Phát hiện mới về thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ (!?)
Thứ Hai 01/10/2018 , 09:30 (GMT+7)
Câu hỏi “thân phụ của Thống quốc Thái sư – Trung vũ Đại vương Trần Thủ Độ là ai?” đã kéo dài nhiều năm nay, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Tranh vẽ Thái sư Trần Thủ Độ
Hiện tại, đang có hai luống quan điểm. Thứ nhất, gia đình ông Trần Văn Sen ở làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, trước sau vẫn khẳng định thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị, tước phong Hoằng Nghị Đại vương, là người đã đến làng Phương La lập nghiệp, và sinh Trần Thủ Độ ở đó. Ý kiến này được một số nhà sử học như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Tường… ủng hộ. Nhưng sau khi bị các nhà sử học khác phản biện, cho rằng nhà Trần không bao giờ dùng tên người làm tước phong, thì thân sinh Trần Thủ Độ lại được đổi là Trần Thủ Huy, tước phong Hoằng Nghị đại vương.
Có ý kiến còn cho rằng Trần Thủ Huy sinh Trần Thủ Độ ở tận… nước Kim bên Tàu. Chỉ riêng việc này thôi, cũng đã thấy sự không nhất quán rồi. Nhân sự kiện này, ở Thái Bình đã xuất hiện một câu thơ cưỡng vần kiểu “Bút Tre”, rằng “Hoan hô anh Trần Hoằng Nghi / Lúc thì Hoằng Nghị, lúc thì… Thủ Huy”.
Để góp phần trả lời câu hỏi “thân phụ của thái sư Trần Thủ Độ là ai?”, chúng tôi xin công bố hai tài liệu mà chúng tôi mới phát hiện.
Thứ nhất là cuốn “Trần triều thế phả hành trạng”, và thứ hai, là cuốn “Trần thế gia tộc ký tự”. Cả hai đều bằng chữ Hán, được người Pháp phát hiện năm 1938, và được lưu trữ tại viện Viễn Đông bác cổ, Hà Nội. Ngày nay, cuốn “Trần triều thế phả hành trạng” mang ký hiệu A663, được lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Cuốn “Trần thế gia tộc ký tự” mang ký hiệu A.2046, cũng được lưu trữ tại Viện Hán Nôm.
Cuốn “Trần thế gia tộc ký tự (bản dịch)” ghi rõ “năm Canh Thìn (1151), Trần Hấp sinh Trần Lý. Lớn lên, Trần Lý lấy con gái quan thái úy triều Lý Tô Huệ Thí là Tô thị (chị gái của Tô Trung Từ), sinh được 4 trai, 1 gái. 4 trai là Trần Thừa (sau là Trần Thái tổ); Trần Tự Khánh, làm chức thái úy ở triều Lý, được phong làm Kiến Quốc vương; Trần An Quốc, tước phong Chiêu Quốc vương triều Lý; Trần Thủ Độ, giữ chức điện tiền chỉ huy sứ triều Lý, và giữ chức thống quốc Thái sư, tước phong Trung Vũ Đại vương triều Trần. 1 gái là Trần Thuận Trinh, tục danh là Trần Thị Dung. Tài liệu trên còn ghi rõ “Thủ Độ là con trai út của Trần Lý, sinh năm Giáp Dần (1194), giữ chức điện tiền chỉ huy sứ tri thành thị nội ngoại quân sự ở triều Lý. Triều Trần giữ chức Thái sư tổng quốc chính, thiên long thượng phụ thái sư, gia phong Trung Vũ đại vương. Nhà trần có thiên hạ đều do công của ông. Ông mất ngày 25 tháng giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi. Mộ táng ở Đán Hương”. Như vậy, không gì có thể rõ ràng hơn nữa. Trần Thủ Độ là con trai út của Trần Lý, anh ruột của Trần Thị Dung.
“Trần triều thế phả hành trạng”, dấu tròn bên lề là của Viện Hán Nôm, dấu bầu dịch là của Viện Viễn Đông bác cổ
Cuốn “Trần triều thế phả hành trạng” thì có đoạn ghi “Tổ thúc đại vương thần hiệu, húy Độ, thượng phụ chưởng lý thiên hạ sự, thái sư thống quốc hành quân chinh thảo sự. Tặng Uy vũ đại vương, sắc phong Trung vũ đại vương thượng đẳng tối linh thần”. Nhà nghiên cứu Đào Hồng, nguyên trưởng phòng quản lý di tích (bảo tàng Thái Bình), là người rất giỏi chữ Hán, giải nghĩa: Tổ thúc, có thể là em ruột của ông tổ, có thể là chú ruột của ông tổ. Ông tổ của nhà Trần là Trần Thừa. Ở đây nhiều khả năng là em ruột của Trần Thừa. Nếu đúng như vậy, thì hai tài liệu này có sự trùng khớp ở một điểm: Trần Thủ Độ là em ruột Trần Thừa, là con của Trần Lý. Cho đến nay, đây là hai tài liệu duy nhất có ghi chép rõ ràng về thân sinh của Trần Thủ Độ đã được tìm thấy. Còn việc có Trần Hoằng Nghị, Trần Thủ Huy hay không, đều chỉ là sự suy diễn, phỏng đoán.
Công bố hai tài liệu trên, chúng tôi không khẳng định rằng những ghi chép trong đó là tuyệt đối chính xác, mà chỉ muốn góp thêm thông tin, để rộng đường dư luận, trong việc đi tìm câu trả lời “thân phụ của Thống Quốc thái sư – Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ là ai?” mà thôi.