Những từ đẹp nhất trong tiếng italia
Một trong những điều kì diệu về ngôn ngữ là số lượng khổng lồ những từ không có những từ tương đương ở tiếng Anh. Thường thì đó là những khái niệm và ý tưởng mà cộng đồng nói tiếng Anh không có. Sau đây là một vài từ tuyệt đẹp như vậy do phóng viên của The Guardian thường trú ở khắp các quốc gia chọn lựa.
Sobremesa (tiếng Tây Ban Nha). Đây là một truyền thống đặc biệt của người Tây Ban Nha. Sobremesa là khoảng thời gian sau bữa ăn, thường là bữa trưa, để bạn bè, gia đình, đồng nghiệp cùng thư giãn, chuyện phiếm hay bàn luận, trao đổi những ý tưởng. Sobremesa có thể kéo dài hàng giờ liền, khi mọi người ngồi lai rai với vài cốc cà phê, cocktail hay vài chai whiskey. Ngoài việc ngồi lại để tiêu hóa bữa cơm, đó còn là khoảng thời gian hưởng lạc, vui thú với nhận thức rằng cuộc sống không chỉ là những giờ làm việc căng thẳng, rằng hiếm có gì tuyệt hơn ngồi quanh bàn và buôn chuyện trong phần lớn ngày còn lại.
Esperto/ Esperta (tiếng Bồ Đào Nha). Rất nhiều từ gần giống với esperto được đưa ra, nhưng không từ nào thực sự diễn tả được cách nhìn nhận của người Bồ Đào Nha khi nghĩ đến từ này. Nhanh trí, hiểu biết, khôn ngoan, trực giác nhạy bén, tỉnh táo… tất cả đều mang một phần bản chất của từ esperto. Nó cũng có thể mang một ý nghĩa tiêu cực: Một người được gọi là esparto nếu người đó dùng trí óc để lợi dụng người khác hay lừa họ vào rắc rối. Tóm lại, esperto hay esperta là sự đối nghịch của chậm chạp, ngu ngốc, thiếu trí tưởng tượng.
Bella figura (tiếng Italy). Trong hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống, từ cách ăn mặc, hành xử, đến việc ngôi nhà được chăm sóc ra sao hay món quà được gói thế nào, người Italy luôn cố gắng đạt tới bella figura, tức là có một dáng vẻ thật đẹp. Vẻ bề ngoài và các chi tiết nhỏ trong đời sống hàng ngày rất được người Italy coi trọng, giống như việc đăng một bức ảnh lên mạng xã hội vậy: “Vấn đề không phải là bạn làm gì, mà là bạn trông như thế nào khi làm việc đó”. Đây là cách để thăng tiến trong công việc hay thậm chí để các chính trị gia có thêm sự ủng hộ. Như chính một người Italy nhận xét, họ chỉ cần có một bức selfie đẹp với một vị trí tốt, họ có thể có cả sự nghiệp chính tri tuyệt vời mà chẳng phải làm gì.
Feierabend (tiếng Đức). Người Đức thường được cho là coi trọng công việc hơn nghỉ ngơi, nhưng feierabend chính là sự phản bác trước nhầm lẫn này. Nó ám chỉ khoảng thời gian rảnh rỗi kể từ khi rời cơ quan tới lúc đi ngủ trong bất kỳ ngày làm việc nào. Họ không đi xem phim hay tập gym mà chỉ đơn thuần chẳng làm gì cả, ngoài tận hưởng sự yên tĩnh, vô lo, thư giãn của buổi tối. Feierabend được coi trọng đến mức người Đức có thể rất cáu bẳn nếu có một cuộc gọi công việc vào chiều thứ sáu hay khi ai đó cố mua vài viên aspirin ở hiệu thuốc vào chủ nhật (chủ nhật được coi như feierabend cả ngày!). Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động của người Đức cao ngất ngưởng: Để thực sự tận hưởng buổi tối, bạn phải hoàn tất công việc trước khi hết giờ.
Sisu (tiếng Phần Lan). Sisu là sự kết hợp của kiên cường, gan lì, quyết tâm, kiên nhẫn, can đảm, cụ thể là sức mạnh tinh thần bất chấp hậu quả để đảm bảo việc cần làm sẽ được hoàn tất. Sisu giúp người Phần Lan vượt qua những mùa đông tăm tối, rét buốt để trở thành một trong những quốc gia giàu có, an toàn và ổn định nhất thế giới. Tất nhiên, nó cũng khiến họ ngoan cố, cứng đầu, thiếu cảm thông, chối bỏ sự yếu đuối. Dù vậy, sisu vẫn luôn được coi là tính cách đặc trưng đầy tự hào của người Phần Lan.
Ta’arof (tiếng Iran). Ta’arof ám chỉ nghệ thuật xã giao rất khách khí ở khắp nơi trong đời sống hàng ngày của người Iran. Ví dụ như khi hai người gặp nhau trước cửa, họ sẽ cố nhường người kia vào trước và lãng phí vài phút trước khi cuối cùng một người bước vào. Hay việc một người mời bạn tới nhà ăn trưa, dù thực tế chưa chuẩn bị gì và cũng không mong bạn đồng ý; còn bạn thì khăng khăng từ chối vì bạn biết người kia chẳng có gì để mời và không muốn là gánh nặng, dù thực sự thì bạn muốn đến.
Toska (tiếng Nga). Toska là sự kết hợp của đau buồn lẫn khao khát, một cảm giác không thể chịu đựng được cần phải thoát ra nhưng thiếu đi hy vọng và năng lượng để làm được. Nhà văn Anton Chekhov đã viết cả một truyện ngắn tên là Toska về một người đánh xe vừa mất con cần tìm ai đó để giãi bày, và cuối cùng tâm sự với con ngựa. Dù là một cảm xúc mang phần nào tiêu cực, nhưng nếu không có toska thì không thể có những lúc vui sướng đến cuồng nhiệt, những cuộc trò chuyện tâm tình lúc 4 giờ sáng hay những khi hào phóng một cách vô nghĩa. Toska là dấu hiệu mà mọi cảm xúc đi ngược lại logic, khi chúng ta thực sự sống những cảm xúc ấy. Có thể bạn từng trải qua toska, nhưng nếu bạn không nhận ra nó thì tức là bạn vốn đã mang trong mình một chút tâm hồn Nga.
Shoganai (tiếng Nhật Bản). Bất cứ từ ngữ nào biểu thị sự bất lực của con người trước sức mạnh tàn phá của tự nhiên đều lí giải phần nào ý nghĩa của shoganai. Đó là câu cửa miệng của người Nhật trước bất kì tình huống nào mà họ tin rằng bản thân không thể tác động gì, như động đất – sóng thần năm 2011, gần giống như: “Chẳng thể làm gì được” hay “Nó phải như thế thôi”. Shoganai xuất phát từ quan điểm của Phật giáo, cho rằng trong một số trường hợp thì chấp nhận sự thật không may mắn sẽ dễ dàng hơn là cố gắng phủ nhận nó. Tuy vậy, câu nói này đã được áp dụng quá thường xuyên bởi người Nhật ngay cả trong những tình huống mà con người thực ra có ảnh hưởng đến vấn đề lớn hơn là họ nghĩ.
Polderen (tiếng Hà Lan). Polderen nghĩa là hợp tác một cách thực dụng bất chấp những khác biệt. Nó bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của người Hà Lan trong quá trình giành lại đất đai từ biển cả. Kể từ thời Trung đại, những người Hà Lan đã vượt qua những xung đột về tôn giáo, giai cấp hay chính trị và cùng nhau duy trì hệ thống các cối xay gió và đê, kè biển phức tạp và quan trọng để bảo vệ mảnh đất của mình trước sự xâm lấn của biển cả. Sự hợp tác này trở nên phổ biến trong chính trị Hà Lan, đặc biệt là Hội đồng Xã hội – Kinh tế, nơi mà chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và công đoàn cùng lên tiếng, thảo luận để thống nhất về các vấn đề như tiền lương, giờ làm việc, năng suất lao động và tạo công ăn việc làm.
Tiáo (条) (tiếng Trung Quốc). Đây là một lượng từ trong tiếng Trung dùng cho những thứ có hình dạng dài và hẹp, ví dụ như cá, tàu, gói thuốc lá, quần dài, sông, hay cả những con rồng. Từ này chỉ là một trong ít nhất 140 lượng từ rất đặc biệt trong tiếng Trung, bởi chúng có thể biểu hiện được hình dáng của đối tượng được nhắc đến hay mối quan hệ giữa các sự vật. Ban đầu tiáo chỉ được dùng với những thứ cầm nắm được (thắt lưng, cành cây, sợi dây,…), sau đó là cả những thứ lớn hơn (đường phố, sông ngòi, dãy núi,…). Dần dần từ tiáo được dùng một cách ẩn dụ, với những từ như tin tức (ở Trung Quốc chữ được viết theo chiều dọc, nên tin tức là tập hợp những dòng chữ dọc rất dài) hay sự kiện (lúc đầu xuất hiện trong các danh sách dưới dạng những nhánh dài). Rồi cả ý tưởng hay quan điểm cũng được gắn với từ tiáo, và đến thế kỷ 14 nó được dùng với từ tinh thần/ linh hồn, thứ được tưởng tượng là rất thẳng và cao.