NSƯT Phượng Hằng: Đỉnh cao của phụ nữ là gia đình – Cải lương Việt
NSƯT Phượng Hằng: Đỉnh cao của phụ nữ là gia đình
(CLV) – Sinh ra ở làng nem Lai Vung nổi tiếng của Đồng Tháp, lẽ ra Phượng Hằng sẽ thuần thục kỹ thuật làm nem, nhưng tuổi thơ của cô lại đắm chìm trong các làn điệu tài tử cải lương, vốn là niềm đam mê của bố mẹ, anh chị và gánh hát gần nhà.
Phượng Hằng kể, do thức cũng nghe, ngủ cũng nghe, chơi cũng nghe, đến trường cũng nghe cải lương, nên dù không có thầy chỉ bảo, chẳng qua lò đào tạo nào, nhưng nhịp phách của lối hát ngũ âm hò xự xang xê cống từ cây đàn ghi ta phím lõm, đàn kìm, đàn sến nhập vào hồn lúc nào không hay. Mê hát và hát hay, nhưng mãi đến khi được anh trai là nghệ sĩ Minh Tiến, giới thiệu vào đoàn cải lương Công an TP.HCM, nghệ danh Phượng Hằng mới được biết đến. Và lập tức, cách hát dài hơi mà vẫn tròn vành rõ chữ của vai Hồng trong vở Chiến công thầm lặng, vai Thục Oanh trong Vụ án Mã ngưu đã khiến tiếng ca của Phượng Hằng bay cao, bay xa. Nhìn lại, người ta dễ thấy, con đường đến đỉnh cao nghệ thuật của chị không quá thăng trầm như nhiều nghệ sĩ cải lương. Chưa đầy 10 năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, chị đã đoạt Huy chương vàng diễn viên xuất sắc Giải thưởng Trần Hữu Trang, được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú…. Bây giờ, sau hơn 30 năm đi hát, Phượng Hằng vẫn là gương mặt sáng giá của lớp nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975.
Hát hay, diễn giỏi, đẹp người đẹp nết, Phượng Hằng có rất nhiều khán giả hâm mộ. Không ít người quan niệm rằng, khi ở đỉnh cao, nghệ sĩ chưa nên lập gia đình, nếu không muốn người hâm mộ quay lưng. Chị hiểu điều này, nhưng chị cũng hiểu những được – mất vốn là quy luật của tự nhiên. Phượng Hằng cho rằng, đỉnh cao cần phải đạt và giữ cho bằng được của người phụ nữ Việt Nam chính là mái ấm gia đình. Chị tâm sự: “Là người của công chúng, nên sô diễn nhiều và cũng khó lòng từ chối tình cảm của khán giả, nhưng từ khi lập gia đình, tôi giữ nguyên tắc là dù muộn đến mấy, diễn xong vẫn phải trở về nhà, chứ không ở lại qua đêm”.
Tổ ấm Phượng Hằng luôn muốn quay về bây giờ là căn nhà ba tầng thênh thang ở Q.8, TP.HCM. “Chung nhà, nhưng chúng tôi như vợ chồng Ngâu. Ngày, anh đi làm thì tôi ở nhà, còn đêm tôi đi hát anh lại về nhà. Vì thế, luôn trở về nhà sau đêm diễn là cách tránh điều tiếng thị phi cho mình và giữ lòng tin cho chồng”, chị nói.
Chồng khá điển trai, lại làm công việc biên tập sân khấu truyền hình tiếp xúc nhiều với các nữ nghệ sĩ nên khó tránh lời ong tiếng ve. Là người trong nghề nên chị cũng không thể không nghe. Chị nói: “Con người không ai trọn vẹn, đã là vợ chồng thì phải hiểu và tin nhau để vượt qua mọi nghi ngờ mà vun đắp hòa khí gia đình”. Hòa khí ấy có được từ sự “hiểu mình, hiểu người” và đi đến thống nhất rằng, dù công việc có thế nào cũng phải dành hai ngày cuối tuần để cha mẹ con cái có dịp gặp nhau theo nguyên tắc một người vì mọi người…
Bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu lúc cầm quạt thì đẹp dịu dàng, lúc cầm gươm lại oai phong lẫm liệt. Bàn tay đó, ít ai hình dung chị có thể cầm xoong chảo, dao, kéo ở nhà một cách thuần thục, dù chị vẫn tự nhận “không phải mẫu người làm bếp giỏi”. Lý do, chị nói: “Là con gái út, được mẹ thương, nên ít khi tôi được cho vào bếp để trui rèn”. Tuy vậy, chị vẫn hớn hở: “Trong sở đoản của mình, với món cá hấp cuốn bánh tráng chấm mắm nêm thì chưa nghe cha con anh ấy chê lần nào!”.
Hai con của chị: trai học lớp 10, gái học lớp 6 đều đang ở tuổi “khó chịu và khó đoán” chúng đang nghĩ gì. Vì vậy, hai ngày cuối tuần, vợ chồng chị xem như những ngày sinh hoạt ngoại khóa để tăng cường “kỹ năng sống” cho mọi thành viên gia đình. “Một ngày về nội, một ngày ở nhà. Hai ngày ấy, vợ chồng tranh thủ khám phá thế giới mà các con đang quan tâm, đồng thời làm mát không khí khô khan trong tuần”. Bắt chước mẹ ngày xưa, chị dạy con bằng cách rủ rỉ rù rì chuyện buồn vui của chính mình và rút ra một điều “chân lý” trong ứng xử cho con. Chiều con, nhưng chỉ đáp ứng đúng những thứ con cần để học tập, đó là nguyên tắc của vợ chồng chị.
Hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống, chén trong sóng cũng nhất định có lúc phải khua. Vấn đề là làm sao chén khua mà hạnh phúc gia đình không sứt mẻ. Chị nói: “Vợ chồng tôi vốn khắc khẩu. Nói chưa tới hai câu là bắt đầu thấy mâu thuẫn. Yêu thương con, nên ai cũng nghĩ cách dạy của mình là hợp lý và đúng đắn, nên dễ xảy ra bất đồng”. Tìm cách để đi đến thống nhất trong quan điểm dạy dỗ con cái chính là chìa khóa vàng giúp cho gia đình nghệ sĩ vốn bị “định kiến” là rất dễ lung lay và nhiều điều tiếng… vẫn vững bền.
5/5 – (1 bình chọn)