Phát biểu của phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Tổng cục Thống kê (20/2/1956-20/2/2001)
Trong 45 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ những ngày đầu đầy gian khổ, các cán bộ, nhân viên ngành Thống kê đã cùng nhau khắc phục, vượt mọi khó khăn vươn lên xây dựng ngành Thống kê Việt Nam luôn đáp ứng yêu cầu thông tin của Đảng và Chính phủ, của các ngành, các cấp chính quyền địa phương xứng đáng là một công cụ quan trọng phục vụ điều hành quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội. Trong những năm đầu khi miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội, ngành Thống kê đã hình thành hệ thống tổ chức ở các cấp chính quyền, các ngành, học hỏi kinh nghiệm của các nước anh em, xây dựng phương pháp điều tra, thu thập, tổng hợp cung cấp số liệu, bảo đảm cho công tác kế hoạch hoá hoạt động kinh tế – xã hội.
Từ khi đất nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, Thống kê càng trở thành công cụ quan trọng cho Đảng và Nhà nước trong xây dựng và điều hành kế hoạch, chính sách kinh tế – xã hội. Điều hành quá trình phát triển đất nước không thể thiếu số liệu thống kê, các thông tin để theo sát diễn biến tình hình, phân tích nguyên nhân, yếu tố tác động nhằm sớm có các giải pháp hữu hiệu cho hiệu quả của hoạt động kinh tế – xã hội. Ngành Thống kê đã nhanh chóng củng cố tổ chức, từng bước đổi mới công tác, cải tiến phương pháp, mở rộng hệ thống chỉ tiêu thống kê đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu mới, đa dạng hơn trong điều kiện nền kinh tế phát triển trên cơ sở cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Nhờ đó, chất lượng thông tin đã được nâng lên về nội dụng và hình thức, cung cấp kịp thời, khách quan số liệu và tình hình kinh tế – xã hội hàng tháng, hàng quý và cả năm. Các báo cáo thống kê gần đây đã có thêm một số chỉ tiêu quan trọng về tốc độ tăng trưởng của các ngành, cả nước. Ngoài các Niên giám thống kê hàng năm, ngành Thống kê đã chủ trì hoặc tham gia tích cực các cuộc điều tra lớn có quy mô toàn quốc để xây dựng các tư liệu, số liệu thống kê quan trọng và các báo cáo phân tích có giá trị phục vụ yêu cầu quản lý của Trung ương, các Bộ, ngành, các địa phương.
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội IX của Đảng, ngành Thống kê đã đáp ứng nhiều yêu cầu thông tin phục vụ cho soạn thảo các văn kiện chủ yếu của Đảng. Ngành Thống kê cũng là một ngành tích cực triển khai, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế – xã hội. Đây là những thành tích mà các cán bộ, nhân viên ngành Thống kê có thể tự hào về sự đóng góp tuy thầm lặng, nhưng rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong những năm qua. Thay mặt cho Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích và cống hiến của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Thống kê qua các thế hệ trong 45 năm qua.
Nhân dịp ngành Thống kê tổng kết 45 năm hoạt động, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, tôi muốn nêu một số vấn đề để các đồng chí trao đổi, bàn bạc tiếp tục tìm ra những giải pháp để cải tiến, làm cho ngành ta càng phát triển mạnh hơn, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn mới khi đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thế kỷ 21.
Trước hết, phải nghiêm túc nhìn thấy như nhận xét của Tổng Bí thư trong thư gửi ngành Thống kê, hệ thống số liệu thống kê hiện nay của chúng ta vẫn còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Số liệu có nhiều, nhưng nặng về mô tả, còn thiếu những chỉ tiêu phản ánh chất lượng cho phép phân tích sâu sắc về tình hình, về hiệu quả kinh tế, về sự phát triển kinh tế và xã hội; tính kịp thời, chính xác và tính so sánh quốc tế còn thấp. Trong giai đoạn mới, theo tinh thần cải cách hành chính, việc quản lý điều hành hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng tách rõ trách nhiệm các cấp trong quản lý vĩ mô của Chính phủ, quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền và quản lý điều hành của các doanh nghiệp. Do vậy, công tác thống kê cũng phải có những đổi mới căn bản về nội dung, về phương pháp thu thập xử lý, về phương thức cung cấp số liệu để bảo đảm yêu cầu: đầy đủ, phù hợp, chính xác và kịp thời.
Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị nêu trên, Tổng cục Thống kê cần tập trung huy động trí tuệ tập thể cán bộ trong ngành cũng như ngoài ngành để xây dựng một Chiến lược phát triển ngành Thống kê từ nay đến năm 2010 và năm 2020 đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ được Đại hội lần thứ IX của Đảng thông qua, Để Chiến lược phát triển của ngành Thống kê có tính khả thi cao, điều quan trọng là phải vạch ra cụ thể một lộ trình các giải pháp hành động, các biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trong chiến lược mà theo tôi đặc biệt quan trọng cần chú ý vào hai lĩnh vực:
Thứ nhất là phải tích cực thực hiện cải cách hành chính trong hệ thống tổ chức, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các bộ phận; ngành Thống kê phải là một ngành đi đầu trong việc áp dụng mạnh công nghệ thông tin vào cải tiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của công tác quản lý ngành, công tác nghiệp vụ chuyên môn.
Thứ hai là công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ thống kê đáp ững những yêu cầu mới của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của giai đoạn kinh tế tri thức. Hiện nay trình độ của đội ngũ cán bộ thống kê nói chung còn chưa đồng đều, có một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới, trong khi đó yêu cầu mới đối với cán bộ thống kê là rất cao, trước hết là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng, giỏi về quản lý, về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, trung thực, khách quan và có tính đoàn kết cộng đồng phối hợp trong công tác. Vì vậy việc đào tạo, đào tạo lại và việc quy hoạch sử dụng cán bộ có hiệu quả sẽ là yếu tố quyết định đối với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thống kê trong 10 năm tới.
Trong không khí của mùa xuân đầu thế kỷ 21, với tinh thần chuẩn bị Đại hội IX của Đảng “phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” tôi mong rằng toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Thống kê tăng cường đoàn kết, hợp tác phát huy truyền thống vẻ vang của 45 năm qua sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, phát triển công tác thống kê nước ta lên tầm cao mới đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thế kỷ 21.