Nữ thủ lĩnh ngày ấy – bây giờ
Từ cô học trò với biệt danh “Đà điểu” mê đá bóng, 4 năm “rinh” học bổng MC, được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương, giành học bổng toàn phần ĐH Connecticut (Mỹ)…, chị Đinh Hương Ly (CHS lớp I, 95 – 99) hiện là nữ doanh nhân thành đạt, đồng sáng lập Học viện phát triển tư duy và kĩ năng IEG. MCer hẳn sẽ “choáng toàn tập” khi nhìn vào “profile” “khủng” ấy? Nhưng bạn sẽ còn bất ngờ hơn bởi sự xinh đẹp, chiều cao lý tưởng và tính cách khiêm tốn, dễ gần của chị.
Từ “nữ thủ lĩnh” lớp I…
Chị có thể kể về lớp I ngày đó?
Mình học khóa đầu tiên của lớp I. Lớp 6 – 7, cô Hà chủ nhiệm; lớp 8 – 9, cô Thơ chủ nhiệm. Lớp có 27 bạn, chỉ có 8 nữ nên được ưu ái lắm, nhất là dịp 8/3. Cô Thơ nổi tiếng nghiêm khắc nhưng lại rất tình cảm, gần gũi.
Ngày ấy, trường ở Khương Đình. Buổi sáng, mình học khu nhà phía trước, chiều sang khu bán trú học tiếng Anh, tự học hoặc tham gia hoạt động thể thao. 4 năm làm lớp trưởng, mình có nhiệm vụ cao cả là phát phiếu ăn trưa cho các bạn nhưng… toàn đánh mất thôi. Lớp 6 – 7, cô chủ nhiệm quy định mỗi bạn ăn 3 bát cơm, nếu không sẽ trừ điểm. Mấy đứa mập lên, cứ khóc bắt đền cô vì không mặc vừa quần áo nữa.
Ngày ấy, cô học trò Hương Ly có “quậy” lắm không?
Những trò chơi của các bạn nam như: bắn bi, đá bóng, đá cầu…, mình đều góp mặt. Vì cao nhất lớp nên mình được đặt “nickname” “Đà điểu”, còn cô giáo gọi là “Cốc” (vì tên là Ly). Mình nhớ nhất vụ “tai nạn” làm vỡ cửa kính lớp do trêu đùa với bạn. Kết quả là giờ tay vẫn còn sẹo, người bạn thuở ấy trở thành bạn thân của mình. Hay trong giờ tự học, do mải “buôn dưa lê” nên bị cô phạt trực nhật một tuần. Ngày nào cũng một mình xách nước từ tầng 1 lên tầng 4, chân tay mỏi nhừ. Từ những việc nhỏ như thế, mình được rèn luyện và trở nên cứng cáp hơn.
Từng học nhiều môi trường trong và ngoài nước, điều gì khiến chị ấn tượng nhất với MC?
Thứ nhất, MC luôn thân thương như nhà mình vậy, nơi có gia đình thứ hai là các thầy cô, bạn bè. Thầy cô luôn xem học sinh như con. Ra trường rồi nhưng mỗi khi trở về, tình cảm cô trò vẫn nguyên vẹn như xưa.
Thứ hai, ngay từ ngày xưa ở MC, chúng mình đã được tham gia nhiều hoạt động nên trưởng thành và tự tin hơn. Đó là nền tảng tốt để mình thích nghi với nhiều môi trường khác như: trường Hà Nội – Amsterdam, các trường ĐH ở Anh, Mỹ. Bây giờ, với cơ sở vật chất tuyệt vời, MCer có nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, thú vị hơn như: bóng rổ, bóng ném, các lễ hội…
Thứ ba, mình luôn ngưỡng mộ thầy Khang. Thầy có tầm nhìn xa trông rộng từ ngày xưa. Ngay từ những năm 90, khi trường mới thành lập, thầy đã thấy tầm quan trọng của việc học tiếng Anh lúc còn nhỏ, bên cạnh môn Toán, Văn. Đặc biệt ngày đó, chúng mình đã được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài – những sinh viên “Gap year” Anh Quốc sang Việt Nam tình nguyện. Thời ấy, không có nhiều trường làm được điều này. Chúng mình chủ động trò chuyện, tổ chức nấu nướng để có thêm cơ hội trải nghiệm và giao tiếp với người bản ngữ.
Trong mắt chị, thầy Khang ngày ấy – bây giờ có khác nhiều không?
Thầy không thay đổi mấy. Lứa học sinh chúng mình thường đùa rằng: thầy “già sớm, trẻ lâu”. Tức là thầy già từ hồi xưa rồi nên giờ không già thêm được nữa. Thầy luôn là người được tất cả học sinh chúng mình ngưỡng mộ và yêu quý. Mình rất thích nghe thầy phát biểu trước toàn trường, rất bình dị mà đầy ý nghĩa.
Chị có thể chia sẻ về những điều học được từ MC?
Ngoài kiến thức, MC cho mình một môi trường để phát triển bản thân, định hình nhân cách và từng bước rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho việc học tập, công tác và cuộc sống. Vai trò của các thầy cô MC rất quan trọng. Thầy Khang, cô Thơ, cô Liễu, cô Bích, cô Thu Anh, cô Thanh Hà, cô Bảo Yến…, mỗi thầy cô đều để lại cho mình những ấn tượng riêng và nhiều điều có thể học hỏi được. Mình mang ơn các thầy cô rất nhiều.
… đến người làm giáo dục tâm huyết
Điều gì kéo chị về Việt Nam mặc dù đang có công việc tốt ở nước ngoài?
Năm 2009, mình trở về Việt Nam và tiếp tục làm cho tập đoàn tài chính Morgan Stanley. Nhiều người thắc mắc tại sao không ở lại Mỹ? Thực ra, mình luôn dự định về nước làm việc vì xác định đây mới là quê hương, nơi có gia đình và bạn bè thân yêu. Mình thấy ở Việt Nam có nhiều cơ hội để những người trẻ lập nghiệp và cống hiến sau khi tích lũy kinh nghiệm nhất định ở môi trường quốc tế.
Năm 2014, mình nghỉ làm để sinh em bé thứ hai và bắt đầu dành thời gian tìm hiểu kỹ về các mô hình giáo dục, các chương trình cho con trai sắp đi học mẫu giáo lớn. Mình mong con được chuẩn bị nền tảng tốt để phát triển toàn diện, được trải nhiệm môi trường giáo dục hiện đại, hội nhập với thế giới ngay tại các trường học ở Việt Nam. Rất may mắn, những mong muốn đó nhận được sự đồng thuận của nhiều bạn bè tâm huyết và các chuyên gia quốc tế muốn đóng góp cho giáo dục Việt Nam.
Điều chị mong muốn nhất khi hợp tác các chương trình đào tạo với nhà trường?
Trên nền tảng sẵn có của MC, mình mong được góp sức và đồng hành cùng nhà trường, các thầy cô trong việc giúp học sinh MC xây dựng nền tảng tư duy, ngôn ngữ và phát triển một cách toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế để sau này có thể thành công đúng với khả năng của bản thân trong bất kỳ môi trường nào. Ngoài chương trình tiếng Anh chuẩn quốc tế, CLB Khám phá Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, IEG còn mang đến cho các em nhiều cơ hội trải nghiệm, cọ sát và phát triển các kỹ năng cần thiết thông qua những sân chơi trí tuệ như: Những nhà khám phá nhí “Little Explorer”, kỳ thi đánh giá năng lực Toán học quốc tế, kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo… Mình mong một vài năm nữa, con mình sẽ được gia nhập gia đình MC để được trưởng thành trong môi trường này.
Chị có lời khuyên nào dành cho MCer?
So với ngày ấy, MCer hiện được tiếp cận rất nhiều cơ hội. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là cố gắng hết sức và chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển, thử thách bản thân; để mình “tốt hơn ngày hôm qua”.
Ngoài học tốt trên lớp, MCer nên tham gia các hoạt động ngoại khóa. Điều này không chỉ hữu ích với những bạn định “apply” học bổng du học mà còn rất quan trọng cho việc phát triển bản thân.
Cô học trò Hương Ly trong mắt cô chủ nhiệm Yến Thơ:
1. Hương Ly là học trò hoàn hảo của tôi ở MC, toàn diện về mọi mặt.
2. Là một học sinh giỏi toàn diện nhưng Ly chưa bao giờ thỏa mãn với kết quả đạt được. Có lần Ly khóc, tôi trách lũ “quỷ sứ” trong lớp trêu bạn. Nhưng sự thật là: “Chúng con có trêu bạn đâu cô. Chỉ vì được 9 điểm Văn nên bạn khóc đấy ạ!”. Thực tế, 42/45 đầu điểm của Ly đạt 10 phẩy. Ly học rất nghiêm túc, tập trung và quyết tâm.
3. Ly ghi nhớ rất nhanh. Ngày ấy, Ly thường đến trường quay VTV3 xem chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Có lần, Ly gọi điện cho tôi bảo: “Cô ơi, cô nhớ xem con trên ti vi nhé! Con trả lời đúng câu hỏi mà 4 thí sinh không trả lời được”. Khi đó, Ly mới học lớp 9 nhưng có thể trả lời được kiến thức của bậc THPT.
4. Ly rất thích đá bóng và tham gia hoạt động ngoại khóa. Năm lớp 7, lớp đoạt giải Nhì và Ly trở thành “vua phá lưới”.
5. Ly luôn được thầy cô và bạn bè yêu quý. Ly có tính tự lập rất cao, hòa nhã, cầu thị, khiêm tốn. Đặc biệt, Ly rất quan tâm, thường xuyên hỏi thăm thầy cô dù đã ra trường nhiều năm.
Đinh Hương Ly (CHS lớp I, 95 – 99; chuyên Anh, Hà Nội – Amsterdam, 99 – 02).
Thành tích:
– Lớp 9 HSG Tiếng Anh thành phố Hà Nội. 4 năm học luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập và giành được học bổng của trường MC.
– Lớp 11, giải Ba Tiếng Anh Quốc gia và được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương.
– Học bổng toàn phần và tốt nghiệp xuất sắc ĐH Connecticut (Mỹ), học trao đổi văn hóa tại ĐH London.
– 8 năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn tài chính Morgan Stanley tại các trụ sở ở New York, London, Singapore và Việt Nam.
– Thành viên HĐQT Học viện phát triển tư duy và kĩ năng IEG…