Ông Nguyễn Mạnh Hà: Đất nền phát triển “nóng” dẫn đến nhiều hệ luỵ

Phát biểu tại buổi đối thoại chuyên đề Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế do VnEconomy/Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vietnam Economic Times tổ chức ngày 6/5, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam mới hình thành phát triển 10-15 năm trở lại, ngày càng đóng góp vai trò quan trọng với phát triển kinh tế xã hội.

Trước hết, thị trường bất động sản góp phần cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng cho đô thị. 10 năm qua, bình quân mỗi năm ta xây mới 60 triệu m2 nhà ở cung cấp chỗ ở đặc biệt khu vực đô thị. Theo tính toán, mỗi năm thị trường bất động sản đóng góp 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% tổng thu nhập quốc dân.
 
Ngoài ra, thị trường bất động sản còn là đầu kéo thúc đẩy các thị trường khác phát triển như vật liệu xây dựng, tài chính, lao động. Không chỉ Việt Nam, kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy để đầu tư m2 nhà ở cần 17 công lao động. Phát triển 1 căn hộ cần tăng thêm 0,4  lao động. Như ta thấy, một nhà chung cư đi vào hoạt động cần phải có bảo vệ, lao công, người quản lý…  rất nhiều. Tức là lao động phát triển và tăng theo.

Đặc biệt, khi thị trường bất động sản phát triển sẽ thu hút nhiều sản phẩm: từ cát, gạch, sắt thép, xi măng… cho đến cái đinh, chưa kể, thiết bị nội thất…
 Tuy nhiên, theo ông Hà, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có ít tiền thôi nhưng cũng san đất, cắm mốc làm vài con đường rồi bán nền thu tiền, trong khi đó vốn của người mua cũng không cần nhiều, chỉ 1-2 tỷ có thể mua được một nền đất.

“Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản, nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng khi đất nền chỉ để đầu tư kiếm lời lướt sóng không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh. Tôi thấy rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chủ yếu là đất nền dễ làm dễ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân nữa là buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, trong 2 năm qua, gần như quá khó khăn với thị trường bất động sản, có lúc phải đóng cửa công trường xây dựng, hầu như không có công trường nào thi công được, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng ngưng trệ do không có khách quốc tế lẫn khách nội địa.

Trong giai đoạn này, giới doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện thị trường bất động sản phát triển và là điểm cốt yếu để giúp cho phục hồi kinh tế.

Về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, lãnh đạo Hiêp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam loanh quanh 40%, nhưng các nước phát triển 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70-80% dân số. Việt Nam đến năm 2050 mà phát triển lên 60-70% thì ta có khoảng 60-70 chục triệu dân sống ở đô thị, nhu cầu nhà ở là rất lớn.

Ta cũng có nhu cầu phát triển bất động sản công nghiệp – phân khúc được đánh giá là điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong dịch Covid. Thị trường bất động sản du lịch thì vừa hết dịch nhưng đã “vỡ trận” do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại. Ngoài ra, chúng ta vẫn thiếu nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân.

“Tôi nghĩ rằng thị trường bất động sản trong ngắn, trung và dài hạn đều có tương lai tốt để phát triển, dù còn khó khăn. Các khó khăn của doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, chúng ta công khai thông tin, nhiều hội thảo toạ đàm trao đổi để thị trường phát triển lành mạnh, chúng tôi tin tưởng rằng khó khăn của doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển lành mạnh của thị trường”, ông Hà nhấn mạnh.

Rate this post