 năm kháng chiến, ông bà Giang Ký vẫn bám trụ và gìn giữ nguyên vẹn ngôi nhà này. Ngày Chính phủ về tiếp quản Thủ đô (1954), họ đã mang toàn bộ tiền, biên lai thuê và giấy tờ trước bạ của biệt thự giao lại Đảng và Nhà nước. Vợ chồng người chủ hiệu thuốc lào đã làm tấm gương sống thanh bạch như vậy. Huống hồ…

Năm 1979, sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng qua đời, bà Hà Thục Trinh đã viết thư gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ xin trả biệt thự để Nhà nước sử dụng.

Khoảng ba tuần sau, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã trả lời gia đình: “Chị và các cháu cứ ở biệt thự như lúc anh Nguyễn Lương Bằng còn sống, yên tâm, đừng băn khoăn, nghĩ ngợi gì nữa. Vì những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước quyết định biệt thự số 5 Thiền Quang là nhà lưu niệm Nguyễn Lương Bằng và phố Nam Đồng đổi tên thành phố Nguyễn Lương Bằng”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.

Trong hoàn cảnh đất nước còn đang khó khăn, thiếu thốn, bà Hà Thục Trinh nghĩ rằng mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, chia sẻ với Đảng và Nhà nước. Biệt thự số 5 Thiền Quang cho nước ngoài thuê mỗi năm Nhà nước thu lãi hơn tỷ đồng (thời điểm năm 1993 – PV). Số tiền đó, bà tính toán, có thể dùng vào việc xây dựng hoặc các chương trình nhân đạo khác.

Sinh thời, phu nhân Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã tâm sự lý do để bà thực hiện việc làm khiến dư luận xã hội đều phải ngỡ ngàng và kính phục: “Tôi nghĩ chồng tôi còn sống chắc cũng tán thành ý kiến trả biệt thự. Ông ấy vốn là người trung hậu, liêm khiết đến mức lý tưởng. Mẹ con chúng tôi suốt đời theo gương. “Làm thì nhìn lên. Hưởng thụ thì nhìn xuống”, điều mà ông Nguyễn Lương Bằng thường tự nhủ”.

Ông bà Nguyễn Lương Bằng – Hà Thục Trinh có 4 người con. Họ đều là những cán bộ, nhà khoa học, làm công việc chuyên môn thuần túy cho đến khi nghỉ hưu.

Trước việc Hà Nội dự kiến làm nhà lưu niệm và đổi tên phố Nam Đồng thành phố Nguyễn Lương Bằng, một lần nữa, bà Hà Thục Trinh nêu nguyện vọng của gia đình: Nhà lưu niệm thì chỉ cần gắn bảng nhỏ trước cổng. Còn không nên đặt tên đường phố Nguyễn Lương Bằng mà giữ nguyên tên phố Nam Đồng như cũ.

Không màng danh lợi

Những năm cuối đời, khi bước vào tuổi 70, tự thấy mình tuổi cao, sức yếu, có những hạn chế trong tình hình mới của đất nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã nhiều lần đề nghị với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ cho nghỉ hưu.

Song đề nghị này không được chấp thuận. Đất nước thống nhất, được sự tín nhiệm của nhân dân, một lần nữa ông Nguyễn Lương Bằng trúng cử vào Quốc hội và được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước thống nhất.

Năm 1979, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng lại đề nghị được chuyển giao chức vụ lãnh đạo cho lớp cán bộ kế cận trẻ hơn. Một lần nữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thuyết phục ông tiếp tục cống hiến vì sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, hưởng thọ 75 tuổi.

Trong bản Điếu văn đọc tại Lễ tang đồng chí Nguyễn Lương Bằng ngày 23-7-1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá:

“Học tập những đạo đức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí là người khiêm tốn, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực hiện dân chủ, giữ vững kỷ luật, phục tùng tổ chức rộng rãi và chặt chẽ, rất mực yêu thương đồng chí và chăm lo đời sống của nhân dân. Cái tên “Anh Cả” mà chúng ta thường gọi là biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em”.

Tư cách đại diện của đất nước

“Anh vẫn luôn nhắc chúng tôi phải tiết kiệm, tiết kiệm trong sử dụng phương tiện làm việc, tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày nhưng phải đứng đắn đàng hoàng; trong nhà xuềnh xoàng thì được, nhưng ra ngoài phải “đói cho sạch, rách cho thơm”, không cần sang, chỉ cần sạch sẽ, đứng đắn vì dù làm việc gì, hàm cấp nào, là cán bộ, nhân viên Đại sứ quán mình đều mang tư cách đại diện cho đất nước, cho dân tộc”

(Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm)

Hai tấm gương sáng trong gia đình

Tôi gặp con gái Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng để thêm biết và thêm hiểu về đời riêng của một bậc khai quốc công thần trong những ngày Cách mạng tháng Tám dựng nước.

Những kỷ niệm về cha mẹ ùa về trong ký ức của người con gái đã ở ngưỡng cửa tuổi cổ lai hy. Chân tình và cởi mở, song, con gái của ông bà cũng thẳng thắn không muốn nói gì về cá nhân mình.

Cha mẹ là hai tấm gương sáng trong gia đình. Các con đều theo gương cha mẹ, tận tụy trong công việc và cống hiến, họ trở thành công dân tử tế của đất nước ở vị trí hết sức khiêm nhường.

Rate this post