Những người bà con của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
TP – Bên lễ tân xếp tôi ở chung phòng với Lưu Quang Định, Tổng Biên tập tờ Nông thôn ngày nay. Mừng cho lứa làm báo cỡ tứ tuần như Định, nhiều anh đã thành quan báo.
>> Kỳ trước
Kể ra làm cái anh TBT cũng sướng, nhất là những cuộc đi như thế này, chỉ việc ngó chương trình xem cuộc nào bắt mắt thì dự và chỉ thị cho cánh thư ký tòa soạn ở nhà đăng lại tin của TTX là ổn nhất. An toàn mà thân mình cũng chả nhọc.
Nhưng Định hình như vẫn còn rất nhiều máu viết lách. Bằng cớ là có đêm tôi chợt bừng giấc và cũng lại vốn khó ngủ thấy Định cứ lạch xạch chi đó với cái laptop mang theo.
Tôi cứ nghĩ gien chữ nghĩa của ông cụ thân sinh ra Định, thi sĩ kiêm tác gia kịch Lưu Quang Thuận và anh trai, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hình như vẫn chập chờn đâu đó trong máu cái anh Tổng Biên tập đầu tóc gọn gàng quần áo lúc nào cũng chỉn chu kia chứ chả thể tiệt hẳn được.
Tính luộm thuộm nhếch nhác mà phải nằm bên một anh chỉn chu thì cũng ngại. Ngại nhất là khoản thuốc lào. Rút kinh nghiệm những lần đi trước, tôi nhẹ nhàng kéo tấm kính di động của cửa sổ, chĩa cái điếu ra khoảng không mênh mang của Washington DC xòe cái bật lửa ga mà phà khói.
Vừa đỡ làm phiền lẫn ô nhiễm cái anh chỉn chu kia nhưng cái chính là kiểu hút thuốc lào như thế cánh phục vụ buồng dày dạn kinh nghiệm của khách sạn 5 sao này có mà tài thánh cũng không thể phát hiện ra!
Bởi chuyện hút thuốc lá ở xứ này, thiết bị đo khói hay báo cháy trong phòng đánh hơi rất thính nhạy rú còi ầm ĩ và liền tắp lự khách ở xin vui lòng xuỳ ra 400 USD tiền phạt theo luật của bang và 400 USD tiền phạt nữa theo quy định của khách sạn!
Lắm anh ký giả trong đoàn mắc bệnh ghiền khói đương đêm phải lần ra thang máy mò xuống tầng trệt thoát hẳn ra ngoài cửa khách sạn để hút thuốc thấy cung cách hút trộm nhưng khá nhàn hạ của tôi đã phải phát ghen lên! Có anh đòi tập theo. Nhưng mới bập vài hơi đã ho sặc sụa đành chịu!
Lệch múi giờ và vô số thứ khác của anh làm báo đi hành nghề ở xứ người nên tôi với Định ngủ ít lắm. Dài ra trong đêm là những câu chuyện không đầu không cuối.
Tôi biết thêm bên cạnh vinh quang của việc bố (Lưu Quang Thuận) nhận Giải thưởng Nhà nước và con Lưu Quang Vũ Giải thưởng Hồ Chí Minh, không phải là thoáng gợn mà mênh mang những chuyện buồn.
Người Đà Nẵng khu Năm nhưng ông bố Định lại mê chèo. Vở Tấm Cám một thời ngả nghiêng sàn diễn Hà thành lẫn những vùng quê Bắc Bộ. Người ta nhớ đến Tấm Cám của Lưu Quang Thuận hơn những Tóc thơm (thơ) và những Người Hoa Lư (kịch thơ) Cô Giang (kịch nói) vv…
Người nghệ sĩ đa tài ấy đã khóc như mưa khi nghe tin người cha mình mất ở Đà Nẵng năm 1973 mà mãi mấy năm sau mới hay hung tin. Những giọt nước mắt nhuốm cả nỗi ân hận muộn màng bởi từ hồi dứt áo ra đi theo kháng chiến đã không kịp một lần gặp lại cha!
Gia đình Lưu Quang Thuận chưa phải giàu sụ nhưng có máu mặt ở xứ Đà Nẵng. Cái dòng họ ấy hình như tinh những người tài. Làm giàu chính đáng là một cái tài. Có một ông em ông nội của Định tên là Lưu Văn Tư từng là nhà tư sản chơi thân với Bảo Đại.
Nhưng ông đã bỏ hết để đi với kháng chiến. Rồi trở thành một yếu nhân của ngành ngân hàng Nhà nước Việt Nam non trẻ những năm đầu kháng chiến. Nhưng rồi không biết cơn cớ chi ông dinh tê. Những năm cuối đời ông làm nên một cơ nghiệp bên Mỹ và mất ở bên ấy.
Thời gian đó Lưu Quang Thuận đang ở trên Việt Bắc. Ông từng dạy con, cậu con trai Lưu Quang Vũ khi ấy còn bé tí trên chiến khu học bằng cách đánh vần những bản tin chiến thắng in litô.
Có một chuyện gần như giai thoại khi nghệ sĩ Lưu Quang Thuận mất được 10 ngày (ông mất năm 1981, vào giai đoạn gian khó của đất nước hè đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu/ Những năm tháng già trước tuổi/ Những năm thương Hà Nội trăm lần hơn – Thơ Lưu Quang Vũ) thì có người của cơ quan tìm đến căn gác 2 tồi tàn ở 96 Phố Huế trao quyết định nâng lương cho ông từ cán sự 6 hưởng mức lương 93 đồng lên chuyên viên 1 hưởng mức lương 103 đồng. Bà vợ ông đã nhã nhặn cám ơn và bảo người mang quyết định nâng lương ấy đem xuống … Văn Điển cho ông Lưu Quang Thuận!
Có lẽ làng văn Việt ít có trường hợp con nối việc bố như Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ tìm thấy bản thảo Nàng Sita mà bố mình, Lưu Quang Thuận mới viết được một hồi phủ đầy bụi trên nóc tủ.
Anh đã chong đèn nhiều đêm viết tiếp vở kịch. Và Nàng Sita sau đó từng làm ngả nghiêng sàn diễn Hà Nội và nhiều thành phố khác. Hình như vong linh người cha run rủi phù trợ cho con. Lưu Quang Vũ chói sáng không những bằng hàng chục vở diễn trong ánh đèn sân khấu.
Người ta đã thấy ló dạng một giống chim báo bão, một điềm triệu, một thứ tiên tri cho Đổi Mới và quyết liệt với thói tham quan ô lại thời sự đến tận bây giờ.
Để đến năm 2002, ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch Đà Nẵng, vốn là người mê kịch Lưu Quang Vũ quyết định trong một cuộc họp HĐND thành phố đặt tên một con đường mới mở của Đà Nẵng dài 4 km là đường Lưu Quang Vũ song song với đường Trần Đại Nghĩa. Một ông làm kịch làm thơ nằm kề bên một ông chuyên làm bom làm súng!
Có một lúc giọng Định thảnh thốt nhắc lại cái ngày 25 tháng 8 năm 1988, khi ngồi lên xe để ra sân bay trở lại Liên Xô sau kỳ nghỉ hè, chị dâu Xuân Quỳnh còn nắm chặt tay Định cười rõ chi là tươi rằng sắp tới anh chị sang Liên Xô sẽ đến ở lâu với Định.
Vậy mà chỉ mấy ngày sau cả nhà Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và bé Mí vĩnh viễn về cõi vô cùng trong một tai nạn thảm khốc ở dốc cầu Phú Lương (Hải Dương). Định nói mình không phải là người mê tín lẫn đắm đuối về mặt tâm linh.
Nhưng người anh trai Lưu Quang Vũ của Định có chi đó rất lạ dường như tiên cảm được sự ra đi của mình bằng chính những câu thơ và ngay cái tên tác phẩm cũng đủ gở. Tập thơ đầu tay Sống mãi tuổi 17 và tập kịch cuối Con chim sâm cầm đã chết. Khởi đầu sống. Kết thúc là cái chết.
Rồi có lúc nửa đêm Washington DC là giữa trưa Hà Nội, Định chút thoáng hé cho tôi về cái gia đình của Định mà tôi cho là hơi bị lạ! Ông bà nội của Định có sáu người con trai… Cả là bố Định, nghệ sĩ Lưu Quang Thuận. Người thứ hai là Lưu Quý Thảo. Ông Thảo có khiếu kinh doanh như cha mình.
Ông rất nổi danh ở Đà Nẵng với nghề thầu khoán dưới thời Mỹ Ngụy. Thứ ba Lưu Quang Thành từng là Trưởng ban tiếng Anh ở TTX Việt Nam. Người thứ 4 là Lưu Quang Luỹ. Ông Lũy vào quân đội, từng là trưởng đoàn nghệ thuật quân tình nguyện Việt Nam ở Lào say mê sáng tác văn thơ.
Khi đoạt giải thưởng Phạm Văn Đồng, nhà thơ trẻ ấy đã có bút danh khác và bút danh ấy sau này thành luôn tên: Lưu Trùng Dương. Sau một thời gian là Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nhà thơ Lưu Trùng Dương về hưu và hiện sống ở Sài Gòn.
Nhiều bạn đọc quen thuộc với thơ Lưu Trùng Dương vẫn đang thầm tiếc cho thi sĩ. Đến bây giờ ông vẫn chưa nhận được hình thức tôn vinh nào của Nhà nước mặc dù có bề dày thành tích cống hiến cho các cuộc kháng chiến lẫn độ dày độ bền của tác phẩm. Người thứ năm Lưu Quang Hải.
Ông Hải thông minh. Rất có khiếu ngoại ngữ. Rành mấy thứ tiếng nhưng thạo nhất là tiếng Anh. May mắn ông thoát khỏi phải đăng lính và được chọn vào làm thông dịch viên cho Cơ quan Lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng.
Người con trai út tên là Sơn có một số phận lạ lùng. Có lẽ vào một dịp khác, người viết bài này sẽ chi tiết thêm về ông. Anh em nhà ông Thuận không bao giờ nghĩ mình lại có thêm một người em út!
Nhưng một đêm của năm 1978, có một người đàn ông đột ngột xuất hiện trước căn nhà cũ của họ Lưu ở Đà Nẵng và khóc rồi xưng tên mình. Mãi sau này người nhà mới hiểu ra cơn cớ rằng ông nội Định đã có một người con thêm tự bao giờ. May sao mọi sự sau đó êm thấm cả. Năm anh em trai lại có thêm chú em út nữa là sáu!
Như vậy sau năm 1954, cái gia đình bề thế êm ấm ấy, sáu người con trai thì 3 ở Nam và 3 tại Bắc. Rồi những cự ly thương mến ấy lại doãng cách thêm lên cùng với cuộc di tản sau năm 1975. Tiết trưa tháng 6 của miền viễn Tây Hoa Kỳ xứ Texas oi nồng như thể ở xứ Quỳ Châu miền Tây xứ Nghệ vậy, may mà thi thoảng tầm chiều bất đồ ập xuống một cơn mưa kiểu Sài Gòn nên cũng dễ thở.
May nữa là tôi với Định đang ngồi trong một chiếc xe hơi nom khá bảnh nhưng bên này thời giá chưa đến hai chục ngàn đô. Hơi lạnh từ hệ thống điều hòa tỏa ra mát dịu.
Đường phố Houston vun vút lướt qua cửa xe với những building cửa hàng cửa hiệu, nơi thì khuôn phép ngay ngắn bắt mắt của một đô thị hiện đại, nơi thì nhuôm nham lộn xộn của khu phố đang thời kỳ mở đầu cho sự xây cất.
Nghe nói nhiều người Việt từ Cali từ Quận Cam đang đổ xô về đây mua đất. Tôi ngồi nhẩm thấy khoản địa ốc xứ Texas này rẻ chỉ bằng 2/3 so với Hà Nội.
Chiếc xe quay tới quay lui lướt khắp Houston ngó ngon trớn của một tay lái khá điệu nghệ. Ấy thế mà vừa điều khiển xe, người lái lại phải liên tục trả lời điện thoại. Những cú điện thoại không đừng được của những người ham công tiếc việc mỗi khi bập vào những sự vụ làm ăn.
Đưa chúng tôi đi dạo bằng xe như thế này quả là một thứ xa xỉ đối với người chủ xe. Nhưng biết thế nào được. Chả mấy khi người thân từ Việt Nam qua. Và biết đến bao giờ Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay mới lại có dịp đặt chân qua xứ này.
Định là bạn của tôi nhưng là anh em con ông chú ông bác với người chủ xe đây, cô Nguyệt! Chiếc quần bò có vẻ hợp với khung cảnh hoang sơ của miền Tây Hoa Kỳ, cái áo khoác cũng bằng vải bò khoác khá trễ tràng, nom Nguyệt có chất táo tợn ngang tàng đan xen cung cách ân cần dịu dàng nữ tính.
Như bạn đọc đã theo tôi từ đầu, cái cô Nguyệt ở Houston mà tôi vừa kể ấy là con gái thứ của ông Lưu Quang Hải, em ruột nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, chú ruột của Lưu Quang Vũ một thời là thông dịch viên cho cơ quan Lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng. Còn cơn cớ để đưa ông Hải từ miền Trung Việt Nam qua miền Tây nước Mỹ là cả một câu chuyện dài…
———————-
Còn tiếp