Phan Sào Nam: Từ ngôi sao công nghệ đến ‘trùm đánh bạc’ khiến tướng Nguyễn Thanh Hóa bị bắt
Phan Sào Nam: Từ ngôi sao công nghệ đến ‘trùm đánh bạc’ khiến ông Nguyễn Thanh Hóa bị bắt
Không chỉ được biết đến là sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, cha đẻ của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của mạng Việt Nam go.vn… ông Phan Sào Nam còn là người điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ mà nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa vừa bị khởi tố, bắt giam.
Không chỉ được biết đến là sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, cha đẻ của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của mạng Việt Nam go.vn… ông Phan Sào Nam còn là người điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ mà nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa vừa bị khởi tố, bắt giam.
“Tôi đang liều một cách tinh tế”, ông Phan Sào Nam đã từng nói như vậy trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí vào năm 2012 khi đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online), một doanh nghiệp chuyên về game online.
Tốt nghiệp Thạc sỹ quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc, ông Phan Sào Nam (sinh năm 1979) trở về nước đúng thời điểm khởi đầu cho một giai đoạn bùng nổ của thị trường Internet Việt Nam.
Ông Phan Sào Nam – nguyên Chủ tịch VTC Online.
Ông Nam từng cho biết, khi trở về nước, cựu CEO FPT Trương Đình Anh đã đồng ý nhận ông Nam về làm Phó giám đốc cho trung tâm Internet FPT HCM, tiền thân của FPT Telecom bây giờ. Tuy nhiên, thời điểm đó FPT đang tái cấu trúc nên việc tuyển dụng chưa thể tiến hành ngay. Vì muốn sớm được trải nghiệm, ông Nam đã ra Hà Nội đầu quân cho Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC và chấp nhận làm 2 tháng không lương.
Năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, nhóm ở VASC đã cùng chuyển về và ông Nam được bổ nhiệm làm Phó giám đốc VTC Intecom. Sau 2 năm, năm 2008, VTC Online chính thức ra đời và ông Nam giữ Giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT.
Cuối năm 2009, tức là hơn 1 năm thành lập, ông Nam đã từng liều lĩnh đưa ra quyết định mở văn phòng đại diện và công ty con tại 10 thị trường trên thế giới. Nhưng đến cuối năm 2011, con số này đã bị rút xuống chỉ còn 4 thị trường. Công ty đã mất một số tiền không nhỏ cho quyết định liều lĩnh trên, nhưng ông Nam cho rằng, bù lại, công ty có được một đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm làm việc quốc tế và tìm được thị trường tốt để tập trung đầu tư.
Dưới sự điều hành ông Phan Sào Nam, VTC Online từng là một trong ba nhà phát hành game online lớn nhất Việt Nam. Năm 2012, quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund – nay là Vietnam Phoenix Fund, đã rót 10 triệu USD để sở hữu 19,5% cổ phần của VTC Online.
Trước đó, tháng 6/2010, Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam của doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng đã trở thành cổ đông chiến lược đầu tiên của VTC Online và đang nắm giữ 9,2% vốn điều lệ công ty. VTC là đại diện cổ đông Nhà nước tại VTC Online với số cổ phần nắm giữ chiếm 42,4% vốn điều lệ VTC Online.
Tiềm lực tài chính của VTC Online đã tăng lên đáng kể khi lần lượt nhận được vốn đầu tư của IDG Ventures Vietnam vào năm 2010 và DWS Vietnam Fund vào năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VTC Online bắt đầu sa sút từ năm 2014 với khoản lỗ ròng 102 tỷ đồng trong năm này. Nguyên nhân thua lỗ lớn của năm 2014 chủ yếu xoay quanh đến các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game.
Công ty có lãi trở lại trong năm 2015-2016, nhưng cũng chỉ rất khiêm tốn, đạt lần lượt là 8 tỷ và 10 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh chính năm 2016 vẫn lỗ, công ty có lãi chủ yếu là nhờ các khoản thu từ phạt vi phạm hợp đồng, xóa sổ khoản phải trả không phải thanh toán.
Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC gần đây đã thông báo tiến hành đấu giá toàn bộ 1,02 triệu cổ phiếu – tương đương 44,75% số cổ phần đang lưu hành của VTC Online vào ngày 2/1/2018.
Giá khởi điểm chào bán là 107.388 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá VTC Online ở mức 245 tỷ đồng (10,8 triệu USD). Như vậy, mức giá mà VTC rao bán chỉ bằng 1/5 so với mức định giá của DWS Vietnam Fund cách đây 5 năm.
HĐQT của VTC Online thời ông Phan Sào Nam đã từng đặt mục tiêu: đến năm 2015, VTC Online phải đủ điều kiện để thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán gồm NASDAQ (Hoa kỳ), HKEC (Hồng Kông), SGX (Singapore), Kosdaq (Hàn Quốc) và sàn HOSE (Việt Nam). Những đến nay, mục tiêu ấy chưa thành hiện thực và ông Phan Sào Nam cũng không còn là Chủ tịch của VTC Online.
Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, đợt tháng 1/2018 vừa qua, VTC Online đã có một số sự thay đổi. Người đại diện pháp luật hiện nay của VTC Online có tên là Trần Huy Phương và giám đốc là Phan S.
Trong đường dây đánh bạc công nghệ cao nghìn tỷ mà ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Phan Sào Nam cùng với Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) là hai người điều hành đường dây này.
Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã thành lập đường dây hoạt động theo phương thức kinh doanh các game đánh bạc trá hình trên mạng internet lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trước đó, cuối 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án hình sự “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành”. Quá trình điều tra đã phát hiện đường dây đánh bạc thông qua mạng internet có quy mô cực lớn, có sự tham gia của hàng ngàn người trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, với trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, khi phát hiện hành vi sai phạm, ông Nguyễn Thanh Hóa thay vì ngăn chặn, còn có những hoạt động mang tính chất tiếp tay “bảo kê” cho đường dây này. Điều này cũng lý giải việc đường dây này hoạt động trong một thời gian dài với số lượng tiền giao dịch lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì mới bị phát hiện, bắt giữ.
Ông Nguyễn Thanh Hóa được xác định là có hành vi đồng phạm với các đối tượng đánh bạc trong đường dây.