PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
– Vào lúc 0h28 phút ngày 9/10, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) đã qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật.
Trên mạng xã hội Facebook, đồng loạt tài khoản của người thân, các em học sinh Trường PTTH Lương Thế Vinh đều chuyển sang màu đen như một niềm tiếc thương dành cho người thầy đáng kính.
PGS Văn Như Cương mắc bệnh ung thư gan gần 3 năm nay.
Clip: Học sinh chen chúc đón thầy Văn Như Cương xuất viện (ngày 17/3/2017)
Trước đó, sức khỏe thầy Cương cũng từng có những lúc suy yếu vào 2 năm trở lại đây và nhiều lần phải nhập viện.
Khi đó, học sinh toàn trường đã gấp hàng nghìn con hạc giấy gửi tặng mà đến giờ thầy Cương vẫn đặt ở vị trí trang trọng trong nhà.
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
PGS Văn Như Cương trò chuyện với học sinh Trường PTTH Lương Thế Vinh. Ảnh: Fanpage của trường
Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
Ông là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Năm 1989, ông là người thành lập trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam: Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).
PGS Văn Như Cương tại phòng làm việc tháng 10/2015 sau đợt điều trị bệnh ung thư gan đầu tiên. Ảnh: Thanh Hùng
Thầy Văn Như Cương là nhà giáo được rất nhiều thế hệ học sinh biết đến và kính trọng, không chỉ ở năng lực chuyên môn mà còn ở sự gần gũi, yêu thương học trò.
Là một “Đồ Nho xứ Nghệ” thích ứng với cơ chế thị trường, PGS Văn Như Cương đã góp công tạo dựng nền móng cho hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Hà Nội.
Trong buổi lễ sáng nay, Trường THPT Lương Thế Vinh cũng không tổ chức lễ chào cơ như thường lệ.
Em Vũ Đức Quang, lớp 11A11 buồn bã: “Sáng em đến lớp thì nhận được tin thầy qua đời, lớp em ai cũng sốc. Khi em mới vào trường thầy đã đến động viên những học sinh mới vào trường như bọn em, thầy nói: “Thầy nghĩ đây không phải là ngôi trường tốt nhất nhưng là ngôi trường phù hợp để các em phát triển bản thân. Các em có thể không phải học sinh giỏi nhất nhưng sẽ là một người tử tế.”
Clip: Học sinh Trường Lương Thế Vinh bày tỏ nỗi buồn khi nghe tin PGS Văn Như Cương qua đời
Theo Quang, buổi học hôm nay trên lớp khá trầm, hầu hết các thầy cô giáo đều vận đồ tối màu nhưng vẫn giảng dạy bình thường và không nhắc đến chuyện thầy Cương đã qua đời.
Em Nguyễn Đức Đạt (học sinh lớp 12A1) cũng không giấu được nỗi buôn thương khi mất đi người thầy đáng kính, tâm trạng của em cũng như nhiều học sinh khác của trường: Bất ngờ, buồn và hụt hẫng.
Nghe tin PGS Văn Như Cương qua đời, anh Bùi Việt Hà, Giám đốc một hệ thống đào tạo trực tuyến bày tỏ:
“Thầy là một tấm gương sáng của tất cả chúng em, làm việc tận tụy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời”.
Còn nhà báo Thu Phương, báo Công an nhân dân, chia sẻ:
“Đã từng có lúc nghĩ, nếu sau này những lớp thầy giáo như thầy về nơi thiên cổ, thì mỗi khi có việc gì bí cần phỏng vấn gấp, nóng, thì ai sẽ giúp phóng viên bọn mình?
Thầy Cương là người thầy hồn hậu và vô tư nhất mà mình biết. Thầy chưa bao giờ né tránh báo chí, có thể hỏi thầy cả vài chục phút. Thầy vô cùng thẳng thắn trong phản biện giáo dục”.
PGS Văn Như Cương trong một lần gặp gỡ với phụ huynh mùa tuyển sinh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trao đổi với VietNamNet sáng nay, anh Nguyễn Cao Cường, giáo viên Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) bùi ngùi:
“Vẫn biết sinh lão bệnh tử là qui luật nghiệt ngã, vẫn biết thầy sẽ có ngày này nhưng sao mà nhanh và bất ngờ quá. Tôi may mắn được làm việc với thầy trong một khoảng thời gian và đó là khoảng thời gian thực sự rất ý nghĩa. Thầy không chỉ là một người đầu tầu của giáo dục Việt Nam ở lĩnh vực Hình học, các đầu sách giáo khoa của bao thế hệ học sinh Việt Nam mà còn là một nhà giáo dục uyên bác, một người thầy tâm huyết và có tầm nhìn, bao dung và độ lượng”.
Nhà báo Lương Bích Ngọc, cũng là một phụ huynh của trường chia sẻ:
“Người thành công hoặc giữ gìn đến đâu cũng khó mà dựng được tượng đài toàn bích. Nhà quản trị giáo dục càng khó. Nhưng người nhiệt huyết sống và cống hiến, yêu nghề, yêu người hết lòng như thầy Cương mất đi sẽ là khoảng trống không nhỏ trong lòng nhiều người. Đặc biệt, với những ai quan tâm, trăn trở đến giáo dục.
Với tôi, Hà Nội sẽ rất trống vắng khi nghĩ về ngôi trường Lương Thế Vinh thiếu vắng thầy Cương.
Hình ảnh thầy Cương cuối cùng trong tôi là dáng đứng rất thẳng của thầy khi hát, mắt nhìn về phía trước, sáng và mạnh mẽ: “Đời ta hằng mong muốn và ước mơ/ Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ/ Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta/ Trời cao muôn vì sao chói lòa”.
Theo thông báo của gia đình, lễ viếng được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10/2017 tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng gày. An táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển.
Thầy Văn Như Cương, thầy Nguyên Xuân Khang: 2 ông đồ gàn và 1 “ca đẻ khó”
Để ngôi trường dân lập đầu tiên được ra đời, PGS Văn Như Cương và thầy giáo Nguyễn Xuân Khang từng phải rơi cả nước mắt. Đến nay, có thể nói, mỗi người đã “xưng bá” ở một trường dân lập.
Một số hình ảnh về PGS Văn Như Cương tại bàn tròn giáo dục với VietNamNet tháng 6/2011:
Thanh Hùng – Lê Anh Dũng