Những điều ít biết về cố Giáo sư – Bác sỹ Tôn Thất Tùng
Ít ai nghĩ rằng sinh thời, cố GS BS Tôn Thất Tùng cũng làm thơ. Chính bà Vi Nguyệt Hồ – phu nhân của ông đã kể rằng “Ông ấy là người yêu thơ, thích làm thơ…”.
Yêu thơ, thích làm thơ và viết ra những điều tâm đắc, những suy ngẫm giàu tính nhân văn, cố GS BS Tôn Thất Tùng không những là một nhà khoa học tài danh, ông còn là một nhà văn hóa với những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ.
Bà Vi Nguyệt Hồ, người đẹp nổi tiếng đất Hà Thành một thời, cháu gái của Tổng đốc Vi Văn Định, vợ cố GS – BS Tôn Thất Tùng năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, tiếp tôi tại khu nhà cổ gồm nhiều thế hệ của một gia đình “danh gia vọng tộc” tại phố Lê Thánh Tông (Hà Nội).
Bà nói, năm 16 tuổi, bà kết hôn với người bác sỹ tài hoa Tôn Thất Tùng và gắn bó với ông suốt cuộc đời. Khi mang thai đứa con đầu, bà đã tìm nhiều cuốn sách dạy làm mẹ, dạy cách chăm sóc con để đọc, trong đó có cuốn “Gui de de jenne mere” (Hướng dẫn cho người mẹ trẻ) bằng tiếng Pháp.
“Chồng tôi là một người rất coi trọng nhân cách, tính tự lập, tự trọng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm… Đó cũng là điều vợ chồng tôi dạy các con… Dạy cách sống, cách thức làm người trung thực, sống tử tế, không giả dối, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, bình đẳng với mọi người, biết cách sống nhân ái, bao dung, biết thương yêu, giúp đỡ người khác.
Vợ chồng tôi dạy các con học chữ là học lấy kiến thức chứ không phải học để có điểm cao khi đi thi, không phải học để rồi có địa vị cao trong xã hội, dạy các con nếp sống gia giáo, nhưng tuyệt đối không cấm đoán, không quá khắt khe. Cấm đoán rất dễ tạo ra dối trá, tạo ra sự đối phó mà không thật lòng. Chúng tôi kiểm tra các con qua sổ học bạ hàng tháng, điểm số thế nào, cô giáo, thầy giáo ghi gì. Kiểm tra sức khỏe, tính kỷ luật, tính tự giác …”.- Bà Vi Nguyệt Hồ tâm sự.
Cố GS – BS Tôn Thất Tùng sinh ra trong một gia đình quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, từng làm Tổng đốc Thanh Hóa) cũng như bà Vi Nguyệt Hồ cháu nội quan Tổng đốc Vi Văn Định, nhưng có lẽ do tiếp thu sớm nền văn minh phương Tây nên cách dạy con, dạy cháu có nhiều điều mới mẻ, không quá lệ thuộc vào những quy định khắt khe của Hoàng tộc.
Bà Vi Nguyệt Hồ nói rằng gia đình lớn của bà rất khuôn phép, nhưng với bà cũng như với chồng bà, GS – BS Tôn Thất Tùng không bắt các con trước khi đi ngủ phải vào tận giường chào bố mẹ và nói “Chúc ba mẹ ngủ ngon”, bữa ăn không cần khoanh tay mời từng người, chỉ cần nói “Chúng con mời cả nhà ăn cơm” là được.
“Vợ chồng tôi coi các con như những người bạn, tôn trọng các con, nhưng tuyệt đối không chiều con vô lối. Khi các con còn bé, thường dỗi, khóc để đòi cái này cái khác, tôi tuyệt đối không cho. Chúng tôi luôn dạy con kính trọng ông bà bố mẹ, kính trọng người lớn, không phân biệt người giàu với người nghèo. Nhà tôi là người luôn coi trọng sự bình đẳng, không phân biệt nghề sang, nghề hèn…
Khi kết hôn với tôi, tôi làm y tá ở bệnh viện, nhà tôi không hề phân biệt y tá với bác sỹ giáo sư… gì cả. Ông tôn trọng mọi người, coi mọi nghề như nhau. Vấn đề là làm nghề gì thì phải làm cho giỏi, say mê với nghề… Con người ta, ai cũng có cái tốt, cái chưa tốt, cái hay, cái dở, mình dạy con là dạy cách thức sống, cách thức làm người, cách thức đối nhân xử thế, để khi lớn lên, mình sống như thế nào, làm việc như thế nào, hành xử như thế nào với mọi người là tự bản thân mình, tự các con quyết định, vấn đề là sống sao để lương tâm không cắn rứt, để bản thân mình thanh thản, gia đình mình thanh thản, để xứng đáng với tổ tiên, ông cha mình …” – bà Vi Nguyệt Hồ thổ lộ.
Cố GS BS Tôn Thất Tùng có ba người con đều học hành giỏi, đều có danh phận với sự tôn trọng, tin yêu của nhiều người. Viện sỹ Tôn Thất Bách sinh năm 1946, là Nhà giáo Nhân dân, Viện sỹ nhiều viện khoa học danh tiếng. Ông là người có “Bàn tay vàng”, thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về gan và tim nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Đại biểu quốc hội nhiều khóa, viện sỹ Tôn Thất Bách được báo chí vinh danh “Ông nghị của người nghèo”. Ông mất năm 2004 khi đang đi công tác trong một chương trình vì người nghèo ở tỉnh Lào Cai.
Bà Tôn Nữ Ngọc Trân sinh năm 1950, học giỏi, nhiều năm học ở Nga, là kỹ sư hóa học, làm việc ở Viện Hóa (Viện khoa học Việt Nam), có chồng cũng là tiến sỹ.
Cô con gái út là Tôn Nữ Hồng Tâm, bác sỹ sinh hóa, có chồng là ông Phạm Tuấn Phan (con trai cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tên khai sinh Phạm Văn Cương).
Bà Vi Nguyệt Hồ nói rằng, cho đến bây giờ, bà cảm thấy hạnh phúc vì các con bà đã trưởng thành, bà cảm thấy yên tâm vì các con, các cháu của bà đều sống có trách nhiệm, yêu nghề, biết quan tâm đến người khác, nhất là những người nghèo.
Gia đình cố Giáo sư – Bác sỹ Tôn Thất Tùng.
Bà kể một câu chuyện cảm động về người con trai của bà, Viện sỹ Tôn Thất Bách, người rất quan tâm, yêu thương bệnh nhân hết lòng. Tuy con trai bà mất đã hơn chục năm rồi mà tết nhất, những người bệnh trước đây được ông cứu chữa vẫn đến thăm hỏi, có người đi xa cả trăm cây số từ một vùng quê nghèo mang đến tết bà một con gà trống. “Tiếc là con trai tôi mất sớm, nếu không, còn cứu chữa được nhiều người nữa, cứu được nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo…”.- bà Vi Nguyệt Hồ rơm rớm nước mắt.
Cố GS – BS Tôn Thất Tùng sinh năm 1912 ở Thanh Hóa nhưng quê gốc ở cố đô Huế. Ông mất năm 1982, thọ 70 tuổi.
GS – BS Tôn Thất Tùng là một bác sỹ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu gan và giải phẫu gan.
Ông nổi tiếng với “Phương pháp cắt gan khô”, là người Việt Nam đầu tiên cắt gan thành công, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân mà trước đây được coi là “hết cách cứu chữa”.
Công trình khoa học nổi tiếng “Cách phân chia mạch máu của gan” của GS – BS Tôn Thất Tùng được tặng Huy chương Bạc của trường đại học danh tiếng Paris (mà trường Y Dược Việt Nam lúc bấy giờ là một bộ phận).
Ông là Viện sỹ Viện hàn lâm Y học Liên Xô (cũ); Viện sỹ Viện hàn lâm Y học Paris; Hội viên Hội các nhà phẫu thuật Lyon (Pháp); thành viên Hiệp hội các nhà phẫu thuật Algeria.
Ông cùng BS Hồ Đắc Di là những người đầu tiên tham gia sáng lập và xây dựng nên trường Đại học Y khoa Hà Nội và nhiều năm ông là Chủ nhiệm khoa Ngoại, Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (sau này là Bệnh viện Việt – Đức).
Ông cũng là người có nhiều công lao đóng góp xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại.
Với những đóng góp to lớn của mình, GS – BS Tôn Thất Tùng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động; được nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 7, là Thứ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tên ông đã được đặt cho nhiều con đường ở nhiều thành phố lớn, trong đó có con đường chạy qua cổng trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Nói về cố GS – BS Tôn Thất Tùng, ai cũng biết ông là một tài năng lớn về y học của Việt Nam. Nhưng, có những điều mà ít tai biết tới trong cuộc sống hằng ngày, ông là người hết lòng yêu thương vợ con, hết lòng yêu thương người nghèo, hết lòng vì bệnh nhân… Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng luôn sống giản dị, hòa mình với những con người bình thường, hết lòng tôn trọng mọi người… Người ta kể rằng có đêm ông thao thức không ngủ chỉ vì một bệnh nhân nghèo đang thiếu chỗ nằm trong bệnh viện…
GS – BS Tôn Thất Tùng không những là một tài năng lớn, ông còn nêu một tấm gương sáng về nhân cách của người trí thức Việt Nam.