Nhớ tác giả bài hát “ Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”
Hồi gia đình nhạc sĩ Trần Kiết Tường chuyển đến nhà số 27 phố Phan Bội Châu ở gần Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN), chúng tôi thường đến nhà chơi.
Nếu nhạc sĩ Hồng Thao đã giúp tôi về Dân ca Quan Họ; thì nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã chỉ dẫn về Dân ca Nam Bộ. Anh Tường nói rằng: mình vốn thích làm biên tập, nên sau khi tập kết ở Sầm Sơn Thanh Hóa năm 1954 là mình được điều về Đài TNVN cùng lúc với Đắc Nhẫn. Gần 5 năm sau, cả hai được điều sang Ban nghiên cứu Cải Lương và thành lập Nhà Xuất bản Phổ Thông, biên tập phần âm nhạc. Có lẽ vì nhớ Đài (lời anh Tường) nên mỗi tuần đến một buổi để trao đổi học tập nhau về “công chuyện” và anh đã đóng góp cho buổi phát thanh “Hướng theo ngọn cờ cứu nước” bằng ca cảnh Đêm nay sao gọi là đêm, nói lên nỗi lòng những người lính của ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Và cũng có lẽ “dùng dằng, dan díu” với ngành Phát thanh, nên sau những năm đi “tu nghiệp” sáng tác ở Kazăctan (Liên Xô cũ), năm 1971 anh trở về Đài. Chỉ khác là ở 56 phố Quán Sứ – Đài phát thanh Giải Phóng, cùng với các nhà báo Nguyễn Thành, Hồng Mão, Lê Khánh Căn (chồng nghệ sĩ Tân Nhân)… Sau ngày đất nước thống nhất gia đình anh chị trở về Sài Gòn. Con trai anh nghệ sĩ Thanh Bình cũng trở thành biên tập viên Phòng Văn nghệ phụ trách mảng Ca cải lương và Dân ca Nam Bộ ở cơ quan thường trú Đài TNVN tại thành phố Hồ Chí Minh. Thanh Bình thường đưa chúng tôi về thăm “quê hương của Ba cháu” (Đây cũng là quê hương của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Đắc Nhẫn và Triều Dâng).
Sinh năm 1924, Trần Kiết Tường đã dành trọn vẹn cả thời ấu thơ và thanh xuân gắn bó với đất Ô Môn, Cần Thơ quê hương. Ông chơi đàn Mandolin từ khi 12 tuổi. Và từ đấy, những điệu hò buông trên sông nước lại lặng lẽ chảy vào từng sợi dây đàn, cất lên nỗi lòng quê kiểng. Cách mạng thành công, chàng trai đôi mươi này lại ôm đàn đi tuyên truyền cho cách mạng ở khắp miền Tây.
Từng bị giặc bắt. Từng vượt ngục. Dường như ông đã nếm trải tất thảy vui buồn của một người chiến sĩ cộng sản. Và ông bắt đầu sáng tác từ những ngày gian nan ấy. Trong số những bài hát đầu tay thì ca khúc Anh Ba Hưng là một bài ca giản dị và được nhiều người thuộc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Bài này dựa trên điệu dân ca Nam Bộ Con chim manh manh (Con chim manh manh nó đậu cây chanh…) với lời ca thật chân chất và hồn nhiên: “Có anh Ba Hưng/ Vốn thiệt nông dân/ Đi lính hơn năm trường/ Vừa mới được huân chương”…
Sau ngày tập kết ra bắc, về Đài TNVN ông đã có thêm các ca khúc như: Cánh tay miền Nam trên đất Bắc, Bánh xe lăn, Quê hương ơi ta sẽ về, Bài ca chiến thắng… Đỉnh cao trong sáng tác của ông là ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Điệu hò dân gian của vùng “gạo trắng nước trong” – điệu hò Cần Thơ, còn gọi là Hát đối Cần Thơ – đã hiện ra mênh mang khôn cùng khi mở đầu khắc họa bằng âm thanh về vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, với 6 lần so sánh bằng chữ “hơn” trong ca từ một cách tự nhiên: “Hò ơ … hơ …/Tôi hát ngàn lời ca / Bao la hơn những cánh đồng / Mênh mông hơn mặt biển Đông/ Êm đềm hơn những dòng sông/ Tôi hát ngàn lời ca/ Nồng nàn hơn nắng ban mai/ Đẹp tình hơn cánh hoa mai/ Hùng thiêng hơn núi sông dài/ Là một niềm tin – Hồ Chí Minh!”.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường có lần tâm sự: “Tôi viết bài hát này vào năm 1960 tại Hà Nội. Nếu ca ngợi Bác mà làm cho bài hát không đi sâu vào lòng dân, và Bác khó chịu thì không được, mà đối với Bác thì phải chọn lời ca sao cho thật xứng đáng. Tôi cố sức để nâng cao dần tính tư tưởng của tác phẩm. Tôi nghĩ: Bác không chỉ là một con người cá biệt có những đức tính vĩ đại. Bác là tinh hoa của Đảng, của dân tộc. Ca ngợi Bác cũng chính là ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là nguồn cảm hứng dạt dào làm tôi sung sướng vô cùng. Viết xong tôi chưa dám đưa ra trình diễn. Trong hai năm, tôi hát cho bạn bè cùng nghe. Năm 1962 tôi ốm nặng, phải nằm bệnh viện, tưởng không qua được. Tôi nhắn người nhà lấy bài hát đó đưa cho anh Quốc Hương hát. Và nghệ sĩ Quốc Hương đã hát cho Bác nghe đến bảy lần. Cho đến nay, nhiều anh chị em nghệ sĩ đã biểu diễn bài hát này với tâm hồn rung động chân thật của mình. Xin cảm ơn các bạn, và tôi cũng xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ các nước anh em đã hát bài này với tấm lòng thành kính nhất đối với Bác, đặc biệt nữ nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật quân đội Bungari biểu diễn rất thành công tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Đầu năm 1999, nhạc sĩ Thuận Yến và tôi vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, Trần Thanh Bình đưa chúng tôi đến thăm ông – người nhạc sĩ cuối đời còn có thêm hai bài hát hay là Áo bà ba và Hoa Mimoza. Giọng nói hơi khó, ngồi trên xe lăn, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, nhận ra chúng tôi ai cũng cảm động. Có ngờ đâu cuối năm ấy, ông đã vĩnh biệt chúng ta.
Với tôi, học được ở nhạc sĩ Trần Kiết Tường không chỉ giỏi vận dụng dân ca trong sáng tác ca khúc, trong soạn nhạc không lời, mà luônnhiệt tình sưu tầm giới thiệu dân ca Nam Bộ quê hương ông. Những bản ghi âm của ông đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận với một vùng dân ca đầy màu sắc và chan chứa tình người mà tôi đã vận dụng nó trong ca khúc Bên Lăng Bác Hồ. Tôi còn nhớ những bản ghi âm của ông về các điệu Lý khá trung thực so với nguyên gốc như: Lý giao duyên, Lý con sáo, Lý cây bông, Lý bốn mùa… đặc biệt là những bài dân ca mang tính chất đồng dao mà ông đã ghi âm và được phổ biến rộng rãi trên miền Bắc lúc đó như: Con chim manh manh, Bắc kim thang…
Tôi viết vài dòng nhớ đến ông – người nhạc sĩ Nam Bộ được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001, cũng nhắc tới nghệ sĩ, nhà báo Trần Thanh Bình (con trai ông) – một biên tập viên xuất sắc thuộc phòng Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài TNVN đã mất cách đây vài năm.