Nữ bác sĩ xinh đẹp, tài hoa của ngành vi phẫu
– Đôi mắt to với hàng mi cong vút tự nhiên, làn da trắng mịn màng và mái tóc dài ôm lấy khuôn mặt dịu dàng, Nhung khiến người đối diện nghĩ em là cô gái được nuông chiều, chỉ biết vui chơi và làm đẹp. Nhưng em lại là một bác sĩ tài hoa trong ngành vi phẫu.
Lần đầu vô tình gặp Nhung khi đi chung với một người bạn bác sĩ, tôi không hề nghĩ em cũng là bác sĩ. Lần thứ hai gặp em, tôi cũng chỉ nghĩ em là nhân viên truyền thông của bệnh viện. Bởi vì em không chỉ trông rất trẻ (so với tuổi 36) mà còn quá xinh đẹp. Đôi mắt to tròn với hàng mi cong vút tự nhiên, làn da trắng mịn màng và mái tóc dài ôm lấy khuôn mặt dịu dàng, Nhung khiến người đối diện nghĩ em có lẽ là một cô gái được nuông chiều, chỉ biết vui chơi và làm đẹp. Nhưng sau đó, tôi đã ngỡ ngàng khi biết em là một bác sĩ, mà lại bác sĩ chuyên về vi phẫu – một chuyên khoa “khó nhằn” với cả các nam bác sĩ chứ không nói là với một cô gái quá xinh đẹp và trẻ trung như em.
Rồi tôi lại biết em là con gái cưng của vị Giáo sư nổi tiếng về vi phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ của Viện Quân y 108 – Giáo sư Nguyễn Tài Sơn. Thế nên, tôi đã tò mò đòi em phải chia sẻ về chuyện đến và trụ lại với cái nghề khắc nghiệt này. Cuộc nói chuyện tranh thủ giữa lúc em vừa kết thúc ca mổ kéo dài từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều ở Viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, mặc dù lúc đầu chỉ dự kiến xong vào khoảng 2 giờ. Và vì em xinh đẹp, trẻ trung nên trong câu chuyện, tôi chỉ gọi em là em, không phải là bác sĩ hay “chị” như vẫn thường gọi trong các cuộc phỏng vấn khác.
BS Nguyễn Hồng Nhung – BS phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội
Sự hấp dẫn thần kỳ của vi phẫu
– Nói đến vi phẫu là người ta nghĩ ngay đến những ca mổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, và bệnh nhân thường là những người có các tổn thương rất kinh khủng đến mức phải cắt da thịt ở chỗ nọ để đắp, vá vào chỗ kia. Vậy tại sao em lại chọn cái nghề quá nhọc nhằn này?
BS Nguyễn Hồng Nhung: Khi còn là sinh viên ngành Y năm thứ 3 ở Nga, em về Việt Nam thực tập tại bệnh viện 108 và đã chứng kiến một ca bệnh mà lúc đó, em coi là sự “thần kỳ” của y học. Lần đầu nhìn vùng chuẩn bị phẫu thuật, em sững sờ vì không biết đó là bộ phận nào mà chỉ thấy trước mặt mình là một đống bùng nhùng dúm dó với hai cái ống cắm vào hai cái lỗ. Em đã thật sự bị sốc khi biết đây là khuôn mặt của một cô gái bằng tuổi em, bị biến dạng hoàn toàn do axit, không còn nhìn thấy mắt, mũi, môi… Và hai cái lỗ được cắm ống đó chính là hai cái lỗ… mũi.
Đây quả thật là một ca phẫu thuật lớn, và là ca vi phẫu đầu tiên em được phụ mổ. Khi bác sĩ mổ mắt thì rất may bạn ấy chỉ bị hỏng phần da nên vẫn nhìn được. Các Bác sĩ đã phải lấy một vạt vi phẫu ở tay lên để sau này làm mũi, miệng… cho bệnh nhân.
Sau đó, định kỳ hàng năm em về Việt Nam thực tập và cũng trùng thời gian bạn ấy đến bệnh viện làm các phẫu thuật tiếp theo, bởi với những tổn thương lớn như vậy phải làm rất nhiều lần. Em may mắn được tham gia phụ mổ cho bạn ấy 3 lần, và ấn tượng sau cùng là lần em chứng kiến bạn ấy vui đùa, hát ở bệnh viện với khuôn mặt rạng rỡ. Sự sống đã quay về, tinh thần bạn ấy thay đổi hẳn.
Trước khi em sang Nga học tiếp, bạn ấy đã viết một bưu thiếp cảm ơn, chia sẻ rằng lúc bạn ấy bị tạt axit, bạn ấy đã không muốn sống nữa, tất cả là do gia đình đã cố gắng giữ bạn ấy lại. Nhưng sau các ca phẫu thuật, bạn ấy đã sống tích cực hơn, yêu đời hơn. Bây giờ, bạn ấy làm công việc dịch thuật rất giỏi.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung trong ca phẫu thuật cùng GS Nguyễn Tài Sơn – người bố và cũng là người thầy đầu tiên của mình
Trong thời gian học ở Nga hay về Việt Nam thực tập, em gặp nhiều trường hợp, đặc biệt là những ca ung thư vùng hàm mặt, với khuôn mặt bị gặm nhấm, thối rữa, biến đổi từng ngày. Tất cả các chức năng khác cũng mất dần, làm cho cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. Sau những ca vi phẫu (sau khi mổ bóc tách khối u, phải lấy một vạt vi phẫu để tạo hình lại khuôn mặt), bệnh nhân không chỉ được cứu sống mà còn được trả lại khuôn mặt, trả lại chức năng sống để có thể sống NHƯ MỘT CON NGƯỜI.
Bệnh ung thư hàm mặt rất kinh khủng. Từng có bệnh nhân có 2 đứa con nhưng không dám đến gần, bởi khuôn mặt đã biến dạng và mùi bốc ra rất kinh khủng. Anh ấy đã gọi đến và khóc với bố em, xin được phẫu thuật. Dù đã được giải thích về những rủi ro khi phẫu thuật nhưng anh ấy bảo, anh ấy đã biết là sẽ ra đi, nhưng dù có chết thì cũng muốn được ở cạnh người thân và được ra đi với một khuôn mặt con người.
Tất cả những điều đó đã khiến em nuôi giấc mơ trở thành một bác sĩ ngoại khoa, một bác sĩ vi phẫu.
Bác sĩ Nhung trong một lần khám bệnh từ thiện cho trẻ em
– Cụ thể, công việc của một bác sĩ vi phẫu như em là làm những gì?
Đây là một kỹ thuật làm dưới kính hiển vi với các mạch máu và dây thần kinh có đường kính nhỏ khoảng 1mm. Tại Viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, bệnh nhân hầu hết là những người bị tổn thương vùng hàm mặt, trong đó nhiều người là bệnh nhân ung thư. Thường thì sẽ có một kíp mổ cắt những khối u trên vùng mặt của bệnh nhân nên sẽ để lại những khuyết hổng rất lớn, thường không thể “đóng” lại được, hoặc nếu cố gắng “đóng” lại thì bệnh nhân sẽ không thể có được khuôn mặt bình thường, thậm chí mất hết các chức năng quan trọng trên khuôn mặt.
Nhiệm vụ của bác sĩ vi phẫu là làm sao để đưa một phần cơ thể ở chỗ khác vào đó để vừa “đóng” được vết thương, phần nào hồi phục chức năng đã bị cắt bỏ đi và cuối cùng, cố gắng trả lại cho họ khuôn mặt giống nhiều nhất có thể so với trước kia.
Kỹ thuật vi phẫu sẽ giúp giảm rủi ro bởi nó là kỹ thuật nối các mạch máu để nuôi các tổ chức được đưa lên vùng hàm mặt. Kỹ thuật nối, bóc tách mạch máu không phải bác sĩ nào cũng làm được vì nó đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật rất cao. Cùng với đó còn là kiến thức để làm sao lấy được vạt vi phẫu phù hợp với khuôn mặt, để nối được mạch máu ổn định.
BS Nguyễn Hồng Nhung (đeo kính hiển vi) cùng ê kip trong một ca mổ tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội
– Quả thật, nghe đã thấy công việc này quá ư vất vả và khó khăn. Vậy, ngay từ đầu em đã chọn lĩnh vực này mà không có sự ngăn cản nào từ gia đình sao? Bố em là một GS đầu ngành về vi phẫu, ông chắc đã quá rõ những nỗi vất vả sẽ đến với cô con gái cưng của mình chứ?
Vâng, đúng là bố em đã tìm mọi cách để ngăn cản con gái. Ngay từ khi tốt nghiệp Đại học, gia đình dứt khoát muốn em tránh ngoại khoa mà hướng em theo nhãn khoa – cũng là chuyên môn của mẹ em bởi lĩnh vực này nhẹ nhàng và phù hợp với phụ nữ hơn. Em cũng đã có thời gian học về chuyên ngành mắt và lúc mới ra trường đã về viện Mắt Trung ương làm việc. Nhưng sức hấp dẫn đặc biệt của vi phẫu vẫn không “tha” em. Mong muốn được phẫu thuật lớn đến mức, khi làm ở viện Mắt, cứ xong việc là em lại chạy về Viện 108, chui vào phòng mổ để học hỏi. Nhiều lần, bố mở phòng mổ ra đã thấy con gái ở đó, biết con gái quá ham mê, yêu thích thì rất xót vì lĩnh vực này quá vất vả. Nhưng rồi bố cũng phải chấp nhận và dạy em về vi phẫu.
– Bây giờ, chắc ông rất tự hào về con gái?
Vâng (cười), cũng may mắn là ngay từ những ca mổ đầu tiên, em luôn có bố đứng đằng sau để chỉ bảo, hỗ trợ. Đến bây giờ, với những ca khó khăn, em vẫn có thể xin ý kiến của bố.
Những ca mổ kéo dài thâu đêm
– Tôi cũng rất tò mò là làm sao mà em lại có đủ sức khỏe để trụ được những ca mổ kéo dài, cần nhiều thể lực đến như vậy? Em có tập luyện môn gì đặc biệt không?
Bác sĩ là những người có giờ giấc sinh hoạt tồi nhất vì không có thời gian. Dù được cho là người chăm chỉ tập nhất ở khoa này thì mỗi tháng cũng chỉ tập được vài ba buổi, có thể là gim, Yoga… Bác sĩ ngoại khoa chúng em có bệnh nghề nghiệp là ngoài 40 tuổi ai cũng mắc bệnh về cột sống, lệch đĩa đệm, đặc biệt là với bác sĩ phẫu thuật vùng hàm mặt vì phải cúi quá nhiều. Trông em trẻ như thế này thôi nhưng đã mắc bệnh đau lưng rồi.
Nhưng thông thường, trong suốt ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ không cảm thấy mệt mỏi mà chỉ tập trung vào kỹ thuật để làm sao cho đạt được kết quả tốt nhất. Sự mệt mỏi chỉ xuất hiện khi bước chân ra khỏi phòng mổ. Lúc đó, quả thật là rất, rất mệt. Nếu ca mổ kéo dài, bác sĩ có thể phải cần nghỉ ngơi trong 1-2 ngày mới có thể hồi phục sức khỏe để làm việc tiếp, “chiến đấu” tiếp với các ca bệnh. Với phụ nữ, đương nhiên là sẽ mệt mỏi hơn là nam giới.
Thông thường, ca mổ chỉ kéo dài đến khoảng 2 giờ chiều, nhưng cũng có những ca, trong quá trình mổ thì phát sinh những vấn đề phức tạp, đòi hỏi ca mổ kéo dài hơn. Từng có một ca mổ mà em đã trải qua kéo dài từ 9 giờ sáng hôm nay đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Lúc đó, kíp mổ đứng liền một mạch từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới nghỉ “ăn trưa”, sau đó lại vào làm tiếp đến 3 giờ sáng thì xong.
Sự khó khăn đối với bác sĩ như em chủ yếu là vấn đề thời gian. Hồi mới đi làm, em hầu như ở trong bệnh viện cả ngày cả đêm, mỗi tuần chỉ về nhà khoảng 2 ngày. Ngay cả khi em có bầu 8 tháng, vẫn phải đứng phẫu thuật, bụng to quá, tay với mãi mới tới chỗ nối mạch, đến khi em bé đạp làm rung tay mới xin dừng.
– Có ca bệnh đặc biệt nào khiến em thật sự ấn tượng không?
Nếu hôm nay em cho rằng đây là ca bệnh đặc biệt, thì ngày mai, một ca khác lại khiến em có cảm giác như vậy. Họ đều là những con người, có hoàn cảnh riêng nhưng có nỗi khổ chung. Đây là công việc rất căng thẳng, nặng nề vì bệnh nhân thường là rất nặng. Những bệnh nhân ung thư đa số là bệnh nhân lớn tuổi nên khi quay trở lại với cuộc sống sau phẫu thuật sẽ dễ ổn định hơn. Còn với những bệnh nhân trẻ, khi biết mình bị ung thư, họ đều có cảm giác như toàn bộ tương lai phía trước đã tắt hết, chiều hướng suy nghĩ tiêu cực rất cao.
Có một bạn sinh viên, cách đây hơn 3 năm, khi biết bị bệnh, bạn ấy rất hoang mang và nghĩ mình chỉ còn chờ chết mà không còn con đường nào khác. Em đã phải nói chuyện với bạn ấy nhiều lần, rằng: “Khi em bị bệnh, nếu em từ chối chữa bệnh thì em về nhà, một mình em với căn bệnh đó. Còn nếu em ở đây để điều trị tiếp, thì em sẽ cùng với các bác sĩ chiến đấu với căn bệnh này, và phần thắng có thể thuộc về mình. Nếu em về, phần thua là 100%.”
Sau đó, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ thành công. Qua từng năm, cuộc sống của bạn ấy tốt dần lên. Mùa xuân vừa rồi, bạn ấy đi chơi, chụp ảnh đăng trên facebook rất vui vẻ, xinh tươi. Đấy là những niềm vui tuyệt vời. Với bệnh nhân, đặc biệt là các bạn trẻ thì sau khi ra viện, chúng em vẫn liên lạc như bạn bè, chứ không còn là bác sĩ với bệnh nhân nữa.
Tưởng chỉ biết chơi và làm đẹp, ai dè “làm” thật!
– Các nam bác sĩ đẹp trai thường rất có ưu thế vì dễ có được sự cảm tình của bệnh nhân, nhưng bác sĩ nữ thì hình như ngược lại. Em có khi nào bị “kỳ thị”, nghi ngờ về chuyên môn vì trẻ trung, xinh đẹp quá không, kiểu: “Trông thế thế này thì mổ kiểu gì?”
Đến bây giờ vẫn rất nhiều ạ. Nhiều bệnh nhân họ lựa chọn theo cảm tính. Khi nghe bác sĩ Nhung giải thích, họ luôn hỏi em làm gì, bởi họ không nghĩ em là bác sĩ phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân lo lắng khi biết em phụ trách ca mổ. Chỉ đến khi phẫu thuật xong và tiếp tục chăm sóc, theo dõi thì họ mới quen dần. Thậm chí kể cả trong ngành, nhiều người cũng không nghĩ em là bác sĩ phẫu thuật. Có bác sĩ khi gặp em báo cáo về một số ca lâm sàng ở một hội nghị còn hỏi: Ơ, thế làm thật à? nhìn “bé” anh tưởng chỉ chơi với làm đẹp thôi chứ?
Ở các hội nghị quốc tế cũng vậy, khi các chuyên gia nhìn thấy em, lúc đầu họ có vẻ coi thường vì vi phẫu là một kỹ thuật rất khó, mà trông em thì chỉ như sinh viên mới ra trường. Đến khi thực hiện ca vi phẫu, họ thấy em làm rất thành công thì lúc ấy mới nhìn nhận khác đi.
Bác sĩ Nhung trong ca mổ cùng chuyên gia Đài Loan nổi tiếng trong ngành vi phẫu
– Tôi để ý thấy nhiều lúc mắt em cứ như sắp khóc khi nói về bệnh nhân. Em đã làm công việc này nhiều năm, trải qua rất nhiều ca phẫu thuật, vậy mà nó vẫn không làm cho cảm xúc của em bị chai sạn đi sao?
Trước đây, em cũng hay bị đồng nghiệp mắng vì đặt quá nhiều cảm xúc vào bệnh nhân. Mọi người lo rằng, nếu em đặt cảm xúc vào bệnh nhân thì sẽ ảnh hưởng đến công việc. Tuy nhiên, em thấy rằng những cảm xúc đó không ảnh hưởng gì vì khi mình tiếp xúc với bệnh nhân, đó không chỉ là đơn giản là công việc, là một vật thể mà đó là một con người có cảm xúc. Ví dụ như em luôn có nguyên tắc là phải giúp bệnh nhân giảm đau trước khi tiến hành các thủ thuật như rửa vết thương… Đã có lần, em cãi nhau kịch liệt với đồng nghiệp chỉ vì anh ấy muốn làm theo quy trình, là rửa sạch vết thương ở mặt với nước muối trước khi gây tê, còn em thì cương quyết phải rưới thuốc tê trước bởi em không thể chịu được khi thấy bệnh nhân đau đớn.
Những cảm xúc như vậy, đến bây giờ, em vẫn không thay đổi so với trước. Khó khăn nhất là khi phải báo tin cho bệnh nhân hiểm nghèo là không thể làm gì được cho họ. Em cũng đang có bệnh nhân là một cháu bé mà hiện chưa biết có thể làm gì được cho bé hay không. Cứ mỗi lần hội chẩn về ca bệnh này là em lại khóc. Một đứa trẻ con mà bị ung thư vùng hàm mặt, nhìn thương kinh khủng.
– Cảm ơn em về những chia sẻ này. Nhân dịp mùng 8/3, chúc em luôn xinh tươi, hạnh phúc và thành công với con đường mà mình đã chọn, dù chông gai nhưng đầy ý nghĩa nhân văn này.
Tuệ Khanh (Thực hiện)