Những ngày cuối đời của nghệ sĩ Thế Anh
Một ngày trước khi mất, nghệ sĩ Thế Anh còn hồ hởi vì sắp được xuất viện, về nhà cùng vợ con.
Trong lễ viếng Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh chiều 1/10, bà Thu Hằng – vợ cố nghệ sĩ – đứng nép bên hai con trai. Khi đồng nghiệp của chồng đến cầm tay chia sẻ, bà cố nén nỗi buồn, mỉm cười cho khách an lòng. Thỉnh thoảng, vắng người, bà lại gần linh cữu, xếp lại tấm vải voan, vuốt nhẹ lồng kính. Với vợ Thế Anh, sự ra đi của ông đầy bất ngờ vì chỉ trước đó một ngày, gia đình còn sửa soạn đồ để đón ông từ bệnh viện trở về.
Di ảnh nghệ sĩ Thế Anh.
Vợ cố nghệ sĩ kể những tháng cuối đời, ông chủ yếu điều trị trong bệnh viện. Hồi tháng 6, ông bị tai biến mạch máu não lần hai, phải cấp cứu. Bốn tháng trị bệnh, ông chỉ về nhà được hai lần rồi lại phải vào viện. Dưỡng bệnh một thời gian, sức khỏe ông khá dần. Cuối tuần trước, ông tỉnh táo, ăn uống được dù liệt nửa người. Ông bảo vợ xin bác sĩ về nhà nằm để thay đổi không khí, “nếu có bị làm sao, anh lại vào viện tiếp”. Giấy tờ xuất viện đã ký xong, cả nhà ông khấp khởi vui mừng, chỉ chờ con trai cả thu xếp công việc để đón bố về vào đầu tuần. Sáng sớm hôm sau, sau khi vệ sinh cá nhân, đột nhiên người ông tái mét, tay chân cứng lại vì nhồi máu cơ tim. Dù liên tục được hô hấp nhân tạo, ông không qua khỏi. “Anh ấy đi mà không kịp trăng trối”, bà Hằng kể.
Thế Anh vào vai Trịnh Sâm trong “Đêm hội Long Trì (năm 1989, đạo diễn Hải Ninh)
Thế Anh vào vai Trịnh Sâm trong “Đêm hội Long Trì” (năm 1989, đạo diễn Hải Ninh). Video: Phương Nam Phim.
Người vợ tâm sự, ở tuổi già, Thế Anh bị chứng Alzheimer nên đôi lúc nhớ nhớ, quên quên, song vẫn nhận ra con cháu, đồng nghiệp. Dù cơ thể khó cử động vì ảnh hưởng của chứng tai biến, ông vẫn tươi cười. Cuối đời, Thế Anh không còn tâm nguyện gì lớn lao vì đã đạt nhiều thành tựu trong phim ảnh lẫn kịch nói. Thỉnh thoảng, tâm sự với bà trên giường bệnh, ông ấp ủ về một bảo tàng mini trưng bày các hiện vật ông sưu tập suốt nửa thế kỷ làm nghề. Ở nhà, ông lưu giữ hàng trăm áp phích phim, máy móc, đạo cụ… Lương hưu có bao nhiêu, ông đổ dồn vào việc mua đồ lưu niệm liên quan đến phim ảnh. “Đó là di sản lớn nhất ông để lại. Sau khi lo liệu xong tang lễ, tôi và các con sẽ bàn xem nên phối hợp với Hội điện ảnh TP HCM ra sao để bảo tồn bộ sưu tập đồ sộ này”, vợ nghệ sĩ nói.
Vợ nghệ sĩ Thế Anh – bà Thu Hằng.
Vợ chồng nghệ sĩ Thế Anh quen nhau từ thuở còn học chung trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Ngày đó, bà thuộc hàng hoa khôi, còn ông là nam sinh nổi bật của khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên ở Hà Nội. Mến chàng trai tài hoa với gương mặt điển trai, nụ cười răng khểnh, bà nhận lời tỏ tình của ông. Năm 1966, sau khi Thế Anh đóng phim đầu tay Nổi gió, họ kết hôn và có hai con trai. Thời trẻ, bà là nghệ sĩ triển vọng của Nhà hát Kịch nói Trung ương, từng gặt hái nhiều huy chương, giải thưởng. Sau khi làm vợ, làm mẹ, bà dần rời xa sàn diễn, lui về hậu trường để chồng tỏa sáng.
Thế Anh đặt tên hai con – Phương và Duy – theo tên hai nhân vật chính trong Nổi gió (1966) và Mối tình đầu (1977) để kỷ niệm những mốc son trong chặng đường diễn xuất của ông. Hai con trai Thế Anh lớn lên đều không theo nghiệp cha. Con trai cả Thế Phương từng một lần chạm ngõ nghề diễn khi đóng phim Đời có tên tụi mình (1992). Sau này, anh làm trong ngành hàng không. Con trai thứ Thế Duy hiện công tác trong ngành ngân hàng và định cư ở Pháp.
Thành Lộc chia sẻ về Thế Anh trong tang lễ trưa 1/10
Thành Lộc chia sẻ về Thế Anh trong tang lễ. Video: Mai Nhật.
Trong cơn mưa lớn chiều 1/10, nhiều đồng nghiệp đến nhìn mặt Thế Anh lần cuối. NSND Trần Hiếu lặng người một lúc khi ngắm bạn cũ qua lồng kính. Họ thời trẻ đều là những thanh niên Hà Nội đam mê văn nghệ. Sau này, người theo đuổi nghề diễn, kẻ miệt mài ca hát. Thuở đó, trường nhạc mở trước nên Trần Hiếu được học sớm, sau đó, Thế Anh, Đoàn Dũng… mới học sau ở trường kịch. Tốt nghiệp xong, thỉnh thoảng Trần Hiếu còn được mời sang trường Nghệ thuật Sân khấu để dạy cách lấy hơi, phát âm… “làm thầy” của Thế Anh và nhiều đồng nghiệp. Hơn 60 năm làm bạn, lâu ngày gặp lại, họ vẫn ôm nhau vồn vã. “Có lần, trong một sự kiện, tôi lên hát bài Chúng tôi là nghệ sĩ, phía sau Thế Anh, Đoàn Dũng, Trần Tiến… đứng thành tốp ca, phụ bè cho tôi rất vui”, Trần Hiếu kể.
NSND Trần Hiếu nhìn mặt bạn cũ lần cuối.
Lý Hùng là một trong những diễn viên có dịp làm việc cùng Thế Anh sau khi ông chuyển công tác vào Nam. Anh từng diễn cùng ông trong nhiều phim như Nước mắt buồn vui (2003), Tây Sơn hào kiệt (2010)… Khi đó, ông đã là tượng đài lớn trên màn ảnh song vẫn xởi lởi, cởi mở với hậu bối. Ông nghiêm túc, chỉn chu trong từng cảnh quay nhưng thích pha trò, tán dóc cùng các đồng nghiệp. “Có lần quay phim từ sáng đến tối, tôi đã thấm mệt. Hỏi thăm bác, bác cười, nói có đóng ba ngày, ba đêm ông vẫn khỏe. Trong nghệ thuật, ngoài cha, Thế Anh là tấm gương lớn nhất của tôi”, Lý Hùng nói. Ngoài đời, Thế Anh là bạn thân của NSND Lý Huỳnh – cha Lý Hùng.
* Xem thêm: Nghệ sĩ viếng tang Thế Anh chiều 1/10
Lễ truy điệu cố nghệ sĩ Thế Anh diễn ra tại Nhà tang lễ TP HCM. Sáng 3/10, linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng ở Phúc An Viên, quận 9. Ông qua đời sáng 29/9 ở tuổi 81, sau thời gian điều trị tai biến ở Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).
Cố nghệ sĩ tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh, sinh ngày 3/4/1938 ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung…
Năm 1966, Thế Anh ghi dấu ấn với vai diễn điện ảnh đầu tiên trong phim Nổi gió. Năm 1977, ông đóng vai một thanh niên nghiện hút trong phim Mối tình đầu. Sau phim này, ông quyết định để ria mép để trông nam tính hơn. Ở tuổi ngoài 50, ông tham gia phim Gánh xiếc rong, Điện Biên Phủ, Đêm hội Long Trì… Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Những năm gần đây, ông tìm niềm vui tuổi già ở việc viết sách và nghiên cứu phim ảnh.
Mai Nhật
Ảnh: Quỳnh Trần