Những viên sỏi của anh nuôi Phùng Văn Khầu

Những viên sỏi của anh nuôi Phùng Văn Khầu

Những viên sỏi của “anh nuôi”

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu sinh năm 1929, trong một gia đình nông dân nghèo người dân tộc Nùng ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Do mẹ mất sớm, được 3 tuổi, ông phải đi ở nhờ, đến năm 16 tuổi tuổi ông bỏ nhà đi theo Việt Minh. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên ông không được học chữ.

Khi được cấp trên giao đảm nhiệm việc nuôi quân ở Đại đội 755, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351, Phùng Văn Khầu rất lo lắng. Ông từng kể: “Hằng ngày tôi phải đi chợ mua thực phẩm phục vụ bữa ăn cho hơn 120 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Số tiền chi tiêu qua từng ngày cứ dần nhiều lên, tôi không biết ghi chép sổ sách ra sao vì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nỗi lo gặp chuyện nhầm lẫn số lượng, giá cả ngày một lớn mà đơn vị chưa cử được người thay”.

Nhung-vien-soi-cua-anh-nuoi-Phung-Van-Khau
Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu hồi trẻ

Ông Khầu mất nhiều đêm trăn trở suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành công việc mà không xảy ra sai sót? Và trong lúc ấy, “anh nuôi” không biết chữ đã nghĩ ra cách dùng những viên sỏi các kích thước khác nhau để phân biệt loại tiền (đồng, hào, xu).

Ông Khầu chia sỏi theo nhiều mệnh giá đồng tiền, một viên sỏi loại to có giá trị là một đồng; một viên sỏi loại vừa có giá trị là 5 hào và cứ thế các viên sỏi cũng nhỏ dần theo giá trị của loại tiền 2 hào, 1 hào cho đến những viên sỏi nhỏ nhất có giá trị là 5 xu. 

Cách tính độc nhất vô nhị này làm lợi cho đơn vị 200 đồng tiền Đông Dương. Sau chiến công đó anh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Những viên sỏi của ông Khầu hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

Nhung-vien-soi-cua-anh-nuoi-Phung-Van-Khau-8
Những viên sỏi của “anh nuôi” Phùng Văn Khầu

Cuối năm 1949, Phùng Văn Khầu được học chữ, tham gia huấn luyện và trở thành chiến sĩ pháo binh. Những ngày đầu tham gia chiến dịch, đơn vị của ông Khầu được giao nhiệm vụ bắn phá các cứ điểm đồi E1. 

Trước giờ khai hỏa, cấp trên lệnh cho trung đội của ông với 30 quả đạn pháo phải tiêu 4 lô cốt địch trên đồi E1 để mở đường cho bộ binh xông lên chiếm lĩnh trận địa. Nhưng do bộ đội ta lúc đó trình độ văn hóa còn thấp nên anh em hầu như không biết sử dụng máy ngắm, sau loạt đạn đầu, pháo thủ Khầu như đứng trên đống lửa vì bắn không hiệu quả. 

Quảng cáo

Ngay sau đó, “anh nuôi” Khầu đã áp dụng ngắm trực tiếp đến lô cốt địch, hướng lòng pháo dưới mép lỗ châu mai của địch. Với cách bắn này, tất cả 22 quả đạn tiếp theo của ta đã hạ gục bốn lô cốt kiên cố trên đồi E1.

Bật khóc trên mâm pháo vì thương đồng đội trúng đạn

Theo báo Pháp luật Việt Nam, trong trận đánh ngày 24/4/1954, hai khẩu sơn pháo trong đại đội đều bị quân Pháp bắn hỏng, các chiến sĩ bị thương và hy sinh gần hết.  Đơn vị 755 khi đó chỉ còn khẩu đội Khầu  là còn khả năng chiến đấu. Nhưng do địch tăng cường xe tăng, súng máy nên nhiều chiến sĩ bị thương, chỉ còn ông Khầu và khẩu đội phó Lý Văn Pao.

Thông thường, để điều khiển một khẩu sơn pháo cần có bảy người, nhưng lo khẩu pháo còn lại sẽ bị đạn địch bắn trúng, ông Khầu quyết định một mình chiến đấu.

Khi chứng kiến cảnh đồng đội bị thương, máu chảy, đau đớn, ông Khầu không thể kìm lòng được, bật khóc. Tuy nhiên, khi chợt thấy huy hiệu của Bác Hồ trên ngực, lý trí ông bừng dậy.

Ông đứng lên, kiên cường chống trả quân địch, tính riêng thời gian phòng ngự ở đồi E1, với một khẩu pháo 75 ly, Khầu đã bắn, phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi…

Đến năm 1986, ông Khầu hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, trở về cuộc sống thường nhật, tham gia khuyến học, mở lớp dạy thêm môn toán tại nhà miễn phí cho các cháu quanh vùng… Ông còn là một “chiến sĩ” chống tham nhũng quyết liệt của thị xã Sơn Tây…

Ngày 31/8/1955, ông được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. 

Xem thêm: Anh hùng Lý Tự Trọng và câu nói được thanh niên thế hệ sau coi như ‘bản tuyên ngôn về lập trường sống’

Rate this post